Dưới bóng Mẹ, tôi lặng lẽ lớn lên

Nếu có ai đó hỏi tôi: “Cuộc sống của Mẹ Ma-ri-a có gì nổi bật?”, có lẽ tôi sẽ trả lời rằng: chẳng có gì cả – ít ra là theo cái nhìn của thế gian. Không một kỳ tích do chính Mẹ làm ra. Không một bài giảng hùng hồn. Không một chuyến đi truyền giáo rầm rộ. Cuộc đời Mẹ, xét về bề ngoài, là một cuộc đời vô danh và ẩn khuất.

Tôi vẫn thường nghĩ: Mẹ Ma-ri-a sống như bao người phụ nữ Do Thái thời ấy. Làm bếp, xách nước, ru con ngủ… Không có gì phi thường. Nhưng chính trong những điều tầm thường ấy, Mẹ làm mọi sự cách phi thường – vì Mẹ làm tất cả trong tình yêu và cho tình yêu. Mẹ không cần nổi bật, vì Mẹ biết: chính Chúa mới là trung tâm. Mẹ không cần lên tiếng, vì sự hiện diện hiền lành của Mẹ đã đủ nói thay tất cả.

Tôi ngưỡng mộ cách Mẹ hiện diện bên Chúa Giê-su – luôn ở đó, nhưng không làm lu mờ Ngài. Mẹ hiện diện như một người nâng đỡ thầm lặng, một người biết lùi lại đúng lúc, và biết đứng vững khi tất cả sụp đổ. Đứng dưới chân Thập Giá, Mẹ chẳng nói gì – nhưng sự thinh lặng ấy có sức vang dội hơn vạn lời.

Mẹ sống trong sự đơn sơ. Mẹ chọn tin hơn là hiểu. Mẹ chọn ở lại hơn là rút lui. Mẹ chọn phục vụ hơn là được phục vụ. Và chính trong những chọn lựa ấy, Mẹ đã nên cao trọng nhất trong tất cả loài người.

Mẹ không cần làm phép lạ. Chính đời sống của Mẹ đã là một phép lạ: phép lạ của đức tin kiên vững, của tình yêu âm thầm, của sự khiêm hạ tuyệt đối, và của lòng tín trung không điều kiện.

Tôi không nhớ rõ lần đầu tiên mình cầu nguyện với Mẹ là khi nào. Có lẽ là trong một buổi tối yên tĩnh, khi nhà nguyện vắng người, tôi ngồi lại thật lâu dưới chân tượng Mẹ. Không nói gì nhiều. Chỉ ngước nhìn. Rồi tự nhiên thấy nhẹ lòng. Như thể Mẹ đang nghe. Như thể Mẹ đã hiểu. Từ đó, tôi không còn ngại đến với Mẹ. Không cần phải có điều gì quá đặc biệt để thưa chuyện với Mẹ. Đôi khi chỉ là một tiếng thở dài, một câu Kính Mừng, một phút ngước nhìn…

Trong đời tu, có nhiều lúc người ta kỳ vọng mình là người mạnh mẽ – mạnh trong đức tin, vững trong ơn gọi. Nhưng tôi nhận ra: có những lúc mình mỏng giòn đến lạ. Một lời trách nhẹ cũng đủ khiến tôi chùng lòng. Một cơn khô khan cũng đủ khiến tôi loay hoay nghi ngờ. Một chút cô đơn cũng đủ khiến tôi muốn quay lại một đời “bình thường” nào đó. Thế nhưng, lạ thay, chính những lúc đó, tôi lại thấy Mẹ gần gũi nhất. Không phải như một nhân vật cao xa, mà như một người Mẹ hiền đang ngồi cạnh, không giảng giải, không phân bua, chỉ lặng lẽ đồng hành.

Mẹ không dạy tôi bằng những lý thuyết. Mẹ dạy tôi bằng chính đời sống của Mẹ. Tôi nhìn vào Mẹ và học cách sống “xin vâng” mỗi ngày – dù có hiểu hay không. Tôi học cách âm thầm sống giữa đời, làm những việc nhỏ với một tình yêu lớn. Tôi học cách giữ lại mọi sự trong lòng – không phải để che giấu – nhưng để sống trọn vẹn trong sự hiện diện của Thiên Chúa.

Và nhất là, tôi học từ Mẹ một tình yêu không điều kiện. Tình yêu của người mẹ dưới chân Thập Giá – không cần nhận lại gì, không cần được hiểu, chỉ cần hiện diện.

Giữa đời tu, đôi khi tôi cũng chẳng hiểu nổi chính mình. Nhưng tôi vẫn tin: khi ở lại trong bóng Mẹ, tôi sẽ không lạc hướng. Vì Mẹ không chỉ dẫn tôi đến với Chúa, mà Mẹ còn giúp tôi ở lại trong Người – cách lặng lẽ, kiên trì, và trọn vẹn.

Bạn thân mến, nếu bạn đang nghe thấy một lời mời âm thầm trong tim, một ước ao sống cho điều gì đó lớn hơn chính mình, thì xin đừng vội gạt đi. Ơn gọi đời thánh hiến không dành cho người hoàn hảo, mà dành cho những ai can đảm để yêu – yêu bằng một con tim trọn vẹn, dám mất để được, dám buông để thuộc trọn về Thiên Chúa. Đời tu không phải là con đường dễ dàng, nhưng là con đường đẹp – vì bạn không đi một mình. Mẹ Ma-ri-a đã đi trước, và Mẹ vẫn luôn đồng hành với bạn trong từng bước chập chững của hành trình dâng hiến. Nếu bạn dám thưa “xin vâng”, bạn sẽ thấy: chẳng có gì mất, mà là được tất cả – được chính Chúa.

M.Mad

ĐỌC THÊM

Mối tình của tôi và Mẹ Maria: Khởi điểm hành trình ơn gọi

Tháng 5, viết cho em về Đức Maria – Mẹ chúng ta

Đức Maria và Hội thánh: Mẹ Chồng và Nàng Dâu

Hãy biết chạy đến với Đức Maria trong những khi khó khăn và thử thách

Email thứ hai gửi Đức Maria

Email gửi Đức Maria

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org