Khi nghệ thuật kết hợp với “lời chào” thay đổi cả lịch sử nhân loại 

Bottega di Gentile da Fabriano, Truyền tin,, khoảng năm 1425, Pinacoteca Vaticana, Bảo tàng Vatican

9 tháng trước Giáng sinh, hôm nay Giáo hội mừng kính trọng thể biến cố Sứ thần truyền tin cho Đức Trinh nữ Maria. Biến cố ấy đánh dấu sự khởi đầu của mầu nhiệm cứu chuộc và đã luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật.

Với khung cảnh bên trong căn nhà, cuộc sống thường ngày của người thiếu nữ trở nên xáo động trước sự can thiệp của Thiên Chúa, sứ thần loan tin: “Kính mừng bà đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà”; Trinh nữ cúi nhìn và quỳ gối. Đó là những đặc điểm liên kết vô số khung cảnh “Truyền tin cho Đức Maria” được các họa sĩ ở mọi thời và mọi nơi phác họa. Đoạn Tin mừng được thánh Luca thuật lại cách phong phú đặc biệt là một trong những đoạn được khắc họa nhiều nhất trong lịch sử.

Tranh khảm trong Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma về khung cảnh Truyền tin

Mầu nhiệm và nét kiều diễm

Được nói đến ngay từ những thế kỷ đầu của Kitô giáo, tranh khảm cổ trong Đền thờ Đức Bà Cả về khung cảnh Truyền tin được thực hiện vào khoảng năm 400. Sự huyền nhiệm và nét kiều diễm là những đặc điểm đặc trưng của bộ sưu tập các bức họa cho đến tận ngày nay về chuyến viếng thăm của sứ thần Gabriel.

Năm 1483, Filippino Lippi đảm nhận việc thực hiện hai bức tranh tròn (Tondo) cho Dinh thự chính của thành phố San Gimignano. Bức đầu tiên vẽ sứ thần, bức thứ hai minh họa Đức Maria đang quỳ gối nhận lời truyền tin. “Thời gian ngừng trôi”, theo nhận xét của Sandro Barbagallo, phụ trách Bộ Sưu tập lịch sử của Bảo tàng Vatican và là tác giả cuốn “Truyền tin trong nghệ thuật”, do nhà xuất bản Bảo tàng Vatican (Edizione Musei Vaticani) phát hành. “Filippino miêu tả sự chuyển giao diễn ra với biến cố Truyền tin, từ thời xưa gắn liền với tội lỗi cho tới thời gian sắp tới với mầu nhiệm cứu chuộc. 

Phía sau thiên thần, một cột đá cẩm thạch không đế không đầu, không có điểm đầu hay cuối. Điều đó tượng trưng cho thời gian vĩnh cửu của Thiên Chúa. Lần đầu tiên, trong bức tranh xuất hiện một chiếc đồng hồ phía sau Đức Trinh nữ. Đó là thời gian của con người mà trong một khoảnh khắc đã bị mắc kẹt. Thực tế, con lắc đồng hồ đã dừng lại, từ nay, lịch sử sẽ được công bố theo cách thức mới.

Filippino Lippi, Sứ thần truyền tin và  Trinh nữ được truyền tin, 1483-1484, Bảo tàng thành phố, San Gimignano

Eva mới

Đức Maria chính là Eva mới. Trong Bảo tàng Giáo phận Cortona, Chân phước Angelico (Giovanni da Fiesole) vẽ Đức Maria ngồi dưới mái hiên với  cuốn kinh cầu nguyện trên đùi. Phía sau, thoáng thấy một khu vườn, đó là vườn Địa đàng. Một thiên thần đang trục xuất tổ tiên đầu tiên của loài người là Adam và Eva do hậu quả của tội nguyên tổ. “Qua tiếng xin vâng của Mẹ Maria, bắt đầu công trình cứu chuộc loài người”. Sự chú ý đổ dồn đến sự so sánh giữa những lời truyền tin của sứ thần và lời đáp của Đức Maria: ‘Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói’. Barbagallo giải thích rằng: “Những bức họa phía trên, bất cứ ai quan sát đều có thể hiểu được ý nghĩa, trong khi bức họa này (của Angelico) rất bí ẩn, được viết ngược lại vì đề cập tới Đấng ở trên trời”.

Chân phước Angelico, Truyền tin, 1430-1432, Bảo tàng Prado, Madrid

Lời truyền tin ‘luôn cập nhật’

Được đổi mới bởi các nghệ sĩ của mọi thời đại, trích đoạn Truyền tin mang đến cơ hội quan sát “sự phát triển bối cảnh nội thất qua hàng thế kỷ” cho những ai nhìn ngắm lại các tác phẩm cá nhân lấy nguồn cảm hứng cũng từ trích đoạn ấy. Trên thực tế, bối cảnh ấy luôn diễn ra trong nhà hay ở khu vườn nhà Đức Maria, môi trường sống của một gia đình giàu có mà các họa sĩ mô tả theo thẩm mỹ của từng thời đại. Trong nghệ thuật Flemish, ta thấy sự giàu có đặc biệt về chi tiết. Ví dụ họa sĩ Jean Hey chèn phía trên giường của Mẹ Maria biểu tượng Mô-sê, người tiên báo về Đấng Cứu Chuộc. Đời sống gia đình được Lorenzo Lotto thể hiện thông qua việc thêm vào khung cảnh một con mèo hoảng sợ trước sự xuất hiện của thần thánh. Một trạng thái cảm xúc cũng được thể hiện qua cử chỉ của Mẹ Maria, mà trong tranh sơn dầu được lưu giữ tại Bảo tàng thành phố Recanati khắc họa sự ngạc nhiên: “xoay người lại với ghế quỳ mà Đức Maria đang cầu nguyện. Qua đó thể hiện một thông điệp rõ ràng rằng kể từ thời điểm Thiên Chúa bước vào cuộc sống bình thường hàng ngày của người phụ nữ trẻ này, mọi thứ sẽ thay đổi. Đức Maria trở thành Nhà Tạm sống động”.

Lorenzo Lotto, Truyền tin, 1527, Bảo tàng thành phố Recanati

Cuộc gặp gỡ giữa con người và thần thánh

Cuộc gặp gỡ giữa Thần thánh và con người vốn không thể diễn tả bằng lời nhưng được chuyển ngữ bởi các nghệ sĩ qua việc thêm vào khung cảnh một con chim bồ câu hay một luồng sáng. Đó chính là Chúa Thánh Thần đã khiến Trinh nữ xúc động và bối rối bởi sự hiện ra quá đỗi đột ngột. Có những nghệ sĩ đã thêm một vài yếu tố khác. Sandro Barbagallo đã đưa chúng tôi đến Dinh Tông Tòa Vatican, nơi trưng bày tác phẩm tranh bộ ba của Giovanni da Ponte vẽ vào khoảng giữa thế kỷ XV. Ở chính giữa là khung cảnh Truyền tin. “Người họa sĩ đã giúp cho khoảnh khắc nhập thể của Chúa Giêsu trở nên hữu hình bằng cách thêm vào trên bầu trời hình ảnh Cha Hằng Hữu – Đấng chỉ đường, chúc lành cho Hài Nhi vác thập giá đi gặp Mẹ Maria”.

Bốn cuộc “truyền tin”

Có rất nhiều chi tiết liên quan tới bản dịch bằng hình ảnh của trang Phúc âm này nhưng thường bị các học giả nghệ thuật bỏ qua. Tác giả của cuốn Tin mừng đã tiết lộ những điều đó thông qua các giai thoại và những điều lạ thường. Tất nhiên, điều đáng chú ý là biến cố Truyền tin cho Đức Maria lại có trước 3 cuộc “truyền tin” khác. Nổi tiếng nhất là câu chuyện truyền tin với nhân vật chính là anh rể của Đức Maria: ông Zaccaria, phải bị câm vì nghi ngờ lời sứ thần đã báo tin cho ông rằng người vợ lớn tuổi là bà Elizabeth sẽ giúp ông trở thành cha của vị ‘tiền hô’, Gioan Tẩy giả. Hai lần truyền tin khác liên quan tới song thân của Đức Maria: ông Gioakim và bà Anna. Đôi  vợ chồng lớn tuổi “không đồng thuận sau khi ông Gioakim bị chế giễu bởi tư tế trong đền thờ, đã đánh giá ông là người không công chính vì không có con”. Trong nhà nguyện Scrovegni, Giotto thực hiện lại khoảnh khắc giảng hòa: cả hai vừa được sứ thần viếng thăm và nhận được tin báo rằng họ sẽ được làm cha mẹ. Đó là nụ hôn nổi tiếng, trong sáng và đầy nhân văn. Hai vợ chồng già đã hiểu bao nhiêu điều “lớn lao” sắp xảy đến trong cuộc đời họ.

Giotto, Cuộc gặp gỡ của Gioakim và Anna tại Cổng Vàng, 1303-1306, Nhà nguyện Scrovegni

Chén đắng

Cuối cùng, Barbagallo nhắc tới các câu chuyện kể trong các sách Phúc âm ngụy thư, được viết nhiều thế kỷ sau khi Chúa Giáng sinh cũng liên quan tới khung cảnh Truyền tin. Các sách ấy kể lại sự kiện Đức Maria và thánh Giuse bị các tư tế buộc tội vì không giữ được sự trong trắng cho tới hôn nhân nên đã bị ép uống một hỗn hợp các loại thảo mộc đắng. Và, cả hai đã vượt qua bài kiểm tra “chén đắng”, đã chứng minh cho những người buộc tội rằng họ đã nói sự thật và việc mang thai của Đức Trinh nữ xuất phát từ siêu nhiên. Cảnh tượng ấy được diễn tả trong những bức họa kỳ diệu của Castelseprio, có từ hàng trăm năm. Nó như một trang tranh minh chứng rằng nghệ thuật đã nhiều lần lấp đầy những khoảng trống trần thuật của các sách Phúc âm kinh điển mà qua đó giúp cho tính nhân loại của Gia đình Thánh Gia có tính xác thực hơn.

Maestro di Castelseprio, Đức Maria uống nước đắng, thế kỷ 9-10, Nhà thờ Thánh Maria Foris Portas, Castelseprio

Paolo Ondarza Vatican News

Chuyển ngữ: Maria Thùy Linh

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org