Tuổi cao niên: Trưởng thành trong đau khổ và tình yêu

Là con người, dù muốn hay không muốn, tất cả chúng ta sinh ra rồi sẽ có tuổi và ngày một già đi. Chúng ta không thể giữ mình ở tuổi thanh xuân mãi được. Tuổi già là phúc lộc của Thiên Chúa như sách Châm Ngôn viết: “Mái đầu bạc là triều thiên vinh hiển, được tặng ban cho kẻ sống công chính” (Cn 16, 31). Nhưng tuổi già cũng là lúc phải chịu đựng nhiều đau khổ và bệnh tật theo như quan niệm của Phật Giáo về sinh, lão, bệnh, tử. Trong cuộc hành trình những năm cuối cuộc đời, có nhiều người cảm thấy an bình thư thái và hạnh phúc với tuổi già. Tuy nhiên, cũng có những người vẫn còn khắc khoải đi tìm ý nghĩa của cuộc sống trong tuổi cao niên. Làm sao đây để sống tuổi già cách trưởng thành trong đau khổ và tình yêu? Làm sao để sống tuổi già như là món quà của Thiên Chúa và là phúc lộc cho con cháu, bạn bè và tha nhân?  Để an vui trong tuổi già, mỗi người cần chuẩn bị những kiến thức và kinh nghiệm sống trong suốt cuộc đời mình. Qua bài viết này, chúng ta cùng thảo luận về một số đặc điểm của tuổi cao niên và cùng suy tư làm sao để có cái nhìn tích cực và an vui trong những năm tháng cuối của cuộc đời.

Thay đổi về thể lý ở tuổi cao niên:

Tuổi cao niên là giai đoạn cuộc đời từ 60 tuổi trở lên và ở tuổi này thường có rất nhiều thay đổi về mặt thể lý. Trên thế giới, con người ngày nay sống thọ hơn trước. Theo kết quả của cuộc điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi; trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71,0 tuổi, của nữ giới là 76,3 tuổi. Và nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong là do bệnh tật (90,9%). Nữ giới có khuynh hướng sống thọ hơn nam giới, trung bình khoảng 5 năm. Ở lứa tuổi cao niên, da sẽ mất đi độ đàn hồi, có nhiều nếp nhăn, phản xạ chậm dần, sức khoẻ cơ bắp suy yếu dần, đi lại chậm chạp. Thêm vào đó, thị giác và thính giác cũng suy giảm một cách đáng kể; có người bị đục thuỷ tinh thể, mắt mờ loà và có thể dẫn đến không nhìn được nếu không được chữa trị kịp thời. Răng lợi cũng ngày một yếu đi khiến cho nhiều người không cảm được độ ngon của đồ ăn như trước. Các giác quan khác như vị giác, khứu giác và xúc giác cũng dần dần mất đi độ nhạy cảm so với khi còn trẻ tuổi. Các bệnh về tim mạch, hô hấp, xương khớp mất cân bằng, và giảm khả năng vận động là nguyên nhân khiến nhiều người ở tuổi cao niên dễ bị suy yếu, ngã và tổn thương.

Do cấu tạo não bộ thay đổi, giảm kích cỡ và giảm chức năng theo tuổi tác, nhiều người ở tuổi cao niên mắc các bệnh như giảm trí nhớ ngắn hạn, giảm khả năng nhận thức và bệnh Parkinson… Lý do chính bị giảm trí nhớ là do tốc độ tiếp nhận và lưu trữ thông tin cũng như khả năng phục hồi thông tin ngày càng suy giảm. Theo quy luật không dùng thì sẽ mất, nếu một người không hoạt động hay tư duy thì bộ não sẽ mất dần những liên kết và thông tin.  Đó là một phần lý do chức năng của não bị giảm đi và nhỏ dần lại khi tuổi cao.

Thay đổi về tâm lý ở tuổi cao niên:

Đi cùng với việc suy giảm về thể lý, các giác quan và trí nhớ là sự thay đổi về tâm lý và quan hệ xã hội. Trong những năm cuối của cuộc đời, người cao niên gặp nhiều vấn đề về tâm lý, tình cảm và tương tác xã hội. Họ sống phụ thuộc vào người khác như phải đưa đi đón về, có khi phải có người giúp những việc quen thuộc trong nhà, và ngay cả vệ sinh cá nhân cũng không tự mình làm được. Các mối quan hệ bạn bè và xã hội bị thu hẹp lại do sự suy yếu về thể lý và tinh thần. Từ đó, khiến nhiều người cảm thấy bất lực, xấu hổ, tội lỗi, lo lắng và trầm cảm vì phải lệ thuộc vào người khác và cảm thấy mình như là gánh nặng cho gia đình, người thân, và xã hội. Nhiều người cảm thấy lẻ loi, cô đơn và mất mát khi người chồng/vợ, bạn bè qua đời, và nhất là những năm tháng cuối đời phải đối diện với chính sự đau đớn của bệnh tật thể xác và tinh thần, và nhất là với cái chết của chính mình. Khi làm trị liệu tâm lý cho những người cao niên ở Mỹ, tôi có nghe một phụ nữ trên 90 tuổi chia sẻ: thực ra tôi không sợ chết vì tôi có niềm tin vào Thiên Chúa và đã sống niềm tin của tôi trong bao nhiêu năm qua. Điều tôi sợ nhất đó là phải đối diện với khoảnh khắc mất mát từ từ và quá trình hấp hối. Có thể nói, khi phải sống với cảm giác một mình và cô đơn trong lúc tuổi già, nếu không được chăm sóc chu đáo và bao bọc bởi tình yêu thương của gia đình và con cháu thì những người cao niên dễ bị suy sụp về cả sức khoẻ thể lý, tâm lý và tâm linh.

Theo thuyết tâm lý xã hội của nhà tâm lý học Erik Erikson, con người ở tuổi cao niên thường phải đối diện với câu hỏi: tôi đã sống cuộc đời mình có ý nghĩa không? Nếu một người khi nhìn lại cuộc đời mình và hài lòng với những gì mình đã làm, thấy cuộc đời có ý nghĩa và tin rằng họ có một ảnh hưởng tích cực với gia đình và môi trường xung quanh thì họ sẽ có cảm thấy bình an thư thái và vui vẻ đón nhận những gì sẽ đến với họ trong tuổi già (integrity). Trái lại, nhiều người cảm thấy thất vọng vì cuộc đời sắp khuất núi mà vẫn chưa làm được điều gì ý nghĩa cho đời và cho người khác. Họ cảm thấy mình bỏ lỡ nhiều cơ hội, gặp nhiều thất bại và phạm nhiều sai lỗi nên cảm thấy ân hận, hối tiếc và thất vọng với những gì mình đã làm (despair). Do đó, người cao niên cần có cái nhìn tích cực và biết tìm ý nghĩa và chiều sâu thiêng liêng trong từng công việc và khoảnh khắc cuộc đời mình.

Sự trưởng thành tâm linh ở lứa tuổi cao niên:

Khi suy tư về tuổi cao niên, tôi nhớ đến câu chuyện trích trong cuốn sách Tuesday With Morries của tác giả Mitch Albom: Bạn không phải là 1 làn sóng, bạn là một phần của đại dương (You are not a wave, you’re part of the ocean).

Chuyện kể về một làn sóng nhỏ kia đang bồng bềnh trên đại dương và đang thích thú vì có những khoảnh khắc thật tuyệt vời. Làn sóng bình thản vô tư, tận hưởng gió và không khí trong lành, cho đến khi nó chợt nhận thấy những làn sóng khác trước mặt đang đổ vào bờ.

“Lạy Chúa tôi! Điều này thật đáng sợ.” Làn sóng đó la lớn tiếng: “Nhìn xem chuyện gì rồi sẽ xảy ra với tôi!”

Sau đó, có một làn sóng khác bên cạnh nhìn làn sóng vào bờ đầu tiên, trông thật nghiệt ngã và làn sóng đó nói với làn sóng phía trước mình: “Tại sao trông anh buồn thế?”

Làn sóng đi đầu tiên nói: “Cậu không hiểu sao? Tất cả chúng ta sẽ bị tan vỡ! Là những làn sóng, rút cục chúng ta chẳng là gì cả! Điều này chẳng phải là cuộc đời chúng ta thật khủng khiếp quá sao?”

Làn sóng thứ hai nói: “Không, cậu không hiểu rồi. Cậu không phải là một làn sóng, cậu là một phần của đại dương.”

“Một phần của đại dương,” Làn sóng nhẩm đi nhẩm lại: “Là một phần của đại dương.

– Trích trong sách Tuesday with Morrie, trang 179.

Câu chuyện này cho chúng ta suy tư rằng khi chúng ta đứng trước đại dương bao la, ở trên ngọn núi cao, hay ở trong khu rừng rộng, chúng ta cảm thấy mình không chỉ là một làn sóng lẻ loi, một ngọn núi nhỏ bé hay một cây đơn độc, mà chúng ta là một phần trong quần thể rộng lớn đó. Khi đặt mình trong không gian tự nhiên rộng lớn như vậy, chúng ta sẽ có những suy tư và cảm nghiệm mở rộng ra nhiều. Chúng ta không chỉ còn là một phần tử nhỏ bé, mà còn là một phần của một tổng thể lớn hơn. Như làn sóng dần dần trôi dạt vào gần bờ và tan vỡ ra trong đại dương bao la, mỗi người chúng ta cần sống sao để mỗi thời điểm và khoảng khắc trong cuộc đời, chúng ta luôn tìm được ý nghĩa cho cuộc sống và chuẩn bị tốt cho những ngày cuối đời được sống an vui và hài lòng với những gì mình đã làm cho đời, cho người.

Cuộc đời chúng ta trong suốt những năm nửa đầu (từ 0-40 tuổi) là lúc chúng ta hình thành nên con người mình bằng cách gây dựng cho mình những đặc thù nhân cách mình là ai? Có thể là một người nữ/nam, với nghề nghiệp bác sĩ hay kỹ sư hay nông dân, lập gia đình và có con cái hay độc thân, đi tu. Phần lớn nửa đầu cuộc đời chúng ta tập trung vào học tập, nghề nghiệp, tìm kiếm bạn bè và bạn đời, và ổn định cuộc sống riêng tư của mỗi người. Nửa sau của cuộc đời (từ 40 tuổi trở đi), cuộc sống chúng ta không còn chỉ tập trung vào việc chúng ta sẽ làm gì mà là chúng ta sẽ sống như thế nào. Chúng ta sẽ để ý những thao thức và khát vọng sâu thẳm bên trong của mình và lắng nghe tiếng Chúa nói với mình và đáp lại một cách chân thành hơn. Cuộc sống chúng ta không còn chỉ dành thời gian để xây dựng con người cá nhân của mình nữa vì điều đó chỉ làm chúng ta tập trung vào cái tôi của chúng ta, và rồi chúng ta sẽ cảm thấy mình tách biệt với thế giới xung quanh, cảm thấy đau khổ, tức giận, và cô đơn.

Một sự thực, tất cả chúng ta ngay từ khi sinh ra là lúc chúng ta bắt đầu hành trình cuộc đời hướng về chặng cuối cùng là cái chết của mình. Tất cả chúng ta đều biết sẽ có một ngày mình sẽ chết, sẽ rời cõi đời này nhưng rất ít người tin vào điều đó. Có một chân lý là cuộc sống của con người là hữu hạn. Để sống tích cực, chúng ta cần làm những gì tốt nhất và ý nghĩa nhất từng ngày trong cuộc sống ở hiện tại cho người thân và tha nhân. Một khi chúng ta học cách để chuẩn bị cho cái chết của mình thì chúng ta cũng sẽ học cách sống tốt khi còn ở trên dương gian. Nhiều người thậm chí không dám nghĩ đến cái chết vì sợ không biết sự gì sẽ sảy ra sau ngày mình qua đời, vì phải đối diện với sự không chắc chắn, sự hư không phía trước ngoài sự điều khiển của chúng ta. Nếu chúng ta thấy cuộc đời mình có ý nghĩa, chúng ta không muốn nhìn lại và hối hận mà muốn hướng về tương lai để có thể nhìn thấy những điều mới mẻ khác. Albom (2009) nói: “Tuổi già không phải chỉ là suy tàn và tiêu tan. Đó là sự trưởng thành. Những bi quan, tiêu cực làm cho chúng ta chết. Nhưng những điều tích cực giúp chúng ta hiểu rằng chúng ta sẽ chết, và chúng ta sẽ sống một cuộc sống tốt hơn vì cái chết của chúng ta” (trang 118). Chết không phải là hết. Chết chỉ là một sự chia lìa về thể xác và các mối quan hệ ở trần gian. Một thực tế mà ai trong chúng ta cũng phải chấp nhận là: chết là một lẽ tự nhiên và là định luật của cuộc sống, là một phần cuối cùng của sự sống mà con người phải hoàn tất.

Khi nghĩ về cách sống trưởng thành trong đau khổ và tình yêu ở tuổi cao niên, tôi suy tư về Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Bắt đầu Cuộc Thương Khó, Chúa Giêsu phải ngưng tất cả mọi hoạt động công khai của mình. Khởi đầu khi Chúa bước ra khỏi phòng dự bữa tiệc ly với các môn đệ và cầu nguyện một mình ở vườn Giết-si-ma-ni. Chúa Giêsu không còn có thể làm cho mọi người như trong suốt 3 năm đi rao giảng với các việc như: giảng dạy, chữa lành, làm phép lạ, trừ quỷ, an ủi người đau khổ, ăn uống với người tội lỗi, tranh luận với những thầy tư tế và người biệt phái, và dạy dỗ các môn đệ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Chúa không yêu nhân loại nữa. Mà tình yêu của Ngài thể hiện qua sự thụ động đón nhận mọi sự nhân loại làm cho Ngài. Trong Vườn Dầu, quân lính bắt Chúa Giêsu, trói tay Ngài, và dẫn Ngài đến vị thượng tế và rồi đến quan thẩm phán Philatô. Chúa Giêsu bị đánh đập, bị lăng mạ, bị lột quần áo và thậm chí bị đóng đinh và chết trên cây thập giá (Matthêu 26: 36-75). Những đau đớn về thể lý do bị quân lính dùng roi vọt, dây thừng đánh đập; đinh nhọn và mão gai đâm vào đầu và thân thể có lẽ không đau cho bằng những đau khổ tinh thần mà Chúa Giêsu phải chịu. Điều làm Chúa Giêsu đau khổ hơn cả là bị phản bội, bị từ chối, bị bỏ rơi bởi những môn đệ mình tin tưởng, yêu mến. Chúa còn bị đau khổ vì phải chịu cô đơn, hiểu lầm, cô độc, và không nhận được sự cảm thông, nâng đỡ trong lúc mình không còn có thể làm gì nữa. Đó là yếu tố tạo nên “Cuộc Thương Khó” của Chúa Giêsu. Khi Chúa ngừng không thể làm gì được nữa là lúc Chúa yêu nhân loại một cách phi thường nhất (Rolheiser, 2015).

Con người trong những ngày tháng cuối đời cũng trải qua “cuộc thương khó” của mình. Chúng ta yêu Chúa, yêu gia đình và tha nhân không còn qua những công việc hay trách nhiệm mà chúng ta đã làm khi còn trẻ. Chúng ta yêu mọi người trong sự bất lực và thụ động đón nhận những gì người khác làm cho ta. Chúa Giêsu trong cuộc thương khó đã yêu cho đến cùng và trao ban cho người khác mọi sự trong sự thụ động của mình. Rolheiser (2015) nói rằng: Khi chúng ta không còn đảm đang trách nhiệm, khi chúng ta bị suy sụp về thể lý và tinh thần, bị mất mát đau khổ và bị người khác hiểu lầm là lúc chúng ta đang đi qua cuộc thương khó của chính mình. Là lúc chúng ta có cơ hội để trao ban tình yêu và chính con người của chúng ta cho người khác ở một mức độ sâu sắc hơn. Niềm tin vào sự thương khó, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu cho chúng ta sức mạnh để sống cho Chúa và vì Chúa trong mọi sự, ngay cả khi chúng ta cảm thấy mình không còn gì để cho đi nữa trong tuổi cao niên của mình. Mỗi khi chúng ta gặp đau khổ do bị hiểu lầm, cô đơn, bất lực, đau đớn vì bệnh tật và tuổi tác, chúng ta sẽ được thêm sức mạnh, nguồn an ủi và tìm được ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc khi chúng ta kết hợp đau khổ của ta với sự thương khó và thập giá của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu thấu hiểu tất cả những kinh nghiệm đau khổ của chúng ta vì Ngài đã từng nếm trải sự cô đơn và tủi nhục trước chúng ta. Dù có chịu đau khổ đi đến tột cùng, Chúa Giêsu vẫn một niềm tin tưởng, cậy trông vào Thiên Chúa Cha.

Cuộc đời con người trong những năm cuối của mình như là làn sóng đang trôi dần vào bờ biển, sẽ đập vào bờ và tan biến ra trong đại dương. Mỗi người chúng ta cũng vậy. Với con mắt đức tin vào Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta tin rằng chết không phải là hết, mà là bắt đầu một cuộc sống mới trong Đức Kitô. Chúng ta sẽ được hoà vào một gia đình thiên quốc trên nước trời như làn sóng sau khi đập vào bờ và hoà mình trong đại dương bao la. Cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa và tràn đầy tình yêu và hy vọng khi chúng ta biết chấp nhận đau khổ của tuổi già và sống tốt từng giây phút hiện tại như Đấng Đáng Kính Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận có viết:

“Chấm này nối tiếp chấm kia,
ngàn vạn chấm thành một đường dài.
Phút này nối tiếp phút kia,
muôn triệu phút thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp.
Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.
Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng.
Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng.”

Ước gì mỗi người chúng ta luôn sống tâm tình tạ ơn tri ân, sống tốt giây phút hiện tại, sống tin tưởng, phó thác và không phải ân hận khi chưa kịp nói lời yêu thương, tha thứ cuối cùng với những người thân yêu của chúng ta. Đó là cách chúng ta trưởng thành trong đau khổ và tình yêu để khi tuổi đã xế chiều, chúng ta sẽ như là phúc lộc của Thiên Chúa cho con cháu, người thân và cho những người xung quanh. 

Nữ tu: Maria Lê Kim Yến, Dòng MTG Hà Nội

————————–

Trích dẫn:

Albom, M. (2009). Tuesdays with Morrie: An old man, a young man, and life’s greatest lesson. Hachette UK.

Rolheiser, R. (2015). The Passion and the Cross. Cincinnati, HO: Franciscan Media.

Thông cáo báo chí kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Trích từ

 https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=382&idmid=2&ItemID=19440