Đừng tưởng mình quan trọng

Khi màn đêm về là phố phường Thủ đô ta rực sáng” (Khi thành phố lên đèn – Nhạc sĩ Thái Cơ). Chúng ta thường tự hào vì một thành phố không bao giờ biết đến bóng đêm bao phủ, bởi đèn điện đã rải ánh vàng trên từng ngõ ngách hay con phố nhỏ. Tuy nhiên, phải chăng sự hiện diện của đèn điện đồng nghĩa với việc hết thảy mọi người đều sẽ “nhìn thấy”?

Thực tế, trong ánh sáng chói chang của mặt trời, vẫn có người không nhìn rõ đường và đi sai hướng, trong sự tỏ tường và minh bạch của tiếng lương tâm, vẫn còn đâu đây những tâm hồn u mê lạc bước trong ảo vọng? Bởi lẽ, những người ấy đang ở trạng thái không tỉnh thức, nghĩa là “mê ngủ”. Vì ngủ, họ mới ảo tưởng sức mạnh về vai trò của mình. Họ tưởng mình ở vị trí “không thể thay thế được” và dường như khẳng định bản thân như trung tâm và là “cái rốn” của vũ trụ: Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất/ Không có chi bè bạn nối cùng ta(Hy Mã Lạp Sơn – Xuân Diệu). Có không ít người còn vươn ngực ngạo nghễ về những thành tựu đã đạt được và công trình đã xây đắp cho cộng đoàn. Do đó, họ bám víu vào công việc thực tại, vào vị trí và ghế ngồi đương thời với suy nghĩ: Thiếu tôi, công việc sẽ không thể “chạy” được! Khi nhìn nhận sự “mê ngủ” trên, chúng ta dễ đánh giá đó như là căn bệnh của “ai đó”, “ở ngoài kia kìa”. Kỳ thực, không ít thì nhiều, mỗi chúng ta đều mang trong mình triệu chứng của căn bệnh “tưởng mình quan trọng” này.

Thật không dễ dàng để phát hiện các biểu hiện khá kín đáo của chứng bệnh trên, và hành trình chữa trị bằng liệu pháp “tỉnh thức” cũng đòi hỏi không ít tâm sức và cố gắng. Quả thực, tỉnh thức không phải là không ngủ, nhưng là ý thức được tình trạng ngủ của mình để có lối sống hay cách hành xử phù hợp. Thái độ tỉnh thức trước hết là việc thanh thoát nhìn nhận bản thân chẳng quan trọng gì: “Vắng mợ chợ vẫn đông”. Có lẽ phải có sự tỉnh táo và tinh tế cần thiết để nhận ra: sau khi ta ngừng cộng tác trong một số việc, những cộng sự viên của ta vẫn có thể làm tốt, thậm chí tốt hơn khi có ta! Quả thực, Chúa có thể cần ta trong công việc này, nhưng nếu cần, Ngài có thể nhấc ta đến công việc khác ở địa điểm khác. Điều quan trọng là ta có chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho đủ để đón nhận những bất ngờ và thong dong để buông bỏ những bám víu?

Hơn nữa, tỉnh thức còn là thái độ sống khiêm nhường và trân nhận ý nghĩa cao cả từ những điều bé nhỏ. Isaac Newton đã từng nói “Tôi nhìn được xa hơn bởi tôi đứng trên vai những người khổng lồ”. Biết cúi mình xuống để nhìn nhận bản thân, tận dụng cơ hội, học hỏi kinh nghiệm rồi vươn lên từ trên đôi vai của “những người khổng lồ” là cách thế giúp ta khỏi “mê ngủ” ngay giữa ban ngày. Có lẽ không phải đi thật xa để tìm những “người khổng lồ” đã và đang là bệ phóng cuộc đời ta. Không ai khác, họ chính là cha mẹ ta, là các em nhỏ trong nhà, có thể là thầy cô trong trường, là bè bạn, đồng nghiệp cùng chí hướng hay cả người ăn xin bên đường… và còn có thể là người đã xúc phạm và làm tổn thương ta cách sâu sắc. Nhưng chắc chắn, sẽ là thiếu sót nếu ta không nhắc đến Người Khổng Lồ vĩ đại là Thiên Chúa – Đấng tác tạo và quan phòng mọi sự trong cuộc đời.

Cuộc sống xoay vần với những biến thiên: người đến, người lại đi, nay còn, mai mất, hôm nay huy hoàng, mai đã là quá khứ…Ta dễ dàng đề cao bản thân và quên đi những bờ vai vững chắc đã giúp ta kiến tạo cuộc đời hiện tại của mình. Mùa Vọng với gương sống của Thánh Gioan Tẩy Giả: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3, 30) là cách thức giúp từng tâm hồn nhìn lại lối hành xử của mình, sống giản dị khiêm tốn với ý thức làm sáng danh Chúa nơi mỗi sự việc và biến cố đời sống. Đây là phương dược tuyệt vời để mỗi người có thể thoát khỏi trạng thái “mê ngủ thành công và tưởng mình quan trọng”!

HHQ

Facebook

Twitter

Email

Print

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

[related_posts_by_tax posts_per_page="8" taxonomies="category" format="thumbnails" image_size="medium" link_caption="true" columns="4" public_only="true" title="TIN LIÊN QUAN:" ]