Bài 20: Sách Tô-bi-a || Tổng quan Kinh Thánh

I. DẪN NHẬP

Trong bài học trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu hai sách Ét-ra và Nơ-khe-mi-a. Hôm nay chúng ta đến với sách Tô-bi-a. Sách Tô-bi-a được viết khoảng những năm 200 TCN. Cuốn sách gồm 14 chương. Thuộc cùng loại văn phong với sách Ét-te, Giu-đi-tha và Rút, sách Tô-bi-a là một truyện ngắn quảng diễn lòng nhân từ của Thiên Chúa dành cho những cá nhân, những người tín trung với Chúa và Lề luật của Người. Ba nhân vật đặc biệt được kể đến trong sách Tô-bi-a là ông Tô-bít, cậu Tô-bi-a và cô Xa-ra. Cuộc sống của những nhân vật này diễn ra như thế nào? Họ đã được Chúa thương ra sao? Giờ đây chúng ta cùng tìm hiểu.

    II. NỘI DUNG

    1. Tô-bít

    Tô-bít, một người thuộc chi tộc Nep-ta-li, sống ở miền bắc Ít-ra-en. Khi Sa-ma-ri-a thất thủ vào tay Đế quốc Át-sua năm 722 TCN, Tô-bít cùng với gia đình phải lưu đày ở Ni-ni-vê, thủ phủ của Át-sua. Mặc dù sống ở đất khách quê người, Tô-bít vẫn tiếp tục thực hành những việc đạo đức theo Lề luật Do thái như chôn xác kẻ chết, bố thí cho người nghèo, không ăn đồ cúng thần, dù có thể mất mạng nếu bị bắt. Chính vì lòng trung thành với Thiên Chúa và với tình tương thân tương ái đối với dân mình mà ông đã trở thành một người nghèo khổ đến tột cùng. Ông còn bị rơi vào tình trạng mù lòa. Từ hoàn cảnh khủng hoảng ấy sinh ra những bất đồng giữa ông và người vợ là bà An-na. Bà An-na đã trách móc ông Tô-bít như sau: “Các việc bố thí của ông ở đâu? Các việc nghĩa của ông đâu cả rồi? Đó, ai cũng biết là ông được bù đắp như thế nào rồi!” (Tb 2,14). Nói một cách như người ta thường nói ngày nay: “sống lương thiện có được ích gì đâu!”. Quả thật, sự thất vọng lớn lao bao phủ cả tâm hồn ông Tô-bít và ông cầu mong chết cho yên thân. Tuy nhiên, chính trong lúc đau khổ và tràn ngập ưu phiền ấy, Tô-bít đã chạy đến với Chúa trong cầu nguyện. Ông tin tưởng vào lòng nhân hậu và sự phán xét công minh của Chúa (x. Tb 3,1-6).

      2. Xa-ra

      Trong khi Tô-bít cầu nguyện với Chúa, thì cùng thời gian đó, tại Éc-ba-tan, Xa-ra, con gái của ông Ra-gu-ên và và bà Et-na, những người họ hàng với ông Tô-bít. Cô Xa-ra đã bảy lần lấy chồng, nhưng lần nào cũng đúng vào đêm tân hôn thì bị quỷ Át-mô-đai-ô ghen tức giết mất chú rể. Cô Xa-ra bị người ta vu hoạ cáo gian là người sát phu. Trong cảnh đau khổ ấy, cô có ý định tìm đến cái chết, nhưng nghĩ lại, cô đã bỏ ý định và ngay lúc đó cô hướng về Chúa trong cầu nguyện. Cô dang hai tay về phái cửa sổ cầu nguyện rằng: “Chúc tụng Chúa, lạy Thiên Chúa từ nhân! Chúc tụng danh Chúa đến muôn đời, và mọi công trình của Chúa phải chúc tụng Ngài muôn muôn thủa” (Tb 3,11).

      3. Tô-bít và Xa-ra được chữa lành và cuộc hôn nhân giữa cậu Tô-bi-a và cô Xa-ra

      Từ miền đất xa xôi, Tô-bít và Xa-ra trong cơn thất vọng ấy đã biết chạy đến cùng Chúa trong cầu nguyện. “Ngay lúc ấy, lời cầu xin của hai người là Tô-bít và Xa-ra đã được đoái nghe trước nhan vinh hiển của Thiên Chúa. Và thiên sứ Ra-pha-en được sai đến chữa lành cho cả hai. Ông Tô-bít thì được khỏi các vết sẹo trắng ở mắt, để ông được ngắm nhìn tận mắt ánh sáng của Thiên Chúa; còn cô Xa-ra, con gái ông Ra-gu-ên, thì được kết duyên với cậu Tô-bi-a, con trai ông Tô-bít, và được thoát khỏi tay ác quỷ Át-mô-đai-ô” (Tb 3,16-17).

      Tô-bi-a và Xa-ra đã trở thành cặp vợ chồng Do-thái lý tưởng: yêu nhau tha thiết, sùng mộ, luôn ca tụng Thiên Chúa suốt cuộc đời trường thọ và hạnh phúc của mình. Điều này cho thấy hôn nhân không chỉ có tính cách nhân loại, nhưng là do Thiên Chúa xếp đặt. Thiên Chúa đã kết hợp Tô-bi-a với Xa-ra trong một giao ước cứu chuộc. Tô-bi-a kết hôn với Xa-ra không chỉ vì hạnh phúc đời này mà vì hạnh phúc vĩnh cửu. Do đó, họ đặt Thiên Chúa làm trung tâm điểm của đời sống hôn nhân, thánh hóa hôn nhân bằng cầu nguyện. Như thế, trong hôn nhân, mầu nhiệm tình yêu và cứu độ thực hiện trong một kế hoạch của chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là sự sống.

      III. Kết  

      Sách Tô-bi-a, qua câu chuyện của ông Tô-bít, cô Xa-ra và cuộc hôn nhân giữa cậu Tô-bi-a và cô Xa-ra, cho chúng ta chiêm ngắm những gương mẫu về lý tưởng sống Do thái trong thời kỳ phiêu bạt. Họ dạy cho chúng ta, những người sống giữa dân ngoại nơi đất khách quê người, luôn luôn tín nhiệm vào Thiên Chúa, vì Người nhân hậu và che chở những ai trung tín.

        Thêm vào đó, sách Tô-bi-a còn dạy chúng ta, dù sống trong hoàn cảnh nào, thực thi lòng nhân ái là kiện toàn mọi lề luật, dầu phải nguy hiểm đến tính mạng. Chính Đức Giê-su khi Người đến thế gian, Người đã dạy và đã thực thi chân lý cao cả này: “Không có tình yêu nào lớn lao cho bằng tình yêu của kẻ chết vì người mình yêu” (Ga 15,13).

        Lm. An-tôn Trần Văn Phú

        Nguồn: tonggiaophanhanoi.org