Bài học Tin Mừng theo Thánh Matthêu – Số 4

Chủ đề: CHÚA GIÊSU – MÔSÊ MỚI – VỚI HIẾN CHƯƠNG NƯỚC TRỜI

(Mt 5, 1-12)

I. Dẫn nhập

Trong tuần trước, chúng ta đã tìm hiểu chủ đề: BÌNH MINH CỦA MỘT THỜI ĐẠI MỚI: NƯỚC TRỜI ĐÃ ĐẾN GẦN (x. Mt 4,17). Đức Giêsu công bố Nước Trời bằng những phép lạ chữa lành bệnh tật và lời giảng dạy trong hội đường. Đã có các môn đệ theo chân Người (Mt 4,18-25). Qua trình thuật về khởi đầu sứ vụ của Đức Giêsu, Thánh Mátthêu muốn làm nổi bật hình ảnh Đức Giêsu không những là thầy dạy, nhưng còn là Đấng Cứu độ cho cả nhân loại. Trong bài học tuần này, chúng ta cùng khám phá điểm nổi bật này với chủ đề: CHÚA GIÊSU – MÔSÊ MỚI – VỚI HIẾN CHƯƠNG NƯỚC TRỜI.

II. Bố cục bản văn Mt 5, 1-12

Chủ đề: CHÚA GIÊSU – MÔSÊ MỚI – VỚI HIẾN CHƯƠNG NƯỚC TRỜI được rút ra từ Tin Mừng Mt 5,1-12. Đây là đoạn thuộc phần dẫn nhập của “Bài giảng trên núi”. Bài giảng trên núi được ghi lại trong ba chương: từ chương 5 đến chương 7. Trong ba chương này thánh Mátthêu muốn giới thiệu cho chúng ta Đức Giêsu chính là Môsê mới. Hình ảnh này được phác hoạ ngay trong đoạn đầu tiên của Bài giảng (Mt 5,1-12).  Đoạn này có thể được chia thành ba phần:

1. Dẫn nhập (5,1-2)

2. Các Mối phúc (5,3-10)

Video bài học
Audio Lời Chúa (Mt 5, 1-12)

3. Phần giải nghĩa cho mối phúc cuối cùng (5,11-12)

III. Vài điểm chú giải

1. “Núi”

– Núi được xem như giao điểm giữa trời và đất. Từ cái nhìn tôn giáo, núi được xem là nơi các thần linh ngự trị và từ đó phát xuất ơn cứu rỗi. Trong Cựu Ước, núi là biểu tượng sự công chính trung thành của Thiên Chúa (Tv 36,7). Núi thánh là nơi Thiên Chúa ngự trị.

– Theo thánh Mátthêu, các ngọn núi tại Galilêa là nơi dành riêng Đấng Cứu Thế tỏ mình ra. Cuộc đời Đức Giêsu được lồng vào hai khung cảnh trên núi. Trong khung cảnh đầu tiên, ở trên ngọn núi cao, Đức Giêsu chiến thắng sự cám dỗ của Satan (Mt 4,8), Trong khung cảnh cuối cùng, Đức Giêsu trao cho các môn đệ quyền hành Người đã nhận nơi Chúa Cha (Mt 28,16). Giữa hai khung cảnh đó, cũng chính trên một ngọn núi, Đức Giêsu đã dạy dỗ các môn đệ (Mt 5-7), cầu nguyện với Chúa Cha (Mt 14, 23), chữa lành những kẻ xấu số và cho họ bánh ăn (Mt 15,29), sau hết Người biến hình trên núi (Mt 17,1). Tuy nhiên, thánh Mátthêu không nói tên một ngọn núi nào trong số các ngọn núi này. Như thế, khi phác hoạ Đức Giêsu trên núi, thánh Mátthêu hướng chúng ta đến núi Sinai mới và Môsê mới.

2. “Phúc thay”

– Một thể loại văn chương phổ biến trong nền văn chương Ai Cập, Hy Lạp và Do Thái cổ được biết đến là “Phúc thay”. Trong Cựu Ước, thể loại văn chương “Phúc thay” bao gồm cụm từ giới thiệu: “Phúc thay người …” và theo sau là một tình cảnh của người ấy. Nhiều khi “Phúc thay” được nối kết với một lời hứa ban phần thưởng dành cho người được chúc phúc (Ps 128,1-2). Trong Cựu Ước, có 45 “Phúc thay” được tìm thấy, phần lớn trong các Thánh vịnh và các Sách Khôn ngoan. Các mối phúc của Cựu Ước chủ yếu nói về những phúc lành trong cuộc sống hiện tại. Một số nói về những phúc lành tương lai. Còn các Mối Phúc trong Tin Mừng Mátthêu công bố tình trạng viên mãn, liên quan đến mọi mặt nơi cuộc sống của người được chúc phúc, bắt đầu được trải nghiệm trong cuộc sống này và sẽ được hiện thực hoá một cách tròn đầy nơi Thiên Quốc. 

IV. Đức Giêsu – Môsê mới – với Hiến chương Nước Trời

– Ngay trong câu dẫn nhập vào Bài giảng trên núi, thánh Mátthêu trình bày cho ta thấy Đức Giêsu là vị Môsê mới khi ngài viết: “Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi, Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên” (Mt 5,1). Đức Giêsu ngồi trên núi như thể là Người ngồi trên tòa Môsê. Ở đây, Người dùng núi làm tòa giảng; Người ngồi đó như vị Môsê vĩ đại. Người ngồi trên tòa Môsê không phải để đón nhận Lề luật của Thiên Chúa, nhưng để tỏ bày Thánh ý của Thiên Chúa qua việc công bố Hiến chương Nước Trời, khởi đầu với các Mối Phúc.

– Các Mối Phúc là một chương trình mới của cuộc sống. Các Mối Phúc giải thoát chúng ta khỏi những giá trị sai lầm của thế gian. Nói cách khác, Các Mối Phúc của Chúa Giêsu tượng trưng cho sự đảo ngược các giá trị, tiêu chuẩn hạnh phúc của thế gian. Nhiều người mà thế gian coi là những người khốn khổ nhất thì Đức Giêsu lại tuyên bố họ đang ở trong một tình cảnh hạnh phúc nhất: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, ai hiền lành, ai sầu khổ, ai khát khao nên người công chính, ai xót thương người, ai có tâm hồn trong sạch, ai xây dựng hòa bình, ai bị bách hại vì sống công chính (x. Mt 5,3-12). Họ là những người hạnh phúc thật, vì giờ đây Thiên Chúa đoái nhìn đến họ và bảo đảm cho họ được an ủi trong tương lai. Thật vậy, khi Thiên Chúa an ủi, thỏa mãn cơn đói công chính, lau khô những giọt nước mắt kẻ than khóc, nghĩa là Ngài mở Nước Trời cũng như đền bù cho mỗi người một cách thỏa đáng.

– Các Mối Phúc phản ánh cuộc đời của Con Thiên Chúa, Đấng đã để cho mình bị bách hại và khinh miệt cho đến khi bị kết án tử hình để có thể ban ơn cứu độ cho tất cả nhân loại. Các Mối Phúc là quà tặng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì các Mối Phúc và vì những phần thưởng phát sinh từ các Mối Phúc, đó là Vương Quốc của Thiên Chúa trong tương lai. Nơi đây chúng ta được an ủi, được hưởng nếm sự trọn vẹn của mọi điều tốt lành và lòng thương xót từ phía Thiên Chúa.

V. Suy niệm và thực hành

Sau khi tìm hiểu về chủ đề: ĐỨC GIÊSU – MÔSÊ MỚI – VỚI HIẾN CHƯƠNG NƯỚC TRỜI, chúng ta có thể dừng lại ở một vài ý tưởng giúp chúng ta suy niệm và thực hành.

1. Thiên Chúa vẫn tiếp tục nói với chúng ta qua vị Môsê mới là Đức Giêsu và qua Giáo Hội. Bây giờ, Thiên Chúa nói với chúng ta thật gần gũi, như con người với con người. Bây giờ, Người bước sâu vào đau khổ của chúng ta. Chúa đụng chạm tới cảnh nghèo của chúng ta. Người lau khô những giọt lệ của chúng ta. Người an ủi chúng ta. Người tẩy sạch tâm hồn chúng ta. Người bảo vệ chúng ta khỏi tay kẻ thù.

2. Các Mối Phúc là căn tính của mỗi người chúng ta – đó là tấm thẻ căn cước của chúng ta – bởi vì các Mối Phúc vẽ lên dung nhan của chính Chúa Giêsu, lối sống của Người. Khi chúng ta sống tinh thần các Mối Phúc chính là lúc chúng ta để cho Đức Giêsu sống trong chúng ta. Khi chúng ta hành động theo tinh thần các Mối Phúc chính là lúc chúng để cho Đức Kitô hoạt động qua chúng ta.

3. Mỗi người chúng ta được mời gọi tin tưởng phó thác vào Chúa. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi sống trong tình liên đới với anh chị em mình, đặc biệt là những người nghèo, những người đau khổ, những người than khóc, những người bị bách hại. 

4. Sau cùng, chúng ta hãy gắng sống đúng căn tính Kitô hữu của mình một cách triệt để ngõ hầu Bài giảng trên núi được vang xa, Nước Trời được mở rộng trong thế giới, hôm nay và ngày mai.

VI. Giới thiệu chủ đề tiếp theo

Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa phần mở đầu của Bài Giảng trên núi với chủ đề: ĐỨC GIÊSU – MÔ-SÊ MỚI – VỚI HIẾN CHƯƠNG NƯỚC TRỜI. Ở bài tiếp theo, chúng ta tiếp tục tìm hiểu Bài giảng trên núi với chủ đề: MUỐI CHO ĐỜI VÀ ÁNH SÁNG CHO TRẦN GIAN.

Xin vui lòng đọc trước chương 6 Tin Mừng theo thánh Mát-thêu.

Ban biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org