Được chọn, gọi và sai đi – Chúa nhật III Thường niên – Năm B

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng ta sáng kiến nhưng không của Thiên Chúa khi chọn, gọi một người và sai đi thi hành ý Chúa. Chính Thiên Chúa đã có sáng kiến và chọn, gọi Giô-na đi làm sứ ngôn cho Ngài ở thành Ni-ni-vê để kêu gọi dân thành Ni-ni-vê ăn năn sám hối. Đến lượt Chúa Giê-su, chính Người cất tiếng gọi mời anh em Si-mon và An-rê, với anh em Gia-cô-bê và Gio-an đi loan báo cho muôn dân Tin mừng trọng đại về Nước Trời. Trong thư gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô chỉ cho chúng ta biết, Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta.

Chúa chọn, gọi Giô-na và sai đi

Giô-na là người Dothái được Chúa kêu gọi đi giảng đạo cho Ni-ni-vê, ông không chịu, vì ông ghét thành này. Ni-ni-vê là thủ đô của đế quốc đã xâm chiếm và tàn phá quê hương ông. Giảng đạo cho bọn ấy để họ cũng được ơn của Chúa ư? Không đời nào. Ðàng khác sức mấy mà họ nghe rồi trở lại! Hơn nữa người được sai đi đây lại là Giô-na, quê mùa của một quốc gia nhỏ.

Giô-na không tin ở sứ mệnh Chúa giao phó cho mình. Và ông cũng chẳng muốn thi hành sứ mệnh ấy, kẻo kẻ thù của ông cũng được phúc. Thế nên thay vì đi sang tây, hướng về Ni-ni-vê, Giô-na đã lấy tàu đi Tác-sít ở phía đông. Ông chọc tức Chúa, nên Chúa đã nổi lôi đình. Sóng gió nổi dậy. Mọi người trong tàu bắt Giô-na ném xuống biển. Một con cá lớn lao tới nuốt trửng Giô-na. Ở trong bụng cá ba ngày, Giô-na biết tội nên thống hối ăn năn. Ông hứa sẽ vâng lời Chúa. Con cá liền nhả ông ra bờ. Và ông đã đến Ni-ni-vê.

Chúa Giê-su chọn, gọi các Tông đồ

Tin Mừng thánh Mác-cô đã bắt đầu bằng chữ: “Sau khi Gio-an bị bắt” (Mc 1,14). Ông là vị tiền hô của Chúa. Cuộc tử nạn của ông báo trước việc Chúa chịu chết. Vì thế, với những chữ trên gợi lên sự kiện “sau khi thụ nạn“, Chúa Giê-su đã lui về Ga-li-lê-a. Người bắt đầu gọi lại các tông đồ. Và như vậy câu truyện Mác-cô kể bây giờ được bọc trong mầu nhiệm Phục sinh.

Gio-an Tẩy giả rao giảng, Chúa Giê-su cũng rao giảng. Sứ điệp của Chúa Giê-su là nội dung các Tông đồ phải đi rao truyền lại. Người giảng ở đất Ga-li-lê-a (dân ngoại) để Hội Thánh bắt chước Người đi làm việc ở các dân tộc.

Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm” (Mc 1, 15). Là sứ điệp rất quan trọng và mầu nhiệm. “Thời giờ” ở đây không phải là thời gian năm tháng tính theo các loại đồng hồ, nhưng là lịch sử, là kỷ nguyên. Với việc Ðức Ki-tô chịu chết và sống lại, lịch sử đã đi vào giai đoạn sung mãn. Thánh Kinh gọi là thời buổi cuối cùng. Từ nay đến tận thế không có gì mới nữa. Chỉ còn việc ơn cứu độ của Ðức Ki-tô lan rộng ra khắp không gian và thời gian.

Vì thế, “Nước Thiên Chúa đã gần đến” (Mc 1,15). Mọi người phải sám hối “và tin vào Tin Mừng”. Tin Mừng ở đây là chính Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người. Rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa là công bố kế hoạch cứu thế của Chúa trong Ðức Giê-su Ki-tô.

Vậy đã có Ðức Giê-su Ki-tô là sứ giả của Thiên Chúa để rao giảng Tin Mừng; Người đã đến đất Ga-li-lê-a dân ngoại để làm chứng Tin Mừng phải được mang đến cho các dân tộc. Hơn nữa Người đã rao giảng Tin Mừng khi thực hiện việc chịu chết và sống lại để cứu thế; thì không những từ nay người ta phải hối cải và tin vào Tin Mừng, và hơn nữa phải đi rao giảng Tin Mừng ấy.

Vì thế, Chúa Giê-su đã gọi anh em Si-mon và An-rê, cũng như Gia-cô-bê và Gio-an. Họ đang làm nghề bắt cá. Người bảo họ hãy theo Người đi bắt các linh hồn. Lập tức họ bỏ lưới chài và tất cả để đi theo Chúa. Người tiếp tục chọn gọi chúng ta.

Đến lượt chúng ta

Không ai có thể thấy mình ở ngoài sứ điệp trên đây. Tất cả chúng ta đều phải hối cải và tin vào Phúc Âm.

Khi thánh Phao-lô nói: “Thời giờ vắn vỏi” nghĩa là lịch sử đã đến hồi kết. Thiên Chúa đã hoàn tất kế hoạch cứu độ cứu thế của Người, không còn gì để chờ đợi nữa. Từ nay, người ta phải tin vào Đức Giê-su Con Một Thiên Chúa giáng sinh làm người, chịu chết và sống lại; Người vẫn ở cùng chúng ta mọi nơi mọi lúc. Người đang rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho chúng ta, là chính Con Người. Chúng ta phải bỏ con đường xưa nay vẫn đi, quay mặt lại với Người là hối cải và tin vào Người.

Phải thay đổi đời sống: “Ai có vợ, hãy ở như không có; những ai than khóc, hãy ăn ở như không than khóc; những kẻ hân hoan, hãy ăn ở như không hân hoan; những người mua sắm, hãy ăn ở như không có gì…” (1 Cr 7,29-31) nghĩa là những kẻ ấy sẽ không cư xử như khi chưa biết Chúa Giê-su nữa. Họ sống nhưng không phải họ, mà là Ðức Ki-tô sống trong họ. Họ ở giữa thế gian nhưng không còn thuộc về thế gian, bởi vì “bộ mặt thế gian này đang qua đi”. Thế gian không giữ được họ nữa. Họ đã được Ðức Giê-su Ki-tô giải phóng. Từ nay họ là con cái tự do của Thiên Chúa. Họ được lại quyền làm chủ vạn vật như A-dong trước khi sa ngã. Họ có tự do của tinh thần để không bị sức mạnh của sự dữ khống chế.

Ðó là nếp sống mà thánh Phao-lô khuyên chúng ta phải đi vào cho phù hợp với ơn gọi của những con người đã tin vào Phúc Âm.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi gương Giô-na, cùng những người được Thiên Chúa chọn, gọi và sai đi truyền đạt thánh ý Chúa xuống cho muôn dân, để họ bước đi và sống theo đường lối Chúa dạy mà được sống. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Facebook

Twitter

Email

Print

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org