Kết hợp nên một với Thiên Chúa Ba Ngôi là ân ban – Lễ Chúa Ba Ngôi – Năm B

Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đic-tô XVI đã khẳng định, đức tin Ki-tô giáo tự nền tảng là điều được nhận lãnh. Và con người không thể đạt tới ý nghĩa làm người sâu xa nhất bằng những gì mình làm được cho bằng những gì mình nhận lãnh.[1] Quả vậy, muôn vàn hồng ân ta lãnh nhận đều do lòng nhân hậu Chúa ban. Tất cả được ban trong Đức Ki-tô, bởi: “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác”(Ga 1,16). Cảm nghiệm thần bí của thánh Tê-rê-xa Avila và thánh Gio-an Thánh Giá cũng cho thấy xác quyết này.

Thiên Chúa Ba Ngôi tự thông ban chính mình cho linh hồn. Cuộc tự thông ban được diễn ra trong tình trạng kết hôn tâm linh. Theo thánh Gio-an Thánh Giá, nó diễn ra ở “giường hợp cẩn”, là chính Đức Lang Quân, Ngôi Lời Thiên Chúa trong “nơi hầm rượu bên trong”. Khi đó: “Chính Thiên Chúa tự thông truyền chính mình cho linh hồn bằng cách biến đổi linh hồn thành Ngài trong vinh quang tuyệt vời”.[2] Với thánh Tê-rê-xa, sự thông truyền này chỉ diễn ra trong cư sở thứ bảy. Ở đó, Thiên Chúa Ba Ngôi tự mặc khải chính mình và nên một với linh hồn trong Nhân Tính Cực Thánh.[3]

Cách thức Thiên Chúa thực hiện cuộc kết hợp là tự ban chính mình cho linh hồn, không qua bất kỳ trung gian nào, thậm chí là các thiên thần. Các giác quan bên ngoài cũng như nội quan đều vô phương cảm thấu, vì chỉ “một mình với một mình”.[4] Nơi ấy ma quỷ cũng không vào được, chỉ có Chúa và linh hồn vui hưởng nhau trong thinh lặng thẳm sâu.

Theo thánh Gioan Thánh Giá, nét táo bạo thuộc về bản chất của tình yêu giữa Thiên Chúa và linh hồn là sự bình đẳng, ngang hàng. Xét về bản tính, muôn đời con người là thụ tạo, không thể ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng vì “Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4,8.16) nên Ngài chẳng thể yêu cái gì ngoài tình yêu Ngài. Ngài yêu tất cả đều vì Ngài là tình yêu. Bởi vậy, Ngài cũng chẳng thể yêu thứ gì kém hơn yêu chính Ngài. Cho nên, đối với Thiên Chúa, yêu một linh hồn là đặt linh hồn ấy vào trong chính Ngài, làm cho nó ngang hàng với Ngài.[5]

Về hiệu quả cuộc thông truyền này: thứ nhất, linh hồn nhận biết cách chắc chắn và chân thật Ba Ngôi cùng một bản thể, một quyền năng, một sự thông suốt và là một Thiên Chúa duy nhất. Điều người ta nhận biết nhờ đức tin, giờ đây linh hồn nhận biết bằng trông thấy, dù cả con mắt giác quan và tâm linh không thấy gì. Đó là sự thông truyền siêu giác quan, vì ở đây cả Ba Ngôi đều thông hiệp với linh hồn.[6]

Hiệu quả thứ hai, Chúa Cha thông truyền cho linh hồn tình yêu Ngài đã thông truyền cho Chúa Con, dù không theo bản tính, nhưng bằng tình yêu, vì sự nên một được biến đổi trong tình yêu. Như thế, những điều Chúa Con có được theo bản tính thì linh hồn có được nhờ dự phần. Do đó, con người thật sự là thần linh do được dự phần với Con Thiên Chúa.[7] Đó là ước mong của Đức Giê-su trong lời nguyện hiến tế: “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.” (Ga 17, 22-23).

Thứ ba, linh hồn được dự phần vào chính Thiên Chúa, nghĩa là sẽ cùng với Thiên Chúa thực hiện nơi Ngài công việc của chính Ba Ngôi. Dù sự nên một tận bản thể giữa linh hồn và Thiên Chúa chỉ thực hiện được ở đời sau, thì trong đời này, ở tình trạng đang đề cập, linh hồn nhận được bảo chứng và được nếm trước hương vị của ơn nên một đó.[8] Cảm nghiệm của thánh Phê-rô xác nhận điều này: “nhờ vinh quang và sức mạnh của Đấng chịu đóng đinh, Thiên Chúa đã tặng ban tặng cho chúng ta những gì rất quí báu và trọng đại Ngài đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần vào bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,2-4).

Ơn ban thứ tư: nhờ “hơi thở thần linh” Chúa Thánh Thần nâng linh hồn lên cách cao vời, làm cho nó có khả năng yêu Chúa Cha và Chúa Con bằng tình yêu thương của chính Thánh Thần. Thiên Chúa đã dùng hơi thở Thánh Thần nơi linh hồn để biến đổi nó nên chính Ngài. Đây thực sự là một hoan lạc cao vời, tinh tế và sâu xa đến nỗi trí hiểu con người không thể nắm bắt được gì. Bởi khi đã được nên một với Thiên Chúa và được biến đổi thành Thiên Chúa trong tình yêu, linh hồn có thể thở ra trong Thiên Chúa và cho Thiên Chúa chính hơi thở thần linh mà Thiên Chúa thở ra từ chính Ngài, cho linh hồn được biến đổi nên như Ngài.[9] Cần phải biết rằng trong cuộc biến đổi này, linh hồn hoàn toàn thụ động bởi vì Chúa Thánh Thần thực hiện tất cả và hướng linh hồn tới những hoạt động đó. Theo đó tất cả hoạt động của linh hồn đều thiêng liêng, đó là hoạt động của Thiên Chúa trong Thiên Chúa.[10]

Như vậy, với cuộc tự trao ban Thiên Chúa biến đổi linh hồn thành chính Ngài, đến nỗi tất cả cơ năng của linh hồn đều là của Thiên Chúa:

Trí năng của linh hồn là trí năng của Thiên Chúa; ý chí của nó là ý chí của Thiên Chúa; ký ức của nó là kí ức về Thiên Chúa; và niềm hoan lạc của nó là hoan lạc của Thiên Chúa. Mặc dù bản thể của linh hồn không phải là bản thể của Thiên Chúa, vì nó không thể trải qua cuộc biến đổi bản thể vào Thiên Chúa được. Linh hồn đã trở thành Thiên Chúa thông qua việc tham dự vào Thiên Chúa, được kết hợp với Ngài và được hấp thụ trong Ngài. Ở trong tình trạng này, linh hồn có thể nói được như thánh Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).[11]

Bằng những cảm nghiệm của mình thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá đã trao lại cho Hội Thánh cách thức hợp nhất với Thiên Chúa. Kết hợp là một ân ban, con người chỉ cần khiêm nhường đón nhận. Thiên Chúa Ba Ngôi tự thông ban chính mình cho linh hồn trong tình trạng của những người dám tiến xa trên đường hoàn thiện. Cuộc thông ban này thường diễn ra trong cuộc kết hôn nhiệm lạ. Khi đó linh hồn nên một với Thiên Chúa, thuộc trọn vẹn về Ngài.


[1]Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI, Đức Ki-tô hôm qua hôm nay, Nxb. Tôn giáo 2009, tr. 284.

[2]Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 277.

[3]Têrêsa Avila, Tiểu sử Tự thuật, Nxb. Sheed and Ward – London, Cư sở thứ bảy, chương 1,2, tr. 206, 209.

[4]Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 357.

[5]Cf. Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 335-336.

[6]Têrêsa Avila, Lâu đài nội tâm, Nxb. Sheed and Ward – London, Cư sở thứ bảy, chương 1, 2, tr. 206.

[7]Cf. Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 391.

[8]Ibid., tr. 392.

[9]Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 389.

[10]John of the Cross, The Living Flame Of Love, chương 1, số 4.

[11]Ibid., chương 2, số 34.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org