Xứ đạo thời Covid – Cha xứ và Thầy xứ “bẻ lái’ phút 90

Kiểu cha xứ và thầy xứ đến sát giờ lễ như mọi khi lại cùng hùa nhau mặc đồ thể thao, chạy loanh quanh ngoài sân để “đánh lừa” rồi “đuổi khéo” giáo dân đến là bi hài như câu chuyện vừa kể ở trên đã diễn ra độ mấy tuần nay.

Giáo dân thì thèm lễ quá mà cha xứ cũng thèm giáo dân lắm chứ, nhưng không dám “manh động làm liều” vì Covid nó bay lung tung khắp chốn, có trừ chỗ nào, trừ người nào là không lây bệnh cho đâu. Nhỡ ra có chuyện gì thì lại ầm ĩ cả giáo xứ, ảnh hưởng đến hình ảnh Giáo Hội.

Nghẹn lòng mà cha xứ phải “bẻ lái” phút 90 để tránh giáo dân truyền tai nhau giờ lễ là lại ập đến đông lắm. Từ khi dịch bùng phát trở lại, cha xứ không còn xếp lịch lễ tuần công khai nữa, chỉ nhắn qua thầy xứ trước độ nửa tiếng để thầy xứ báo cho mấy cụ trùm, ông quản, các sơ và ít ca viên đến phục vụ Thánh lễ kín. 

Giờ lễ có thể là bất cứ khung giờ nào mà giáo dân không thể ngờ đến. Có những khi tờ mờ 4h00 sáng, cha con đã dựng nhau dậy dâng thánh lễ ban sớm. Có hôm sau hồi chuông báo 12h00, cha con rủ nhau lên viếng Thánh Thể rồi cha dâng lễ. Cũng có khi cha cứ im lặng cả ngày, ăn tối xong vẫn chưa thấy động tĩnh gì, chuẩn bị đi đọc kinh tối 20h00 thì cha mới báo lễ.

Thầy xứ với các chú thì toàn “lực lượng phản ứng nhanh” theo dây chuyền nên chỉ cần 10 phút là đã dọn lễ xong. Những Thánh lễ giảm đèn, giảm âm thanh, ít hoa, thưa hơn những ngọn nến và nhất là những hàng ghế trống buồn hiu hắt.

Bài giảng Lời Chúa, cha soạn vẫn đầy đặn, trầm ấm như có đông đủ con chiên của ngài nhưng ngài nói chỉ vừa đủ cho số ít giáo dân đang hiện diện. Bầu khí Thánh lễ đông cứng lại như cái khẩu trang mà mọi người phải đeo suốt khi ngồi dự lễ.

Mỗi ngày thứ Bảy, Chúa nhật mở điện thoại lên, tôi hay nhận được tin nhắn của mấy giáo dân luôn hỏi: Thầy ơi, hôm nay có lễ không? Thưa thầy, Chúa nhật này có lễ mấy giờ đấy ạ? Thầy ơi, Chúa nhật này thầy cho con đi lễ nhé! Con không được rước lễ cả tháng rồi.

Những câu hỏi rất dễ, những nhu cầu rất chính đáng thánh thiện nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy mình nghẹn lại và khó trả lời đến vậy. Nói dối thì không đành, nói tránh né mãi thì giáo dân họ vẫn biết, vẫn hiểu. Nhưng trong lòng họ ấm ức lắm, họ thèm được đến Nhà thờ mà không đến được.

Covid vô hình trở nên hữu hình với cái khẩu trang; trở thành nỗi ám ảnh văng vẳng ở tiếng loa phát thanh, tiếng chuông chờ điện thoại và trở thành một ngáng trở cản đường người giáo dân đến với nhà thờ. Có người nói vui: Thầy ơi, con sắp quên đường đến nhà thờ mất rồi? Ừ thì, đường đến nhà thờ có thể quên, nhưng đường Thánh giá dẫn lên thiên đàng đừng quên là được.

Đức tin sẽ không chỉ dừng lại ở ngôi nhà thờ vật chất, vì sẽ đến ngày “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào” nhưng Đức tin trưởng thành thì vươn lên đến chiều cao sâu rộng của Ơn cứu độ, của lòng Thương xót Chúa. Chỉ cần nghe được những tiếng réo gọi khát khao ước mong, thấy những ánh mắt chực chờ cánh cửa nhà thờ mở ra… Lẽ nào Thiên Chúa lại không động lòng xót thương. Vậy nhưng Ngài lại có cách xót thương và quan phòng của riêng Ngài.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org