Sống trong một thế giới khoa học phát triển tột bậc, con người đã đạt được những bước tiến vĩ đại vượt quá sức tưởng tượng như thám hiểm sao Hỏa, tiếp cận sao Diêm Vương, rất tự hào về sự dư dật của cải và lương thực. Báo chí ngày nay cũng cho biết, chưa bao giờ con người có nhiều của cải như thế. Ông Bernard Arnault, người Pháp, có tài khoản tại các ngân hàng trên thế giới tương đương với thu nhập quốc dân của 40 nước nghèo. Một tên lửa được Mỹ bắn lên đốt cháy hàng bao tỷ đô la. Chiến tranh do Nga khai mào tại Ucraina, Hamas tại Israel và nhiều nơi trên thế giới tiêu hủy biết bao tiền của, giết chết bao sinh mạng con người.
Mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) đang hướng con người tới các vì sao, sử dụng Muối làm “vũ khí” ngăn chặn dịch bệnh. Đầu năm tới, các nhà nghiên cứu sẽ ra mắt Jupiter – siêu máy tính exascale đầu tiên của châu Âu với mục tiêu phát triển bền vững vẫn đang nỗ lực giảm thiểu khoảng cách đói nghèo.
Theo số liệu công bố ngày 11/7/2023, hiện có 1,1 tỷ trong số 6,1 tỷ người ở 110 quốc gia trên thế giới đang sống trong cảnh nghèo đói. Liên hợp quốc ước tính, châu Á và Thái Bình Dương có tới hơn 250 triệu người đối mặt tình trạng đói kém ở những mức độ khẩn cấp, trong đó nhiều người có nguy cơ chết đói, là thực trạng đáng lo ngại.
Nhưng các số liệu thống kê cho thấy nạn đói trên toàn cầu đã thực sự trở nên tồi tệ hơn sau nhiều thập kỷ tiến bộ liên tiếp, chưa bao giờ có nhiều người nghèo đói như ngày nay. Sự chênh lệch giàu nghèo trên thế giới ngày càng tăng. Chuyện gì đã xảy ra thế? Tại sao nó vẫn là một vấn đề lớn như vậy và nó sẽ tốn bao nhiêu để chấm dứt nạn đói trên thế giới?
Giải pháp của Ê-li-a
Thời Ê-li-a, đứng trước đám đông dân chúng đói khát, Ê-li-sê người của Thiên Chúa nói: “Xin dọn cho dân chúng ăn” (2V 4, 42). Đầy tớ của người trả lời: “Tôi dọn bấy nhiêu cho một trăm người ăn sao?” (2V 4, 43). Đến thời Chúa Giê-su, các môn đệ Chúa khi được yêu cầu lo cho đám dân chúng ăn, họ thưa: “Bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người“.
Thời nào cũng có những người sống an phận thủ thường, thoái thác trách nhiệm, tránh khó đến mình, sống ích kỷ nhất là thiếu tình liên đới. Nhìn cảnh dân chúng đói, Ê-li-sê ra lệnh: “Cứ dọn cho dân chúng ăn” (2V 4, 44). Còn Chúa Giê-su thấy đám đông đói trước mặt mình liền bảo các môn đệ mình: “Cứ bảo người ta ngồi xuống” (Ga 6, 10). Khi đã ổn định chỗ người, cả dân thời Ê-li-sê và dân chúng thời Chúa Giê-su “ăn mà vẫn còn dư” (2V 4, 44; Ga 6, 12).
Giải pháp của Chúa Giê-su
“Chính anh em hãy cho họ ăn” (Ga 6, 13): Những lời Chúa Giê-su nói có thể gợi đến giải phải của Ê-li-a thời Cựu Ước (x.2V 4,42-44): Ở đây, một người từ Baan Salisa mang đến biếu ngôn sứ Ê-li-sa hai mươi chiếc bánh lúa mạch và cốm. Vị ngôn sứ bảo tiểu đồng: “Phát cho người ta ăn”. Tiểu đồng phản đối: “Có bằng này, sao con có thể phát cho cả trăm người ăn được?”; vị ngôn sứ đáp bằng cách nhắc lại lời của Đức Chúa: “Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư”. Gợi ý này đã được Chúa Giê-su sau này áp dụng khi đóng vai trò ngôn sứ khi hóa bánh ra nhiều.
Giải pháp cho cảnh đói nghèo
Chỉ với năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá của một bé trai, Chúa Giê-su đã làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều đến độ phân phát dư dật cho cả đám đông, chỉ nguyên số đàn ông cũng chừng năm ngàn (chưa kể phụ nữ và trẻ em) (x. Ga 6, 1-15). Dân chúng không những được ăn no nê mà còn thừa lại chứa đầy mười hai thúng! Qua phép lạ này, chúng ta rút ra một số bài học như sau:
Chúa không chỉ quan tâm đến vấn đề tinh thần, nhưng Người cũng rất quan tâm đến nhu cầu thể xác của con dân Chúa. Vấn đề là sống quân bình giữa tinh thần và thể xác chứ không phải quá thiêng liêng đến mức tuyên bố coi thường nhu cầu thể xác.
Chúa hỏi thử ông Phi-líp nhưng Chúa đã có giải pháp của Chúa và cùng với môn đệ giải quyết vấn nạn. Chúa luôn vui dùng chúng ta trong công việc Chúa. Chúa cho phép môn đệ được dự phần với Chúa trong phép lạ này bằng việc sắp xếp chỗ ngồi, phân phát bánh cho dân chúng và nhặt những miếng bánh thừa. Trong công việc Chúa luôn có phần của Chúa và phần của chúng ta. Chúng ta cần cầu nguyện để hiểu rõ và làm cho đúng.
Cách phân phối bánh và cá của Chúa rất hợp lý. Người cho dân chúng ngồi xuống, vì thế không có cảnh lộn xộn, giành giật xảy ra trong đám đông có thể đến cả chục ngàn người. Vì Chúa là Chúa của trật tự (x. 1 Cr 14, 33).
Chúa ban cho mỗi người ăn bao nhiêu cũng được nhưng kết quả ai cũng “được no nê” giống nhau. Nhu cầu mỗi người khác nhau nên sự đáp ứng nhu cầu của Chúa cũng khác nhau, nhưng sự ban cho của Chúa luôn công bằng và hợp lý, thỏa mãn mọi nhu cầu của mọi người. Đòi hỏi, tham lam, thâu trữ, hoặc phung phí là cách sống không đúng đắn.
Điều đặc biệt chúng ta thấy ở đây là chỉ có một phần ăn nhỏ của một em bé, nếu giữ riêng cho mình thì bất quá chỉ đem lại sự no lòng cho một mình em mà thôi, nhưng khi bằng lòng dâng lên cho Chúa để chia sẻ, thì phần ăn nhỏ bé ấy lại được Đức Chúa Trời ban phước, không những làm no lòng em bé nhưng cả đoàn dân đông cũng no nê và còn dư dật nữa. Lời Chúa dạy: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cvtđ 20, 35). Người theo Chúa không sống thâu trữ, ích kỷ mà luôn xin Chúa dạy biết sống dâng hiến và ban cho. Mẹ Tê-rê-xa nói: “Nếu bạn không thể nuôi một trăm người, thì hãy chỉ nuôi một người”.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhìn lên Chúa, học theo gương Chúa, làm theo sự dạy dỗ của Chúa để chúng con sống và phục vụ vui lòng Chúa luôn.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: