Sao lại là hạng đĩ điếm được vào Nước Trời trước? – Chúa nhật XXVI thường niên – Năm A

SAO LẠI LÀ HẠNG ĐĨ ĐIẾM?
SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN – NĂM A
(Mt 21, 28 – 32)

Tin Mừng hôm nay trình bày dụ ngôn hai người con được Chúa Giê-su kể cho các thượng tế và kỳ lão trong dân nghe, đồng thời mời các ông suy nghĩ xem sao và đưa ra nhận định vấn đề. Chúa nói: Các ông nghĩ sao: “Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho”. Nó đáp: “Con không muốn đâu!”. Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây!” nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?”. Họ trả lời: “Người thứ nhất” (Mt 21,28-31).

 Các thượng tế và kỳ lão hiểu rất rõ sứ điệp trên, sau khi nghe họ trả lời, Chúa Giê-su tuyên bố một câu thật sốc để đời với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,31-32).

Sao không phải các ông mà là các cô gái điếm?

Khi Chúa Giê-su đề cao những người đĩ điếm và đối nghịch họ với những kẻ được gọi là công chính là các thượng tế và các kỳ lão, đã gây sốc cho nhiều người. Không có lời nói nào của Chúa Giê-su bị lạm dụng cho bằng lời nói: “Những cô gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước” (Mt 21, 31).  Khi lý tưởng hóa hạng đĩ điếm, người ta cũng lý tưởng hóa luôn cả hạng người thu thuế, luôn đi kèm hạng đi điếm, là những kẻ cho vay nặng lãi, là những nhân viên các cơ quan thâu thuế Roma, tham dự trong những hành xử bất công của những cơ quan này một loại luôn đồng hành loại gái điếm trong Tin Mừng đã gây lên một sự hiểu lầm đáng sợ, khi người ta không nhận thức đủ. Nếu Chúa Giê-su liên kết những gái điếm và những người thu thuế với nhau, Người làm vậy không phải là không có lý do; vì cả hai đều coi tiền bạc là sự quan trọng nhất trong cuộc sống.

Chúa Giê-su tôn trọng các cô gái điếm và người thu thuế hay kẻ tội lỗi, không phải do kiểu sống của họ, nhưng vì khả năng thay đổi và phục thiện như Ma-ri-a Ma-đa-lê-na (đặt giả thiết bà là một cô gái điếm), Gia-kêu (x. Lc 9, 1-10), người phụ nữ Sa-ma-ri-a (Ga 4, 1-42), người phụ nữ ngoại tình (x. Ga 8, 1-11) và người con trai hoang đàng (x. Lc 15, 11 và 32).

Chúa Giêsu nói rõ lý do tại sao họ sẽ vào nước Thiên Chúa trước: “Vì Gio-an đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài” (Mt 21, 32).

Hoán cải và tin

Lịch sử cứu độ của Thiên Chúa đối với con người được thêu dệt bằng tình thương, tội thì Chúa phạt, hoán cải thì Chúa cứu. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa phán : “Ta không muốn kẻ vô đạo chết, mà (muốn) kẻ vô đạo bỏ đường nó theo mà trở lại và được sống” (Ez 33,11). Lời mời gọi hoán cải, thay đổi cách sống, nói và làm phải đi đôi với nhau, tin vào Chúa thật cấp bách gửi đến chúng ta.

Lời Chúa qua miệng tiên tri Ê-dê-ki-en nói: “Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết ” (Ed 18, 28). Nghe có vẻ nhẹ nhàng, dễ hiểu. Thế nhưng, đặt vào bối cảnh tôn giáo Do thái lúc bầy giờ, khi mà câu: “Đời cha ăn nho xanh, con ghê răng” (Ed 18,2) ở trên cửa miệng của từng người, nghĩa là tội lỗi của cha mẹ sẽ để hậu quả lại cho con cái, thì nó không còn nhẹ nhàng nữa. Ê-dê-ki-en kêu gọi: kẻ công chính hãy cố gắng tiếp tục thi hành công chính, kẻ gian ác phải mau từ bỏ tội lỗi, trở về đường ngay, nghĩa là hoán cải và sống thánh thiện.

Dụ ngôn hai người con có cách đối xử khác nhau với cha mình minh họa cho hai hạng người có tính cách đối nghịch nhau luôn cận kề nhau trong Hội Thánh. Khi người cha yêu cầu hai con đi làm vườn nho, phản ứng tức thì của hai người con hoàn toàn trái nghịch nhau: Người con thứ nhất ban đầu phản kháng, bất tuân, vô lễ, sau nó hối cải ăn năn tội và thực thi bổn phận làm con với cha mình. Người con thứ hai thưa vâng nhưng lại không đi.

Phản ứng tự nhiên của người sống trong tội lỗi là thù nghịch với giáo huấn của Chúa, không muốn tuân phục và kính sợ Chúa, chỉ muốn khước từ Ngài. Nhưng sau khi phạm tội, họ ăn năn, quay trở lại và thể hiện lòng hối cải bằng hành động tuân phục thánh ý Chúa.

Sự mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm bộc lộ tính cách thật của người ấy: đạo đức giả. Người con thứ không chịu ra vườn làm việc là vì đối với người ấy sự vâng phục bằng lời nói là đủ rồi, anh không hề quan tâm đến tình cảm, lợi ích, cùng sự kỳ vọng của cha mình.

Khi giải thích dụ ngôn, Chúa Giê-su bảo cho các thầy tư tế và các trưởng lão trong dân là những người luôn tìm cách bắt bẻ Chúa Giê-su rằng, chính những kẻ tội lỗi, bị khinh miệt trong xã hội như quân thu thuế và gái điếm là những người sẽ đáp ứng với đòi hỏi của Tin Mừng, còn họ “dẫu thấy vậy cũng không chịu ăn năn.” Sự cứng lòng cũng là một đặc tính cố hữu của những người đạo đức giả.

Bài học cho chúng ta

1. Sám hối và thay đổi

Người con thứ nhất đã thay đổi. Chúng ta cũng thế, chính tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta khiến chúng ta suy nghĩ lại và phải thay đổi, không thể cứ ở lì trong tình trạng tội lỗi mãi được.

2. Nói và làm phải đi đôi với nhau

Người con thứ hai nói mà không làm đã khiến người cha hụt hẫng. Thiên Chúa cũng có lúc bị hụt hẫng trước lối sống của chúng ta, bởi chúng ta hứa mà không làm, chứng nào tật ấy.

Lời Chúa Giê-su văng vẳng bên tai chúng ta trong bối cảnh xã hội hôm nay: “Tôi bảo thật, những quan chức thuế vụ, những cảnh sát giao thông ăn hối lộ, những quan chức tham những bạc tỷ, những cô gái đứng đường, những má mì, bọn đầu trộm đuôi cướp, xì ke ma túy, ngáo đá… sẽ vào Nước Thiên Chúa trước”

3. Tại sao vậy?

Thưa: Vì họ đã biết thống hối và từ bỏ những việc làm bất chính, áp bức bất công. Nay họ sống công bằng, tuân theo tiếng lương tâm và vui sống trong sự thật dù thiếu thốn tiền của hơn. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta cải đổi đời sống cho xứng danh là Ki-tô hữu.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Facebook

Twitter

Email

Print

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org