Được thánh hiến – Chúa nhật VII Phục sinh – Năm B

Nói đến “thánh hiến” chúng ta thường nghĩ ngay đến những người sống ơn gọi tu trì, tức là linh mục và tu sĩ. Thực ra, ơn gọi thánh hiến là ơn gọi chung cho mọi tín hữu. “Thánh hiến” là được dâng cho Chúa và thuộc về Ngài, để trở nên giống như Chúa là Đấng Thánh. Bí tích Thanh Tẩy làm cho chúng ta được thánh hiến để trở nên giống như Đức Giê-su, trở nên nghĩa tử của Chúa Cha. Khi nói những người sống bậc tu trì là “đời sống thánh hiến”, chúng ta nhấn mạnh tới việc các vị ấy tình nguyện dâng hiến cuộc đời cho Chúa trong Bí tích Truyền chức hay trong nghi thức khấn dòng. Nhờ Bí tích Truyền chức và nghi thức khấn dòng, những người sống bậc tu trì ước nguyện nên thánh một cách triệt để đối với bản thân, và nỗ lực cộng tác để giúp người khác cũng được nên thánh.

Nên thánh là ơn gọi chung của các Ki-tô hữu. Chúa Giê-su đã mời gọi: “Anh em hãy nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành”. Tin Mừng hôm nay ghi lại một phần lời cầu nguyện của Đức Giê-su. Lời nguyện này thường được gọi là “lời nguyện tư tế”, vì Đức Giê-su cầu nguyện cho các môn đệ, là những người sẽ phải đối diện với nhiều thử thách gian nan trong sứ mạng làm chứng cho Chúa. Trong lời cầu nguyện này, Chúa Giê-su nói với Chúa Cha: “Con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ (tức là các môn đệ) cũng được thánh hiến. Như thế sự thánh hiến nơi Chúa Giê-su và nơi người Ki-tô hữu vừa giống nhau vừa khác biệt. Khác ở chỗ Chúa Giê-su tự thánh hiến chính mình, còn chúng ta không thể tự thánh hiến mà phải nhờ ơn của Chúa. Điểm giống nhau ở chỗ, khi đã được thánh hiến, chúng ta nên giống như Chúa Giê-su và giống như Chúa Cha. Quả vậy, như nói ở trên, nên thánh là nên giống Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su đã về trời và ngự bên hữu Đức Chúa Cha. Cách nói này diễn tả Chúa Giê-su có quyền năng và được tôn vinh như Chúa Cha. Cộng đoàn Ki-tô hữu từ nay không còn được gặp Chúa Giê-su hữu hình như trước nữa. Tuy vậy, dù xem ra như vắng mặt, Chúa Giê-su vẫn hiện diện giữa cộng đoàn tín hữu, ở mọi nơi mọi thời, như Chúa đã hứa với các môn đệ trước khi về trời: “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Ý thức trách nhiệm Chúa Giê-su trao phó trước khi Người về trời, các tông đồ đã tìm cách củng cố cộng đoàn, vượt lên kinh nghiệm thương đau do sự phản bội của Giu-đa. Các ông không vì Giu-đa mà mất đức tin hay nản lòng trong hành trình theo Chúa Giê-su. Giu-đa đã tự chọn lựa con đường cho mình. Ông đã mất niềm hy vọng vào lòng thương xót của Chúa và ông đã tự tìm đến cái chết một cách thương tâm. Để bổ sung người thay thế Giu-đa cho đủ số 12 tông đồ tượng trưng cho 12 chi tộc Ít-ra-en, các tông đồ đã chọn ông Mát-thi-a, và ông này được kể như tông đồ.

Theo Chúa là ơn gọi trải dài suốt cuộc sống. Bí tích Thanh Tẩy, dù có ơn phù trợ của Chúa, không phải là một chiếc đũa thần biến đổi chúng ta lập tức ra một người khác. Để theo Chúa trọn vẹn, người tín hữu cần cố gắng kiên trì và hy sinh. Chúa Giê-su đã khích lệ động viên chúng ta: “Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Trong Giáo Hội, thời nào cũng có những xì-căng-đan. Thời nào cũng có những bê bối nội bộ. Tuy vậy Giáo Hội là công trình của Chúa, nên những yếu đuối của con người không thể phá huỷ được Giáo Hội. Đương nhiên những bê bối đó làm lu mờ và biến dạng hình ảnh Giáo Hội thánh thiện của Chúa Giê-su, nhưng không thể huỷ diệt Giáo Hội. Người Ki-tô hữu trưởng thành phải tập để hiểu những gương xấu trong Giáo Hội và nhìn chúng với lăng kính đức tin. Nói như thế không phải để dung dưỡng bao che những người làm điều xấu. Những ai chủ động hay vô ý gây ra những bê bối, thì phải chịu trách nhiệm trước Chúa và trước Giáo Hội.

Các Bài đọc II trong Mùa Phục sinh thường trích từ các thư của Thánh Gio-an Tông đồ. Vị Tông đồ được Chúa Giê-su yêu mến, khi về già, đã cảm nghiệm được cốt lõi của đời sống Ki-tô hữu, đó là tình yêu. Vì vậy, ông nhắc đi nhắc lại hai từ này, như một điệp khúc trong bản trường ca cuộc đời. Khi thực hành đức yêu thương, người tín hữu được ở lại trong Chúa, được hòa quyện và nên một với Người. Nền tảng của lời mời gọi yêu thương này, là Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước. Khi yêu thương, người ta được gặp gỡ Chúa. Họ thực sự tìm thấy niềm vui và hạnh phúc, ngay khi còn sống ở đời này. Thánh Gio-an là người đã định nghĩa Thiên Chúa một cách mới mẻ và táo bạo: Thiên Chúa là Tình yêu (1 Ga 4,8). Chắc chắn cuộc đời của vị Tông đồ đã thấm nhuần tình yêu của Đức Giê-su, và ông cũng cảm nhận được những hoa trái thiêng liêng mà người tín hữu đón nhận khi thực thi đức yêu thương đối với anh chị em mình.

Chúng ta, Ki-tô hữu, đều là những người được thánh hiến. Mục đích đời sống của chúng ta là ngày càng trở nên giống Chúa Giê-su. Chúng ta đọc trong kinh Vinh Danh: “Vì lạy Chúa Giê-su Ki-tô, chỉ có Chúa là Đấng Thánh, chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Đấng Tối cao”. Nên giống như Chúa, đó là điều kiện để chúng ta cảm nhận bình an và hạnh phúc thật sự trong tâm hồn và trong cuộc đời, và từ đó chúng ta có thể làm chứng cho tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org