Thiên Chúa đơn phương tỏ tình với con người – Chúa Nhật I Mùa Chay năm B

Thiên, địa, nhân hay Trời, đất, và con người mang một mối dây liên kết kỳ diệu. Một khi Thiên thời địa lợi nhân hòa thì mọi sự hanh thông. Con người được đặt để giữa trời và đất: đầu đội trời, chân đạp đất. Ông Trời đã tác tạo nên con người và làm mọi sự cho con người. Ông Trời cũng dựng nên đất để đất phục vụ con người. Trời và đất luôn nặng tình với con người. Mùa Chay về, chúng ta cùng ngồi lại ngẫm về tình Trời với người. Trong Chúa nhật thứ nhất này, Sách Thánh bộc lộ một cuộc tình đơn phương của Thiên Chúa với con người.

Đơn phương tỏ tình

Bài đọc thứ nhất trích từ sách Sáng Thế (St 9, 8-15) là trình thuật về việc Thiên Chúa ký kết với ông Noe sau trận Đại Hồng Thủy. Gọi là ký kết, nhưng thực ra chỉ có một mình Thiên Chúa đơn phương kết ước với ông Noe cũng như với toàn thể sinh vật trên mặt đất. Ông Noe đã chẳng nói gì, chẳng thề hứa gì với Chúa. Còn Thiên Chúa thì hứa bảo vệ ông cũng như mọi loài: “Ðây Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi và con cháu các ngươi, với tất cả sinh vật đang sống với các ngươi…: nước lụt không còn tiêu diệt mọi loài nữa, cũng không khi nào còn lụt tàn phá trái đất nữa”.

Không những Chúa đã tự đưa ra lời hứa mà còn đặt để một dấu chỉ để không quên lời kết ước: “Ta sẽ đặt trên trời một cái mống, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất. Khi Ta quy tụ mây lại trên trời, mống sẽ xuất hiện trên mây, và Ta sẽ nhớ lại giao ước đã ký kết giữa Ta với các ngươi và mọi sinh vật”.

Từ ngày con người phạm tội, muốn ngoi lên bằng Trời thì con người đã trở nên sa đọa. Nó không còn được sống trong cảnh thái bình của vườn Địa Đàng nữa. Con người lang thang vô định và ngày càng trở nên tồi tệ, tội lỗi lan tràn khắp mặt đất. Lụt Hồng thủy là phương thế để Chúa Cả trời đất dùng mà tẩy xóa tội lỗi của con người. Nhưng cho dù thế nào, Thiên Chúa vẫn giữ lại dòng giống loài người, giữ lại gia đình ông Noe. Với số sót ấy, Thiên Chúa gầy dựng lại dân của Ngài.

Cho dù con người đã chống lại Ngài, nhưng Thiên Chúa đã không tận diệt con người. Ngài vẫn âm thầm, lẽo đẽo đi theo con người, tìm cách giúp đỡ con người. Ta chỉ có thể cắt nghĩa hành vi ấy là vì tình yêu. Chỉ có thể là vì yêu con người thì Chúa mới làm như vậy. Mà quả thực, Thiên Chúa đã mặc khải rất rõ cho con người trong Tin mừng Gioan “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Với việc ký kết với ông Noel, Thiên Chúa đã tỏ tình với con người; Với hình ảnh cầu vồng làm dấu chỉ để hằng nhắc lại lời kết ước, Thiên Chúa đã đặt nơi con người nguồn hy vọng lớn lao; Việc con người im lặng trong nghi lễ kết ước càng làm cho Thiên Chúa hiện lên với hình ảnh đơn độc, hình ảnh của một người tình đơn phương đang bị người mình yêu ngó lơ.

Hiện thực hóa lời hứa

Dọc theo chiều dài của Cựu Ước là hành trình Thiên Chúa tìm đến với con người. Bước sang Tân Ước, với sự hiện diện của chính Thiên Chúa trong thân phận một con người, chúng ta được chiêm ngắm hiện thực của tất cả những lời hứa của Chúa trong Cựu Ước.

Bài Tin mừng theo thánh Marco trong Chúa nhật này (Mc 1, 12-15) là trình thuật về việc Chúa Giêsu ở trong sa mạc 40 ngày.

Hình ảnh sa mạc với con số 40 gợi lại khung cảnh dân Do thái đi trong sa mạc suốt 40 năm. Chính 40 năm trong sa mạc là thời gian dân cảm nếm lòng trung thành và sự yêu thương dìu dắt của Thiên Chúa đối với họ. Nhưng cũng nơi ấy đã chứng kiến biết bao lần dân xa ngã trước cám dỗ, bao lần rời bỏ Thiên Chúa, bao lần phản bội Đấng hằng yêu họ hết lòng.

Trước khi công khai rao giảng về Trời, Đức Giêsu đã ở trong sa mạc 40 ngày. Ngài đã cảm nếm mọi cung bậc tình cảm của con người trong sa mạc 40 năm xưa kia với sự khắt khe của thiếu thốn, sự cám dỗ của ma quỷ, sự rình rập của thú dữ. Nhưng với sự xuất hiện của các thiên thần đến hầu hạ Ngài ở cuối trình thuật đã khiến ta gợi nhớ đến một khung cảnh khác. Nó không còn là sự ô nhục của cảnh xa ngã và phản bội, nhưng là cảnh thái bình mà tiên tri Isaia đã tiên báo về khung cảnh ngày cứu độ: “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ.” (Is 11,6).

Ngày mà Thiên Chúa công khai ngỏ lời với con người qua chính Ngôi Lời làm người, Thánh Marco đặt để Đức Giêsu trong một khung cảnh cô đơn thực sự. Chúa Giêsu đã đơn thân một mình trong sa mạc. Một Thiên Chúa xuống thế làm người để ngỏ lời với con người, để tỏ tình với con người. Nhưng ngày ngỏ lời lần đầu công khai ấy sao cô đơn vắng lặng một tình yêu đơn phương.

Ngẫm

Hỏi tại sao Thiên chúa yêu con người. Khi hỏi như vậy dường như tôi đã xúc phạm đến chính Ngài. Làm sao tôi có thể hiểu được tại sao Thiên chúa yêu con người. Nếu như tôi cố tình tìm câu trả lời thì chính khi tôi trả lời là tôi đã khuôn đúc tình yêu của Ngài vào một cái khuôn cứng nhắc của lý trí. Tình yêu không phải là những phạm trù của lý trí. Nó là những rung cảm của những thớ thịt nóng bỏng của một trái tim đang sống. Khi lý giải tình yêu là tôi không còn coi tình yêu ấy mang đầy sức sống.

Thánh Gioan tông đồ là người được mô tả đã gục đầu vào ngực Chúa trong bữa Ăn cuối cùng; Là người được gọi là “Người môn đệ Chúa yêu”; Và cũng là người môn đệ duy nhất được nhắc đến dưới chân cây Thập tự. Ngài đã cảm nhận tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mình, một Thiên chúa trong hiện thân là chính Đức Giêsu. Chính ngài đã chốt hạ cho chúng ta câu trả lời tại sao Thiên Chúa lại yêu con người. Câu trả lời đơn giản là: Bởi “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,16).

Lạy Chúa, khi dừng lại suy tư con nhận biết Chúa đã yêu con. Chúa đã yêu con từ ngàn đời xa trước. Nhưng vì quá đam mê trần thế, vì quá ham vui thế gian nên trái tim con thường xuyên loạn nhịp rời xa nhịp đập với trái tim Ngài. Xin Chúa hãy ôm ghì lấy con, cho con được cảm nếm tình yêu của Ngài, để trái tim con luôn hòa cùng nhịp đập với tình yêu nồng nàn trong trái tim Tình Yêu viên mãn.

Lm. Giuse Lê Danh Tường

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org