Thế giới trong ngày 03-7-2021: Chương trình “Những đêm Lộ Đức” thu hút khách hành hương đến Pháp

Hình ảnh cuộc rước nến buổi tối tại Lộ Đức. Ảnh: Trung tâm Thánh mẫu Lộ Đức/CNA

Sự kiện mới tại Trung tâm Đức Mẹ Lộ Đức thu hút khách hành hương; Các Đức Giám mục Mỹ trao 1,36 triệu USD cho Giáo hội Công giáo Châu Phi; và tình hình Giáo hội tại Ai Cập là những thông tin đáng chú ý.

“Những Đêm Lộ Đức” thu hút khách hành hương đến Pháp sau khi nới lỏng hạn chế do đại dịch Covid-19

Trung tâm hành hương Đức Mẹ Lộ Đức đã khởi động hàng loạt sự kiện vào buổi tối mùa hè để mời gọi người hành hương trở lại sau khi các hạn chế về đại dịch được nới lỏng.

Sự kiện mới với tên gọi “Những Đêm Lộ Đức” được tổ chức tại nơi hành hương ở tây nam nước Pháp trong suốt tháng 7 và tháng 8.  Vào thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy hàng tuần sẽ có các buổi biểu diễn vở nhạc kịch nổi tiếng “Bernadette de Lourdes” về thánh Bernadette, người được chứng kiến Đức Mẹ hiện ra. Sự kiện cũng có các cuộc rước đuốc và Thánh lễ được cử hành ban đêm.

Thánh lễ được cử hành trước hang đá Đức Mẹ. Ảnh: Trung tâm Thánh mẫu Lộ Đức/CNA

Đức Ông Olivier Ribadeau Dumas, linh mục coi sóc trung tâm Thánh mẫu Lộ Đức đã công bố sáng kiến này vào ngày 7/6 và cho biết 60% các cuộc hành hương thông thường sẽ diễn ra trở lại trong những tháng tới.

Nước Pháp đã bắt đầu giai đoạn thứ ba của việc nới lỏng các hạn chế COVID-19 vào tháng trước. Tính đến ngày 02/7, đất nước 67 triệu dân đã ghi nhận 5,8 triệu trường hợp nhiễm Covid-29 và 111.273 trường hợp tử vong. Khoảng 85% các cuộc hành hương đã bị hủy bỏ vào năm ngoái, gây áp lực lên tài chính của đền thánh. (Theo CNA)

Các Đức Giám mục Mỹ trao 1,36 triệu USD cho Giáo hội Công giáo Châu Phi

Hình ảnh Đức Giám mục của Luena và giáo dân của ngài ở Angola. Ảnh: Vatican News

Các Đức Giám mục Hoa Kỳ đã công bố kế hoạch gửi một số tiền lớn để hỗ trợ các hoạt động mục vụ trên khắp lục địa Châu Phi.

Trong mùa hè này, Tiểu ban của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ (USCCB) về Giáo hội ở Châu Phi sẽ phân bổ hơn 1,36 triệu USD cho các Hội đồng Giám mục Châu Phi, các hiệp hội khu vực của các Hội đồng Giám mục và của các dòng tu.

Nguồn tài trợ đến từ tiền dâng của lễ được quyên góp hàng năm của các giáo xứ từ các Giáo phận trên khắp nước Mỹ. Tiểu ban của USCCB đã thông qua các khoản tài trợ cho 56 dự án mục vụ trong cuộc họp vào ngày 14/6.

Số tiền này sẽ giúp hỗ trợ các hoạt động chăm sóc mục vụ, phát triển khả năng lãnh đạo, truyền rao Phúc Âm và các hoạt động mục vụ xã hội trên lục địa Châu Phi, nơi mà Giáo hội Công giáo vẫn là ngọn hải đăng của hy vọng trong bối cảnh xung đột dai dẳng, tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng bởi đại dịch Covid-19 và hạn hán.

Đức Hồng y Joseph W. Tobin, chủ tịch Tiểu ban của USCCB về Giáo hội ở Châu Phi đã cảm ơn những đóng góp của người Công giáo Mỹ. Những món quà nhỏ cũng có thể tạo nên những điều diệu kỳ trong cuộc sống người Công giáo Châu Phi. Nhiều món quà nhỏ cộng lại cũng đủ tạo ra sự khác biệt lớn nơi các quốc gia Châu Phi này. (Theo Vatican News)

Người Ki-tô giáo tại Ai Cập vẫn bị coi là “công dân hạng hai”

Những dòng chữ chống lại người Ki-tô giáo vẽ trên tường một nhà thờ ở Cairo, Ai Cập. Ảnh: Trợ giúp các Giáo hội khó khăn/CNA

Dưới thời tổng thống đương nhiệm, tình hình của các Ki-tô hữu được cải thiện, tuy nhiên nhiều người vẫn bị coi là “công dân hạng hai”.

Trong một báo cáo ngày 24/6 cho tổ chức bác ái Công giáo Trợ giúp các Giáo hội khó khăn, Đức Giám mục Kyrillos William Samaan của Giáo phận Assiut cho biết,  Ki-tô hữu không được đại diện trong nhiều lĩnh vực và bị gạt ra khỏi các vị trí hành chính.

Đức cha nói: “Chúng tôi không đòi hỏi quá nhiều và chúng tôi chỉ đang thực tế. Thật không may là còn rất nhiều người coi các Ki-tô hữu là công dân hạng hai”. Cha chia sẻ thêm: “Các Kitô hữu thường bị gạt bỏ, ngay cả khi họ có trình độ không hề thua kém”.

Đức cha Kyrillos kêu gọi mọi người thay đổi tâm thức, để các tôn giáo khác bắt đầu đối xử với các Ki-tô hữu cách bình đẳng, theo lời kêu gọi của người đứng đầu đất nước, Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi, liên tục nói về “sự bình đẳng của tất cả người Ai Cập”.

Theo lời Đức Giám mục Kyrillos, thời tổng thống đương nhiệm là thời điểm vàng đối với Ki-tô hữu. Vị Tổng thống vẫn thường khẳng định tất cả mọi người: Do Thái giáo, Ki-tô giáo, Hồi giáo đều phải được tư do tôn giáo và có thể xây dựng những nơi thờ tự.  (Theo CNA)

Khánh Ly