Giới răn trọng nhất – Chúa nhật XXX thường niên – Năm A

GIỚI RĂN TRỌNG NHẤT

SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN – NĂM A

(Mt 22, 34-40)

 CÂU HỎI GỢI Ý

1. Câu hỏi được đặt ra cho Chúa Giêsu trong đoạn văn này nan giải ở điểm nào? Phải chăng đây chỉ là một cạm bẫy?

2. Câu trả lời của Chúa Giêsu độc đáo ở điểm nào?

3. Những “cuộc họp nhóm” (c.34) phải chăng thường là điềm lành trong Tin Mừng Mt?

4. Tại sao Chúa Giêsu không trích dẫn một giới răn nào của Thập giới?

5. Phải chăng Chúa Giêsu chỉ muốn nói lên đâu là giới răn trọng nhất mà thôi?  Nói cách khác, việc Người đơn giản hóa phải chăng là vì quên sót?  Vì muốn loại bớt thay vì muốn triệt để hóa?

1. Trong cơ cấu văn chương của Mt, các câu này phải được hiểu như là một trình thuật về cuộc xung đột giữa Chúa Giêsu với các địch thủ của người. Sau những câu hỏi về vấn đề nộp thuế cho hoàng đế (cc. 15-22). Vấn đề kẻ chết sống lại ( cc.23- 33), là  đến những câu hỏi về giới răn trọng nhất (cc. 34-40) rồi về Con vua Đavít (cc.41- 46) ; bốn đề tài này là những đề tài được tranh luận nhiều nhất nơi người Do thái thời Chúa Gíêsu.

2. Khi các giáo sĩ ghi nhận sự đa phức của các giới răn, thì bao giờ cũng là để nhấn mạnh tầm quan trọng ngang nhau của chúng, từ giới răn nhỏ nhất đến giới răn lớn nhất: cũng như ai lỗi phạm mọi giới răn là cởi bỏ ách luật, đoạn tiêu Giao ước, và ngang nhiên chống lại Lề luật, thù cũng thế, ai chỉ lỗi phạm một giới răn là cởi bỏ ách luật, chống lại lề luật và đoạn tiêu giao ước” (Mekhilta sur l’exode 6), “Uớc gì giới răn nhỏ cũng được ngươi mến yêu như giới răn lớn ” (Sitré sur le Dt 12, 28),  “Nếu bắt đầu nghe chút ít, cuối cùng người ta sẽ nghe nhiều… đến nỗi giới răn ít quan trọng cũng được người yêu mến như giới răn lớn lao” (ibld. 13, 19) “Nếu lỗi phạm điều luật hay yêu mến tha nhân như chính mình, thì cuối cùng người ta sẽ phạm luật: không được báo thù, không được giận ghét, và đi  đến chỗ đổ máu tha nhân” (ibid.19, 11).

Tinh thần nệ luật tỉ mỉ này, như mọi tinh thần nệ luật đã phát sinh khi thì một niềm vui chân thành trong sự tuân phục, khi thì một niềm tự mãn có tính cách biệt phái (coi Lc 15,29), lúc lại một mối lo âu nơi những ai không thể nào thỏa mãn vô số giới răn cổ truyền (x.Mt 19, 18). Theo truyền thống của Hội đường, Lề luật gồm 613 giới luật tích cực, trong đó có 365 điểm cấm và 248 qui định. Từ lâu người ta đã muốn tổng hợp chúng lại và đưa ra những đường nét chính yếu (Đavít rút gọn các giới răn vào 11 điều chính : Tv 15, 2- 5 ; Isaia vào 6 : Is 33, 15; Mica vào 3 : Mca 6, 8 ; Amốt vào 2 : Am 5, 4 ; Habacuc và 1 : người công chính sống bằng tín trung: Hb 2, 4), nhưng vẫn không sao giờ thực sự vượt qua được tính cách tỉ mỉ quá độ của nền đạo đức này.

Thành thử tính cách độc đáo của bản văn chúng ta không nằm trong ý tưởng tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, mà Cựu ước lẫn Do thái giáo đều quá biết rõ, nhưng trong việc chúng được đưa lại gần nhau và trong chỗ đứng tối thượng mà Chúa Giêsu ban cho “bảng tóm lược” Lề luật này. Vì cả hai giới răn ấy nằm trong những đoạn rất xa nhau của Cựu ước cũng có thể thêm rằng giới răn về tình yêu tha nhân chỉ dược ghi lại một cách rất sơ sài: “Người sẽ không báo oán, không cưu thù với con cái dân ngoại, song ngươi sẽ yêu đồng loại ngươi như chính mình; Ta là Giavê ” (Lv 19, 18).

3. Nhưng Chúa Giêsu không chỉ thiết lập một phẩm trật giữ các giới răn, đặt hai giới răn về tình yêu đứng đầu 613 qui định của Lề luật, theo kiểu một sự cận kề, mà còn thêm: “Toàn thể Lề luật và các ngôn sứ đều qui vào hai giới răn ấy” (c.40). Thế nghĩa là gì’? “Lề luật và các ngôn sứ ” là một thành ngữ thông dụng, một kiểu nói chỉ cái biểu thức sống động của ý muốn Thiên Chúa như đã được ghi vào toàn bộ Thánh Kinh. Vậy phải chăng có thể giản lược vào một công thức ngắn ngủi và cô đọng như thế cái ý muốn thần linh đã được ghi vào trong rất nhiều sách và đã được biểu lộ trong nhiều thời kỳ khác nhau? Phải chăng có một cách diễn tả một cách biểu lộ thiên ý mà tóm tắt được mọi cách diễn tả khác? Hay là xét về phía con người, phải chăng có một phương thế để thực hiện thánh ý Thiên Chúa đã được mặc khải rất nhiều lần và nhiều cách, nếu người ta chỉ cần giữ một giới răn hay hai giới răn nhưng được  gồm lại một? Lời của Chúa Giêsu đáp trả rõ ràng cho câu hỏi đó và vì thế đã thiết lập một Luật mới thật sự. Giới răn đôi về tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân thật ra gồm tóm mọi giới răn khác. Và ta có thể xác quyết ngược lại là mọi giới răn khác rốt cục đều quy về giới răn ấy. Thật là một giáo huấn mới mẻ. Vì Chúa Giêsu không chỉ nói đâu là giới răn trọng nhất, mà còn bảo mọi giới răn khác thực ra được gồm tóm trong nó. Quả là một cuộc giải phóng kỳ diệu cho con người ! Con người không còn phải lo lắng giữ cho được 248 điều truyền và 365 giới cấm nữa. Họ chỉ còn giữ hai giới răn thôi. Ai thực sự hoàn thành những gì đòi hỏi trong hai giới răn ấy thì có thể tin chắc rằng mình đã hoàn tất Lề luật và như thế hoàn tất thánh ý đích thực của Thiên Chúa. Kể cũng ích lợi nếu xem thêm những phát biểu song song về giáo huấn này của Chúa Giêsu trong Mt 7, 12 (luật vàng) ; Gl 5, 14 và Rm 13, 8-10.

Giáo huấn Chúa Giêsu đưa ra trong cuộc tranh luận với người Biệt phái hôm nay, chúng ta đă từng biết đến qua Bài giảng trên núi; nhưng ở đây nó được nhắc lại một cách rõ ràng và được nhấn mạnh nhiều hơn. Mọi cố gắng của con người phải xuất phát từ một căn nguyên và tiến đến cùng một cùng đích : tình yêu. Con người đã không chỉ được tạo dựng để vâng phục Thiên Chúa như vâng phục chủ và chúa của mình nhưng còn để yêu mến Ngài như Cha. Việc vâng lời chỉ trở nên đích thực nhờ tình yêu mến. Thiên Chúa không mong có những tên nô lệ đầy sợ hãi, nhưng muốn có những người con tự do. Tình yêu Thiên Chúa phải là trung tâm và nguồn mạch của mọi lòng hiếu thảo vậy.

Tình yêu đối với tha nhân cũng phải phát xuất từ cùng nguồn mạch đó. Ta đã biết “tha nhân” không chỉ là người đồng hương, người đồng xứ, theo như quan niệm cổ hũ Do thái đương thời nữa. Mọi người có thể là tha nhân của tôi; nhưng thực tế không tất nhiên như vậy,  vì người ta rất dễ trốn vào trong tình yêu đối với tha nhân xa xôi, rất dễ chọn lựa đối tượng xa vời nhất của tình yêu chân chính; nên cụ thể ra, tha nhân là hết mọi ai mà tôi có liên hệ cách cụ thể và đích thực. Tình .yêu của môn đồ Chúa Giêsu không được có giới hạn biên cương. Gương mẫu của họ là tình yêu của chúa Cha, Đấng cho mặt trời soi chiếu trên kẻ dữ cũng như người lành, và làm mưa trên người công chính lẫn hạng bất lương (5, 45). Trong mọi tương quan với hết mọi người, qui tắc bao giờ cũng vẫn là một: chính tình yêu tạo nên sức mạnh sinh động và làm cho các mối tương quan đích thực, giữa nhân vị này với nhân vị kia được thiết lập dễ dàng.

Ta thấy từ bản văn này toát ra một tư tưởng cao siêu chừng nào về cuộc sống con người. Chính nhờ tình yêu mà cuộc sống được tạo thành và phải trở nên duy nhất, không một nứt rạn rẽ phân. Chẳng còn ai bị bắt buộc phụng phí sức lực của mình trong một rừng qui định, luật điều, khuyến cáo nữa. Đối với môn đồ Chúa Giêsu, chỉ có một điều đáng kể, đó là thái độ thâm sâu của mình. Trong bối cảnh ấy, thật dễ hiểu rằng ta không bao giờ bị ép buộc phải cứ mãi đi tìm một câu  trả lời cho một trường hợp cụ thể, vì ý của Thiên Chúa luôn luôn được xác định rõ nếu ta có một tình yêu thật lớn.

Chúa Giêsu không nói, ít ra trong đoạn Tin Mừng này, phải thực hành hai giới răn ấy làm sao. Phải chăng đây là hai đường hướng khác biệt, một đàng yêu mến Thiên Chúa, một đàng yêu mến tha nhân? Phải chăng tình yêu khác nhau trong cả hai trường hợp? Nhưng Người, qua cuộc sống, chỉ cho ta thấy đâu là tương quan giữa hai tình yêu đó. Trong đời Người, việc hoàn thành tôn ý của Thiên Chúa và tình yêu phục vụ nhân loại được nối kết trong cùng một thực tại duy nhất. Dĩ nhiên vì tình yêu tha nhân mà Người hoàn tất công trình cứu chuộc, nhưng tình yêu ấy không tách khỏi tình yêu Thiên Chúa, vì đó là ý Chúa Cha (20,28). Ta cũng thấy điều này được phát biểu một cách tuyệt diệu trong thư các sứ đồ và đặc biệt trong đoạn thời danh sau đây: “Nếu ai nói: tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, thì cho là kẻ nói dối; vì kẻ không yêu mến người anh em nó thấy trước mắt, tất không thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng nó chẳng thấy bao giờ. Và đây là lịnh tuyền ta đã lĩnh lấy nơi Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì hãy yêu mến anh em” (1 Ga 4, 20-21).

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

“Biệt phái tụ họp lại một chỗ”: Kiểu nói được dùng ở đây (“sunôthêsan epi to auto”) là một trích dẫn nguyên văn từ Thánh vịnh 2,2: “Vua chúa trần gian dấy binh khởi nghĩa, vương hầu liên minh một khối (dịch sát chữ: “tụ họp lại một chỗ” (sunêthôsan opi to auto) chống lại Giavê và Chúa Kitô của Ngài”. Thế mà, trong 26, 3 Mt sẽ còn dùng lại cùng động từ ấy (ở cùng một cách, một thì, một ngôi) để diễn tả âm mưu tại nhà Caipha giữa các thượng tế và các kỳ lão nhằm giết Chúa Giêsu. Qua sự tương đồng ấy, Mt ngụ ý là những cuộc tranh chấp trong chương trình này chỉ là mào đầu cho cuộc đối đầu quyết liệt sẽ đưa Chúa Giêsu đến thập giá. Những cuộc tụ họp như vậy của các đầu mục trong dân hay được Mt nhắc lới (2, 4 ; 22, 41 ; 26, 3. 57 ; 27, 62 ; 28,12) và thường là điềm dữ. 

“Để làm Người lúng túng”: dịch sát chữ: “Để thử Người” Mt cũng dùng động từ này (pelrazein) ở 22, 18 nơi kể lại chuyện người  ta “thử” Chúa Giêsu về vấn đề nộp thuế cho hoàng đế. Rõ ràng luôn luôn là dùng cạm bẫy trong cả đoạn.

“Giới răn nào lớn nhất trong Lề luật”: Lời giải thích được yêu cầu thật đặc biệt quan trọng, vì đây không phải là giải thích một trường hợp cụ thể, đặc thù nhưng là làm sáng tỏ một đòi hỏi luân lý trong chính bản chất của nó. Bản văn hy ngữ dịch sát chữ như sau: Đâu là giới lăn lớn trong Lề luật. Nhưng hình thức nguyên cấp (positio của tĩnh từ lớn (megalê) có giá trị tuyệt đối cấp (superlatio, như thường thấy trong Hy ngữ bình dân (Koinè) và trong bản 70 chịu ảnh hưởng của hy bá, nhất là nếu sau nó có một danh từ tập hợp, ở đây là Lề luật, hiểu theo nghĩa toàn bộ các giới răn (x.giải thích đã đưa ra trước đây về câu “Kẻ được gọi thì nhiều, nhưng người được chọn lại ít ” trong Mt 22, 14).

“Ngươi phải yêu mến . . . ” . Trong việc trệt để hóa Lề luật này, không có vấn đề đơn giản hóa bằng cách loại bỏ những điều lệ phụ tùy (mà Chúa Giêsu lẫn môn đồ đều tuân giữ) cho bằng là nhắc lại ý nghĩa của các giới răn, và cho thấy chúng bắt nguồn từ trong ý định tối cao của Thiên Chúa. Còn về hình thức phát biểu của giới răn này, đừng tìm cách phân tích đâu là những phạm vi tương ứng của lòng, của linh hồn, của trí khôn: ý nghĩa trùng tích của các thành ngữ là : tình yêu phải có tính cách toàn diện, nghĩa là phải động viên tất cả con người; dầu sao, chỉ cần một từ ngữ thôi, như “lòng” chẳng hạn, cũng đủ để ám chỉ toàn thể con người; các tiếng khác thuộc về kiểu nói hùng biện; lòng và tư tưởng (hy lạp: dianoia) là tiếng dịch chữ lòng (hy bá: leb) của Cựu ước; không nên nghĩ đến một chức năng đặc biệt nào đó của trí tuệ suy luận; trí tuệ được vận dụng vì toàn thể con người dấn thân.

“Đó là giới răn lớn, giới răn đệ nhất”: Chữ “và” nối liền hai tĩnh từ lớn và đệ nhất chắc có nghĩa giải thích hơn là có nghĩa cộng thêm: giới răn này đứng đầu hết vì nó quan trọng nhất xét về nội dung và ngược lại; tĩnh từ đệ nhất không muốn nói là giới răn đứng đầu nhiều giới răn khác nhưng là đứng đầu tất cả xét về phương diện ý nghĩa, vì chính nó đem lại ý nghĩa đích thực cho mọi giới răn. Bởi vậy kiểu nói thứ đến cũng giống như điều ấy chẳng có nghĩa là : ở hàng thứ hai xét về bậc quan trọng, nhưng là: cũng quan trọng như giới răn thứ nhất; giới răn thứ hai không thể so sánh, hay tương tự như giới răn thứ nhất, song là ngang hàng xét về tầm quan trọng cửa cái mà nó dạy truyền; tuy nhiên nó không đồng nhất theo nghĩa có thể chuyển hoán: tình yêu tha nhân chẳng được đồng hóa với lòng yêu mến Thiên Chúa, nhưng yêu mến tha nhân cũng khẩn thiết như mến yêu Thiên Chúa.

“Toàn thể Lề luật cùng các sứ ngôn”: Chúa Giêsu hoàn toàn đứng trên lãnh vực các Sách thánh đã được ban cho tổ tiên dân Do thái. Người không phát minh điều gì; tầm quan trọng của hai giới răn này dựa trên sự kiện chúng tóm kết tất cả các Sách Thánh ; nhưng đàng khác, Chúa Giêsu đã tái giải thích các Sách Thánh ấy khi mặc khải ý nghĩa thâm sâu của chúng ra  (x Rm 13, 9).

KẾT LUẬN

Cái mang lại cho giới răn này uy tín và sự cao cả, chính là vì Chúa Giêsu đã phát biểu nó lên và cho nó là lớn lao, quan trọng. Người không mang đến (hay chưa mang đến) một giới răn mới mẻ, nhưng Người mặc cho giới răn cũ giá trị đích thực củ a nó . Câu trả lời của Chúa Giêsu không phải là câu trả lời của một ký lục, song là của Chủ lề luật. Chính người công bố nó và hoàn thành nó (5, 17). Và chính việc người hoàn thành Lề luật đã đem lại cho Lề luật một tính cách mới mẻ thực sự.  Tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân không phải chỉ là hai thái đô nhân loại đuốc truyền làm; chúng được hiện thân trong con người của Chúa Giêsu. Chính vì đến để hoàn tất Lề luật và các ngôn sứ qua cuộc sống, cái chết và sự phục sinh, mà Người có thể tuyên bố với uy quyền rằng tất cả nội dung của Cựu ước đều được “quy về” giới răn mến Chúa và yêu người. Chính trong Người mà không những Lề luật dưới hình thức giới răn, nhưng cả lời hứa về ân sủng đã do các ngôn sứ loan báo, đều tìm được sự thành tựu.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Yêu tha nhân không có nghĩa là yêu họ chỉ vì Thiên Chúa đòi buộc, chỉ vì để vâng lời Ngài. Mối dây Chúa Giêsu thiết lập giữa hai giới răn chẳng phải là một mối dây ngoại tại, pháp lý, tự ý người bày ra, song là nằm trong lý luận của Thiên Chúa, trong chính bản chất của sự vật mà Ngài đã tạo dựng, rằng là ta không thể yêu Ngài mà yêu anh em. Và không phải làm như thể là vì anh em, mà trong thâm tâm lại làm vì Thiên Chúa. Thiên Chúa đích thực chẳng phải là sản phẩm của những ước vọng và những tưởng tượng đạo đức của con ngươi. Ngài đã đi vào trong lịch sử của chúng ta đã can thiệp vào đó bằng cách trở nên liên đối với con người. Ngài đồng hóa với con người (Cv 9, 5: “Ta là Giêsu người đang bắt bớ”) đến nói từ  đây ta không thể phân biệt Ngài khỏi con người nữa. Thành thử khi thực sự yêu tha nhân vì họ (như Thiên Chúa yêu họ vì họ chứ chẳng phải vì Ngài, vì tình yêu này không đem lại cho Ngài gì cả) ta sẽ yêu Thiên Chúa vì Ngài. Chỉ có một tình yêu, cũng như con người chỉ có một quả tim, một tấm lòng…

2. Một cách cụ thể, phải yêu tha nhân thế nào? Chẳng phải bằng tình cảm (vì có một vài thứ ác cảm tự nhiên hầu như không thể vượt qua) cho bằng là qua thái độ và hành động. Thánh Phaolô đã mô tả cho chúng ta lòng bác ái đích thực như sau: “Đức ái thì khoan dung, nhân hậu; đức : ái không ghen tương; ba hoa, tự mãn, không khiếm nhã, không ích kỷ; không cáu kỉnh, không chấp nhất sự ác, không mừng trước sự bất công, nhưng biết chia vui cùng lẽ phải. Trong muôn sự, đức ái hết lòng bao dung, hết lòng kính tin, hết lòng trông cậy, hết lòng kiên nhẫn ” (1Cr 13, 4- 6). Khi tìm cách tha thứ lỗi lầm của tha nhân, khi luôn hy vọng họ trở nên tốt hơn cho dù bề ngoài thế nào chăng nữa, khi chấp nhận họ như họ đang là, lúc đó chúng ta mới thương yêu thực sự, lúc đó chúng ta mới thật là con cái của Thiên Chúa.

Học viện Giáo hoàng Pi-ô X Đà Lạt

 

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org