Kính thưa cộng đoàn!
Khi nói đến tử đạo chúng ta lập tức liên tưởng đến sự chết, bởi lẽ tử là chết, tử đạo là chết vì đạo, cách hiểu đó không sai nhưng có thể chỉ giới hạn chúng ta lại, giới hạn cuộc đời các thánh tử đạo như những câu chuyện cổ tích xa xưa mà không có liên quan gì đến đời sống tín hữu của chúng ta.
Tử đạo có nghĩa là chết làm chứng cho Chúa, và tử đạo cũng có nghĩa là người làm chứng, công việc của chứng từ. Làm chứng cho Chúa có thể làm chứng bằng chính sự sống của mình, nhưng có thể làm chứng bằng lời nói, có thể làm chứng bằng việc làm, có thể làm chứng bằng lời cầu nguyện, có thể làm chứng bằng cuộc sống, lương tâm trung thực ngay thẳng. Vì thế cho nên khái niệm tử đạo cần được hiểu rộng hơn vượt ra ngoài biên giới của một khái niệm hạn hẹp đó là sự chết.
Khi nói như thế thì cái chết của các vị tử đạo cách đây hơn 100 năm có liên hệ đến mỗi người tín hữu chúng ta, và khi nói như thế thì khái niệm tử đạo cũng gần gũi với mỗi người tín hữu chúng ta, bởi lẽ tử đạo không chỉ có nghĩa là chết nhưng còn có nghĩa là làm chứng cho Chúa. Thánh Théophane Vénard – một linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris đã đến quê hương Việt Nam đất nước chúng ta, đã làm chứng cho Chúa, đã rao giảng Tin mừng, đã sống một cuộc đời thánh thiện, đã thi hành sứ vụ của một linh mục, của một thừa sai đó là loan truyền danh thánh Chúa cho một miền đất còn xa xôi, còn lạc hậu chưa bao giờ được nghe nói về Đức Giêsu. Thiên Chúa đã giành Thánh Théophane Vénard như một món quà tặng cho dân tộc và Giáo hội Việt Nam, bởi lẽ tiểu sử của Ngài có kể lại rằng: Ban đầu Bề trên của Hội thừa sai Paris đã sai Thánh Théophane Vénard đến Hồng Kông để Người học tiếng Trung Quốc và để Người giảng đạo ở đó nhưng mà Thánh Théophane Vénard đến Hồng Kông cả năm trời cố gắng để học tiếng Trung Quốc nhưng mà không học được tiếng ấy bởi vì đó là một ngôn ngữ rất khó khăn. Có thể Chúa muốn giành Thánh Théophane Vénard cho đất nước Việt Nam, vì thế mà trong một thư gửi cho Cha bề trên, Người đã viết rằng: “Thưa Cha bề trên, con đến Hồng Kông được một năm rồi, nhưng con học tiếng Trung Quốc không hiểu gì cả, và không nói được. Vì thế, con nghĩ rằng Chúa muốn sai con đi đến một miền văn hóa khác, một đất nước khác, có thể ở đó con dễ dàng với khả năng của mình học ngôn ngữ hội nhập cuộc sống xã hội và để loan truyền danh Đức Kitô”. Cha Bề trên đã cử Cha Théophane Vénard đến Việt Nam và người đã nhanh chóng học được tiếng Việt để có thể giảng Lời Chúa, có thể hướng dẫn cho mọi người tín hữu sống đạo. Và như chúng ta biết, Người yêu mến quê hương đất nước này và Người đã làm chứng cho Chúa đến giọt máu cuối cùng, hy sinh mạng sống noi gương Đức Giêsu đấng đã chết trên thập giá để làm chứng cho Chúa Cha và làm chứng cho tình yêu vô bờ của Thiên Chúa đối với nhân loại.
Kính thưa quí ông bà và anh chị em!
Mừng lễ Thánh tử đạo, chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta được nhận ra ơn gọi tử đạo của mỗi người tín hữu trong bối cảnh xã hội hiện tại, như tôi vừa thưa với cộng đoàn, tử đạo không chỉ có nghĩa là chết nhưng tử đạo còn có nghĩa là sống và làm chứng cho Chúa. Chính vì thế mà ngay trong cuộc đời của chúng ta, nếu tử đạo không được hiểu theo nghĩa hẹp là máu chảy đầu rơi chịu chấp nhận sự chết thì tử đạo gắn liền với ơn gọi của người Kitô hữu, tử đạo đó chính là sự hi sinh, là người tín hữu muốn trung thành với Chúa, chúng ta phải chấp nhận nhiều hi sinh, hi sinh để giữ luật của Chúa, để giữ luật của Giáo hội, hi sinh để đi lễ đi nhà thờ đọc kinh, hi sinh để cùng đóng góp phần mình xây dựng đời sống đức tin, hi sinh để chấp nhận những gì thiệt thòi, những hệ lụy đi liền với hai chữ Công Giáo, bởi vì trong xã hồi ngày hôm nay, nhiều khi chúng ta nói mình là người Công Giáo có thể phải chấp nhận những thiệt thòi, chấp nhận những hệ lụy và chấp nhận những hi sinh. Là người Công giáo lương tâm chúng ta không cho phép làm những nghề, nghiệp kiếm ra nhiều tiền nhưng trái với lương tâm, trái với luật Chúa và trái với luật Giáo hội. Khi chúng ta chấp nhận những hi sinh ấy là chúng ta sống ơn gọi tử đạo. Là người cha, người mẹ trong bối cảnh xã hội hôm nay làm thế nào để điều hành gia đình, làm thế nào để giáo dục con cái về đời sống đức tin, làm thế nào để xây dựng một gia đình vừa hiếu thảo tôn ti trật tự, vừa trên kính dưới nhường, vừa yêu mến và thờ phụng Chúa. Đó cũng đòi hỏi nhiều hi sinh cố gắng đến từ nhiều phía của mọi thành phần trong gia đình và như vậy là chúng ta sống ơn gọi tử đạo.
Ơn gọi tử đạo không phải là câu chuyện xa xưa cách đây 158 năm của Thánh Théophane Vénard, ơn gọi tử đạo gắn liền với mỗi người tín hữu chúng ta và nếu chúng ta có cái nhìn đức tin và ý thức được những gì mà tôi đang trình bày chia sẻ với cộng đoàn, chúng ta sẽ thấy mỗi ngày chúng ta có thể chấp nhận ơn gọi Tử đạo mỗi phút trong cuộc sống, mỗi nơi, mỗi lúc, mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc chúng ta đều tìm thấy ý nghĩa của ơn gọi tử đạo để chúng ta thực hành điều ấy trong cuộc sống hàng ngày.
Thánh Théophane Vénard một chàng thanh niên 32 tuổi, như chúng ta biết 32 tuổi là tuổi thanh xuân, 32 tuổi là tuổi còn có nhiều có nhiều tương lai, mang trong mình nhiều thao thức, nhiều ước vọng nhưng chàng thanh niên 32 tuổi ấy sinh ra và lớn lên ở Pháp đã đến quê hương Việt Nam này, chấp nhận một cuộc sống khó khăn nghèo khổ và bách hại để làm chứng cho Chúa. Khi bị bắt và bị giam ở trong cũi, Ngài đã viết thư cho gia đình và nói rằng “con như một đóa hoa mùa xuân, một đóa hoa đang chờ để ngắt về thiên đàng dâng cho Chúa như là một của lễ đẹp lòng Chúa, tỏa hương thơm nơi thiên quốc”. Và cuối cùng, Thánh Théophane Vénard như một bông hoa, một bông hoa đỏ, bông hoa tử đạo, bông hoa ấy, còn đang ở độ trẻ trung, đầy nguồn sống đã được hái về trời để như một một lời tôn vinh Thiên Chúa, và như một chứng từ cho lòng trung thành yêu mến đối với Giáo hội.
Thưa quí ông bà và anh chị em!
Mỗi người chúng ta sống trong đường đời, chúng ta cũng như một đóa hoa mà chính Thiên Chúa trồng, Thiên Chúa chăm sóc, Thiên Chúa tô điểm. Hoa nào cũng tỏa hương thơm, hoa nào cũng phải khoe màu đua sắc, hoa nào cũng phải cố gắng để làm rạng rỡ cho đời. Chính về thế cũng giống như Thánh Théophane Vénard một đóa hoa trong Giáo hội, một đóa hoa đã được đưa về thiên đàng như một lời tôn vinh Thiên Chúa ngày hôm nay dâng lễ kính Thánh tử đạo xin Chúa cho chúng ta mỗi người như một đóa hoa trong vừa đời, một đóa hoa tỏa hương khoe sắc để làm đẹp lòng Thiên Chúa, một đóa hoa làm đẹp lòng cuộc sống xung quanh chúng ta để rồi ai nhìn thấy thì cũng cảm thấy hài lòng, và ai nhìn thấy thì cũng có thể ngửi được hương thơm sắc màu rạng rỡ của đóa hoa đó. Mỗi người tín hữu chúng ta là một đóa hoa của Chúa mà chính Chúa mong muốn nơi chúng ta hãy luôn luôn có một cuộc sống phong phú đẹp lòng Chúa và đẹp lòng anh chị em mình.
Chúng ta dâng thánh lễ hôm nay kính Thánh Théophane Vénard tử đạo, lời Chúa đã nói chúng ta về hành trình đức tin, hành trình đức tin cũng là hành trình cuộc đời và hành trình cuộc đời cũng là hành trình thập giá. Vì thế Chúa nói với chúng ta “Ai muốn theo tôi hãy từ bỏ mình vác Thập giá mà theo tôi”.
Thưa quí ông bà và anh chị em! Ai trong chúng ta cũng đã cảm nhận được sức mạnh của Thập giá trong cuộc đời, đó là sinh ra ở đời thì phải vác Thập giá có thể nặng, có thể nhẹ, có thể đường Thập giá trơn tru, có thể đường Thập giá đầy gai góc nhưng không ai thoát khỏi hành trình Thập giá. Chúa Giêsu cũng đã đi trên con đường Thập giá và ngày hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy cùng đi trên con đường ấy để đi theo Người. Ở đời này có nhiều người muốn chọn cho mình một cuộc sống trôi chảy êm đẹp luôn luôn lót thảm nhung và không có chông gai, xem ra đó chỉ là những giấc mơ, chỉ là những ảo tưởng, chỉ là những người ta tưởng tượng ra thôi còn trong thực tế cuộc đời con người nào thì cũng phải đi qua con đường Thập giá. Chúa Giêsu đã đi trên con đường ấy, Chúa Giêsu đến trần gian Ngài không mời gọi Thập giá, không mời gọi đau khổ nhưng Ngài cùng vác Thập giá với con người bước đi để rồi cuộc đời của họ không còn những chông gai nhưng trở nên nhẹ nhàng hơn bởi vì có Chúa vác đỡ và trở nên nhẹ nhàng hơn bởi vì họ đón nhận Thập giá trong tình yêu thương.
Mừng kính các Thánh tử đạo, chúng ta hãy suy nghĩ về cuộc đời của mỗi người để rồi chúng ta cậy dựa vào Chúa, phó thác đời đường cho Chúa để cuộc sống đời này trở nên nhẹ nhàng hơn, có ý nghĩa hơn vì Chúa đi cùng với chúng ta. Chúng ta hãy dâng những điều ấy lên cho Chúa và cầu xin với Thánh tử đạo Thánh Théophane Vénard, xin Người cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta trung thành như Người, yêu mến Chúa như Người, yêu mến Giáo hội như người và luôn luôn có một tâm hồn thanh thản, dâng hiến, phó dâng cho sứ điệp truyền giáo để vâng lệnh truyền của Chúa Giêsu phục sinh đem lời Chúa vào lòng cuộc đời để hình ảnh của Chúa tỏa sáng giữa chúng ta. Amen
Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên
TIN LIÊN QUAN: