Đức cha Charles-Hubert Jeantet sinh ngày 04 tháng 11 năm 1792 tại Saint-Claude, tỉnh Jura, miền núi giáp biên giới Thụy Sĩ. Ngài gia nhập Hội Thừa sai Paris và chịu chức phó tế vào tháng 10 năm 1818, rồi chịu chức linh mục vào tháng 12 cũng năm đó. Sau lễ truyền chức, ngài được bề trên chủng viện Hội Thừa sai gửi đi truyền giáo tại Địa phận Tây Đàng Ngoài.
Khi đến được xứ truyền giáo, ngài nhận tên Việt là Khiêm và được Đức cha sai đi phục vụ ở phía Nam Địa phận, cộng tác với cố Masson Nghiêm từ cuối năm 1826, đầu năm 1827. Vài tuần sau đó, cả hai thừa sai suýt bị bắt ở Thổ Kỵ, tuy vậy cố Khiêm vẫn hăng say bắt tay vào việc, tổ chức các khóa tĩnh tâm cho hầu hết các linh mục Việt Nam ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh và Bố Chính (Quảng Bình), và một lần cho hơn 4000 giáo dân từ các cộng đoàn quy tụ về. Năm 1829 ngài truyền giáo ở Bố Chính rồi đi các tỉnh khác của Địa phận.
Trước khi có cuộc đàn áp chính thức vào tháng 1 năm 1833, cố Khiêm đã bị quan quân lùng bắt nên ngài phải ẩn trốn. Từ năm 1836, tình hình càng lúc càng khó khăn nguy hiểm hơn, ngài và cố Gauthier Hậu phải lánh vào trong vùng núi rừng, có khi ở Kẻ Non, có khi ở Bút Sơn, có lúc lại về vùng Nam Định hay Hà Nội. Năm 1840, ngài được bổ nhiệm làm cha chính địa phận và bề trên chủng viện Kẻ Non coi sóc chừng 50-60 chủng sinh. Đức cha Retord gọi ngài là “người thợ gọt đá” ý nói những linh mục do ngài dạy dỗ giống như những viên đá được gọt giũa cẩn thận phù hợp để xây dựng nên đền thánh. Trong số hàng trăm linh mục do ngài đào tạo, có khoảng 40 vị đã chịu tử đạo.
Theo một đoản sắc của Tòa Thánh vào ngày 27 tháng 3 năm 1846 về chọn giám mục, năm 1847 ngài đã được bổ nhiệm làm giám mục hiệu tòa Pentacomie và làm giám mục phó cho Đức cha Retord Liêu. Mặc dù trong thời kỳ cấm đạo với những nguy hiểm rình rập các cố thừa sai và giáo dân, lễ tấn phong giám mục cho ngài vẫn được tổ chức long trọng tại Kẻ Non vào ngày 31 tháng 01 năm 1847. Làm giám mục phó nhưng Đức cha vẫn tiếp tục điều hành chủng viện. Nhiều lần suýt bị bắt nhưng ngài vẫn trốn thoát được. Khi đó Đức cha Retord Liêu đã tổ chức, ngài gọi cho oai là một “học viện”, nơi quy tụ những lớp học có quy chế, có thi cử và trao những giải thưởng văn học Việt Nam cho học viên, và Đức cha Jeantet Khiêm được đặt làm chủ tịch hội đồng xét duyệt.
Bắt đầu từ năm 1856, một cuộc cấm đạo quy mô khốc liệt đã làm cho chủng viện bị tàn phá và đến ngày 15 tháng 6 năm 1858 thì chủng viện bị giải tán, nhiều chủng sinh bị bắt, còn Đức cha Khiêm phải trốn trong một cái hầm dưới lòng đất rất khó khăn để thở. Ngày 13 tháng 7 năm đó, ở Lan Mát, một lần nữa ngài suýt bị quân lính bắt khi họ về đây truy lùng ngài.
Ngày 22 tháng 10 năm 1858, Đức cha Retord Liêu qua đời, Đức cha Khiêm chính thức trở thành Đại Diện Tông Tòa, chủ chăn của Địa phận. Gánh nặng quá sức của ngài cũng như nguy hiểm không biết sống chết ra sao, nên gần như ngay lập tức ngài chọn một vị thừa sai làm giám mục phó, là Đức cha Theurel Chiêu, và tấn phong tại Kẻ Trừ (Từ Châu) vào ngày 06 tháng 3 năm 1859. Ngày 02 tháng 6 cùng năm đó, ngài viết thư xin Tòa Thánh chia Địa phận làm ba với hai Địa phận mới: phía Tây Bắc là Địa phận Đoài, lấy Hưng Hóa làm trung tâm; phía Đông Nam là Địa phận Duyên Hải lấy Phát Diệm làm trung tâm. Yêu cầu của ngài mãi đến năm 1901 mới được thực hiện hoàn toàn.
Những năm cuối đời Đức cha được an bình một chút nhờ Hiệp ước Nhâm Tuất 1862 ký kết giữa quân đội Pháp và Triều đình, trong đó có quy định cho người Công giáo được tự do giữ đạo và các nhà thừa sai ngoại quốc được đi lại truyền giáo. Đức cha Jeantet Khiêm qua đời ngày 24 tháng 7 năm 1866 tại Hoàng Nguyên, thọ 74 tuổi, ngài được an táng tại Kẻ Non. Đức cha là một vị chủ chăn đạo đức, tính khí cương quyết nhưng hành động luôn ôn hòa, điềm tĩnh. Ngài chèo lái con thuyền Địa phận trong một giai đoạn thật khó khăn của thời kỳ cấm Đạo.
(Dựa theo Hồ sơ các thừa sai của MEP số 331)
Lm. Tô-ma Aquino Nguyễn Xuân Thủy
Trích Nội san Nhà Chung, Số 10 (tháng 11/2023)
Post Views: 1
TIN LIÊN QUAN: