Trở về

Gửi mẹ của con…!

Vậy là con đã quay trở lại Hà Nội sau những ngày ít ỏi được về quê bên gia đình. Có lẽ, hai tháng xa nhà đối với nhiều người rất đỗi bình thường, bởi có những chị em sống cùng con ở đây vì điều kiện không cho phép mà cả năm mới được về quê có 1, 2 lần. Nhìn thế mới thấy con may mắn thế nào khi Hà Thành không cách quá xa nhà mình, thấy con may mắn thế nào khi vẫn có thể sắp xếp được công việc và học tập để có dịp về quê thăm bố mẹ.

Mẹ biết không! Mẹ, con và cả Giáo Hội đang cùng sống trong tâm tình của Mùa Chay Năm Thánh. Nhắc đến Mùa Chay, thường người ta nhớ đến điều gì mẹ nhỉ? Liệu có phải là những ngày ăn chay kiêng thịt? Hay có chăng là những giờ nguyện ngắm sự thương khó? Những giờ Chầu Thánh Thể, những giờ tĩnh tâm cầu nguyện?… Có nhiều thứ làm con người ta dễ liên tưởng đến Mùa Chay, vậy nhưng tất cả những hoạt động đó đều chỉ nhằm tới mục đích cuối cùng của mùa phụng vụ này, đó là: Sám hối và trở về. Và Mùa Chay năm nay với con đặc biệt hơn hẳn, bởi con cảm nhận được sự trở về cả về chiều hướng thiêng liêng và chiều hướng đời sống thường nhật.

Bước vào Mùa Chay không chỉ con và mẹ mà mỗi người tín hữu đều có dịp bước vào một căn phòng riêng biệt sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người. Căn phòng ấy có lẽ thật tĩnh tại, lặng yên, nó không bị ảnh hưởng chút nào từ thế giới bên ngoài; nhưng căn phòng ấy có thể lại tràn ngập bóng tối, nó khiến ta hoảng loạn, khiến ta sợ hãi, rối trí, thậm chí là tuyệt vọng. Có lúc ta ngồi co ro khép mình một góc, có lúc ta lại hoảng hốt chạy loạn quanh phòng để tìm kiếm lối ra, cũng có lúc ta mệt lả và chấp nhận buông bỏ… Có quá nhiều biểu hiện cho sự hoang mang khi tâm trí ta bị giam lại trong căn phòng kín mít tối đen đó. Căn phòng tối tăm ấy chính là góc khuất sâu trong mỗi con người; là nơi ta luôn cố gắng đóng kín khóa chặt để ngăn người khác bước tới; căn phòng tối tăm ấy được tạo nên bởi tội lỗi của chính ta qua từng ngày từng tháng. Hỏi sao khi bị nhốt trong đó ta lại hoảng loạn, sợ sệt đến vậy!

Thế nhưng mẹ ơi! Khi ta bình tĩnh lại thì cũng nên tự xét lại chính bản thân mình phải không mẹ? Con đọc được trong Sứ điệp Mùa Chay 2025 của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô có một đoạn ngài viết thế này:“Chúng ta phải tự hỏi: Tôi có tin chắc rằng Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của tôi không? Hay tôi hành động như thể tôi có thể tự cứu mình? Tôi có khao khát ơn cứu độ và cầu xin sự trợ giúp của Thiên Chúa để đón nhận ơn cứu độ không?” Thật vậy, nếu chỉ biết chìm trong bế tắc và tuyệt vọng nơi căn phòng kia, ta sẽ dần dần quên đi có một Đấng Yêu Thương luôn đồng hành và dõi theo ta. “Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.(Rm 8, 38-39). Tình yêu của Chúa luôn ở đó, bàn tay Ngài luôn đưa ra chỉ chờ ta nắm lấy; đó cũng là lúc ta đủ sức mạnh, đủ can đảm dám đối diện với bóng tối trong căn phòng tâm hồn; cũng là khi từng chút ánh sáng len lỏi chiếu vào và chính tâm hồn ta cảm nhận được rõ nhất sự ấm áp ấy.

Con vẫn thường nghe người ta gọi cuộc sống ngày nay là cuộc sống của sự tự do. Chưa từng có một giai đoạn nào mà cái tôi của con người lại được đề cao như vậy, thậm chí vượt xa cả những thuần phong mỹ tục, bỏ qua những giá trị đạo đức để đeo đuổi cái tự do ấy. Luật pháp và nhân phẩm con người ta chấp nhận sự tự do buông thả từ trong tưởng tượng đến việc lạm dụng tự do về lời nói và tệ nhất là sự buông thả thể xác để chạy theo những thú vui thế tục. Nhưng liệu đó là sự tự do thật sự chăng? Người con thứ trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay vì cho rằng, ở nhà cùng cha và anh thật quá bí bách và nhạt nhẽo nên đã đòi chia gia sản để bỏ đi xa, bỏ đi để tìm đến cái mà anh ta cho rằng đó là tự do. Trong tâm trí của anh thì sự tự do được thể hiện ở lối sống phóng đãng vô tội vạ và vung tay phung phí tiền bạc của cải để rồi chính cái tự do mà người con thứ theo đuổi, lại trở thành cái lồng giam anh ta trong đói rách và nghèo túng. Nhưng nhờ thế, anh mới được tỉnh ngộ, mới ăn năn hối hận mà quyết định quay trở về nhà. Đây có lẽ mới chính là tự do thật sự. Con từng được chia sẻ rằng chỉ khi ta đối mặt, chấp nhận và ăn năn vì những lỗi tội của mình thì khi ấy ta mới có thể thực sự được tự do, đó là tự do thật sự trong tâm hồn chứ không phải chỉ là sự tự do rỗng tuếch về thể xác.

Nhưng đời sống thiêng liêng và đời sống thực tại thì luôn là hai mặt đối lập nhưng song hành. Không phải chỉ có Mùa Chay thì mới có thể xét mình và sám hối; nhưng Mùa Chay lại là dịp thuận tiện nhất để ta ăn năn và đưa tâm hồn trở về cùng Chúa. Đó là trở về cách thiêng liêng, vậy còn trở về trong đời sống thực tại thì sao mẹ nhỉ? Với con, trở về nhà cùng bố mẹ có lẽ là sự trở về ý nghĩa nhất với đời sống thực tại này. Ngay cả người con thứ sau khi nhận ra mình lầm đường lạc lối cũng đã lựa chọn trở về nhà bởi nhà là nơi có bố có mẹ, là nơi dù con có sai thì vẫn luôn được răn bảo và tha thứ, là nơi chứa đựng sức mạnh tinh thần lớn lao, là nơi khi con nản chí và muốn bỏ cuộc thì cũng sẵn sàng bao bọc con. Người ta vẫn thường nói, tuổi trẻ như chúng con thì nên va vấp bên ngoài nhiều hơn, cần được thỏa sức tung bay khám phá nhiều hơn. Nhưng sau khi đã bị cuộc sống tạo cho những vết xước trong đời, con mới thật sự hiểu được ở trong vòng tay bố mẹ mới ấm áp biết bao nhiêu. Khi còn nhỏ ai cũng muốn mau chóng lớn thật nhanh để thoát ra khỏi sự gò bó của gia đình, tự do làm điều mình muốn và khi lớn lên rồi thì lại ước ao được nhỏ đi để được bố mẹ bao bọc chở che. Hồi nhỏ con vẫn hay được bảo: “Hãy tận hưởng tuổi trẻ của con đi nào”, thế nhưng con lại chẳng thể biết tận hưởng thế nào cho phải; giờ đây xa rời gia đình rồi con mới ngộ ra điều ấy. Nhưng con nghĩ rằng, không bao giờ là quá muộn để hiểu một điều gì đó. Có lẽ, càng ước ao nhỏ bé đi bao nhiêu thì con mới càng trân trọng bấy nhiêu khoảng thời gian bên gia đình. Hơn thế nữa, là những người con Thiên Chúa, mỗi một gia đình của chúng ta đều có Ngài hiện diện và vì thế, đời sống gia đình được thánh hóa để luôn trở nên tốt đẹp hơn cách này hay cách khác như Chúa quan phòng. Trong Tự điển Đạo đức Công giáo, Đức Tổng Giám mục Jean-Louis Bruguès nhắc lại: “Qua gia đình, tình yêu Thiên Chúa được thể hiện” và cùng với tình yêu lớn lao nhận được từ Đấng yêu thương mà chúng ta lại càng trở nên hy vọng hơn vào Ngài, đặc biệt là trong Mùa Chay của Năm Thánh hy vọng này.

Mẹ ơi! Mẹ con mình đã cùng bước đi được nửa chặng đường của Mùa Chay rồi, nguyện xin tình yêu của Chúa luôn đồng hành và dắt dìu mỗi thành viên trong gia đình mình được trở về. Đặc biệt là biết trở về trong tâm hồn với niềm hy vọng vào Thiên Chúa như lời cầu nguyện của Thánh Tê-rê-sa A-vi-la: “Hãy hy vọng, linh hồn tôi ơi, hãy hy vọng”. Mẹ cũng hãy hiệp ý cầu nguyện cùng con mẹ nhé!

Con: Mar Minhanh

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org