Nghĩ về phép rửa tội của chúng ta || Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa – năm B

Lễ Giáng Sinh mang lại cho chúng ta niềm vui và ơn thánh với sự tràn đầy trong ngày lễ Chúa Giê-su Ki-tô chịu phép rửa. Tin Mừng thánh Mác-cô thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giê-su chịu phép rửa (Mc 1, 6b-11) chứng tỏ con đường sống khiêm nhường và hạ mình của Chúa Giê-su Con Thiên Chúa.

Khởi đầu sứ vụ công khai, Chúa Giê-su đã tới sông Gio-đan để lãnh nhận phép rửa thống hối và hoán cải từ Gio-an. Thánh Mác-cô thuật lại: “Chúa Giê-su từ Na-da-rét xứ Ga-li-lê-a đến và chịu phép rửa bởi Gio-an ở sông Gio-đan” (Mc 1,9). Với con mắt thường tình, xem ra điều này có vẻ trái ngược. Bởi Chúa Giê-su là Đấng vô tội đâu cần tới sự thống hối và trở lại sao. Người lại còn hòa mình vào hàng ngũ các tội nhân để được lãnh nhận phép rửa; Người là Đấng đến để tha thứ nay cần tới ơn tha thứ và cầu xin Thiên Chúa ơn hoán cải, để có thể trở về với Thiên Chúa bằng tất cả con tim, hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Chúa Giê-su làm thế là Người muốn đặt mình về phía các tội nhân, liên đới với họ, với nỗi cực nhọc của chúng ta trong việc trở về, loại bỏ các điều ích kỷ, trong việc tách mình ra khỏi tội lỗi của chúng ta.

Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha” (Mc 1,10-11).

Hỏi: Điều gì đã xẩy ra vào lúc Chúa Giê-su xin chịu Phép Rửa bởi Ông Gio-an?

Thưa: Trước hành động của tình yêu khiêm nhường này từ phía Con của Thiên Chúa, “trời mở ra” và hiện ra cách hữu hình Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu, trong khi một tiếng nói từ trên cao diễn tả sự hài lòng của Chúa Cha, nhận Con Một của Mình, Đấng Được Yêu Thương: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha” (Mc 1,11). Đây là sự mặc khải nhãn tiền về Thiên Chúa Ba Ngôi, và thiên tính của Chúa Giê-su, Người là Đấng Mê-si-a, Người được Thiên Chúa đã sai đến như lời đã hứa để giải thoát và cứu chuộc dân Người. Bước lên khỏi nước là Chúa Giê-su nâng chúng ta lên và dẫn chúng ta tới mức độ thật cao bên ngai Thiên Chúa Cha.

Ngày chúng ta chịu phép rửa tội, được dìm mình vào trong nước là chúng ta được dìm vào trong mầu nhiệm của quyền năng của Chúa, trong mầu nhiệm của sự chết của Người, là nguồn sự sống, để tham dự vào sự sống lại của Người và tái sinh vào trong đời sống mới.

Với Bí tích Thánh Thể và Thêm Sức, Bí tích Rửa Tội tạo thành các bí tích gọi là “Khai tâm Ki-tô giáo”, tạo thành một biến cố Bí tích lớn duy nhất, cho chúng ta được trở nên giống Thiên Chúa và biến chúng ta thành một dấu chỉ sống động của sự hiện diện và tình yêu Chúa.

Trong việc làm phép nước của giếng rửa tội, Hội Thánh cầu xin cho nước này có thể trở nên nguồn mạch của sự sống mới trong Đức Ki-tô và việc thanh tẩy tội lỗi qua sự tuôn đổ Thánh Thần.  Như sự sống được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, ân sủng cũng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua việc tái sinh ở giếng rửa tội và với ân sủng này, dân Ki-tô lữ hành trong thời gian, như một dòng sông tưới gội trái đất và truyền lan phúc lành của Thiên Chúa khắp thế gian. Sau đó chúng ta từ bỏ Sa-tan và tất cả công việc của nó và tuyên xưng đức tin của Hội Thánh vào Thiên Chúa Ba Ngôi.

Khi ta nói ‘không’ với các đề nghị của ma quỷ là kẻ chia rẽ, ta có thể thưa ‘có’ với Thiên Chúa, Đấng mời gọi ta nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong tư tưởng và hành động. Nếu cha mẹ chúng ta đã ban cho chúng ta sự sống trần thế, thì Hội Thánh lại tái sinh chúng ta vào sự sống đời đời trong Bí tích Rửa Tội.

Qua việc đổ nước và khẩn cầu Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta được “dìm” vào mầu nhiệm cái chết của Đức Ki-tô và sống lại trong đời sống mới. Vì vậy, được tái sinh, chúng ta trở nên một thụ tạo mới, đi từ sự hư hỏng của tội lỗi qua sự sống đời đời. Trong Đức Ki-tô và nhờ sự tuôn đổ Thánh Thần, chúng ta trở thành dưỡng tử của Chúa Cha và với Hội Thánh là mẹ thiêng liêng của mình. Mối liên hệ này là một mối liên hệ dứt khoát và in trên linh hồn một ấn tín không thể xóa bỏ được. Từ nay trở đi, là chi thể của thân thể Đức Ki-tô, chúng ta cam kết xa lánh tội lỗi và làm cho cuộc đời mình càng ngày càng nên đồng hình đồng dạng với Người hơn bao giờ hết.

Sau việc tái sinh của mình trong nước rửa tội, chúng ta được xức bằng Dầu Thánh như dấu chỉ của việc chia sẻ vai trò như Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Giả của Đức Ki-tô. Như phần tử của dân tư tế, chúng ta được mời gọi dâng hiến cuộc sống hàng ngày của mình như một hy lễ đẹp lòng Ngài. Như dân vương giả và ngôn sứ, chúng ta được mời gọi công bố vương quyền của Đức Ki-tô bằng việc làm chứng cho đức tin và đức ái của mình, cam kết theo gương Người trong việc yêu thương phục vụ anh chị em mình.

Vậy, phép rửa của Chúa Giê-su và phép Rửa tội của chúng ta có liên kết chặt chẽ với nhau. Phụng vụ của ngày lễ này đã hát lên như sau: “Đức Ki-tô chịu phép rửa, cả trần gian được thánh hóa, chúng ta được tha thứ tội lỗi, được thanh tẩy nhờ nước và Thánh Thần” (Tiền xướng của kinh Bê-nê-dic-tus, của giờ Kinh Sáng).

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Facebook

Twitter

Email

Print

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org