Lắng nghe

Mỗi lần nghe bài thánh ca “Lắng nghe Lời Chúa” của Linh mục nhạc sĩ Nguyễn Duy, tôi luôn bị ấn tượng bởi câu “xin cho con biết lắng nghe”. Câu này được lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong bài hát. Tác giả dường như muốn nhắn gửi mọi người rằng để lắng nghe được tiếng của Chúa và tha nhân, chúng ta cần phải cầu xin Chúa. Không có ơn Chúa soi sáng, ta sẽ khó lòng nghe được.

Bài hát ra đời chắc khởi đi từ câu chuyện Samuel trong Kinh Thánh Cựu Ước (1Sm 3, 3-10). Samuel khi đó là một cậu bé 12 tuổi, phục vụ trong Đền thờ cùng thầy cả Heli. Một đêm kia, cậu nghe tiếng Chúa gọi nhưng cậu lại tưởng là thầy cả Hê-li gọi. Phải tới lần thứ ba, thầy cả Hê-li mới biết đó là tiếng Chúa gọi nên mới bảo cậu hãy về và đi ngủ. Nếu Chúa có gọi thì con hãy nói: “Lạy Chúa xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”. Samuel trở về và làm như thế. Kể từ đó, cậu không để mất một Lời Chúa nào trong đời.

Thiên Chúa luôn cất tiếng gọi con người. Chỉ có điều con người chúng ta không thể nghe được tiếng Người gọi. Cuộc sống ngột ngạt khiến con người dường như đánh mất liên lạc với Cội Nguồn. Khi con người chúng ta đặt ra câu hỏi: Chúa có hiện hữu không? Chúa có nói với chúng con không? Chúa đáp lại: Không phải vấn đề là Ta có nói không, mà vấn đề là có ai nghe Ta không? Quả đúng như vậy. Vấn đề không phải ở Chúa mà ở chúng ta. Chúng ta có thực sự nghe Người không?

Để nghe được tiếng Chúa, chúng ta cần một không gian tĩnh lặng. Samuel ở trong Đền thờ. Đó là một không gian tuyệt vời. Màn đêm càng làm cho bầu khí trở nên tĩnh lặng hơn. Không có tiếng ồn ào huyên náo của thế gian. Không có những âm thanh của cuộc sống vọng về. Tất cả chìm trong thinh lặng. Đó là lúc Chúa lên tiếng gọi. Chúa đã gọi Samuel ba lần. Trong cái thinh lặng kỳ diệu ấy, Samuel cũng vẫn không nhận ra tiếng Chúa gọi. Cậu cứ tưởng tiếng của thầy cả Hê-li. Xem ra, để nghe tiếng Chúa gọi thật không đơn giản chút nào. Dĩ nhiên lúc đó Samuel mới chỉ là một chú bé 12 tuổi. Đó là cái tuổi vẫn còn hồn nhiên trong trắng. Đó là cái tuổi vô lo vô nghĩ. Cậu chưa đủ trưởng thành để có thể nhận ra là tiếng Chúa gọi. Vì thế, Chúa đã xắp xếp cho cậu một trung gian tuyệt vời đó là thầy cả Hê-li.

Thầy cả Hê-li chắc chắn đã ở Đền thờ nhiều năm. Thầy có kinh nghiệm thiêng liêng sâu sắc. Đã nhiều năm, thầy sống trong thinh lặng. Thầy vẫn ở đó phục vụ trong Đền thờ. Thầy luôn sống trong cầu nguyện. Thầy nhận ra người đệ tử của mình đã được chính Chúa gọi. Nhưng cũng phải ba lần, Thầy mới xác nhận. Người Việt chúng ta thường có câu: quá tam ba bận. Sau lần thứ ba, Thầy mới bảo với Samuel rằng con hãy về ngủ và nếu Chúa gọi thì con hãy nói: Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe. Đó là một lời cầu nguyện thật đẹp. Một lời cầu nguyện xác nhận rõ con người với Thượng Đế. Con người chỉ là tạo vật, chỉ là tôi tớ mà thôi. Con người phải cầu xin Thượng Đế phán với mình. Và thái độ của người cầu nguyện phải là luôn sẵn sàng lắng nghe và đón nhận mọi lời chỉ dạy của Chúa.

Con người hôm nay đôi khi tiếm quyền của Chúa. Họ cầu nguyện đó, nhưng họ như đang ép Chúa phải thực hiện theo ý của họ chứ không phải ý Chúa. Họ đã quen sống trong ồn ào. Những thói quen của cuộc sống đã khiến họ dường như mất đi sự thinh lặng nội tâm. Cuộc sống luôn kéo họ ra khỏi bản thân. Thương trường là chiến trường khốc liệt. Cầu nguyện đôi khi trở thành cuộc mặc cả giống như chuyện thương thảo hợp đồng. Anh làm cho tôi cái này, tôi sẽ làm cho anh cái khác. Con người đã quên đi địa vị của mình. Mình chỉ là thụ tạo. Làm sao có thể ngang hàng được với Thiên Chúa? Chỉ khi nào con người đặt đúng vị thế của mình và ngoan ngoãn đi vào trong sự thinh lặng, may ra chúng ta mới nghe được tiếng Chúa.

Hai chữ Lắng Nghe trong tiếng Việt cũng nói lên nhiều điều. Trước khi nghe, ta được mời gọi lắng. Lắng là để cho lòng mình lắng đọng, không còn những suy nghĩ mông lung, không còn những ưu tư xâm chiếm. Lắng là dẹp yên những ồn ào bên ngoài và bên trong. Lắng là ở trong sự thinh lặng thẳm sâu. Chỉ khi đó, ta mới thực sự nghe được. Ta nghe được tiếng Chúa gọi. Ta nghe được tiếng của tha nhân. Ta nghe được tiếng của cõi lòng ta.

Cũng như Samuel lớn lên và không để mất lời nào của Chúa, một khi ta có được kinh nghiệm gặp Chúa, ta cũng sẽ không bao giờ lẻ loi cô đơn trên địa cầu này. Cuộc sống của ta sẽ luôn có Chúa bước đi cùng. Chúa lúc nào cũng sống trong ta. Thật hạnh phúc biết bao khi ta có được điều này. Muốn được như thế, tôi mời bạn hãy lặp lại lời cầu nguyện này mỗi ngày:

“Ly Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”

Lm. Giuse Tạ Xuân Hòa

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org