HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
ỦY BAN GIỚI TRẺ VÀ THIẾU NHI
GIA ĐÌNH – TRƯỜNG DẠY
VỀ TÌNH LIÊN ĐỚI
Bạn trẻ thân mến!
Chúng ta đang sống trong một thế giới năng động với những đổi thay từng giờ từng phút, và chính các bạn sẽ là người góp phần quyết định thế giới này ra sao và như thế nào. Với chủ đề: Gia đình – trường dạy về tình liên đới. Bản tin tháng 10 mời gọi và hướng các bạn đến một sự hiệp thông, liên đới để xây dựng con người và thế giới, liên đới không chỉ về kiến thức trong một thế giới phẳng, nhưng còn cả về tương quan con người, cách riêng tương quan của những người trẻ, và nhất là tương quan của những con người thuộc về thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô.
Trong Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (Thông điệp Quan tâm đến vấn đề xã hội, số 40, năm 1987) Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II nhận định: “Tình liên đới phải góp phần vào việc thực hiện ý định của Thiên Chúa trên bình diện cá nhân lẫn bình diện xã hội, quốc gia và quốc tế”. Điều đó đồng nghĩa với việc các bạn được mời gọi thực hiện ý định của Thiên Chúa trong thế giới mà chính Thiên Chúa tạo dựng, và ý định này mời gọi các bạn khởi đi từ ngay trong môi trường cơ bản – môi trường gia đình.
Tuy nhiên, sẽ có nhiều bạn trẻ tự hỏi: tại sao tôi phải sống liên đới trong gia đình? Có cần thiết tôi phải sống trong sự liên đới gia đình không? Vậy đâu là tự do của tôi? Trả lời cho câu hỏi này được gợi mở từ trong tài liệu Học thuyết xã hội của Giáo hội số 192 như sau: “Liên đới nhấn mạnh đặc biệt đến bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá và các quyền và con đường chung của các cá nhân và các dân tộc hướng đến một sự hợp nhất ngày gắn bó hơn…”. Như vậy, liên đới tự chính nó nằm trong bản tính xã hội nội tại trong thực thể con người của các bạn, và khi các bạn sống tình liên đới với người khác – cụ thể là sống trong tình liên đới với các thành viên trong gia đình, là các bạn đang sống đúng phẩm giá của chính mình, các bạn đang thăng tiến chính con người của mình, cách riêng phẩm giá là con cái của Thiên Chúa.
Ước mong với vài nét gợi ý có tính cách chấm phá, các bạn – những người trẻ sẽ tìm cho mình được cách thế thực hiện tính liên đới trong từng suy nghĩ, trong từng cá nhân, và tính liên đới này sẽ tạo nên tình liên đới trong gia đình (và hướng ra ngoài xã hội). Đó là cách thế để các bạn góp phần xây dựng thế giới theo thánh ý của Thiên Chúa.
GIA ĐÌNH KITÔ GIÁO – CỘNG ĐỒNG YÊU THƯƠNG VÀ LIÊN ĐỚI NƠI GIÁO DỤC CON CÁI
Gia đình được xây dựng trên chính bản tính của tình yêu vợ chồng.
1. Gia đình Kitô giáo là chiếc nôi của sự sống và tình thương
Đức Chúa là Thiên Chúa phán, “Con người (*) ở một mình thì không tốt, Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.” (St 2,18), và Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người (St 2, 21-22).
Từ những đoạn sách Sáng thế trên đây, chúng ta nhận ra, Eva được tạo dựng từ Adam, giống Adam, và cả hai nên một (St 2, 24); (Mt 19, 5-6). “Sự liên kết giữa họ đã tạo nên một thứ cộng đoàn đầu tiên giữa người với người… “- là Gia đình (Cđ. Vat. II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 12).
Sau khi Thiên Chúa sáng tạo nên con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ và Thiên Chúa phán với họ, “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.” (St, 1,28).
Từ lời Chúa đã dẫn, chúng ta nhận ra Adam và Eva, cả hai cùng tham gia và cùng có trách nhiệm vào việc sinh sản khiến họ trở thành người cọng sự với Thiên Chúa trong kế hoạch yêu thương của Ngài đối với nhân loại.
Chính vì vậy, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông Huấn Christifideles Laici (Tông huấn về Ơn gọi và Sứ mệnh người giáo dân), số 40, khẳng định, “Gia đình là chiếc nôi của sự sống và tình thương”.
2. Gia đình Kitô giáo vượt trên các gia đình
Đức Giêsu được sinh ra và lớn lên trong một gia đình cụ thể, chấp nhận những đặc điểm của gia đình (ĐGH Phaolô VI, Diễn văn ngày 05/01/1964 tại Nazareth), và đem lại cho định chế gia đình phẩm giá cao quý nhất, đó là biến gia đình thành thành một bí tích của giao ước mới (Mt 19,3-9).
Do đó, Gia đình Kitô giáo vượt trên các gia đình bình thường vì những bậc làm cha mẹ đã thề hứa trước mặt Chúa và Giáo Hội rằng, họ sẽ yêu thương và kính trọng nhau suốt đời. Đặc biệt, lời hứa đón nhận, nuôi dưỡng con cái mà Chúa sẽ ban và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh.
Gia đình Kitô giáo với việc giáo dục con cái
Đã có nhiều Đấng bậc trong Giáo Hội, nhiều văn kiện của Giáo Hội nói đến gia đình, đặc biệt đến việc giáo dục con cái. Ở đây, chúng ta xét xem điều gì là tiên quyết của việc giáo dục con cái dưới một góc nhìn của Giáo huấn Xã hội Công giáo?
GHXHCG số 238, trích lời phi lộ trong Hiến chương về Quyền Gia đình, Vatican, 1983, gia đình chính là “cộng đồng yêu thương và liên đới, nơi duy nhất thích hợp để dạy dỗ và truyền đạt các giá trị văn hóa, đạo đức, xã hội, tâm linh và tôn giáo, rất cần cho các thành viên của gia đình và xã hội được phát triển và hạnh phúc”. Như vậy, để làm tốt việc giáo dục con cái điều tiên quyết là phải làm cho gia đình mình trở thành một cộng đồng yêu thương và liên đới vì đó là nơi duy nhất thích hợp cho việc giáo dục con cái.
Thật vậy,
1. Gia đình được xây dựng trên chính bản tính của tình yêu vợ chồng.
Gia đình đặt nền tảng trên sự lựa chọn tự do của hai vợ chồng muốn kết hợp với nhau trong hôn nhân, đồng thời trên sự tôn trọng ý nghĩa và các giá trị của định chế hôn nhân, tức là sự cộng tác thân mật trong sự sống và tình yêu, do Thiên Chúa thiết lập.
Định chế hôn nhân không phải là kết quả của những thỏa thuận của con người, sự ràng buộc của luật pháp, nhưng ổn định là do quyết định của Thiên Chúa (Cđ Vat. II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 48). Nó được khai sinh do một hành vi nhân linh, qua đó hai bên trao phó bản thân mình cho nhau, và được xây dựng trên chính bản tính của tình yêu vợ chồng (GHXHCG, số 215).
2. Vợ, chồng là những nhân vị trong gia đình.
Chính nhờ tình yêu, vốn là thực tại căn bản để định nghĩa hôn nhân và gia đình, mà mỗi người, nam hay nữ, được nhìn nhận, được chấp nhận, và được tôn trọng theo đúng phẩm giá của mình – Nhân vị (GHXHCG số 221).
3. Gia đình là một cộng đồng các ngôi vị.
Vì tình yêu vợ chồng, khiến hai bên dứt khoát dấn thân cho nhau (GLCG 1639), điều đó nói lên mối quan hệ giữa vợ – chồng, cha mẹ – con cái, rộng hơn mọi thành phần trong gia đình in đậm sự tôn trọng quyền lợi, nghĩa vụ của nhau, sự bổ trợ lẫn nhau, và tính liên đới giữa mọi người trong gia đình (GHXHCG, số 215).
Đến đây, có thể nói, gia đình là một cộng đồng các ngôi vị, do đó về phương diện giáo dục, cha mẹ cần phải quan tâm đặc biệt tới con cái – là những nhân vị, hồng ân của Thiên Chúa, bằng cách phát triển lòng quý mến sâu xa phẩm giá riêng của chúng, tôn trọng và quảng đại lưu tâm đến các quyền lợi của chúng, … (GHXHCG, số 244).
Có thể nói ?
Tình yêu vợ chồng, con cái làm cho mọi thành viên trong gia đình tôn trọng nhau như những nhân vị, biết bổ trợ nhau và liên đới với nhau; ngược lại, điều mà nhiều người trong chúng ta không dễ nhận ra, là nhờ biết tôn trọng, bổ trợ nhau, liên đới với nhau, mà gia đình trở thành cộng đồng yêu thương và liên đới – môi trường sống (GHXHCG, số 212), trong đó con cái “phát triển các tiềm năng của mình, ý thức về phẩm giá của mình, và chuẩn bị đối mặt với định mệnh độc nhất và duy nhất của mình” (Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus – Bách Chu niên, số 39).
————————————–
(*) “con người” ở đây có thể hiểu là Ađam.
Tôma Hoàng Kim Khánh
Nguồn: Conggiao.infro
BÍ TÍCH THÁNH THỂ
Hiện diện, hiệp thông và hành động
Kỷ Niệm 100 Năm Thành Lập Thiếu Nhi Thánh Thể
La Vang, 22-8-2018
(Kỳ 1)
Đức Cha Phê-rô Nguyễn Văn Viên
Dẫn nhập
Nội dung đức tin Ki-tô giáo cho chúng ta biết rằng trong thân phận con người, Chúa Giê-su vừa là Thiên Chúa, vừa là bí tích của Thiên Chúa, bởi vì, nhờ Người, khuôn mặt nhân loại của Thiên Chúa được tỏ hiện. Nhờ Người, nhân loại không chỉ nhìn thấy Thiên Chúa mà còn gặp gỡ, trò chuyện và đi vào mối tương giao thân mật với Thiên Chúa nữa. Sự hiện diện của Chúa Giê-su không chỉ kết thúc với đau khổ, chết và phục sinh. Quả thật, Người tiếp tục hiện diện theo nhiều hình thức khác, đặc biệt, Người hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể. Nhờ Chúa Giê-su Thánh Thể, với con mắt đức tin, nhân loại cảm nghiệm được rằng Người không chỉ hiện diện, mà còn trở nên Bánh Hằng Sống, Của Ăn cho tất cả mọi người trong hành trình trần thế.
Chúng ta ai cũng có kinh nghiệm rằng những người sắp lìa đời thường trối lại cho những người thân thuộc điều này điều kia hoặc phân chia tài sản của mình cho kẻ này người nọ. Theo các sách Tin Mừng, trong Bữa Ăn Tối Cuối Cùng (the Last Supper), trước khi bước vào cuộc khổ nạn và phục sinh, Chúa Giê-su đã thiết lập Bí Tích Mình và Máu Người, Bí Tích Thánh Thể, để ở lại với các môn đệ, cũng như với tất cả các mọi người trong gia đình nhân loại cho đến tận thế (Mt 26,26-29; Mc 14,22-25; Lc 22,19-20). Người cũng truyền dạy các môn đệ của mình: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Trung thành với lời dạy của Chúa Giê-su, các môn đệ Người đã luôn thực thi như vậy.
Sau Kinh Thánh Tân Ước, giáo lý về Bí Tích Thánh Thể đã được đề cập khá sớm, vào khoảng thập niên 90 của thế kỷ thứ nhất, trong ‘Giáo Huấn của các Tông Đồ’ (Didache). Qua dòng lịch sử, Giáo Hội luôn cử hành bí tích huyền diệu này. Đồng thời, Giáo Hội không ngừng tìm hiểu, suy niệm, diễn tả niềm tin và truyền thống về Bí Tích Thánh Thể.
Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium (1963) của Công Đồng Vatican II (1962-1965) nhấn mạnh rằng Bí Tích Thánh Thể là: “Bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc ly phục sinh” (SC 47). Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium (1964) của Công Đồng Vatican II thì khẳng định Bí Tích Thánh Thể là “nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Ki-tô giáo” (LG 11). Các bí tích khác của Giáo Hội luôn liên kết chặt chẽ với Bí Tích Thánh Thể, trung tâm của đời sống Giáo Hội, bởi vì, Bí Tích Thánh Thể tiếp nối hy tế của Chúa Giê-su trên thập giá cho phần rỗi của tất cả mọi người.
Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu về Bí Tích Thánh Thể theo ba chiều kích chính, đó là: hiện diện, hiệp thông và hành động.
1. Hiện diện
Theo thánh Gio-an tông đồ, Chúa Giê-su là Lời Vĩnh Cửu của Thiên Chúa, đã hiện diện trong buổi đầu Thiên Chúa sáng tạo. Nhờ Người, muôn vật được tạo thành (Ga 1,1-3). Khi thời gian tới hồi viên mãn, Người đã nhập thể và sống giữa gia đình nhân loại. Người đã rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa và thiết lập Giáo Hội. Người hiện diện trong Giáo Hội cũng như trong thế giới thụ tạo dưới nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, Người hiện diện trong cộng đoàn cầu nguyện như Người nói: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20). Người hiện diện trong những người sống yêu thương, hiệp thông và đùm bọc lẫn nhau. Người hiện diện trong những người loan báo Tin Mừng. Người hiện diện trong những người phục vụ Giáo Hội. Đặc biệt, Người hiện diện trong cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể, hình thức hiện diện cao trọng nhất, bởi vì, ở đây, con cái Giáo Hội được nuôi dưỡng bằng Của Ăn Hằng Sống là Thịt và Máu Người, chứ không chỉ là ân sủng hay quyền năng của Người như các hình thức hiện diện khác.
Trong tương quan giữa Giáo Hội và Bí Tích Thánh Thể, Đức Hồng Y Henri de Lubac (1896-1991) diễn tả rất khúc chiết: Bí Tích Thánh Thể làm nên Giáo Hội và Giáo Hội làm nên Bí Tích Thánh Thể. Quả thực, theo Hiến Chế Lumen Gentium, việc Chúa Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể và chịu nạn, chịu chết trên thập giá với trái tim bị đâm thủng, máu cùng nước chảy ra, trở thành biến cố nền tảng cho sự khai nguyên Giáo Hội (LG 3). Như vậy, sự hiện diện của Giáo Hội giữa lòng nhân thế được định dạng bởi sự hiện diện của Chúa Giê-su Thánh Thể và ngược lại, sự hiện diện của Chúa Giê-su Thánh Thể được tiếp tục nhờ sự hiện diện của Giáo Hội. Khi nói ‘Bí Tích Thánh Thể làm nên Giáo Hội’, chúng ta hiểu rằng Chúa Giê-su Thánh Thể là nguyên nhân của sự quy tụ các tín hữu. Còn nói ‘Giáo Hội làm nên Bí Tích Thánh Thể’, chúng ta hiểu rằng Giáo Hội tiếp tục với giáo huấn của Chúa Giê-su ‘hãy làm việc này mà nhớ đến thầy’ để cử hành mỗi ngày, đồng thời, Giáo Hội đào sâu và quảng diễn giáo lý về bí tích cao trọng này cho con cái mình.
Khi chúng ta ý thức rằng Bí Tích Thánh Thể làm nên Giáo Hội và Giáo Hội làm nên Bí Tích Thánh Thể, cũng là khi chúng ta có được sự hiểu biết đúng đắn hơn về thực tại Giáo Hội. Theo đó, Giáo Hội trước hết không phải là tòa nhà, là thể chế hay xã hội hoàn hảo, mà là thực thể sống động và không ngừng lớn lên giữa lòng nhân loại. Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô, trong đó, Bí Tích Thánh Thể luôn là nguồn mạch, là đỉnh cao và là trung tâm của đời sống Giáo Hội. Như thế, Giáo Hội, cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể phân biệt với các hình thức cộng đoàn khác trong môi trường nhân loại. Thấm nhuần tư tưởng của thánh Phao-lô, trong Thông Điệp Mystici Corporis Christi (1943), Đức Thánh Cha Piô XII đã khẳng định: “Nếu chúng ta định nghĩa và diễn tả Giáo Hội thật của Chúa Giê-su Ki-tô – Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo, tông truyền và Giáo Hội Rôma – chúng ta sẽ không tìm được điều gì cao trọng hơn, uy nghi hơn, thần thiêng hơn sự diễn tả Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô” (Mystici Corporis Christi 13).
Chúng ta có thể khẳng định rằng ở đâu Bí Tích Thánh Thể được cử hành, ở đó có Giáo Hội. Tuy nhiên, điều này không dẫn chúng ta đến nhận thức rằng cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể hay Giáo Hội địa phương là thực thể tự trị, là Giáo Hội theo nghĩa tròn đầy. Trong thực tế, Giáo Hội phổ quát hiện diện trong Giáo Hội địa phương và ngược lại Giáo Hội địa phương hiện diện trong Giáo Hội phổ quát. Do đó, cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể luôn được mời gọi hướng lòng trí mình về Giáo Hội duy nhất, Giáo Hội của Chúa Giê-su, Giáo Hội qua đó Thiên Chúa quy tụ muôn vật muôn loài. Đặc biệt, cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể luôn hướng về Kinh Thánh như là nguồn quy chiếu căn bản cho niềm tin, truyền thống và thực hành của mình.
(Còn tiếp)
7 THÓI QUEN TỐT CỦA GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO
Kế hoạch của Thiên Chúa dành cho gia đình là trở nên một kiểu mẫu cho tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.”Gia đình Kitô giáo là sự hiệp thông giữa các nhân vị, là dấu vết và hình ảnh của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Hoạt động sinh sản và giáo dục của gia đình là phản ánh công trình tạo dựng của Chúa Cha. Gia đình được kêu gọi tham dự vào việc cầu nguyện và hy lễ của Đức Kitô”(GLGHCG 2205).
Mỗi gia đình đều được mời gọi trở nên thánh thiện và đó là công việc của chúng ta, là các bậc cha mẹ, làm cho Chúa Kitô trở thành trung tâm của gia đình. Làm thế nào anh chị em có thể xây dựng một nền văn hoá đức tin trong gia đình? Cách tốt nhất để dạy con cái của anh chị em về Thiên Chúa và đường lối của Giáo hội Công giáo là gì?
Đó không phải là việc dễ dàng! Nơi tốt nhất để bắt đầu là cầu nguyện. Chúng ta không có tất cả các câu trả lời, nhưng Đức Thiên Chúa thì có. Hãy thiết lập giờ cầu nguyện thường xuyên mỗi ngày và cầu xin Chúa ban cho anh chị em sự khôn ngoan trong việc nuôi dạy con cái của mình. Chúng ta cũng có thể học hỏi từ các thánh và những người nam nữ thánh thiện đã đi trước chúng ta.
Để dễ hiểu, bức hình đồ họa (infographic) sẽ giúp anh chị em biết được 7 thói quen mà các gia đình Công giáo nên cố gắng khai triển. Hãy dành thời gian để nói về điều này với vợ/chồng và con cái của mình. Hãy suy nghĩ các ý tưởng để làm sao có thể kết hợp đức tin vào các hoạt động hàng ngày của anh chị em. Anh chị em sẽ thêm gì vào danh sách này?
Giới Công giáo đã nói về “các lựa chọn” khác nhau để giúp bảo vệ đức tin, đang đối mặt với nền văn hoá sự chết ngày càng hung hăng. Tất cả những lựa chọn này đều có một điểm chung, đó là: Hãy là Kitô hữu đích thực. Một trong những cánh hoa của đóa hoa đức tin xinh đẹp của chúng ta là đời sống cầu nguyện. Để đảm bảo rằng con cái của chúng ta sống trong nền văn hoá đương đại mà đức tin của chúng vẫn tinh tuyền, chúng ta phải sớm giới thiệu cho chúng về đời sống cầu nguyện. Hầu hết cha mẹ đã làm việc này, qua lời cầu nguyện trước bữa ăn, trước khi đi ngủ, và một số người chúc lành vào buổi sáng trước khi ra đi thực hiện các hoạt động trong ngày. Mặc dù đây là một khởi đầu tuyệt vời, chúng ta cần làm nhiều hơn nữa. Chúng ta cần phải hướng dẫn chúng gặp gỡ Chúa Kitô. Tất cả các “lựa chọn” có sự thật và vẻ đẹp nên được nhóm lại với nhau như những cánh hoa trong một đóa hồng. Cầu nguyện chỉ là một trong những cánh hoa, nhưng nó là một cánh hoa thiết yếu trong việc giao tiếp với Thiên Chúa vì mục đích đâm rễ sâu đức tin cho các thế hệ tương lai và cho sự phát triển mạnh mẽ của Mẹ Giáo Hội Mẹ.
Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2017,
Tạ Ân Phúc trích dịch
(Nguồn: “Chương trình chuyên đề giáo dục – Ban mục vụ gia đình TGP Sài Gòn – TP HCM)
TIẾN VỀ PANAMA CÁC BẠN TRẺ PHÁP VƯỢT ĐẠI TÂY DƯƠNG
ĐỂ ĐI DỰ NGÀY THẾ GIỚI TRẺ Ở PANAMA
Các bạn trẻ Pháp vượt Đại Tây Dương để đi dự Ngày Thế giới Trẻ ở Panama © Jean-Marie Heidinger
Đối với một số người, Ngày Thế giới Trẻ còn xa (22 đến 26 tháng 1 – 2019) nhưng với 17 bạn trẻ người Pháp thì bây giờ họ đã lên đường. Họ giăng buồm vượt Đại Tây Dương!
Không thể nào đi về phía tây bằng đường bộ. Ở tận mũi của đảo Crozon, trong một vùng gọi là vùng Finistère, có ngôi nhà nguyện nhỏ ở một khoảng đất trước cảng. Đó là nhà nguyện Đức Mẹ Rocamadour, Đức Mẹ Đen được tôn kính trong đền thánh Lot, trong nhiều thế kỷ qua Mẹ cầu bàu cho các thủy thủ trên biển cả. Ngày thứ sáu 31 tháng 8 vừa qua, 17 bạn trẻ sắp giăng buồm đi Panama đã tham dự thánh lễ ở đây, họ sẽ đến bên Đức Phanxicô trong Ngày Thế giới Trẻ tháng 1 – 2019 tại Panama.
Năm tháng vượt biển, với các trạm dừng chân ở cảng Iberic Phi châu, ở vùng Antilles và ở Châu Mỹ La Tinh, như thế là họ vượt Đại Tây Dương bằng buồm, không kể khi về, một vài người sẽ đi tàu từ tháng 5-2019. Họ sẽ đến Tây Ban Nha và từ đó cùng đi với một gia đình, gia đình này đi thuyền buồm vòng quanh thế giới và cùng đi theo họ đến Panama.
Sau thánh lễ, các bạn trẻ đã xin Đức Mẹ: “Xin Mẹ giúp chúng con sống lòng nhiệt thành, ngông cuồng, vẫn giữ được hồn nhiên, tự do vì chúng con bị xem là người vô lý”. Chắc chắn, sự ngông cuồng không lạ gì với dự án này. Họ là các sinh viên trẻ, những người trẻ đã ra nghề giữa độ tuổi 20 và 28, họ đến từ nước Pháp và từ các chân trời khác nhau, họ có một lý tưởng cao lớn. Tất cả đều muốn đi tìm một cuộc phiêu lưu ngoại thường và một chiều kích thiêng liêng sâu đậm. Ba phần tư trong số họ là những người mới tập tễnh vô nghề… thuyền buồm. Nhưng họ không hoảng sợ, họ được hai người có kinh nghiệm đi thuyền buồm đi cùng: ông Jean-Yves Robert, ngoài sáu mươi, cựu phi công chuyển qua lái tàu buôn hàng hải, bây giờ ông về hưu và là người thân cận với cơ quan bác ái Tressaint, và ông Thierry Pichon, ngoài năm mươi, cựu nhân viên hàng hải quốc gia.
Ở cảng Camaret-sur-mer, Ker Maï và phía bên kia là Exultet. © Jean-Marie Heidinger
Với giọng bình thản, Giám mục Dognin, giám mục giáo phận Quimper giảng trong thánh lễ: “Đại dương là nơi thanh lọc. Với sự mãnh liệt của đại dương, đại dương nhắc chúng ta nhớ đến sự nhỏ bé của mình. Tính kiêu ngạo của con người nhường bước trước biển cả”. Khó tìm được sự lo lắng nơi các người trẻ phiêu lưu này, may ra tìm được một chút lo lắng ở một vài cha mẹ có mặt trong ngày con mình ra đi này. Một người cha thì thầm: “Chúng tôi hơi cảm động”. Một người mẹ tin tưởng, nhưng không khỏi không lo: “Chúng tôi hỗ trợ con hết mình, dù trong bụng cũng có lo, làm sao không lo khi để con mình ra đi đến một nơi mình không biết. Tôi cố gắng giữ bình thản”. Một người cha trấn an: “Mấy người lái tàu rất kinh nghiệm”.
“Tôi nghĩ trong hai tuần nữa thì biết tay, không chừng mình sẽ không chịu đựng được. Như thế để mình học để thương người mà mình không muốn thương. Và mình sẽ đặt để vào bàn tay Chúa để Chúa hướng dẫn mình”.
Về phía các bạn trẻ, Tristan, 28 tuổi, nhân viên phòng thí nghiệm ở Saint-Brieuc, ngày hôm trước hơi lo một chút vì có những bất ngờ vào phút chót – rất nhiều và lại là những bất ngờ lớn (sửa chữa lòng tàu, máy khử muối bị hư, động cơ gió không chạy…). Có thể anh biết nhiều hơn các bạn khác cùng đi trên tàu. Phụ cho ông Jean-Yves trên chiếc Ker Maï, chiếc thuyền buồm dài 13,5 mét, võ tàu màu vàng và chiếc buồm lớn có hình Đức Mẹ, anh sẽ chèo “như đa số người dân miền Breton”. Anh cho biết: “Khi đến Panama có thể chúng tôi sẽ rất mệt vì cơ thể chúng tôi phải thích ứng với nhịp sống trên biển. Tất cả tùy thuộc chúng tôi sẽ ăn, ngủ như thế nào”.
Một phần thủy thủ đoàn trên Exultet. © Jean-Marie Heidinger
Cô Manon 20 tuổi, người miền Coutances cho biết: “Tôi không lo, có thể khi ra xa ngoài khơi thì khi đó lại là một chuyện khác!” Còn Pierre, sinh viên kiến trúc ở Paris thì không úp mở: “Tôi nghĩ trong hai tuần nữa thì biết tay, không chừng mình sẽ không chịu đựng được. Tôi hy vọng mọi người hiểu được điều này”. Nhưng anh bình tĩnh: “Như thế để mình học để thương người mà mình không muốn thương. Và mình sẽ đặt để vào bàn tay Chúa để Chúa hướng dẫn mình”.
Và sẽ tốt thôi vì Chúa hiện diện trong chuyến phiêu lưu này. Các bạn trẻ lặp đi lặp lại, đây là chuyến đi hành hương, chứ không phải chỉ là một chuyến đi chơi trên du thuyền. Trên chiếc tàu Ker Maï có nhà tạm để luôn có sự hiện diện của Chúa trên tàu và các linh mục sẽ thay phiên nhau, trong khả năng có thể được để dâng lễ, các linh mục ở trên tàu Exultet, một chiếc thuyền buồm 18 mét khác. 15 ngày đầu là linh mục Philippe Néri (thuộc Cộng đoàn Thánh Gioan), một cộng đoàn quen thuộc với các chuyến đi hành hương trên tàu. Linh mục sẽ dâng thánh lễ trên tàu nếu thời tiết cho phép. Một tượng Đức Mẹ Santa Maria la Antigua, Đức Mẹ được người dân Panama tôn kính cũng sẽ đi theo họ. Giám mục Ulloa, giáo phận Panama đã giao phó đoàn hành hương Pháp cho Đức Mẹ.
Bây giờ là giờ thu xếp trên tàu. Phải thu xếp từng mili-mét vì không có chỗ. Cô Blandine bật cười: “Ba người ngủ trong một phòng ngủ tí tẹo!” Ông Thierry với nhịp nói nhanh như gió, ông nhắc lại lệnh phải tuân theo: “Sạch sẽ, ngăn nắp, tận tâm, quan tâm đến người khác…” Thierry là người lái tàu với đôi mắt xanh, tóc cắt ngắn, chạy lui chạy tới trên tàu, ông không giấu lòng nhiệt thành của mình: “Tuổi 20-30 là tuổi lý tưởng, họ uyển chuyển, đầy thiện chí, đi tìm sự tuyệt đối, không chán chường… Những người trẻ này muốn vượt lên chính mình, phải tháp tùng họ trên con đường này”.
Tượng Đức Mẹ Santa Maria la Antigua, Đức Mẹ được người dân Panama kính mến.
Tượng Đức Mẹ do Giám mục Ulloa tặng. © Jean-Marie Heidinger
Một giọng bên trong tàu la lên: “Thierry! Khoang máy tàu đầy nước”. Thierry biến mất vào hầm tàu. Mười mấy phút sau chúng tôi mới gặp lại ông: “Đúng là điên! Nhưng chuyến đi này vẫn là có lý. Trong suốt 15 năm, tôi đã lái tàu trên khắp các biển trên thế giới. Có nhiều nguy hiểm khi dẫm phải hòn đá cuội ở Bretagne hơn là vượt Đại Tây Dương. Khó khăn nhiều nhất của chuyến du hành trên biển là yếu tố tâm lý: trong nhiều tuần lễ liền, mọi người chờ để thấy đất liền và họ có cảm tưởng như chẳng nhích được bao nhiêu. Phải tính đến từ 15 đến 20 ngày cho chiếc Exultet và ít nhất 20 ngày cho chiếc Ker Maï.
Đứng trước sự chậm trễ cứ dồn lại, nhóm thủy thủ đoàn Exultet quyết định chiều hôm sau lên đường. Nhưng với chiếc Ker Maï thì thuyền trưởng Jean-Yves dứt khoát. Đôi mắt kiếng trên trán, râu bạc xám ba ngày chưa cạo, ông quyết định: “Chúng tôi lên đường”. Đang chuẩn bị trên boong tàu, chúng tôi không tin. Nhưng sau một vòng rà soát từ trong ra ngoài để gom lại các vật dụng còn thiếu, bây giờ là giờ từ giã… rất ngắn! Sẵn sàng lên đường, 7 thành viên thủy thủ đoàn thả neo. Sau 3 hoặc 4 ngày trên biển, hai chiếc tàu sẽ gặp nhau ở Tây Ban Nha để cùng ghé Saint-Jacques de Compostelle.
Ker Maï rời hải cảng Camaret-sur-mer. © Jean-Marie Heidinger
Đầu đuôi tích sự của chuyến đi… điên rồ này…“Đó là nhờ nghe một lời nhận xét đầy hứng khởi của một cô vừa đi dự ngày Thế Giới Trẻ ở Krakow về, cô là một người trẻ mới tốt nghiệp. Cô nói ngày Thế Giới Trẻ lần sau ở Panama sẽ không có sự tham dự của người Pháp vì nhằm vào mùa đông và ở tận bờ bên kia bờ Đại Tây Dương. Nhưng chính tháng 1 mới là tháng tốt nhất để vượt Đại Tây Dương. Ý tưởng đó cứ ở trong đầu tôi. Tôi gặp một thuyền trưởng thiện nguyện khác. Rồi chúng tôi bắt đầu truyền nhau trên internet”. (Jean-Yves Robert, thuyền trưởng chiếc Ker Maï.)
Marta An Nguyễn dịch
Ban biên tập mời gọi các bạn đóng góp những câu chuyện của bạn, của cuộc sống xung quanh bạn thông qua chủ đề của tháng 11 năm 2018:
GIA ĐÌNH – TRƯỜNG DẠY VỀ CÔNG ÍCH
Bài viết xin gửi về từ ngày 15 đến ngày 20 mỗi tháng qua địa chỉ email: cayouth.vn@gmail.com
VĂN PHÒNG UBGT / HĐGMV
72/12 Trần Quốc Toản, phường 8, Quận 3 Tp. Hồ Chí Minh
TIN LIÊN QUAN: