Tâm tình người ra đi

Sáng ngày 27/6/2024, tôi được cha xứ Bình Cách gọi điện báo tin cha cố Văn đang trên đường từ bệnh viện về nhà. Ngài rủ tôi đi thăm cha cố nhưng lúc đó tôi lại đang có việc đi Yên Bái. Tôi định tối sẽ ra thăm ngài nhưng vì mệt quá nên tôi quyết định chiều hôm sau sẽ đi. Thế nhưng dự tính của tôi đã không thành. Sau Thánh lễ tạ ơn cùng với các con thiêng liêng khoảng một tiếng đồng hồ, ngài đã vĩnh viễn ra đi về với Chúa trong bình an. Tuy không gặp được ngài trong những giây phút cuối đời, nhưng tôi được một cha bạn kể lại cuộc gặp gỡ của ngài với cha cố chiều hôm trước.

Người đời thường nói: “con chim sắp chết cất tiếng hót bi ai, con người sắp chết nói lời khôn ngoan”. Những lời nói của những người sắp sửa ra đi bao giờ cũng để lại những cảm xúc đặc biệt nơi tâm hồn của những người ở lại. Những lời của cha cố Phan-xi-cô nói với bạn tôi cũng là những lời ngài muốn nhắn gửi đến tất cả anh em linh mục chúng tôi.

Điều đầu tiên ngài dặn dò bạn tôi là hãy yêu mến Chúa và thờ phượng Chúa hết lòng. Đây không phải là điều gì mới mẻ. Đây là điều răn mà tất cả chúng ta đều đã thuộc lòng. Vào cái khoảnh khắc quyết liệt giữa sự sống và cái chết, con người luôn dễ rơi vào trạng thái cô đơn. Họ sợ bị bỏ lại, bị quên lãng. Chỉ có Chúa là Đấng luôn ở kề bên. Vì thế mà cho dù có là anh hùng cái thế, có dọc ngang trời đất, thì rồi ra mỗi người cũng phải đối diện với chính bản thân mình. Chỉ có Chúa mới là lẽ sống. Chỉ có Chúa mới là Đấng đáng tôn thờ. Cả một đời cha cố đã luôn sống và phụng thờ Chúa. Ngài muốn bảo với anh em linh mục chúng tôi hãy sống trọn vẹn mỗi phút giây cho Chúa. Cho dù có những tư tưởng triết học hay triết lý hay ho ở bên ngoài thì Chúa mới là lẽ sống của người linh mục.

Điều thứ hai ngài căn dặn bạn tôi là hãy sống bác ái. Đây cũng chẳng phải là điều gì mới mẻ. Thế nhưng lời của ngài lúc đó tôi lại thấy có một sức nặng thực sự. Tôi nhớ lại lời của Đức cố Hồng Y Phao-lô Giu-se Phạm Đình Tụng lúc sinh thời. Đức cố Hồng Y luôn căn dặn chúng tôi rằng: “Chúng ta có thể thua người đời về tri thức, về kinh tế, về các mặt, nhưng chúng ta không thể thua họ về đời sống bác ái yêu thương”. Quả đúng là như thế. Nếu chúng ta thua người ta về đức bác ái yêu thương thì còn gì để nói nữa? Chúa Giê-su đã dạy: “cứ dấu này mà người ta nhận biết anh em là mộn đệ Thầy là anh em có lòng yêu thương” (Ga 13,35). Hôm trước có một anh em linh mục trẻ đi thăm các cha già hưu. Tôi thấy người anh em linh mục của tôi đã làm được một việc tuyệt vời. Tôi cũng có ý định đi nhưng chưa làm được. Tôi nghĩ rằng cũng có nhiều người có ý định đi thăm người nọ người kia nhưng cứ lần lữa mãi để rồi người ra đi mà ta không còn cơ hội. Từ khi cha cố đi viện, tôi luôn theo dõi tình hình sức khoẻ của ngài qua những người tôi quen biết. Tôi cũng có ý đi thăm ngài nhưng rồi cũng đã bỏ lỡ. Và tôi nghĩ nhiều người cũng đã bỏ lỡ giống tôi.

Nói đến bác ái, người ta hay nghĩ đến những điều lớn lao. Phải thực hiện được công trình này, công trình nọ thì mới gọi là bác ái. Cá nhân tôi thì nghĩ bác ái là luôn quan tâm đến những người thân cận nhất của mình. Một bác hàng xóm, một người giúp việc, một người đồng nghiệp, những người thân trong gia đình ta gặp gỡ hàng ngày, nếu ta yêu thương họ thì cuộc sống này đã đẹp biết bao nhiêu rồi.

Và điều cuối cùng ngài dặn bạn tôi là hãy quan tâm và dành tình yêu thương đặc biệt cho những người nghèo. Chúa Giê-su bảo: “Người nghèo lúc nào anh em cũng có ngay bên cạnh” (Mc 14,7). Những lời này cũng không phải điều gì mới mẻ. Hằng ngày, tôi và bạn đã nghe nhiều. Nhưng khi những lời này được thốt ra từ một người sắp chết thì nó có một giá trị đặc biệt. Đó như là những lời gan ruột. Đó như là bản đúc kết kinh nghiệm cá nhân của người đó. Gần hai mươi năm linh mục, tôi đã đi qua nhiều cộng đoàn dân Chúa. Tôi hiểu lời của cha cố đúng một trăm phần trăm. Những gì chúng ta làm cho người nghèo sẽ còn theo chúng ta mãi. Những người giàu có, những người có thế giá, đôi khi mối quan hệ chỉ là công việc, hời hợt bên ngoài. Còn người nghèo, khi ta yêu thương và chăm sóc họ, họ với ta đi vào một mối tương quan thân tình sâu sắc. Họ dạy cho ta bài học về tình yêu thương vô vị lợi. Ta tìm được niềm vui sâu sắc trong tâm hồn. Niềm vui đó không ai lấy mất được.

Ba điều cha cố căn dặn bạn tôi nghe có vẻ đơn giản, nhưng để thực hành được nó là điều không hề đơn giản. Nó đòi chúng ta phải có một đời sống nội tâm sâu sắc. Tôi không phải là con thiêng liêng của cha cố, nhưng tôi với ngài cũng có một mối quan hệ sâu sắc. Dù ngài hơn tôi 30 tuổi nhưng ngài luôn coi tôi như một người bạn và gọi tôi bằng một từ ngữ thân thương: lão đại nhân. Ngài là con người ham mê đọc sách nên những bài giảng của ngài cũng thật sâu sắc. Ngoài ra ngài còn là một người chơi cây và đồ cổ ở một tầm mức không dễ có người vượt qua. Cây cối và đồ cổ thì tôi không rành lắm. Tôi chỉ hay trao đổi với ngài về triết học, về đời sống tâm linh và giải thoát. Trong những ngày ở bệnh viện, có một cô cháu dâu đưa cho ngài hai cuốn sách của tôi. Đó là cuốn Lời từ cõi lặngNước mắt và tha thứ. Người cháu đó bảo tôi ngài đọc hai cuốn sách của tôi một cách say mê. Như thế là ngài đã không bỏ việc đọc sách cho đến chết. Đó quả là bài học sâu sắc cho anh em linh mục chúng tôi.

Cảm ơn cha cố đã đến trong cuộc đời này. Cha cố đã chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp, đã chạy hết chặng đường và đã giữ vững đức tin. Cha cố ra đi trong ngày thứ Sáu cuối cùng của tháng 6, tháng trái tim Chúa và tháng linh mục. Cha cố ra đi sau khi dâng thánh lễ cuối cùng. Đó là những dấu chỉ cho chúng con niềm hy vọng cha cố sẽ được Chúa ban thưởng hạnh phúc Nước Trời.

Nguyện xin Chúa đón nhận linh hồn cha cố Phan-xi-cô Xa-vi-ê vào thiên đàng. Amen.

Lm. Giu-se Tạ Xuân Hòa

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org