Thầy Trạc

Thế là Thầy đã ra đi trở về với Chúa. Sự ra đi của Thầy đã được dự báo từ lâu nhưng khi được tin, tôi vẫn cảm thấy bàng hoàng. Thế là từ nay, Nhà Chung Hà Nội mất đi một cây cao bóng cả. Thầy Trác mất đi người em sinh đôi đã đồng hành với mình suốt 80 năm hành trình dương thế và  67 năm trong vai trò những người quản lý Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội. Chúng tôi, các linh mục của thế hệ trẻ mất đi một chứng nhân sống động của lịch sử.

Phải thú thực rằng, tôi cũng như bao nhiêu người khác đến với Toà Tổng Giám Mục Hà Nội đều ấn tượng với cặp anh em sinh đôi Trác – Trạc. Ấn tượng từ cái tên cho đến con người. Thật khó mà phân biệt được hai anh em ai là Trác, ai là Trạc. Bản thân tôi cũng đã nhiều lần nhầm lẫn. Chỉ đến mãi sau này khi tiếp xúc với thầy Trác nhiều hơn mỗi khi lấy rượu lễ, tôi mới có thể phân biệt được rõ ràng.

Tôi ít tiếp xúc với Thầy. Trước đây, Thầy phụ trách việc bán sách Kinh Bổn và tượng ảnh gần nhà nguyện Fatima. Khi còn là sinh viên đại học và chủng sinh Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội, tôi gặp Thầy mỗi khi cần mua sách ở Nhà Chung. Những lần như thế chỉ diễn ra trong thoáng chốc nên trong tôi cũng không có nhiều ký ức về Thầy. Đến năm 2006, nhà sách được bàn giao cho các Sơ Dòng Phaolô Thiện Bản. Thầy cũng không đảm nhận công việc cụ thể nào vì lý do sức khỏe. Kể từ đó, Thầy sống âm thầm trong Toà Giám Mục.

Điều tôi cảm nhận được từ sâu thẳm lòng mình về Thầy đó là Thầy là một con người chân tu. Nét chân tu ấy hiện lên trên khuôn mặt của Thầy. Có lẽ Thầy đã sống ở Nhà Chung từ năm 13 tuổi nên tất cả những gì là nếp sống của người tu hành đều thấm vào con người Thầy. Nếp tu đã đi sâu vào trong huyết quản của Thầy. Từ dáng đi, giọng nói, nét mặt và cách nói chuyện đều toát lên dáng vẻ của Thầy tu chứ không phải của người phàm. Điều này rất khó có thể tìm thấy ở thế hệ trẻ chúng tôi. Chúng tôi không được ở trong Nhà Chung từ nhỏ nên dễ nhiễm những thói quen của người phàm. Chúng tôi tiếp xúc với thế giới phàm tục nhiều nên cũng dễ lây nhiễm những thói tục của thế gian. Có lẽ việc thành lập các tiểu chủng viện trong bối cảnh hiện nay không dễ, nhưng chúng ta cũng cần quan tâm giáo dục và định hướng những người muốn dâng mình cho Chúa từ nhỏ là điều thật cần thiết. Chỉ như thế, chúng ta mới mong có được những con người chân tu thực sự.

Trò chuyện với cha Giuse Nguyễn Văn Bình, cựu quản lý Toà Giám Mục, ngài cho tôi biết thêm một vài chi tiết về Thầy. Khi Cha Bình ngỏ ý muốn lấy lại Nhà sách và giao cho quý Sơ Phaolô Thiện Bản, Thầy đã mau mắn vâng lời. Thầy không có một chút lăn tăn do dự, không chút dính bén. Mặc dù lúc đó cha Bình cũng chỉ là một linh mục trẻ mới ra trường. Điều đó nói lên sự vâng lời Bề trên một cách tuyệt đối của Thầy. Đó là bài học thực sự cho những người trẻ chúng tôi. Chúng tôi đi tu nhưng sự vâng lời không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có khi, chúng tôi vâng lời bề ngoài còn bên trong vẫn còn không phục. Chúng tôi từ bỏ mọi sự để theo Chúa, nhưng đôi lúc chúng tôi vẫn còn dính bén với nhiều thứ. Sự vâng phục trọn vẹn và vô điều kiện của Thầy là bài học quý giá cho lớp trẻ chúng tôi.

Nhìn vào ngày tháng năm sinh của Thầy, tôi thấy hiện lên con số 2 rất nhiều (20/12/1942). Thầy là em nên cũng là số 2. Ngày an táng Thầy cũng rơi vào thứ 2. Những con số 2 như muốn nói với mỗi chúng ta rằng Thầy không bao giờ là số 1. Thầy luôn khiêm tốn và âm thầm. Những ngày tháng của Thầy trong Toà Giám Mục cũng hết sức âm thầm. Sự khiêm tốn ấy thể hiện rõ nét khi Bề Trên Giáo Phận ngỏ ý muốn truyền chức linh mục cho Thầy, nhưng Thầy và Thầy Trác đã từ chối vì chỉ muốn làm một người âm thầm phục vụ nhà Chúa. Trong vườn nho của Chúa có nhiều công việc, thật tuyệt vời khi có những con người không muốn những hào nhoáng vinh quang bên ngoài mà chỉ muốn làm những công việc nhỏ bé tầm thường. Nhưng tôi thiết tưởng chính họ mới là những con người vĩ đại. Thế giới hôm nay thật hiếm gặp những tâm hồn như các Thầy.

Trong bài cảm ơn cuối Thánh lễ an táng, Đức Tổng Giám Mục Giuse cho mọi người biết Thầy đã phải mang bệnh tật suốt 40 năm trời. Bốn mươi năm sống cùng bệnh tật quả là thử thách không dễ đón nhận. Con số 40 năm giống như hành trình của Dân Do Thái trong sa mạc. Nhưng ai gặp Thầy cũng không thấy Thầy kêu ca hay phàn nàn bất cứ điều gì. Hơn một năm trở lại đây, Thầy phải chạy thận ba lần một tuần. Đặc biệt, trong hơn một tháng cuối thì ngày nào cũng phải có máy chạy thận và phải chuyển rất nhiều bệnh viện. Sơ Như, người phụ trách giúp việc ở Toà Giám Mục cho tôi biết dù đau đớn nhưng Thầy lúc nào cũng vui vẻ. Thầy không bao giờ tỏ thái độ khó chịu hay bực bội với những người giúp việc. Thầy đón nhận mọi thử thách của bệnh tật trong bình an. Điều đó cho thấy Thầy là con người có đời sống nội tâm sâu sắc. Thầy đã luôn kết hiệp mật thiết với Chúa. Thầy đã có thể nói như Thánh Phaolô “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2Cr 4,10).

Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi” (Tv 90,10). Lời Thánh Vịnh cho ta thấy Thầy đã sống trọn vẹn kiếp người. Thầy đã đi qua những năm tháng khó khăn của thời cuộc, chứng kiến bao sự đổi thay của cả xã hội và Giáo Hội, nhưng vẫn một lòng trung thành với Chúa và Giáo Hội. Dù Tổng Giáo Phận Hà Nội được cai quản bởi Đấng Bậc nào thì Thầy cũng luôn vâng phục, yêu mến và hết lòng phục vụ bằng tất cả khả năng của mình. Những bài học của Thầy để lại cho đời không phải bằng lời nói mà bằng chứng từ sống động của trọn vẹn kiếp nhân sinh. Nguyện xin Chúa qua lời chuyển cầu của Thánh Gioan ban cho Thầy phần thưởng là hạnh phúc Nước Trời. Xin Thầy cũng cầu nguyện cho chúng con những người ở lại để sống một đời yêu mến Chúa, yêu mến Giáo Hội và trung kiên đến hơi thở cuối cùng.

Lm. Giuse Tạ Xuân Hòa

Facebook

Twitter

Email

Print

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org