Cuộc thị kiến của ông Phê-rô đã đưa ông và các tông đồ tiến tới một quyết định quan trọng. Đó là mọi dân đều có thể đón nhận ơn Cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện trong Đức Giê-su Ki-tô. Trước đó, ông Phê-rô đã thấy hình ảnh một chiếc khăn lớn từ trời. Trong chiếc khăn ấy có đủ mọi loài sinh vật, kể cả những sinh vật mà Do Thái giáo cấm ăn. Ông đã ngỡ ngàng trước thị kiến này, và sau đó ông đã hiểu thông điệp mà Chúa Thánh Thần muốn nhắn gửi: Chúa Giê-su đem ơn Cứu độ đến cho muôn dân.
Trước đó, ông Phê-rô cũng như các tông đồ khác đều hiểu ơn Cứu độ chỉ dành cho người Do Thái. Vì vậy, sau khi Chúa Giê-su về trời, các ông vẫn chuyên cần đến Đền thờ để cầu nguyện, đồng thời gặp gỡ những người Do Thái để nói với họ về sự Phục Sinh của Chúa Giê-su, nhằm minh chứng cho họ thấy: Đức Giê-su là Đấng muôn dân mong đợi và nhân loại không còn phải chờ đợi một đấng cứu độ nào khác. Khởi đi từ thị kiến nói trên, các tông đồ đã được khai trí và hoàn toàn thay đổi quan niệm chật hẹp về Ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện qua cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su thành Na-da-rét.
Sau này, sự chống đối của người Do Thái cũng dẫn ông Phao-lô đi đến một quyết định căn bản. Ông tuyên bố: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố Lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ Lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại” (x. Cv 13,44-52).
Thiên Chúa không thiên vị người nào. Ông Phê-rô khẳng định như thế. Chúa Thánh Thần như dòng suối mát, phong phú tràn trề. Bất cứ ai thành tâm tin vào Chúa Giê-su đều được Chúa Thánh Thần ban ơn phù trợ. Bài đọc I đã minh chứng: Trong lúc ông Phê-rô giảng, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống nơi tất cả những người đang nghe Lời Chúa. Như thế, không ai có quyền ngăn cản hoạt động của Chúa Thánh Thần. Ơn Chúa Thánh Thần cũng không còn là độc quyền của một số cá nhân nhưng được ban cho mọi dân mọi nước. Đây là một nét mới mẻ trong Ki-tô giáo mà ngay từ ban đầu các tông đồ đã hiểu.
Chúng ta chuẩn bị mừng lễ Chúa Giê-su lên trời. Phụng vụ hôm nay dường như muốn truyền lại cho chúng ta lời di chúc của Chúa Giê-su, hay còn gọi là di ngôn của Người. Trong khung cảnh sau bữa Tiệc ly của ngày thứ Năm trước lễ Vượt Qua, Chúa Giê-su đã trải lòng với các môn đệ bằng những lời tâm huyết tự trái tim. Người biết trước các ông sẽ phải đối diện với trăm ngàn thử thách. Người uý lạo các ông và hứa sẽ ban Đấng Phù Trợ là Chúa Thánh Thần. Giữa những khó khăn thử thách chất chồng ấy, các ông có thể tìm thấy sức mạnh nơi tình yêu thương. Lời dặn: “Hãy yêu thương nhau” được lặp đi lặp lại như điệp khúc của bản nhạc diễn tả tâm tình thầy trò vào giờ phút linh thiêng nhất. Chúa nói với họ: Người sẽ không còn hiện diện hữu hình như từ trước tới nay nữa nhưng Người sẽ hiện diện giữa họ và trong lòng họ, nếu họ yêu mến Người và yêu mến nhau. Chính tình yêu mến dành cho Chúa Giê-su và cho anh em sẽ làm nên sức mạnh của cộng đoàn tín hữu và sẽ là điều kiện để những hoạt động của các ông sinh hoa kết trái.
Lời mời gọi yêu thương được gửi đến các Ki-tô hữu từ hai ngàn năm nay. Lời ấy còn phải được lặp đi lặp lại mãi, bao lâu chúng ta còn hiện hữu trên trần gian. Bởi lẽ, đây là giới răn cốt lõi quan trọng và là điều kiện căn bản để trở thành môn đệ của Chúa Giê-su. Hơn nữa, bản tính con người do yếu đuối và hữu hạn, luôn có khuynh hướng đi ngược lại giới răn yêu thương. Tiếc thay có những lúc đức yêu thương bị lãng quên nơi các cộng đoàn và nơi cá nhân những Ki-tô hữu. Như thế, vô tình hay hữu ý, họ làm lu mờ hình ảnh Đức Giê-su nơi đời sống đức tin, thậm chí biến Người thành một kẻ xa lạ. Chúa đã khẳng định: Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Yêu thương là cốt lõi giáo huấn của Chúa Giê-su. Tông đồ Gio-an đã thấm nhuần lời dạy yêu thương của Chúa, nên sau đó, ông nhấn mạnh đến tình yêu thương trong các thư của mình. Bài đọc II của Phụng vụ hôm nay là một bằng chứng cho điều đó. Thánh Gio-an an còn tiến xa hơn trong giáo huấn này khi ông khẳng định: “Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa”. Như thế, nhờ đức yêu thương mà chúng ta trở nên con Thiên Chúa. Đương nhiên, đó là đức yêu thương theo gương mẫu Đức Giê-su để trở nên đồng hình đồng dạng với Người và trở thành nghĩa tử của Chúa Cha.
Hãy cảm nhận niềm vui và vinh dự của người Ki-tô hữu. Vẫn còn đó những thử thách gian nan nhưng người Ki-tô hữu, nhờ ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần, sẽ cảm nhận được niềm vui và sẽ trở nên chứng nhân của niềm vui cho thế giới hôm nay.
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: