Thập giá sẽ nở hoa?

Cuộc đời của con người có thể ví với sóng biển ngoài khơi xa. Có khi thì dữ dồi, ồn ào, náo động; có khi lại lặng lẽ dịu êm, nhẹ nhàng và trầm lắng. Đó chính là những cung bậc cảm xúc của con người khi phải trải qua những biến cố của cuộc đời. Được sinh ra ở trên đời và làm người thì chắc chắn ai cũng ít nhiều trải qua kinh nghiệm của đau khổ, dù đó là người già hay người trẻ, người giàu hay người nghèo. Mỗi người đều có những đau khổ của riêng mình. Người thì mang nỗi đau của thể xác, người thì mang nỗi đau của tâm hồn, cũng có người mang cả hai nỗi đau thể xác và tâm hồn. Vậy những nỗi đau đó sẽ trở nên thập giá hay nỗi ô nhục? hay đau khổ là cơ hội để trưởng thành và gia tăng niềm hy vọng. Điều đó có lẽ là do cách thức đón nhận và suy nghĩ của riêng mỗi người.

Như tất cả mọi người, nó luôn tự nhủ rằng: “nó muốn được sống hạnh phúc”. Nhưng trong thực tế lại có những sự kiện và những khoảnh khắc làm cho nó bị bế tắc, nổi loạn, có khi trở nên người mù ý chí và lý trí. Ở cái tuổi mới lớn, mới bước vào đời, nó phải đối diện với những thử thách quá lớn về cả đức tin lẫn tương lai. Học xong, nó xin vào tìm hiểu ơn gọi trong nhà dòng với ý hướng dâng mình cho Thiên Chúa. Tưởng chừng như cánh cửa tương lai đang mở ra để chào đón nó. Nhưng chính lúc nó đang hy vọng và bằng lòng với cuộc sống, thì lần lượt những biến cố của gia đình kéo đến như những vị khách không mời, không hẹn mà cùng đến. Lần lượt nó nhận được tin bố mẹ bị mắc bệnh về thận, em trai chơi bời sa vào ma túy đá. Chính những biến cố này đã làm cho nó mất đi con mắt của lý trí và ý chí, nó bị rơi vào tình trạng thất vọng tràn trề. Trước mắt nó lúc này chỉ toàn là màu đen bao phủ không lối thoát cùng hàng ngàn câu hỏi: vì sao lại như thế? Sao mọi chuyện lại đến dồn dập như vậy?… Lúc này nó mất hết sức lực khi đối diện với những khó khăn của cuộc sống. Nó bắt đầu nghi ngờ sự hiện diện của Thiên Chúa, bởi cảm giác bị Thiên Chúa bỏ rơi đang bao phủ lấy lý trí của nó. Nó có cảm tưởng như Ngài không nghe được tiếng nó cầu xin, nó chỉ thấy Ngài thinh lặng và không hành động gì. Cứ như vậy tình trạng đó đeo bám nó cho đến ngày nó lại nhận được một tiếng sét đánh ngang tai. Nó bị mắc bệnh tim và nhà dòng cho nó chuyển hướng ơn gọi, với lý do: “nhà dòng sẽ trở thành bệnh viện nếu cứ nhận những người bị bệnh như nó”. Và thế là nó phải trở về với gia đình. Giờ đây nó càng trở nên yếu đuối trước những đau khổ, bởi thấy mình bất lực, thấy mình quá mỏng manh không thể làm gì để thay đổi tình thế cho tốt lên được và nó gần như buông xuôi tất cả.

Sau những trận gào thét, khóc lóc nó chỉ còn biết trở về với chính mình trong thinh lặng và đến gặp Chúa Giêsu mỗi ngày như một cái xác không hồn. Nó thu mình lại không còn muốn giao tiếp bất kỳ ai, không muốn cho ai biết đến những nỗi đau mà mà mình đang phải mang vác lấy. Để trốn tránh đau khổ và để quên đi tất cả nó chỉ biết vùi mình vào những tập truyện, những cuốn tiểu thuyết và cố gắng học lấy một môn nghệ thuật mà mình thích. Nó làm mọi việc giống như kẻ đi mà không biết mình đi đâu. Nó đã sống như vậy ngày qua ngày, cho tới khi nó được “Lời” của Chúa tác động như một phép màu. Lời đó đã khiến nó được biến đổi cả ý chí lẫn lý trí.

Khi nó buông xuôi tất cả, không muốn cố gắng điều gì cho tương lai thì Thiên Chúa lại đánh thức tâm hồn nó với câu nói: “Ai không vác thập giá của mình mà theo Tôi thì không thể làm môn đệ của Tôi” (Lc 14,27). “Chúa yêu ai thì Ngài gửi thập giá đến cho người ấy”. Những câu nói đó đã chạm tới tâm hồn nó và giúp nó dần dần nguôi ngoai đi những nỗi đau của gia đình và dần khiến nó đón nhận được bệnh tật, như đón nhận một món quà từ Thiên Chúa đã ân ban cho nó cách ưu ái và đặc biệt.

Chính khi đức tin của nó gặp phong ba bão tố, nó cảm nghiệm được sự yếu đuối, bất toàn và vô dụng của mình. Nên nó cần phải bám víu vào Thiên Chúa, cần tin Ngài sẽ quan phòng và xót thương tới nó. Kể từ đó nó ý thức hơn về những thập giá trong đời mình: không phải là một nỗi ô nhục, nhưng là một niềm hy vọng để bản thân luôn trân nhận rằng tất cả mọi biến cố xảy đến đều có lý do và thông điệp đi kèm. Nhờ có những đau khổ mà nó đã được lớn lên. Đức tin của nó ngày càng vững mạnh. Ý chí, sự kiên nhẫn và lòng can đảm của nó được rèn luyện một cách trưởng thành hơn. Nhờ vậy nó cũng rút ra được bài học cho riêng mình: khi đau khổ đến hay cả những điều trái ý xảy ra, hãy từ từ, bình tĩnh khiêm nhường đón nhận, nhưng không phải là đón nhận trong cáu kỉnh mà là đón nhận trong vui tươi và bằng lòng thật sự, không phải là chịu đựng nhưng là đương đầu đối diện với nó, không tìm cách để tiêu diệt nhưng là tìm cách để thay đổi.

Để cuộc sống trở nên dễ chịu hơn, nó đã cố gắng tập vác lấy những đau khổ lên vai, không kéo lê theo mình, mà để lại cho Lòng Thương Xót của Chúa và phó thác tương lai cho Đấng Quan Phòng, để sống giây phút hiện tại cách triển nở và tròn đầy hơn. Hôm nay nó muốn tín nhiệm mọi sự cho Thiên Chúa và cứ thế không mệt mỏi, không tái diễn lại những nỗi đau, không thất vọng về những trái ý mà mình đang phải mang vác, không cậy dựa vào sức mình nhưng chỉ trông cậy vào sự trung tín của Thiên Chúa.

Vâng, nó vẫn đang bước đi dù rằng nó còn đang phải đối diện với những nỗi đau của quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhưng nó ý thức là nó đang đi trên hành trình gian khổ, nối gót Đức Kitô và mỗi ngày Ngài đều mời gọi nó can đảm vác lấy thập giá đời mình, để cùng Ngài tiến về đồi hy vọng Cavê. Chính những nỗi đau đã dạy cho nó biết rằng: sự đấu tranh tuy cần thiết, nhưng sự đón nhận hoàn cảnh còn cần thiết hơn nữa. Vì được hay thua, còn hay mất cũng đều là những khía cạnh của cuộc sống.

Cỏ hoang

Facebook

Twitter

Email

Print

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org