Nói đến các xứ trong vùng sơn cước Hòa Bình là nói đến những nơi thuộc vùng “ngoại biên” của Tổng Giáo phận Hà Nội. Nhưng nơi ngoại biên ấy lại chứa đựng một bề dầy lịch sử về đức tin Công giáo, và một hành trình loan báo Tin Mừng đầy chông gai của các nhà thừa sai cũng như các đấng bậc, những nam nữ tu sĩ đã đi trước. Với ơn Chúa, qua sự cố gắng của các ngài mà ngày nay trên mảnh đất “đèo heo hút gió” này, đã có sự hiện diện của hàng chục giáo xứ như: Đồng Gianh; Lương Sơn, Gò Mu, Bình Tân, Đồi Cả, Mường Riệc, Mường Cắt và Vụ Bản… với hàng ngàn các tín hữu. Cùng với đó còn rất nhiều giáo họ, giáo điểm. Tất cả như một minh chứng hùng hồn về tình yêu của Thiên Chúa trên vùng đất tái truyền giáo.
Đã từ lâu lắm rồi, tôi vẫn ao ước được một lần “mục sở thị” tất cả các xứ, các họ và các giáo điểm trong vùng đất Hòa Bình. Một phần vì tò mò, bởi tôi đã được nghe nhiều người kể lại địa danh và con người nơi đây, một phần vì cũng muốn đi lại những bước chân của các nhà thừa sai để cảm nghiệm sự vất vả, khó nhọc của các ngài… để cảm phục, trân quý, và biết ơn về lòng nhiệt huyết tông đồ của các ngài. Mặc dù tôi cũng hiểu rằng thời nay và xưa là cả một sự khác biệt vô cùng lớn về điều kiện vật chất, đường sá hay phương tiện đi lại… Ngoài ra, tôi cũng muốn gặp gỡ những người anh chị em dân tộc Mường đầy chất phác, thật thà nơi đây để sẻ chia và đồng cảm với những thách đố, những khó khăn về đời sống thực hành đức tin của họ.
Những tưởng rằng ước mơ của tôi thật khó có thể thực hiện được thì tạ ơn Chúa, qua sáng kiến về một cuộc hành hương Emmaus Phục sinh của Cha Fx. Trần Truyền Giáo, đoàn hành hương do Cha Quản hạt Giu-se Vũ Đình Du làm trưởng đoàn, cùng với Cha Fx. Trần Truyền Giáo, Cha Phaolô Nguyễn Hữu Hiệp, Cha Fx. Trần Văn Liên, Cha GB. Nguyễn Viết Hoan, Cha Giu-se Nguyễn Minh Chí, Cha Giu-se Trần Văn Hùng và Tôi đã quyết định lên đường để đến với tất cả các xứ, các giáo họ và giáo điểm của miền Hòa Bình.
Sáng ngày 24/4, với điểm xuất phát là Giáo xứ Đồng Gianh, đoàn hành hương đã đến thăm hai Giáo họ Lũ và Tân Lâm cùng với năm giáo điểm. Đây là những giáo họ nghèo: nghèo vì chưa có một ngôi nhà thờ đúng nghĩa để có thể cử hành Thánh lễ cho xứng hợp, nghèo về cơ sở vật chất như nhà giáo lý và các công trình phụ trợ chưa có, nghèo về đời sống thực hành đức tin vì nhiều tín hữu lâu năm không đến nhà thờ… Đây cũng là mẫu số chung của những nơi thuộc diện tái truyền giáo của giáo phận. Mặc dù nhiều giáo xứ, giáo họ trong vùng Hòa Bình đã có một bề dầy lịch sử về việc đón nhận ơn đức tin từ thời các nhà thừa sai, nhưng do biến cố của thời cuộc và thiếu vắng sự hiện diện của các linh mục trong một thời gian dài, nên đời sống thực hành đức tin của bà con dân tộc nơi này đã bị sa sút trầm trọng.
Sau Giáo xứ Đồng Gianh, đoàn chúng tôi tiến về với Giáo xứ Lương Sơn và Giáo họ Đất Đỏ do Cha Fx. Nguyễn Văn Soái đang chăm sóc. Ngồi trên xe, anh em chúng tôi nói bông đùa rằng: “nào chúng ta tiến lên thăm người anh hùng lương sơn bạc.” Những câu nói vui và tiếng cười như làm ngắn lại một chặng đường khá dài, khoảng gần 60km. Giáo xứ Lương Sơn hiện ra trước mắt chúng tôi thật khiêm tốn. Ngôi nhà thờ nhỏ bé này nằm bên đường đầy bụi đất. Nó nhỏ bé đến nỗi nếu không có cây Thánh giá ở cổng thì tôi cứ nghĩ đó chỉ là ngôi nhà của một người giáo dân nào đó. Một giáo xứ “gầy gò, nhỏ nhắn” giống như vóc dáng của vị chủ chăn Lương Sơn vậy. Tự dưng tôi thấy cay cay khóe mắt.
Rời Lương Sơn, đoàn chúng tôi trở về với Giáo xứ Gò Mu để được chứng kiến tận mắt sự lạnh lẽo của họ nhà xứ, bởi lẽ trước đây Gò Mu là một giáo xứ lớn, nhưng theo năm tháng phong sương nay chỉ còn có 4 người là siêng năng đến nhà thờ. Các Thánh lễ đều phải cậy nhờ vào bà con giáo dân ở các giáo họ, đó cũng là nỗi trăn trở của vị chủ chăn nơi đây. Mặc dù vậy, lòng nhân hậu của Chúa vẫn ngày ngày sưởi ấm nơi này. Các giáo họ của Giáo xứ Gò Mu tuy nằm cách xa nhà xứ nhưng đời sống đức tin của bà con đang ngày càng sống động và khởi sắc. Các cơ sở vật chất, nhà nguyện cũng đang được cha xứ nỗ lực tôn tạo mỗi ngày.
Chặng dừng chân tiếp theo của đoàn là Giáo xứ Mường Tre, Giáo họ Bình Tân. Nơi đây là nơi an nghỉ của những anh hùng đức tin trong việc loan báo Tin Mừng, như cha cố Bình và thầy Tân. Các đấng đã an nghỉ và mộ phần vẫn còn ở đó nhưng hạt giống đức tin mà các ngài đã gieo vãi vẫn đang trổ sinh hoa trái. Những ai đã đến với Bình Tân cách đây năm năm thì hôm nay nếu trở lại, họ sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi một Bình Tân đang căng tràn sức sống, nó đã “lột xác” như một minh chứng về ơn Chúa, qua những cố gắng không biết mệt mỏi của cha xứ và bà con giáo dân nơi giáo họ nhỏ bé này. Càng hãnh diện về Bình Tân bao nhiêu, tôi là càng cảm thấy nhói đau về Mường Tre bấy nhiêu. Bởi vết thương do thời cuộc quá lớn, nó đã đánh gục một giáo xứ mà một thời rất sầm uất. Những vết tích còn để lại cho thấy các tín hữu nơi đây đã phải trải qua những năm tháng thử thách quá khắc nghiệt. Nhìn ngắm những gì còn sót lại không ai trong đoàn chúng tôi không khỏi xót xa và thương cảm cho Mường Tre. Nhưng chúng ta tin rằng tất cả đều nằm trong kế hoạch nhiệm màu của Thiên Chúa. Đoàn chỉ biết đọc kinh cầu nguyện cho những tín hữu còn sót lại nơi đây, xin Thiên Chúa quan phòng thêm sức cho họ.
Tiến về với Đồi Cả, đoàn hành hương được Cha xứ Giu-se Nguyễn Minh Chí và mọi người tiếp đón rất nồng hậu. Sức sống đức tin căng tràn trên từng nụ cười của các bố, các mế, các đửa, các ủn… nơi đây. Niềm vui càng được nhân đôi khi quý cha được cùng với cha xứ và bà con cử hành nghi thức làm phép ngôi nhà giáo lý mới được xây cất. Gọi là nhà giáo lý nhưng thực ra đó chỉ là một ngôi nhà sàn bốn gian nhỏ bé. Dẫu vậy, ngôi nhà là cả một niềm mơ ước của cha xứ và mọi người. Đó sẽ là nơi các em thiếu nhi và cộng đoàn được học hỏi lời Chúa, được biết về Chúa để yêu mến và gắn bó với Chúa hơn. Thánh lễ đồng tế cùng với bà con Đồi Cả như một bản thánh ca để dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn, và cũng là để khép lại một ngày đầy ý nghĩa và dạt dào cảm xúc của đoàn hành hương. Với bữa cơm đượm thắm tình Chúa và tình người, những con người xa lạ bỗng chốc như trở nên thân quen ruột thịt. Bất giác tôi nhớ đến lời kinh Lạy Cha mà chính Chúa Giê-su đã dạy: “lạy Cha chúng con ở trên trời…” vì chúng con có chung một Người Cha ở trên Trời, nên dưới đất này dù chẳng có chung máu mủ ruột già, dù sinh ra ở những phương trời những dân tộc khác nhau, và lần đầu tiên gặp nhau… nhưng chúng con vẫn là anh chị em của nhau. Những tiếng cười vang lên trong ngôi nhà sàn mới như xua đi mọi gian nan thử thách và những mệt nhọc trên hành trình Emmau của ngày đầu tiên.
Bước sang ngày hành hương thứ hai, thật trùng hợp vì ngày 25/4 nhằm ngày kính thánh Mác-cô, tác giả sách Tin Mừng và cũng là nhà truyền giáo thời các Tông đồ. Lời Chúa của lễ kính Thánh Mác-cô như vang vọng trong lòng các thành viên của đoàn hành hương: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo…” (Mc 16, 15). Mang theo lệnh truyền của Chúa Giê-su, đoàn hành hương tiến về Giáo xứ Mường Riệc và họ Đồi Xì. Ngôi nhà thờ Giáo xứ Mường Riệc nằm sừng sững trên một ngọn đồi vừa là dấu chỉ về sự hiện diện của đạo Công giáo, vừa cho thấy công sức của biết bao nhiêu đấng bậc và những tín hữu đã dày công vun đắp cho nơi đây.
Vượt qua Mường Riệc, đoàn tiến sâu vào tận cùng phía tây của giáo phận cũng là giáo xứ sâu nhất của Tổng Giáo phận Hà Nội, đó là Giáo xứ Mường Cắt. Với biết bao cố gắng của bề trên Giáo phận, của quý cha tiền nhiệm và nhất là Cha xứ Phao-lô đương nhiệm, cũng như của các vị ân nhân xa gần, ngôi nhà thờ Giáo xứ Mường Cắt đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Tôi thật bất ngờ và thán phục vì trước đây trong đầu tôi Mường Cắt có lẽ chỉ là nơi “khỉ ho cò gáy” mà thôi. Nhưng chính ở cái “rốn” của của giáo phận ơn Chúa đang đồ xuống thật tràn trề. Có lẽ, một trong những điều làm tôi ấn tượng và thán phục hơn cả là khi được đến thăm các giáo họ và giáo điểm như: Đồi Mựng, Đồi Pheo, Đồi Giữa, Đồi Ấm… Bởi lẽ, các nơi này chẳng có lấy một nhà thờ hay nhà nguyện nào, tất cả đều là tạm bợ, nghèo nàn, thiếu thốn, và khó khăn đủ đường. Dù phải vượt qua nhiều quả đồi với những đoạn đường khúc khuỷu và phải vào tận rừng sâu hay trên đỉnh cao chót vót của những dãy núi cheo leo, những con dốc dựng đứng… nhưng cha xứ và bà con giáo dân vẫn có thể tìm gặp nhau qua việc cử hành Thánh lễ và các bí tích. Quả thực sức mạnh của đức tin chính là sợi dây vô hình gắn kết vị mục tử với những con chiên của ngài. Tôi thiết tưởng chính tình yêu vào Đức Ki-tô Phục sinh là sức mạnh giúp cho họ vượt thắng mọi khó khăn của nghịch cảnh. Lời kinh chung giữa các mục tử và đoàn chiên Chúa được cất lên vang cả núi rừng như lời ngợi khen về công trình kỳ diệu Thiên Chúa đã và đang làm cho nơi đây.
Chia tay với núi rừng, đoàn hành hương trở về với thị trấn Vụ Bản để được cảm nghiệm thực tế nơi Giáo xứ Vụ Bản và Giáo họ Đồng Tâm. Đây cũng là điểm kết thúc của ngày hành hương Emmaus Phục sinh đầy cung bậc cảm xúc và vô cùng ý nghĩa.
Hành hương Emmaus Phục sinh năm nay, chúng tôi không tìm đến nơi phồn hoa phố thị, không tìm đến nơi những sầm uất kinh kỳ… nhưng chúng tôi tìm về với vùng ngoại biên, tìm đến những người anh em bé nhỏ, nghèo hèn… để thấu hiểu, để đồng cảm, để hiệp hành, để động viên khích lệ, để cảm phục và nhất là để chúng tôi tìm lại cho chính mình ngọn lửa nhiệt huyết tông đồ. Mỗi mảnh đất đặt chân bước tới là mỗi nơi chúng tôi phải cúi mình khâm phục các đấng bậc tiền nhân, các ngài đã không quản ngại gian nan vất vả, hết mình dấn thân để mở mang Nước Chúa và phục vụ anh chị em. Kết thúc hai ngày hành hương Emau Phục sinh, chắc chắn mỗi người trong đoàn hành hương đều mang trong mình những thao thức, những ước mong… cho công cuộc tái truyền giáo của giáo phận được đẹp ý Chúa, để có thể làm sống lại đời sống đức tin và sưởi ấm cho miền rừng núi lạnh giá, âm u này. Mong ước, một ngày kia ánh sáng Chúa Phục sinh sẽ bừng sáng trở lại, bởi dù còn khó khăn, vất vả, nghèo nàn thiếu thốn đủ bề… nhưng chúng tôi xác tín rằng với tình yêu và lòng thương xót của Chúa, cùng với sự cộng tác của bề trên, các ân nhân xa gần và mọi tín hữu nơi đây thì một ngày không xa Hòa Bình sẽ ấm áp, đượm thắm tình Chúa và tình người.
Lm. Phao-lô Trần Xuân Dũng
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: