Thực ra nói rằng Mùa Vọng gồm 4 tuần thì không đúng. Phải nói rằng Mùa Vọng gồm 4 Chúa nhật, và có thể kéo dài từ 3 tuần cho đến 4 tuần, tùy Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng bắt đầu sớm hay muộn. Cách đây 2 năm (năm 2000), Mùa vọng bắt đầu ngày 3/12, và Chúa nhật thứ 4 Mùa Vọng rơi vào ngày 24 tháng chạp (áp lễ Giáng sinh), cho nên năm ấy Mùa Vọng chỉ có 3 tuần. Dù sao, Mùa Vọng chưa phải là mùa phụng vụ ngắn nhất trong năm, bởi vì Mùa Giáng sinh còn ngắn hơn nữa, bắt đầu từ lễ Chúa Giáng sinh cho đến Chúa nhật liền sau lễ Hiển linh, với thời gian thay đổi tùy năm: năm 2002 kéo dài 20 ngày, nhưng năm trước đó (2001) thì chỉ có 14 ngày.
Mùa Vọng gồm 4 Chúa nhật chứ không phải là bốn tuần. Nhưng mà tại sao chỉ có 4 Chúa nhật mà không phải là 5-6, hoặc là 2-3?
Hiện nay Mùa Vọng chỉ gồm có 4 Chúa nhật. Nhưng mà trong quá khứ đã có lúc mùa Vọng kéo dài 6 Chúa nhật và cũng có lúc chỉ có 3 Chúa nhật. Tại sao như vậy? Để hiểu rõ điều này, chúng ta cần phải đi ngược lên dòng lịch sử, vào những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo. Trong những thế kỷ đầu tiên, lễ trọng đại nhất trong năm phụng vụ là lễ Chúa Phục sinh. Dần dần, chung quanh lễ này người ta thiết lập một thời kỳ chuẩn bị gọi là Mùa Bốn Mươi (quadragesima), nhắc nhớ 40 ngày tĩnh tâm cầu nguyện của Đức Giêsu trên sa mạc, cũng như của các đại ngôn sứ khác (Môsê, Elia) trước khi tiếp xúc với Thiên Chúa. Đặc biệt thời gian “Bốn mươi ngày” giúp cho các dự tòng chuẩn bị lãnh nhận các bí tích khai tâm vào đêm Vọng Phục sinh. Đó là nguồn gốc của Mùa Chay (trong nguyên ngữ là 40 ngày) kéo dài 6 tuần lễ. Lễ trọng Phục sinh kéo dài 50 ngày (nghĩa là lễ Ngũ tuần), tưởng niệm biến cố Chúa Thánh thần được ban cho Hội thánh như hoa trái của Chúa Phục sinh. Đó là nguồn gốc của Mùa Phục sinh, kéo dài 7 tuần lễ. Tóm lại, chu kỳ Phục sinh đã thành hình ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo rồi.
Như vậy Mùa Vọng mới xuất hiện hay sao?
Sánh với Mùa Chay và Mùa Phục sinh thì quả thực là Mùa Vọng còn mới mẻ. Trước hết nên nhắc lại rằng trong ba thế kỷ đầu, lịch phụng vụ chỉ mừng lễ Chúa Phục sinh. Lễ Chúa Giáng sinh xuất hiện chậm hơn, vào giữa thế kỷ IV. Và dần dần, hoạ theo lễ Phục sinh được chuẩn bị với một Mùa 40 ngày và kéo dài thêm 50 ngày, thì lễ Chúa Giáng sinh cũng có một thời gian chuẩn bị và một thời gian kéo dài. Khác một điều là thời gian chuẩn bị và kéo dài không đồng nhất trải qua không gian và thời gian.
Điều đó có nghĩa là gì?
Nói rằng “không đồng nhất trải qua không gian” có nghĩa là không phải hết mọi nơi đều có một thời kỳ chuẩn bị lễ Giáng sinh. Cụ thể là ngày nay, các Giáo hội Đông phương không biết đến mùa Vọng. Như thế là mùa Vọng thuộc về truyền thống La-tinh chứ không phải của toàn thể Giáo hội phổ quát (đây là một điều khác với chu kỳ Phục sinh). Còn nói rằng “không đồng nhất trải qua thời gian” có nghĩa là ngay cả bên Tây phương, cách thức điều hành Mùa Vọng không đồng nhất trải qua các thế kỷ. Năm 380, công đồng Saragoza (Tây-ban-nha) truyền cho các tín hữu phải tham dự Thánh lễ từ ngày 17 tháng 12 cho đến lễ Hiển linh. Có người coi đây là tiền lệ của Mùa Vọng, kéo dài 3 tuần lễ. Thực ra, vài sử gia cho rằng mục tiêu của thời gian 3 tuần lễ này là chuẩn bị lãnh bí tích thánh tẩy vào lễ Hiển linh mà thôi. Phải chờ đến thế kỷ sau (thế kỷ V), mới thấy vài nơi bên Pháp và bên Bắc Ý bắt đầu du nhập thời kỳ 6 tuần lễ chuẩn bị lễ Giáng sinh, nghĩa là dài như Mùa Chay. Mùa Vọng mang tính cách thống hối, với ba ngày giữ chay trong tuần (thứ hai, thứ tư, thứ sáu). Thậm chí có nơi bắt đầu mùa Vọng từ lễ thánh Martinô (10 tháng 11), từ đó có tên “Mùa Chay thánh Martinô” (quadragesima S. Martini). Đến khi mùa Vọng được du nhập vào Rôma thì Đức Giáo hoàng Grêgôriô Cả rút số Chúa nhật mùa Vọng xuống còn 4. Tuy vậy ngày nay tại giáo phận Milanô bên Italia, theo nghi điển thánh Ambrôxiô, mùa Vọng vẫn còn kéo dài 6 tuần.
Bốn Chúa nhật Mùa Vọng có ý nghĩa gì?
Trước khi trả lời câu hỏi này thì cần phải tìm hiểu ý nghĩa của mùa Vọng đã. Trong tiếng Việt, “vọng” có nghĩa là “mong chờ, ngóng nhìn”. Chờ cái gì? Thường thì người ta hiểu là chờ lễ Chúa ra đời; nhưng hiểu như vậy thì không đúng lắm. Nếu chỉ nhấn mạnh tới sự chờ đợi mừng lễ thì mùa Chay cũng đáng gọi là Mùa Vọng, xét vì nó là sự chờ đợi lễ Chúa Phục sinh. Thực ra tên gọi trong tiếng La-tinh, adventus không phải là “vọng”, nhưng là “đến”: đây là mùa Chúa đến. Tuy nhiên, có hai tư tưởng về việc Chúa đến: 1/ Chúa đến trần gian với việc Nhập thể, một biến cố xảy ra cách đây 2000 năm; 2/ Chúa sẽ đến vào thời cánh chung.
Mùa Vọng chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng sinh, cho nên chú trọng biến cố Chúa Nhập thể nhiều hơn, phải không?
Đúng như vậy. Vì thế trước đây, có tác giả giải thích rằng 4 Chúa nhật mùa Vọng tượng trưng cho 4000 năm nhân loại trông mong Chúa ra đời. Ngày nay, không ai nhắc tới tư tưởng đó nữa bởi vì thiếu cơ sở lịch sử. Dù sao, các thánh thi và bài đọc trong Mùa Vọng đều nói đến hai lần Chúa đến, quen gọi là biến cố Nhập thể và biến cố Quang Lâm. Chủ đề quang lâm được nhấn mạnh hơn trong Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng. Còn các Chúa nhật khác thì dành cho biến cố Nhập thể. Cuộc cải tổ phụng vụ sau công đồng Vaticanô II đã muốn làm nêu bật điều này qua các bài đọc Sách Thánh trong các Chúa nhật mùa Vọng. Chúa nhật thứ nhất đề cao thái độ tỉnh thức đón chờ Chúa Quang lâm. Các Chúa nhật còn lại thì trưng bày những mẫu gương của những người đón chờ Chúa Cứu thế. Chúa nhật thứ hai và thứ ba giới thiệu thánh Gioan Tẩy giả, người dọn đường cho Chúa đến không những chỉ bằng lời giảng sám hối mà còn bằng chính cuộc đời khổ hạnh và trung trực của mình. Chúa nhật thứ bốn được dành cho Đức Maria. Phúc âm Chúa nhật các Năm B (tựa như năm nay) thuật lại cảnh Truyền tin, và năm C thuật lại cảnh Thăm viếng. Phúc âm các năm A thì kể lại việc thiên sứ hiện đến với thánh Giuse để giải thích nguồn gốc việc Đức Maria thụ thai đức Giêsu, Đấng Emmanuel (Thiên Chúa ở cùng chúng ta).
Tuy nhiên cũng nên thêm rằng vài bài đọc trong Giờ Kinh Sách nói đến ba lần Chúa đến, chứ không phải chỉ có hai (chẳng hạn như thánh Carôlô Borrômêô, thứ hai tuần I, và thánh Bênađô, thứ tư tuần I). Ngoài lần Chúa đến tại Bêlem và lần Chúa đến thời cánh chung, còn lần Chúa đến viếng thăm linh hồn bằng ơn thánh. Chúng ta hãy tỉnh thức mở cửa khi Người gõ, kẻo rằng Người sẽ đi qua mà không trở lại nữa.
Trong 4 Chúa nhật mùa Vọng, linh mục mặc lễ phục màu tím; nhưng mà Chúa nhật thứ ba thì được phép mặc áo lễ màu hồng. Tại sao vậy?
Tôi thấy tại nhiều nơi, sắc phục màu tím hầu như biến ra màu hồng rồi. Như chị biết, màu tím mà pha với màu trắng thì ra màu hồng, cũng như màu đen mà pha trắng thì ra màu xám. Dù sao đây là vết tích của thời cổ xưa, khi mùa Vọng được quan niệm như thời kỳ thống hối đền tội tương tự như Mùa Chay. Chúa nhật thứ tư Mùa Chay được đặt tên là “Laetare” (hãy vui lên), bởi vì đã qua được một nửa đường hy sinh khổ chế rồi. Một cách tương tự như vậy, Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng đánh dấu một nửa chặng đường chuẩn bị cho nên cũng mang tên tương tự “Gaudete”: mừng vui lên). Phụng vụ ngày nay không còn lấy Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng làm mốc phân chia hai giai đoạn của Mùa Vọng, nhưng là trước và sau ngày 17 tháng 12. Kể từ ngày 17/12 trở đi, nghĩa là một tuần lễ trước ngày áp lễ Giáng sinh, các bản bài đọc trong Thánh lễ và trong Giờ kinh Phụng vụ đều được chọn lựa với mục tiêu là chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng sinh gần kề. Trong thánh lễ, như đã nói trên, các bài phúc âm được trích từ những chương đầu của Matthêu và Luca (quen gọi là Tin mừng thời niên thiếu). Trong Phụng vụ giờ kinh, các thánh vịnh có điệp ca riêng, đặc biệt là Điệp ca trước kinh Magnificat trong tiếng La-tinh bắt đầu bằng chữ O, gồm những lời khẩn cầu hướng về Chúa Cứu thế, xin Người mau đến. Có người coi phụng vụ tuần trước lễ Giáng sinh như là sự thâu nhập phong tục đạo đức bình dân tổ chức tuần Cửu nhật chuẩn bị mừng Chúa ra đời. Có người thì lại ví tuần lễ này như là tháng Đức Mẹ thu gọn, xét vì Đức Maria được nhắc đến rất nhiều trong phụng vụ, được giới thiệu như mẫu gương dọn mình đón Chúa Cứu thế trong thinh lặng cầu nguyện cũng như trong cử chỉ thăm viếng bác ái. Tưởng cũng nên biết là bài Phúc âm trong tuần lễ chót của mùa Vọng (nghĩa là từ ngày 17 tháng 12) được trích từ những đoạn đầu tiên của Matthêu và Luca (quen gọi là Phúc âm thời niên thiếu), và biến cố thiên sứ truyền tin cho đức trinh nữ Maria vào ngày 20. Từ thế kỷ VII, nhiều nơi cử hành lễ Truyền tin thứ hai trong năm vào Mùa Vọng, thêm vào lễ trọng vào ngày 25 tháng 3.
TIN LIÊN QUAN: