Bài học Tin Mừng theo Thánh Matthêu – Số 3

CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN – NĂM A (Mt 4, 12-17)
Chủ đề: BÌNH MINH CỦA MỘT THỜI ĐẠI MỚI – NƯỚC TRỜI ĐÃ ĐẾN GẦN

I. Dẫn Nhập

Tuần trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu khái quát chương một và chương hai của Tin Mừng theo thánh Mát-thêu với chủ đề: “Nguồn gốc của Chúa Giêsu”. Trong tuần này, chúng ta cùng dừng lại ở chương bốn, là chương đánh dấu thời điểm kết thúc sứ mạng của Thánh Gioan Tẩy Giả và bắt đầu sứ mạng của Đức Giêsu. Chúng ta cùng tìm hiểu chủ đề: BÌNH MINH CỦA MỘT THỜI ĐẠI MỚI: NƯỚC TRỜI ĐÃ ĐẾN GẦN.

II. Bố cục

Bản văn Mt 4,12-17 nằm ở giữa trình thuật về việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ và ơn gọi đầu tiên của bốn môn đệ. Bản văn giới thiệu cho chúng ta khởi đầu sứ mạng của Chúa Giêsu tại Galilê. Bản văn này có thể được chia ra thành ba phần:

Video bài học
Audio Lời Chúa (Mt 4,12-17)

1. Kết thúc sứ mạng của thánh Gioan Tẩy Giả (4,12)

2. Khởi đầu sứ mạng rao giảng của Chúa Giêsu tại Galilê (4,13-16)

3. Nội dung của lời rao giảng (4,17)

III. Chú giải

Trước khi đi vào chủ đề chính, chúng ta cùng lược qua một điểm bối cảnh cần thiết như sau:

1. Về địa lý của Nước Do Thái thời Đức Giêsu: Nước Do Thái là một nước rất nhỏ nằm ở cuối phía tây Châu Á, có diện tích khoảng 25.000 Km2 (gấp 8 lần Thủ Đô Hà Nội). Vào thời Đức Giêsu, nước Do Thái đang bị đế quốc Rôma đô hộ và được chia làm 3 miền. Miền Bắc là Galilê, do Vua Hê-rô-đê An-ti-pa cai trị. Miền Trung là Samari và Miền Nam là Giuđê, đều do tổng trấn Rôma là Philatô trực tiếp cai trị.

2. Chính tại miền Giuđê phía Nam này, Thánh Gioan Tẩy Giả đã rao giảng trong hoang địa, kêu gọi mọi người sám hối và làm phép rửa tại sông Giođan. Biết những sự kiện đó, Đức Giêsu đã từ miền Galilê phía Bắc đến với Gioan và xin ông làm phép rửa.

3. Sau khi chịu phép rửa của Gioan, Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu cám dỗ, Người đã ăn chay 40 đêm ngày. Sau đó, khi nghe tin Gioan Tẩy Giả bị vua Hêrôđê bắt, Đức Giêsu trở về miền Galilê. Tuy nhiên, người không ở lại thành Na-da-rét quê hương, mà đến với thành Ca-phác-na-um ven biển hồ Ga-li-lê. Chính tại đây, Đức Giêsu đã bắt đầu sứ mạng rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”

4. Nói về Galilê, đây là miền giáp ranh giữa vùng có đạo và vùng ngoại đạo, người Do Thái sống lẫn lộn giữa dân ngoại, nên nơi đây bị coi miền đất của dân ngoại, đầy tối tăm và tội lỗi. Vì thế, sự kiện Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ tại Galilê, đã ứng nghiệm lời của ngôn sứ Isaia hơn 700 năm trước rằng: “Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”.

Giờ đây chúng ta cùng tìm hiểu hai chủ đề trong lời mời gọi mở đầu sứ vụ của Đức Giêsu, đó là: Sám hối và Nước Trời.

IV. Nội dung

1. Đức Giêsu kêu gọi hãy sám hối, điều đó có nghĩa là gì?

a. Thực tế thì lời mời gọi sám hối của Đức Giêsu không hề mới. Ngay từ đầu Cựu Ước, các ngôn sứ vẫn luôn kêu gọi dân Israel phải sám hối, và lời rao giảng cũng như phép rửa của Gioan Tẩy Giả cũng cùng một chủ đề kêu gọi sám hối này. Sự lặp đi lặp lại này cho thấy sám hối là thái độ đầu tiên cần phải có của con người, ở mọi nơi và mọi thời, để bước đầu cải thiện mối tương quan với Thiên Chúa. Bởi chưng chính vì kiêu ngạo mà Tổ Tổng loài người đã phạm tội bất tuân và xa rời Người.

b. Nguyên nghĩa trong Kinh Thánh, sám hối được hiểu là quay trở lại, là thay đổi, cả về tư tưởng và tâm hồn. Nghĩa là phải từ bỏ con đường tội lỗi của mình để trở về nẻo chính đường ngay, bằng cả hành động và suy nghĩ. Như thế, hành vi sám hối luôn bao gồm hai nhịp là nhìn về quá khứ và hướng tới tương lai, như Công đồng Trentô định nghĩa: “Sám hối là cảm thấy đau buồn, gớm ghét tội đã phạm và quyết chí chừa cải”.

2. Nước Trời đã đến gần nghĩa là gì?

a. Chúng ta hiểu Nước Trời là gì? “Nước” ám chỉ đến triều đại hay vương quyền của Thiên Chúa. Còn “Trời” là cách dùng của người Do Thái thay cho “Thiên Chúa”. Như vậy, Nước Trời cũng gọi là Nước Thiên Chúa, hay Triều Đại Thiên Chúa. Nước Trời mang ý nghĩa chủ yếu nói về thời cánh chung, tức là ngày tận thế trong tương lai, nhưng ở đây Đức Giêsu muốn nhấn mạnh đến nghĩa cho thời gian hiện tại. Nghĩa là Nước Trời được biểu hiện nơi chính con người của Ngài, vì Ngài là Con Một Thiên Chúa, đã đến trần gian để minh chứng tình yêu mà Chúa Cha dành cho nhân loại.

b. Đức Giêsu đã đến để đem ơn cứu độ là cho nhân loại, để những ai biết sám hối và tuân giữ những tiêu chuẩn của Nước Trời, mới có thể trở thành công dân của Nước Trời ấy. Như thế, hiệu lực của Nước Thiên Chúa tùy thuộc vào chính thái độ đón nhận của mỗi chúng ta.

V. Suy niệm và thực hành

Sau khi tìm hiểu về chủ đề BÌNH MINH CỦA MỘT THỜI ĐẠI MỚI: NƯỚC TRỜI ĐÃ ĐẾN GẦN, chúng ta có thể dừng lại ở một vài ý tưởng giúp chúng ta suy niệm và thực hành.

1. Cảm nhận sự hiện diện gần gũi của Nước Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày: trong công việc, trường học, bạn bè, người thân. Ở đâu có tình yêu tha nhân, ở đó có Thiên Chúa.

2. Sống tâm tình sám hối để trở thành công dân của Nước Trời

– Loại bỏ những việc làm đen tối và những đam mê bất chính

 Đổi mới lối suy nghĩ và hành động theo tinh thần Kitô giáo

 Sống theo những tiêu chuẩn và lời khuyên của Tin Mừng

VI. Tiếp theo

Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu trong sứ vụ công khai của Ngài, đánh dấu thời khắc BÌNH MINH CỦA MỘT THỜI ĐẠI MỚI: NƯỚC TRỜI ĐÃ ĐẾN GẦN. Ở bài tiếp theo, chúng ta cùng gặp gỡ vị Môsê mới được thánh Mátthêu phác hoạ qua bản hiến chương Nước Trời.

Xin vui lòng đọc trước chương 5 Tin Mừng theo thánh Mát-thêu.

Ban biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org