Lễ Tro khởi đầu mùa Chay Thánh tại nhà thờ Chính tòa Hà Nội

“Hãy nhớ, con chỉ là tro bụi và sẽ trở về cùng bụi tro.”

Giáo hội khởi đầu mùa Chay Thánh với ngày thứ Tư lễ Tro và nghi thức xức tro trên đầu, mời gọi mọi người cùng bước vào hoang địa với Đức Giêsu. Chính Thánh Thần đã dẫn đưa Người đến nơi đó, ngay sau khi Người chịu phép rửa của ông Gioan và nhận được Thánh Thần. Trong tâm tình đó, tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội vào lúc 10h00 thứ Tư ngày 26 tháng 02 năm 2020, Đức Tổng Giám mục (TGM) Giuse Vũ Văn Thiên đã chủ tế Thánh lễ thứ Tư Lễ Tro, khai mạc Mùa Chay Thánh. Cùng đồng tế trong Thánh lễ còn có Đức Cha Lô-ren-xô Chu Văn Minh, Cha Tổng đại diện Antôn Nguyễn Văn Thắng, quý Cha trong giáo hạt Chính tòa, quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn dân Chúa.

Lễ nghi Phụng vụ hôm nay diễn ra thật trầm lắng. Vị chủ tế không mở đầu thánh lễ bằng lời chào giới thiệu ý nghĩa ngày lễ như những thánh lễ khác, nhưng là lời nguyện thật sâu lắng “Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần”. Lời nguyện nhập lễ đã dìu cộng đoàn phụng vụ bước vào Thánh lễ khởi đầu mùa Chay Thánh trong bầu khí thật thánh thiêng.

Chia sẻ trong Thánh lễ Đức TGM Giuse đã nói lên ý nghĩa của Mùa Chay. Hôm nay chúng ta cùng với Giáo hội hoàn vũ khai mạc Mùa Chay Thánh. Lễ nghi hôm nay không mang dáng vẻ ồn ào nhưng trầm lắng, mời gọi chúng ta nhấn mạnh đến chiều kích nội tâm. Vẫn biết rằng trong một năm, Mùa phụng vụ nào cũng là quan trọng, bởi lẽ nhằm tôn vinh Thiên Chúa. Tuy nhiên, Mùa Chay là thời điểm mà chúng ta được mời gọi chú ý tập trung và đặt một sự ưu tiên hơn cả. Trong sách ngắm sự thương khó Chúa Giêsu và các sách tu đức ví Mùa Chay như mùa chim làm tổ, giống như người nông phu đến ngày gặt lúa và giống như người trồng cây đến ngày hái quả. Chính vì thế Giáo hội mượn lời Thánh Phaolô gọi Mùa Chay là thời Thiên Chúa thi ân, là thời điểm thuận lợi và là ngày Thiên Chúa cứu độ.

Chúng ta bước vào Mùa Chay và nghi lễ Mùa Chay như một lời “hiệu triệu”. Ngôn sứ Gioen đã nói với chúng ta sẽ đến ngày Thiên Chúa quy tụ tất cả mọi dân, mọi người, mọi thành phần trong xã hội đều được triệu tập như một ngày đại lễ: Hãy rúc tù và tại Xi-on, ra lệnh giữ chay thánh, công bố mở cuộc họp long trọng; hãy tụ tập chúng dân, mời dự đại hội thánh, triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú. Tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ phòng khuê! Giữa tiền đình và tế đàn, các tư tế phụng sự Đức Chúa hãy than khóc và nói rằng: Lạy Đức Chúa, xin dủ lòng thương xót dân Ngài!… Vì thế Mùa Chay mời gọi chúng ta nhìn lại chính mình, chúng ta hãy sám hối vì làm mất lòng Chúa, chúng ta phản nghịch, sống mâu thuẫn với Người, dửng dưng với Chúa và khước từ những giáo huấn mà Chúa truyền cho chúng ta thi hành.

Mùa Chay là thời điểm giúp chúng ta nối lại mối tương quan với Chúa và tương quan với anh chị em. Mùa Chay cũng là mùa của sự trở về. Sự trở về này được coi là sự hòa giải giữa Thiên Chúa và con người. Lời Thánh Phaolô trong sách thánh thứ hai được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn làm chủ đề cho sứ điệp Mùa Chay năm nay: “Nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa” (2Cr5, 20). Đó cũng chính là lời mời gọi của Giáo hội đối với mỗi người chúng ta trong suốt Mùa Chay Thánh này. Vậy giao hòa với Thiên Chúa là như thế nào. Đức TGM Giuse đã chia sẻ cho chúng ta một số việc cần làm để mỗi người chúng ta có thể giao hòa với Thiên Chúa: Giao hòa với Thiên Chúa là việc tôn nhận Thiên Chúa là Đấng tối cao, Đấng sáng tạo, Đấng hướng dẫn và chủ đích của cuộc đời mình. Giao hòa với Thiên Chúa là việc nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình. Giao hòa với Thiên Chúa còn được thể hiện qua việc giao hòa với anh chị em vì anh chị em là hình ảnh của Thiên Chúa.

Khai mạc Mùa Chay Thánh, Đức TGM Giuse cũng mời gọi mỗi người hãy từ bỏ tội lỗi, canh tân bản thân nên con người mới, mến Chúa yêu người, để giáo huấn của Chúa được thể hiện cụ thể nơi con người chúng ta, đồng thời để ánh sáng của sự thánh thiện cùng tỏa lan nơi hành động và nơi chính cuộc đời của mỗi Kitô hữu chúng ta.

Trước khi kết thúc bài chia sẻ, Đức TGM Giuse nói lên ý nghĩa của việc làm phép và xức tro: Tro bụi là phần còn lại sau khi mọi thứ đã được đốt. Tro bụi là cái không có giá trị, hèn kém, không là cái gì. Qua nghi thức xức tro, chúng ta muốn tuyên xưng với Chúa về thân phận thụ tạo của mình, từ đất mà ra, cho nên cũng có ngày trở về đất, về cát bụi. Mùa Chay cũng là thời điểm mà mỗi người chúng ta thể hiện sự khiêm tốn của mình, nhưng sự khiêm tốn đó không chỉ qua một nghi thức mà phải được thể hiện bằng chính cuộc sống của mình, thể hiện qua việc làm, lời nói, tư tưởng, lối sống của mỗi người, nhất là tương quan với anh chị em. Lời cầu nguyện của vua Đavit được thể hiện trong Thánh vịnh 50 sẽ còn được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong Mùa Chay: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy…..”

Sau bài giảng là nghi thức làm phép tro và xức tro. Đức TGM Giuse làm phép tro với lời nguyện và rảy Nước Thánh trên tro. Hình thức xức tro và nhận tro hôm nay biểu lộ lòng tin của người Kitô hữu bởi vì con người được tạo dựng bằng bùn đất, sẽ trở về bụi tro. Mùa Chay cũng là mùa thuận tiện để mở cửa cho tất cả những ai đang túng quẫn và nhận ra nơi họ khuôn mặt của Chúa Kitô.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 11h15. Mọi người ra về trong niềm tin yêu phó thác vào lòng thương xót Chúa, cùng tham dự vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa mong đợi mừng ngày Chúa Phục sinh.

17485 le tro 1617485 le tro 1617485 le tro 1617485 le tro 1617485 le tro 1617485 le tro 1617485 le tro 16
Tro được sử dụng trong Thánh lễ
17485 le tro 16
Đức TGM Giuse làm phép tro

17485 le tro 1617485 le tro 1617485 le tro 14

Cộng đoàn sốt sáng tiến lên lãnh nhận tro trên đầu 

17485 le tro 17

Với lời mời gọi “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”

17485 le tro 1617485 le tro 16

17485 le tro 18

BTT Gx. Chính tòa
(Nguồn: tonggiaophanhanoi.org)