Người gác cửa tỉnh thức ban đêm – Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm B

NGƯỜI GÁC CỬA TỈNH THỨC BAN ĐÊM

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG – NĂM B

(Mc 13, 33-37)

 CÂU HỎI GỢI Ý

1. Câu 34 cho biết gia chủ đi xa lâu ngày. Tại sao Mc không nói ông ta sẽ trở về một ngày nào đó mà lại bảo là sẽ trở về vào một trong các canh đêm?

2. Ta có thể cho rằng “ đêm tối” trong dụ ngôn đây là một nét ẩn dụ không? (x. Mc 4, 13-20 ; Mt 13, 36-43)

3. Trong Cựu ước, đêm tối có ý nghĩa biểu tượng nào? (x. TV 92, 2t ; Is 21, 11)

4. Trong Tân ước, đêm tối có ý nghĩa biểu tượng nào? (x. Rm 13,12 ; 1Tx 5, 4tt)

5. Trong các dụ ngôn Tin Mừng nói về “đêm tối”, thường có ý tưởng gì đặc biệt (x. Mt 24,42; 25.1-13; Lc 12, 35-40. Mc 13,33-37)

6. Tại sao thời gian hiện tại lại được Kinh Thánh quan niệm như đêm tối (Ep 6, 12; 1Ga 5, 19)?

7. Sự tỉnh thức của Kitô hữu, theo dụ ngôn nào có tính cách nào?

Diễn từ cánh chung của Mc 13 được kết thúc bằng một lời hối thúc tỉnh thức: lời khuyên này không chỉ nhắm đến những kẻ mà diễn từ của Chúa Giêsu ngỏ với lúc đầu (x. 13.3) nhưng đến mọi người hết thảy (13,37). Vì đối với tất cả mọi môn đồ Chúa Giêsu, “tỉnh thức” có một tầm quan trọng đặc biệt. Dầu sao ta vẫn có thể tự hỏi tiếng “tỉnh thức” có nghĩa gì trong văn mạch Mc 13? Ở c.36, nó đối nghịch lại với “ngủ”, nhưng ý nghĩa riêng biệt của nó cũng không vì thế mà được xác định.

Lời khuyên được làm nổì bật nơi Mc bằng dụ ngôn người gác cửa. Có lẽ một phân tích chặt chẽ hơn về dụ ngôn này sẽ làm sáng tỏ nội dung lời khuyên.

I. MỘT KHÓ KHĂN

Nếu chăm chỉ đọc dụ ngôn, ta thấy ngay nó đặt ra nhiều vấn đề. Người chủ nhà được coi như phải trở về vào một canh nào đó trong năm canh đêm, trong lúc dụ ngôn lại rõ ràng cho thấy là ông định đi xa lâu lắm. Trước lúc khởi hành, ông đã giao trách nhiệm coi nhà cho các tôi tớ, mỗi người một việc: chắc hẳn ông đã không xếp đặt như thế nếu chỉ vắng một thời gian. Nhưng nếu ông vắng mặt lâu ngày thì đáng lý nên nói: “Các người không biết ông sẽ trở về ngày nào”. Thế mà dụ ngôn lại bảo: “Các ngươi không biết lúc nào chủ sẽ đến, chiều tối, nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng” (c. 35). Chiều tối, nửa đêm, lúc gà gáy, tảng sáng là tên gọi 4 canh đêm theo cách chia của người Rôma. Người Israel xưa thường chia làm 3 canh: (x. Tl 7,19; Lc 12,38). Vậy tại sao khi nói về tính cách bấp bênh của việc chủ trở về, dụ ngôn lại chỉ chú trọng đến các canh đêm?

Một giả thuyết: sự trục trặc nội tại ấy của dụ ngôn có thể giải thích dựa vào cách thức du hành tại Đông phương thời cổ có lẽ là người ta có thông lệ trở về ban đêm sau một cuộc hành trình dài lâu. Trong trường hợp ấy, chi tiết chèn vào dụ ngôn một cách hợp lý. Nhưng điều chúng ta biết được về các hành trình thời đó. Đông phương không thể chống đỡ – dù có đoạn Lc 11 .5tt – cho một lối giải thích như vậy được. Vào thời đó, đường sá có đầy rủi ro và lắm nguy hiểm rình chờ lữ khách, khiến cho người Đông phương tránh đi ban đêm, nhất là trong những độ đường dài. Trong những điều kiện như thế mà trở về vào canh tư ban đêm sau một chuyến đi xa – như  một trong các trường hợp dụ ngôn tiên đoán đây thì thật là hoàn toàn kỳ lạ (J. Jeremias, Dio Gloichnisse, 1956, tr.46).  

Để giải thích sự trục trặc, người ta cũng đã đưa ra giả thuyết cho rằng Mc lệ thuộc vào các Tin Mừng Nhất lãm khác. Chẳng hạn như chi tiết chủ trở về. Vào ban đêm có thể xuất phát từ dụ ngôn các tôi tớ chờ đợi chủ trong Lc 12, 35 tt: việc nhấn mạnh bổn phận phải tỉnh thức ban đêm trong Lc đây có thể đã khiến Mc đưa chủ đề này vào trong dụ ngôn của mình. Hoặc ngược lại, có người đã nghĩ rằng đêm là yếu tố nguyên thủy của dụ ngôn người gác cửa, còn cuộc du hành của ông chủ giao phó việc nhà cho các tôi tớ là một yếu tố phụ thuộc. Trước những cố gắng để giải thích đó, ta tự hỏi chẳng biết người sau cùng nhuận sắc yếu tố này của truyền thống nơi Mc có cảm thấy cái mà chúng ta thấy là một sự thiếu hợp lý không? Hay là ông đã chẳng quan tâm đến? Trong thực tế, vấn đề khúc mắc vẫn còn. Nó đã chỉ được dời đi thôi.

Đối với vài tác giả khác, ý tưởng trở về lúc ban đêm có lẽ phát sinh từ lời khuyên hãy tỉnh thức. Lời khuyên này, theo người ta nghĩ, chỉ đầy đủ ý nghĩa nếu nó ngỏ cho những người đang ở trong tình trạng ngủ; mà “ai ngủ thì ngủ ban đêm” ( 1 Tx 5,7). Nếu, trong ngôn ngữ gợi hình của Mc, con người được mời gọi hãy tỉnh thức, thì điều này kéo theo chủ đề ban đêm như là một hậu cảnh. Phải chăng đó là lối giải thích đúng, và đầy đủ cho sự kiện người gác cửa trong dụ ngôn chờ đợi chủ về ban đêm vào một giờ nào đó?   

II. PHẢI CHĂNG CÓ NHỮNG NÉT ẨN DỤ TRONG CÁC DỤ NGÔN?

Trước khi nghiên cứu điều này cách kỹ lưỡng hơn, cần phải nói qua một vấn đề nguyên tắc: đó là trong các dụ ngôn của Chúa Giêsu có thể có những nét ẩn dụ. Từ thời Hội thánh sơ khai, trải qua bao thời đại, cho đến đầu thế kỷ XX, lối giải thích các dụ ngôn đã bị một lối giải thích theo chiều hướng ẩn dụ chi phối. Người ta đã tìm ra trong một dụ ngôn riêng biệt nào đó những khía cạnh khác nhau của học thuyết Kitô giáo về ơn cứu độ, bằng cách giải thích các chi tiết phụ tùy theo một phương thức có vẻ cưỡng ép bản văn. Nhà chú giải Adolf Julicher, trong tác phẩm Die Cleichnisređen jesu (1886-99) đã mạnh mẽ chống đối lối giải thích theo chiều hướng ẩn dụ mà theo ông, mỗi dụ ngôn muốn trình bày một tư tưởng duy nhất mà toàn thể việc mô tả hay tường thuật đều hội tụ lại. Các chi tiết đều lệ thuộc vào tư tưởng chính, mà người ta không được gán cho chúng một ý nghĩa đăc thù nào. Các dụ ngôn của Chúa Giêsu đích thực là dụ ngôn, chứ không phải là ẩn dụ.

Công trình của Julicher đã thanh lọc việc giải thích các dụ ngôn và đã đóng một vai trò quyết định trong những thập niên kế tiếp. Tuy nhiên, hình như tác giả Julicher đã quá một chiều. Nói một cách chung chung, phải chăng không thể chấp nhận có những nét ẩn dụ trong các dụ ngôn? Để trả lời cho câu hỏi, ta phải làm sáng tỏ bản chất của ngôn ngữ bóng bảy trong môi trường Do thái cổ xưa. Một công trình khảo cứu như thế cho thấy rằng. Trong các văn tập Cựu ước và Do thái giáo Cổ, biên giới giữa hình ảnh, ẩn dụ và ngụ ngôn rất là mơ hồ. Trong văn chương Sêmita, đặc tính của một ngôn ngữ bóng bảy là diễn tả tư tưởng bằng cách nói phớt, bằng cách liên tưởng, ngụ ý bóng gió (x. M. Hermaniuk. La paratole évangélique, 1947, tr. 62-l89). Những lời giải thích dụ ngôn hiện nằm trong các Tin Mừng (Mc 4, 13-21); Mt 13,30-43) đã biểu lộ một khuynh hướng muốn ẩn dụ hóa các nét dụ ngôn. Đối với những ai muốn loại bỏ mọi nét ẩn dụ khỏi các dụ ngôn, ta có quyền hỏi họ: làm sao giải thích chuyện Chúa Giêsu đã không sử dụng – hoặc đã tránh dùng – mọi cách diễn tả bằng ẩn dụ, trong khi đó là thói quen của môi trường Do thái cổ thời cũng như của các môn đồ Người và của những kẻ nhuận sắc các Tin Mừng sau hết? Thật khó tìm được những lý do vững chắc để quả quyết rằng các nét ẩn dụ trong các dụ ngôn của Chúa Giêsu không bắt nguồn từ chính Chúa Giêsu (x. W Kumnel, promlse and lulfilment (Studies in Biblical Theology 23), 1957, tr. 35). Về điểm này, ta có thể nhắc lại chỗ đứng của Cựu ước trong cuộc đời và lời rao giảng của Chúa Giêsu. Trong mọi hoạt động của Người, Chúa Giêsu tự giới thiệu như là sự hoàn thành Kinh Thánh; và cũng thế, các dụ ngôn của Người, trong mối liên hệ tự nhiên với các sự kiện của đời sống hàng ngày ở Palestine và trong cả việc chọn lựa các đề tài đều chứa nhiều ám chỉ về các bản văn hay ý niệm của Cựu ước (x. E.Hoskyns và N. Davey, The Riddle of the New Testament, 1936, tr. 157 (t) ; thế mà các bản văn và ý niệm Cựu ước này lại hàm chứa nhiều nét ẩn dụ. Thành thử hình như ta không được phép đề cập đến việc chú giải các dụ ngôn của Chúa Giêsu với thiên kiến rằng chúng không thể có một nét ẩn dụ rõ ràng nào cả. Sự kiện cần phải kiểm soát mỗi trường hợp một sự khách quan khoa học là một chuyện khác. Không thể có vấn đề áp dụng phương pháp ẩn dụ một cách tự do và đưa vào trong một dụ ngôn đặc thù bất cứ loại biểu tượng nào. Tuy nhiên, khi một chủ đề đã được văn chương Do Thái đương thời gán cho một giá trị ẩn dụ rồi, thì thật khó phủ nhận trên nguyên tắc chuyện Chúa Giêsu đã sử dụng chủ đề đó với cùng một cách thức như vậy.

Thế mà, trong dụ ngôn người gác cửa, người ta chỉ chờ gia chủ trở về ban đêm vào một lúc nào đó. Sự chú ý đều tập trung về việc chờ đợi ban đêm, và điều này càng rõ rệt hơn vì những lời nói về cuộc hồi gia ban đêm của người chủ lại nằm trong phần áp dụng dụ ngôn. Ở c.35, mặc dù vẫn giữ hình thức bóng bảy, câu chuyện đã bước qua phần ứng dụng: ở đây nó diễn tả ý tưởng rằng các thính giả không biết vào giờ nào ban đêm người chủ sẽ trở về. Đây là cuộc trở về cánh chung của người chủ, được ứng dụng trực tiếp cho các thính giả. Như thế, nếu khi nói tới lúc người chủ có thể trở về, người ta chỉ đề cập đến các canh đêm, thì câu hỏi có thể được đặt ra như sau: trong văn mạch tư tuởng Do thái thời đó, vào những trường hợp như vậy, đêm tối gợi lên những liên tưởng nào? Đó là điều ta sắp tìm hiểu.  

III. Ý NGHĨA BIỂU TƯỢNG CỦA ĐÊM TỐI TRONG ISRAEL CỔ THỜI

Trong văn chương Do thái đương thời thường có phản ảnh cái ý thức về bóng tối ngự trị trong thế gian. Điều này đặc biệt đúug đối với các văn tập Qumrân. trong đó người ta gặp một trong các tư tưởng chính yếu là: cuộc sống hiện tại bị đặt dưới quyền lực của Bêlial, dưới quyền lực của bóng tối. Đối với các kẻ tin, điều đó bao gồm những cám dỗ, hiểm nguy, thử thách đủ loại. Nhưng tình trạng này sẽ không kéo dài mãi mãi. Theo các quan điểm phổ thông nơi người Do Thái lúc đó, thời gian của tăm tối một ngày kia sẽ chấm dứt đối với những kẻ được chọn. Vào lúc đảo lộn mọi sự thời cánh chung, bóng tôi sẽ biến thành ánh sáng cho họ. Cuộc sống tương lai, đối với các tín hữu của Thiên Chúa, là một cuộc sống ngập tràn ánh sáng vĩnh cửu. Đặc biệt trong văn chương giáo sĩ Do thái, ý tưởng ngườt ta có về đêm tối được liên kết với toàn bộ quan niệm trên. Theo quan điểm của dân Thiên Chúa, giai đoạn hiện tại thường được biểu trưng như là một đêm tối, tương lai như một ngày hay một buổi sáng. Những lời Cựu ước nói về đêm tối theo nghĩa đen thường được áp dụng cho đêm tối thế gian” này. Thí dụ câu nói của Booz với bà Ruth: “Hãy qua đêm ở đây” (R 3,13) được R.Meir (lối năm 150 sau công nguyên) dẫn trích và cho là nói về “cái thế giới hoàn toàn là đêm tối này”. Thánh vịnh 92,2t: “Phúc thay . . . được tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm, và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya” nhiều lần được áp dụng để ám chỉ giai đoạn hiện tại. Thánh vịnh 104,20 cũng được sách Talmud chú giải như sau: Câu “Ngài dẫn lại tối tăm, thế là đêm đến” nhắm thế giới hiện thời, có thể sánh như là đêm”.

Một thí dụ khác. Trong Is 21,11tt, câu hỏi “Canh phu ơi, đêm còn mấy chốc, đêm còn mấy chốc?” đã được trả lời : “Sáng đã đến, và cả đêm nữa”. Bản văn này được dẫn chứng nhiều lần trong văn chương các giáo sĩ. Thí dụ ta đọc thấy trong Ab.d.R Nathan 1 : “Câu “Đức tín trực của Ngài thâu đêm” (Tv 92,3) có liên hệ tới thế giới hiện tại là thế giới được sánh với canh đêm, như đã viết: “Tuyên sấm trên Duma. Có người từ Seir gọi tôi: Canh phu ơi đêm còn mấy chốc, đêm còn mấy chốc?” (Is 21, 11)”. Trong nhiều chỗ khác, đoạn Isaia này cũng được áp dụng cùng một cách thức như vậy cho những người đạo đức và cho Israel. Thật là đặc biệt việc câu này, câu diễn tả nỗi chờ đợi và lòng mong ước suốt đêm, được hiểu là ám chỉ tình trạng của dân Thiên Chúa trong giai đoạn hiện tại, ám chỉ ơn cứu độ của dân Chúa và sự tôn vinh có tính cách cánh chung mà dân đang hy vọng đợi chờ.

IV. Ý NGHĨA BIỂU TƯỢNG CỦA ĐÊM TỐI TRONG TÂN ƯỚC

Không phải các thư của Phaolô là ít đáng chú ý nhất về điểm này. Phaolô đã học trường các giáo sĩ. Đồng thời, với tư cách sứ đồ Kitô giáo, ông có một chỗ đứng đặc biệt trong truyền thống Kitô giáo sơ khai. Thế mà ta thấy ông, như các giáo sĩ, cũng sử dụng hình ảnh biểu tượng đêm tối để mô tả thời gian từ hiện tại cho đến ngày quang lâm. Rõ rệt nhất là trong Rm 13,12: “Đêm hầu tàn, ngày sắp đến”. Theo văn mạch thì “ngày” ở đây là ngày cánh chung, thời gian hoàn thành ơn cứu độ, và “đêm” là thời gian hiện tại. Dầu sao, nếu nghĩ tới dụ ngôn của Mc, ta sẽ thấy có vài thắc mắc. Nơi Phaolô, “đêm” hiểu theo nghĩa như vậy có tương quan với một lời mời gọi tỉnh thức không? Trên điểm ấy, ta có tìm được nơi ông những dấu vết cho thấy là bắt nguồn từ lời rao giảng của Chúa Giêsu không?

Câu hỏi thứ nhất được chính bản văn trả lời rằng có. Phaolô có khuyến khích tín hữu Rôma hãy tỉnh ngủ thức dậy” (13, 11), bởi vì ơn cứu độ đã gần họ hơn khi họ mới tin, ban đêm đã khuya và ngày sắp đến. Trong 1Tx 5,4tt cũng thế, cái ý tưởng “cộng đoàn Kitô giáo phải tỉnh thức” được liên kết với hình ảnh ban đêm. Thành thử đó là một tuơng quan được xác nhận rõ ràng: các Kitô hữu phải tỉnh thức trong đêm tối đang ngự trị quanh họ, và thái độ này nhắm đến việc Chúa Kitô trở về nhắm đến sự mặc khải ơn cứu độ sung mãn, tắt một lời là nhắm đến: Ngày.

Còn vấn đề mối liên hệ với lời rao giảng của Chúa Giêsu, thì 1Tx 5, 1 sẽ đặc biệt cho ta thấy ở c.2,1 Phaolô nhắc lại cho các độc giả thư ông thấy rằng “Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm tối”. Hình ảnh kẻ trộm đến ban đêm theo nghĩa trên đây không hề gặp chỗ nào trong văn chương Do thái, trong lúc lại có nhiều trong Tân ước (x. Mt 24,42-44; Lc 1 2,39t ; 2P 3,10 ; Kh 3,3; 16, 15) ; thành thử ta phải giả thiết rằng đây là một yếu tố hoàn toàn riêng biệt của truyền thống Kitô giáo bắt nguồn từ chính Chúa Giêsu (x. J.Jeremias, sđd, tr.42). Nơi Tin Mừng Nhất lãm, hình ảnh kẻ trộm này nhấn mạnh cho các môn đồ sự cần thiết phải tỉnh thức. Nếu sau khi đã nhắc lại những lời này của Chúa Giêsu cho các người Thêxalônica, Phaolô nhấn mạnh sự cần thiết phải tỉnh thức (5,6) trong thời gian hiện tại, thì ta phải thấy trong sự kiện đó một mối tương quan với những lời nói của chính Chúa Giêsu.

Thành thử rõ ràng tư tưởng Do thái đương thời đã liên kết hình ảnh đêm tối với liên tưởng rất đặc thù, trong những văn mạch tương tự văn mạch của dụ ngôn người gác cổng: “đêm” khiến nghĩ đến thời gian hiện tại và những gì xác định thời gian đó. Trong Tân ước, tư tưởng này rất rõ rệt nơi Phaolô. Hơn nữa, nơi Phaolô, sự cần thiết phải tỉnh thức trong cộng đoàn Kitô hữu được liên kết với “đêm” hiểu theo nghĩa trên. Và đoạn văn đầu tiên mà ông nói về điều này lại được nối kết rõ ràng với lời rao giảng của Chúa Giêsu (1Tx 5,1t). Vì thế không đủ lý do để nghi ngờ mà bảo rằng lời hối thúc tỉnh thức đang lúc chờ đợi chủ về vào một lúc nào đó ban đêm mà ta chẳng biết, không chắc được hiểu trong cùng ý nghĩa.

V. TÍNH CÁCH UYỂN CHUYỂN CỦA CÁC HÌNH ẢNH

Tuy vậy, ta đã nhận thấy có một sự trục trặc hiển nhiên ở ngay trong chính dụ ngôn. Việc trở về của ông chủ chỉ được chờ đợi vào các canh đêm, và điều này không ăn khớp mấy với chuyến đi xa và sự vắng mặt lâu ngày của ông. Về điểm này, tư tưởng Do thái đương thời có thể đem lại chút ánh sáng nào chăng? Có! Quả vậy, sự trục trặc này sẽ được giải quyết nếu dựa vào thói quen thời đó là người ta rất uyển chuyển trong các hình ảnh biểu tượng. Ta có một thí dụ trong dụ ngôn của các giáo sĩ về bà chủ nhà và cô tớ gái người Êthiôpia, một dụ ngôn khá tương tự với dụ ngôn của Mc 13, 4tt. Dụ ngôn kể rằng: Một bà chủ nhà có một đứa tớ gái người Ethiôpia. Chồng bà đi du lịch hải ngoại. Suốt đêm, đứa tớ gái nói với bà chủ: “Tôi đẹp hơn bà, nhà vua yêu tôi hơn bà” và bà chủ đáp: “Hãy chờ đến sáng mai chúng ta sẽ biết ai đẹp hơn ai, và nhà vua yêu ai hơn”. Cũng vậy, câu chuyện viết tiếp, các dân nước trần gian nói với Israel rằng: “Những hành động của chúng tôi đáng khen ngợi, và Đấng Thánh hài lòng về chúng tôi hơn”. Rồi dụ ngôn dẫn chứng Is 21,12 và “buổi sáng” sắp đến được giải thích như là thời gian tương lai. Lúc thời gian ấy tới, sẽ mặc khải cho biết ai là Đấng Thánh hài lòng. Thành ra, cũng như Mc 13, dụ ngôn này trước hết trình bày một ông chủ đi xa lâu ngày, rồi bất ngờ nó hướng tất cả sự chú ý vào đêm tối: vào tình cảnh của người vợ (Israel) trong đêm và vào sự thay đổi lớn lao sẽ xẩy ra ban sáng, khi tình yêu của nhà vua đối với vợ được tỏ lộ Câu chuyện này ít ra cũng bị trục trặc như dụ ngôn của Mc 13. Sở dĩ đêm bỗng nhiên xuất hiện trong dụ ngôn Do thái, thì chắc là với danh nghĩa biểu tượng: nó nhắm thời gian hiện tại và những điều kiện khó khăn mà nó dành cho dân Thiên Chúa. Đoạn tiếp theo chứng minh rõ ràng điều này, và do đấy củng cố những gì ta đã nói về đêm tốỉ trong dụ ngôn người gác cổng, đồng thời chứng tỏ rằng mặc dù có những trục trặc nội tại, dụ ngôn này vẫn hoàn toàn ăn khớp với giáo huấn Do thái thời đó.

Dầu sao, ta phải nhấn mạnh một nét đặc thù của các dụ ngôn nói về đêm tối trong Tin Mừng Nhất lãm. Trong Mc 13,33-37 và trong những đoạn Nhất lãm song song, luôn luôn nói đến sự trở về của gia chủ (của hôn phu v.v. . .) vào một lúc nào đó ban đêm mà người ta không biết: Ngược lại, trong Do thái giáo, điều mà người ta chờ đợi, chính là sự xuất hiện của ban sáng và ban ngày: lúc sẽ biết Đấng Thánh hài lòng về ai. Lúc Israel và những người công chính sẽ được tôn vinh và sẽ vui mừng trong ánh sáng vĩnh cửu. Trong môi trường Do thái, cái tư tưởng cho rằng phải liên lỷ sẵn sàng chờ đón sự xuất hiện bất ngờ của thời gian cứu độ cánh chung hầu như không có dưới hình thức ấy. Trái lại, trong các Tin Mừng, người ta không ngừng nhấn mạnh là các môn đồ Chúa Giêsu và mọi Kitô hữu phải luôn luôn sẵn sàng, bởi vì Con Người sẽ đến vào một lúc bất ngờ, không ai hay biết. Yếu tố “không chắc chắn” có một vai trò quan trọng ở đây và nó nhắm vào cái giây phút bất ưng ban đêm, lúc mà người chủ trở về: Ta có thể kết luận rằng khi chỉ nhắc đến ban đêm và các canh liên tục trong phần ứng dụng dụ ngôn, Mc 13 muốn ám chỉ thời gian hiện tại và bản chất tối tăm của nó. Chính trên hậu cảnh ấy mà lời khuyên hãy tỉnh thức được nổi bật.   

Dầu vậy, nội dung riêng biệt của lời khuyên này vẫn không nhờ đó mà được sáng tỏ. Để xác định hơn ý nghĩa của động từ “tỉnh thức”, ta phải tự hỏi tại sao thời gian lại được quan niệm như một đêm và mang dấu của đêm tối như vậy.

VI. CON CÁI CỦA ÁNH SÁNG VÀ CỦA BAN NGÀY Ở TRONG THỜI GIAN CỦA BÓNG TỐI

Trong môi trường Do thái thời bấy giờ, khi nói về bóng tối hay đêm tối trong một văn mạch thuộc loại này, người ta nhắm đến tình trạng đầy cám dỗ, thử thách, khổ đau mà Israel và người Israel đạo đức đang sống giữa thế giới. Thí dụ trong học thuyết các giáo sĩ, viễn tượng quốc gia chủ nghĩa chiếm một chỗ lớn. Israel, dân Thiên Chúa, bây giờ bị các nước thế gian chà đạp và áp bức, nhưng trong tương lai cánh chung, tình thế sẽ đảo ngược và Israel sẽ được đẫn đến chiến thắng, danh dự và vinh quang. Ngày sẽ phải đến cho dân Thiên Chúa.

Trong Tân ước, chẳng có màu sắc quốc gia chủ nghĩa này. Cuộc chiến đấu không xẩy ra với những đối thủ bằng xương bằng thịt, nhưng với những thiên phú, những bậc uy linh, những đổng lý, của vũ hoàn hắc ám (Ep 6, 12); thế giới này đều lụy quyền Kẻ Dữ ( 1Ga 5,19); thủ lãnh của nó là kẻ thù của Thiên Chúa. Thế giới đã quay lưng lại với Ngài là nguồn ánh sáng. Đó là lý do tại sao thời gian hiện tại được định nghĩa như một thời gian bóng tối và đêm đen.   

Dù sao, trong cái “éon” đêm tối này, vẫn có ánh sáng. Việc Chúa Giêsu đã đến hoàn thành sấm ngôn: “Dân đang bước đi trong bóng tối đã thấy một ánh sáng lớn lao” (Is 9, 1; Mt 4, 16). Chúa Giêsu là ánh sáng trần gian (Lc 2,32; Ga 1,5; 8, 12; 12, 46). Người nào chẳng sống ở ngoài phạm vi thời gian hiện tại thì thuộc về ban đêm và tối tăm, những ai tin vào Đấng Messia thì không ở trong bóng tối tăm (Ga 12,46). Tân ước trình bày sự trở về với Chúa Kitô như là cuộc vượt qua từ tối tăm đến ánh sáng (Ga 3,19; Cv 26, 18; Cl 1,13; 1Pr 2,9 . . .). “Xưa kia anh em là tối tăm, nhưng nay trong Chúa anh em là sự sáng” (Ep 5,8).

Khi một người, nhờ việc trở về với Chúa Kitô và nhờ ơn cứu rỗi có trong Người, vượt qua từ bóng tối đến ánh sáng, thì không nhất thiết kẻ đó đã đi vào trong phạm vi của sự sống hoàn toàn phân biệt với bóng tối, rằng người đó chẳng còn tiếp xúc gì với bóng tối nữa. Mặc dù đã được rứt ra khỏi quyền lực của tối tăm (Cl 1, 13), đã trở thành một người con của ánh sáng và của ban ngày (1Tx 5,5), kẻ đó vẫn còn sống trong thời gian ban đêm, nghĩa là vẫn còn ở trong một tình trạng bị thử thách cám dỗ. Bất cứ thời nào, các môn đồ của Chúa Kitô đều chắc chắn bị đặt trong một tình thế có thể sa ngã, nhượng bộ các quyền lực tối tăm, bị sự ác của thế giới hiện tại chiếm đoạt lại. Đủ thứ nguyên nhân hành động trong chiều hướng này, từ những đau khổ và bách hại vì Lời đến sự lôi cuốn của tiền tài hay những mối bận tâm của thế gian (x. Mt 13, 20t). Để cho những gì thuộc về thế gian này chiến thắng hay quyến rũ, đó là mê ngủ theo như lối biểu tượng đây. Trong dụ ngôn, giấc ngủ tương ứng với đêm tối: nó thuộc về ban đêm, vì ban đêm thì người ta ngủ. Kẻ sống trong thời gian đêm tối cũng vậy: không cần một nguyên nhân nào đặc biệt cũng đủ rơi vào quyền lực đêm đen.

VII. SỰ TỈNH THỨC CỦA KITÔ HỮU

Tương phản với đêm tối và giấc ngủ là sự tỉnh thức. Trong dụ ngôn, sự tỉnh thức nổi bật một cách rõ ràng (Có thể lời khuyên tỉnh thức ngỏ cho người gác cửa đặc biệt nhắm đến các sứ đồ và các thừa tác viên trong Giáo Hội sơ khai. Xem E.p.  Gould, A critical and exegetical commentary on the according to St Mark (ICC), 1907, tr.255; G.Wohlenberg, Das : Evangelium des Markus (Zahn Komm.) 1910, tr.339,  A.Feuillet, Le Discours de Jésus sur la ruine du Temple, trong R.ev.Bib. 56 (1949), tr.89; E.Lohmeyer, Das Evangelium des Markus (Meyer Komm.); 1951, tr.285. Dầu sao, bổn phận tỉnh thức của họ không đối nghịch với bổn phận tỉnh thức của mọi Kitô hữu khác, như c.37 cho thấy: “Điều Ta nói với các ngươi, Ta cũng nói với hết mọi người: hãy tỉnh thức”). Trước hết tỉnh thức không phải là chú ý và mau mắn, mặc dù yếu tố này vẫn có cách mặc nhiên . . . Sở dĩ các Kitô hữu được mời gọi tỉnh thức, chính là vì trong khi bước đi trong thế giới đêm tối, họ phải thể hiện ơn gọi và ân huệ đã lãnh nhận với tư cách là con cái ánh sáng, và hướng cái nhìn về đằng trước, tới cuộc trở về của chủ và tới ngày đang đến gần. Sự tỉnh thức rõ ràng mang một tính cách cánh chung, nó hoàn toàn hướng tới trước, hướng tới ngày Quang lâm của Chúa Kitô và sự hoàn thành cuối cùng của ơn cứu độ. Ở đây không hề có vấn đề suy luận hay tính toán thời giờ và giây phút (x. Mc 13,32), nhưng là một thái độ sống nhằm luôn luôn giữ hình ảnh cuộc trở về của Chúa Kitô ngay trước mắt thái độ sống ấy được dụ ngôn trình bày dưới khía cạnh một “sự phục vụ chủ”. Người gác cửa đã lãnh trách nhiệm tỉnh thức trong khi chờ đợi chủ về: bằng việc tỉnh thức, anh ta tỏ ra trung tín với chủ, và cuộc đời của anh được xác định trong tương quan với chủ. Trong dụ ngôn, tỉnh thức chính là có một đời sống mà ngay bây giờ đã được ghi dấu bởi cái đang đến, bởi người chủ, bởi ngày và bởi ánh sáng ban ngày. Đây là một cách diễn tả tình trạng cánh chung của các Kitô hữu đang sống trong thế giới : họ đã được giải phóng khỏi những gì làm nên ban đêm, họ hướng tới cuộc trở về của Con Người và tới thời gian hoàn tất ơn cứu độ.

Theo nghĩa đó, tỉnh thức chẳng phải là chuyện tự nhiên, dễ dàng. Với bản chất của thời gian hiện tại như vậy, không thể tỉnh thức mà không chiến đấu. Tư tưởng này được diễn tả trong nhiều đoạn văn Tân ước một cách rành rẽ. Ta đã trích dẫn Rm 13, 11 tt: song song với lời khuyên hãy rút ra khỏi giấc ngủ, ta tìm thấy trong đó lời mời gọi hãy cởi bỏ những công việc của tối tăm để mặc lấy không phải những công việc mà là những khí giới của ánh sáng. 1Tx 5,6-8; 1Cr 16, 13; Ep 6,10-20; 1Pr 5,8 cũng trình hày một tương quan tương tự giữa sự tỉnh thức với những khí giới. Tỉnh thức bao hàm một sự chiến đấu chống lại các quyền lực đang hoạt động trong cái “éon” (thần linh) đêm tối này (Ep 6,12.). Những khí giới ta sử dụng chẳng phải là những cái ngoại tại với đời sống Kitô giáo, mà chính là những thực tại căn bản của đời sống ấy: đức tin, đức ái đức cậy, chân lý, công bằng . . . (1 Tx 5,8 ; Ep 6, 13tt). Bám chặt vững chắc vào Chúa Kitô và ngày càng chiếm lấy hồng ân cứu rỗi với tất cả những gì nó chứa đựng, đó là cách tự vệ đích thực khỏi những cuộc tấn công của các quyền lực tối tăm, khỏi cơn cám dỗ bị thời gian hiện tại tái chiếm. Nếu những người đi theo Chúa Giêsu mặc lấy áo giáp của Thiên Chúa (Ep 6, 13tt) thì họ sẽ tỉnh thức và sẽ sẵn sàng để đón chờ Chúa trở về.

Ta có thể tự hỏi phải chăng một sự tỉnh thức như thế, trong nỗi chờ mong không ngừng ngày trở lại của Chúa Kitô, sẽ khiến ta vô tình trước cuộc sống hiện tại với những vấn đề của nó? Dĩ nhiên nguy cơ như vậy có thể gặp (x. 2Tx 3), nhưng đây là vì ta hiểu sai sứ điệp của Chúa Giêsu và các sứ đồ về điểm đó mà thôi. ‘Trong Tân ước, tỉnh thức chính là sống ngay từ bây giờ, như thể trước kỳ hạn, cái sự sống của ngày sắp đến (x Rm 13, 13), và đây là chuyện hoàn toàn khác với sự dửng dưng đối với những gì vây quanh ta. Thái độ cánh chung không bao giờ phát sinh sự chối bỏ thế giới, nhưng phát sinh một sự tự do lành mạnh đối với tất cả những gì cấu tạo nên cái “éon” hiện tại, đối với những nguyên tắc và cách lượng giá của thế giới, đối với sự sợ hãi của con người và sự khao khát thế lực, đối với mọi khắc khoải trước giao động, đau khổ, cái chết. Chính sự tự do này, trong niềm trung tín với Chúa đang đến, là cái mà Phaolô đã táo bạo quả quyết: “Phần tôi, tôi không mảy may bận tâm về việc anh em hay phiên tòa nhân loại nào xét xử . . . Đấng xét xử tôi chính là Chúa . . .” ( 1 Cr 4, 3tt).

Như vậy, tỉnh thức trong đêm tối của thời gian hiện tại để chờ đợi Chúa sắp trở về, đó là một sự giải phóng. Đó cũng là một niềm vui, một nỗi vui mừng không lệ thuộc và những đổi thay của cuộc đời, vì nó phát ra từ một nguồn vĩnh cửu. Đó cũng là một sự bình an dù sống giữa cuồng phong, sự bình an đã được Đấng phải đến bảo đảm: Ta để bình an lại cho các con, Ta ban bình an của Ta cho các con; không phải như thế gian ban cho thế nào thì Ta cũng ban cho đâu” (Ga 14,27). Cuối cùng đó cũng là một niềm hy vọng, dù đang sống trong thời đại nguyên tử, bởi vì ánh mắt ta vẫn đăm đăm nhìn về trước, tới thế giới đang đến, tới ngày đang lại gần.

Bản Pháp ngữ của Evald Lovestam

Assemblce du Scigneur số 5.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Ngày hôm nay ta phải sống một cách vui vẻ và chu toàn với niềm hy vọng những công việc Chủ đã trao phó lúc Nguời ra đi, để khi Người trở về, ta không có gì đáng trách cứ. Ta phải sống cái thời gian thì lúc Chúa Giêsu ra đi đến lúc trở lại như một ân huệ Thiên Chúa ban, như lời tác giả thư thứ hai Phêrô đã bảo: “Chúa không trì hoãn giữ điều đã hứa như có kẻ vẫn nghĩ, song Người kiên nhẫn đối với anh em, vì chăng muốn ai phải hư đi, nhưng là hết thảy có phương hối cải. Tuy nhiên ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm . . . Vì vậy anh em phải có đời sống thánh thiện biết bao . . .” (3,9-12).

2. Một Kitô giáo không còn biết nhạy cảm trước sự chờ đợi Chúa Kitô trở về, sẽ mất tất cả khí lực. Ví như sợi dây xâu chuỗi bỗng đứt ngang, khiến những hạt ngọc rơi vãi tung tóe, thì một khi mất niềm hy vọng căn bản này, lập tức những hành vi và giáo huấn của Chúa, những điều luật và đòi hỏi Người ra, việc tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Người và việc cử hành các nhiệm tích chỉ còn là một đống giáo lý, nghi thức không ai hiểu tính cách liên hệ nữa. Phải chăng đó là một trong những lý do chính của sự trì trệ nơi nhiều tín hữu hôm nay? Họ là những Kitô hữu vì một quá khứ nào đó hơn là Kitô hữu vì một tương lai đang đến.

3. Chờ đợi Chúa Kitô trở về, đó là việc mà cả vũ trụ, nhân loại, mọi xác thể đang làm dù có thể không ý thức! Bởi vì cả đoàn quân vĩ đại gồm các nguyên tử, tinh tú, sinh vật, nhân gian, tập thể đã được Thiên Chúa khơi dậy là để chỉ có một ý nghĩa và mọi phương hướng để chỉ tiến bước đến điểm hẹn với Chúa Kitô. Bởi vì mọi sự chỉ được hoàn thành trong Chúa Giêsu Kitô, chỉ làm nên một Thân thể với Nguời. Đáng lẽ từ lâu ta phải là bậc thầy về những điều đó (x. Dt 5,12) Ta đã biết đầy đủ và rõ ràng để xác tín chưa?

4. Người có tham vọng muốn biết ngày và giờ Chúa trở lại chứng tỏ mình có những ý hướng không phù hợp với Tin Mừng. Thí dụ ý hướng hiếu kỳ. Nhưng đối với biến cố Chúa trở về, không thể có sự hiếu kỳ, vì chẳng ai có thể làm khán giả đứng nhìn từ ngoài cuộc, dù chỉ là trong tưởng tượng; ngày giờ đó không chấp nhận những kẻ hiếu kỳ: tất cả đều ở trong cuộc, đều được xét xử trên chính thể cách mà họ tưởng tượng hay chú tâm về biến cố đó. Sự tìm biết ngày giờ biến cố còn nói lên ý hướng muốn dành riêng quãng thời gian còn lại trước ngày kinh khủng để làm công vtệc thống hối ăn năn; nhưng như thể là khinh dể Thiên Chúa và thú nhận mình có những quan niệm bi đát về vận mạng con người và về mối tương giao với Thiên Chúa hằng sống. Ta sẽ không gặp Thiên Chúa như trái đất có thể gặp sao chổi để rồi bị nổ tung ra, nhưng ta sẽ gặp Ngài như một Đấng mà ta sẽ không ngừng đối chất trong nơi sâu thẳm của lòng mình, đã không ngừng chọn lựa trong mỗi giây phút của cuộc sống.

5. Có kẻ trông chờ Chúa đến như người Do thái thời xưa Người Do thái đã nóng lòng trông chờ Đấng Cứu thế, vị cứu tinh tới, như mảnh đất khô cằn mong chờ mưa sương, như tôi tớ chờ đợi gia chủ. Tuy nhiên khi Đấng họ chờ đợi đến thì họ lại không nhận ra, bởi vì Người đã tới với một cung cách không như họ tưởng, đã làm những cái không như họ muốn.

Trong lúc họ chờ đợi một vị Cứu tinh tới với tất cả sự oai phong, lẫm liệt và đem đân Do thái lên đài vinh quang, bá chủ thiên hạ, thì Người lại đến trong cảnh nghèo nàn và mở rộng tay đón tiếp mọi người, không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ. Họ chờ đợi vị Cứu tinh tới để chuẩn y cho lòng dạo đức của họ, cho Đền thờ, thế mà Người lại tuyên bố những kẻ họ cho là tội lỗi là đáng loại đi sẽ vào Nước Trời trước họ . . . Do đó chờ đợi còn có nghĩa là thay đổi; thay đổi quan niệm, tâm não, lòng trí; thay đổi cái nhìn để mặc lấy cái nhìn của Chúa Kitô, hầu đi vào trong kế đồ, trong trật tự Nguời đã khởi sự xây dựng và sẽ hoàn tất trong ngày Người lại đến.

6. Thánh lễ là cao điểm của cuộc gặp gỡ giữa Chúa và ta, là lúc Chúa đến đứng giữa lòng và và gõ. Ta đã chuẩn bị sẵn sàng để gặp Chúa, để mời Người ngự vào lòng mình chưa?

Học viện Giáo hoàng Pi-ô X Đà Lạt

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

[related_posts_by_tax posts_per_page="8" taxonomies="category" format="thumbnails" image_size="medium" link_caption="true" columns="4" public_only="true" title="TIN LIÊN QUAN:" ]