Buông Bỏ và Để Lại …

Đường điện tâm đồ kéo một đường thẳng kèm theo một tiếng “tít” thật dài…

Ông đã trút hơi thở nặng nhọc cuối cùng của kiếp người và trở về với Nguồn Cội, kết thúc hành trình dương thế đầy gian lao vất vả. Đôi bàn tay của ông đặt trên người bỗng buông thõng xuống giường. Hình ảnh ấy khiến tôi xúc động không kìm được nước mắt. Theo cái nhìn của người đời, ông khổ quá. Người vợ bị bệnh thần kinh mất đi để lại trên vai gầy của ông ba người con tâm lý bất ổn, hay đánh lộn và đi lang thang – hai người tâm thần phân liệt và một người động kinh. Có nhiều người khuyên ông nên đi tìm thầy bói để tìm nguyên nhân tại sao người vợ và những đứa con đang khỏe mạnh của ông đột nhiên lại bị bệnh ấy. Nhưng ông làm thinh. Cả cuộc đời ông âm thầm, vất vả nuôi nấng và chăm sóc những người con ấy mà không một lời kêu than hay oán trách. Và hôm nay, đôi bàn tay đã hết lực sống, buông xuống. Từ nay, cái khổ không thể làm gì được ông nữa. Ông đã được giải thoát, hay ông đã buông bỏ tất cả? Ông lặng lẽ ra đi … và để lại những bộn bề lo lắng cho tương lai trên vai người con lành lặn về tinh thần còn lại.

Cuộc đời và sự ra đi của ông vào những ngày giáp tháng các linh hồn để lại trong tôi những suy tư về sự buông bỏ và để lại trong đời. Tôi cứ nhớ và nghĩ mãi về đôi tay buông xuống của ông. Cho dù có thể cuộc sống còn nhiều bộn bề và lo toan, những người con “có lớn mà không khôn” của ông còn cần ông chăm sóc, nhưng đứng trước tiếng gọi của Chúa, ông có thể làm được gì ngoài việc thưa xin vâng và mau mắn trở về? Lặng nhìn những giọt nước mắt của những người con bệnh tật ấy bên linh cữu ông, tôi tự hỏi không biết họ có ý thức được nỗi đau và sự mất mát? Lặng nhìn khuôn mặt thư thái của ông với đôi mắt nhắm nghiền trong giấc ngủ ngàn thu, tôi biết chắc chắn ông đã cùng Chúa hoàn thành chặng đàng thập giá cuộc đời. Ông để lại cho tôi bài học về sự sẵn sàng chấp nhận mọi hoàn cảnh sống trong đời, cho dù xem ra có cay đắng và không dễ đón nhận.

Cha Anthony de Mello cũng kể lại một mẩu đàm thoại của hai người phụ nữ bình phẩm về cái chết của một ông nhà giàu kếch xù. “Ông ấy ra đi chẳng mang gì theo cả.” – Người đàn bà thứ nhất nói. “Không phải là không mang được gì, mà là đành phải để lại thôi.” – Người kia đáp lời. Quả thật, những gì là vinh quang, tài sản, tài năng, hay kể cả đến những vật thiết thân nhất cũng trở thành vô giá trị khi con người nằm xuống. Có lẽ sẽ là không quá lời khi nói: Nơi giúp con người cảm nhận tốt nhất về cuộc sống vô thường chính là nấm mồ! Bởi nơi đây, mọi người đều trở nên bình đẳng khi tất cả cùng trở về bụi đất và hướng tới nguồn cội là chính Đấng Tạo Hóa.

Tuy nhiên, có lẽ không phải tất cả sẽ tiêu tan về cõi hư vô. Có người nói khi người ta chết đi, 98% những gì thuộc về họ sẽ mục ruỗng và hư nát, chỉ có 2% tồn tại: tình thương và lòng bác ái. Lúc nhắm mắt xuôi tay, con người buộc phải buông bỏ hết những gì họ đã từng gắn bó mật thiết, nhưng chỉ những gì thuộc tinh thần mới là thứ con người để lại được cho đời và là tài sản duy nhất có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự ra đi của nhiều linh mục trẻ. Tuy nhiên, người ta vẫn nhớ mãi về nụ cười và sự nhiệt thành của cha Giuse Nguyễn Quốc Hùng (Giáo sư Đại chủng viện thánh Giuse Hà Nội), về sự hiền lành, dễ mến và lòng vị tha của cha Giuse Trần Ngọc Thanh, OP (Giáo phận Kon Tum), và về sức sống, niềm hăng say phục vụ cùng “tinh thần lửa” của cha Giuse Lê Danh Tường (trưởng ban truyền thông Giáo phận Hà Nội)… Các ngài đã sống, đã cống hiến và đã để lại hương thơm nhân đức cho đời.

Không biết đến lượt tôi và bạn, khi nghe tiếng Chúa gọi, chúng ta có sẵn sàng buông bỏ và có kịp chuẩn bị “thứ gì đó” để lại cho hậu thế?

HHQ

Facebook

Twitter

Email

Print

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org