Thư Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô gửi cộng đoàn Công giáo Việt Nam nhân dịp công nhận Thỏa thuận về Quy chế cho Đại diện thường trú của Tòa Thánh và Văn phòng Đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam

THƯ ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
Gửi cộng đoàn Công giáo Việt Nam nhân dịp công nhận
Thoả thuận về Quy chế cho Đại diện thường trú của Tòa Thánh
và Văn phòng Đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam

Quý Giám mục, Linh mục, anh chị em Tu sĩ và cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam thân mến,

Nguyện xin ân sủng và bình an của Chúa ở cùng anh chị em. Chúng ta hãy vui mừng tạ ơn Chúa, vì tình yêu của Chúa vĩnh cửu và luôn mãi tín trung.[1]

Tôi ao ước gửi thư này đến anh chị em, nhân dịp công nhận Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Tòa Thánh về Quy chế cho Đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam. Đức tin của Hội Thánh Công giáo trên quê hương của anh chị em được sinh ra và lớn mạnh qua bao thế hệ, đã đặt nền tảng trên giới răn: “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mt 22, 37-38). Quả vậy, đức ái là thước đo của đức tin, và đức tin là linh hồn của đức ái, và chớ quên rằng lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân là hai mặt của cùng một đồng tiền.[2]

Theo chiều hướng của các tương quan tốt đẹp được ghi nhận trong những năm vừa qua, cùng với niềm hy vọng vị Đại diện Tòa Thánh sẽ là cầu nối để phát triển quan hệ song phương, tôi đã vui mừng chào đón ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhân dịp chuyến thăm chính thức đến Vatican ngày 27 tháng 7 vừa qua. Cuộc gặp này có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình tăng cường mối quan hệ giữa Toà Thánh và Việt Nam. Về dân tộc Việt Nam, thánh Gio-an Phao-lô II đã nói rằng ai cũng biết và đánh giá cao chứng từ về lòng can đảm trong công việc, về sự kiên trì trong hoàn cảnh khó khăn, về cảm thức gia đình cũng như các đức tính tự nhiên khác.[3]

Dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau được xây dựng từng bước trong nhiều năm qua, và được củng cố bằng các chuyến thăm thường niên của phái đoàn Tòa Thánh cũng như các cuộc họp của Nhóm làm việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh, cả hai bên đã có thể cùng nhau tiến tới và sẽ còn tiến nữa, nhờ nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt. Hơn thế nữa, hai bên đã có thể đồng hành, lắng nghe nhau và hiểu nhau. Dù mỗi bên có sự khác biệt về lịch sử và kinh nghiệm sống, điều đó không thể ngăn cản cùng nhau đi tìm con đường tốt nhất để phục vụ thiện ích của dân tộc Việt Nam và Hội Thánh.

Theo giáo huấn trong Thư gửi Diognetus, một bản văn từ thế kỷ thứ hai sau Công nguyên, các Ki-tô hữu ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, nên dấu ấn cuộc sống của họ là ưu tiên thực thi bác ái, bằng cách sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc và đồng hành với dân tộc qua nỗ lực phát triển quân bình về xã hội và kinh tế. Như vậy, các tín hữu Công giáo, hoặc qua việc xây dựng Hội Thánh bằng cách cộng tác vào sinh hoạt mục vụ với tinh thần đồng trách nhiệm, hoặc một cách đặc biệt, đem tinh thần Phúc Âm vào các thực tại trần thế, họ sẽ thể hiện căn tính của mình là Ki-tô hữu tốt và là công dân tốt. Trong viễn cảnh này, khi thực hiện được những điều kiện thuận lợi cho việc thực hành tôn giáo cách tự do, các tín hữu Công giáo sẽ có thể tăng cường đối thoại và mang lại niềm hy vọng cho đất nước.

Anh chị em là con cái của Hội Thánh và đồng thời là công dân Việt Nam, như Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI năm 2009 đã nhắc lại cho các Giám mục Việt Nam: “Hội Thánh kêu gọi các tín hữu hãy chân thành dấn thân xây dựng một xã hội chính trực, liên đới và công bằng. Hội Thánh tuyệt đối không có ý định thay thế các vị lãnh đạo chính quyền, nhưng chỉ ước mong có thể tham gia cách chính đáng vào đời sống của đất nước, để phục vụ dân tộc, trong tinh thần đối thoại và cộng tác với sự tôn trọng”.[4]

Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần thực thi bác ái một cách cụ thể, nghĩa là phải có một quyết định hành động cụ thể cho con người, như đã được thực hiện trong mầu nhiệm Vượt qua và được Hội Thánh không ngừng thể hiện trong suốt dòng lịch sử, vì “trong mọi nơi và ở bất kỳ hoàn cảnh nào, các Kitô hữu … được mời gọi lắng nghe tiếng than khóc của người nghèo khổ”.[5] Chính tinh thần này đã không ngừng thúc đẩy cộng đoàn Công giáo của anh chị em có những đóng góp tích cực và ý nghĩa để phục vụ dân tộc, đặc biệt trong đại dịch Covid-19. Quả vậy, nhờ sự khuyến khích của từng Giám mục và Hội đồng Giám mục, Hội Thánh tại Việt Nam đã chứng tỏ mình là men trong xã hội, bằng cách đồng hành với sự phát triển của xã hội và đóng góp vào sự phát triển ấy với tư cách là những tín hữu có trách nhiệm và đáng tin.

Trong Thư Mục vụ năm nay, các Giám mục của anh chị em đã nhắc nhở và thúc đẩy anh chị em tham gia vào đời sống cộng đoàn qua việc yêu thương nhau, chân thành lắng nghe và thực thi đức ái, ngay cả với những anh chị em không cùng niềm tin, bằng cách quan tâm chăm sóc những người yếu kém và những người cùng khổ nhất.

Anh chị em tại Việt Nam thân mến, các tín hữu Công giáo vốn luôn sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu thường ngày của tha nhân một cách hiệu quả và tham gia đóng góp cho thiện ích chung trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trên đất nước mình; anh chị em được mời gọi thực thi giáo huấn của Chúa Giêsu là trở thành “ánh sáng của thế gian và muối của đất” để “ánh sáng của các con chiếu tỏa trước mặt thiên hạ để họ thấy những việc làm tốt lành của các con và tôn vinh Cha các con trên trời” (Mt 5,16).

Sáu mươi năm trước, trong thông điệp gửi toàn thế giới để kêu gọi mọi người chung sức xây dựng hòa bình, thánh Gioan XXIII đã viết: “Chúng ta hi vọng rằng, khi gặp gỡ và đàm phán với nhau, người ta sẽ nhận thức rõ hơn mối dây liên kết họ với nhau phát xuất từ chỗ cùng mang chung một bản tính nhân loại, và họ cũng khám phá ra rằng một trong những đòi hỏi sâu xa nhất của bản tính nhân loại chung là giữa họ với nhau và giữa các dân tộc, chính tình yêu phải ngự trị, chứ không phải nỗi sợ hãi, và tình yêu ấy biểu lộ qua sự cộng tác chân thành, đa dạng, đem lại nhiều thiện ích”.[6]

Tôi nài xin Thiên Chúa soi sáng và hướng dẫn anh chị em, để trong cuộc sống và trong các tương quan với chính quyền dân sự và với tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc hay văn hóa, anh chị em biết cách làm chứng cho tình yêu và lòng bác ái của Chúa Giê-su, để tôn vinh Thiên Chúa.

Để kết thúc bức Thư thân tình này, tôi hi vọng rằng anh chị em, quý Giám mục, Linh mục, Tu sĩ và toàn thể Dân Chúa, sẽ trở nên can đảm theo gương Chúa Giê-su. Xin Đức Mẹ La Vang đồng hành cùng anh chị em, và nhờ lời chuyển cầu đầy tình mẫu tử của Đức Mẹ, xin Chúa là Cha giàu lòng thương xót chúc lành và ban muôn ân sủng cho toàn thể Hội Thánh Công giáo tại Việt Nam, cũng như cho đất nước và dân tộc Việt Nam yêu dấu.

Vatican, ngày 8 tháng 9 năm 2023, Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ

Franciscus

Facebook

Twitter

Email

Print