Dụ ngôn mười trinh nữ – Chúa nhật XXXII thường niên – Năm A

 

DỤ NGÔN MƯỜI TRINH NỮ

CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN – NĂM A

(Mt 25, 1- 13)

 CÂU HỎI GỢI Ý

1. Trình thuật này phải chăng chỉ là một dụ ngôn thuần túy? Hay là một dụ ngôn với nhiều nét ẩn dụ (các nét nào và chúng chỉ cái gì)? hay là một ẩn dụ (nếu thế thì dầu, đèn, con số mười trinh nữ chỉ cái gì)?

2. Các hình dung từ khờ – khôn có xuất hiện nơi nào trong Tin Mừng Mt nữa không?  

3. Lời răn bảo hãy tỉnh thức (c.13) có mâu thuẫn với sự kiện mười trinh nữ đều ngủ thiếp đi, ngay cả năm cô khôn ngoan không?

1. Thay vì nói mười trinh nữ, có lẽ nên nói là mười cô thiếu nữ, bạn gái của cô dâu, “các cô phù dâu”. Chữ Hy lạp được dùng quả thực có nghĩa là trinh nữ, nhưng ở đây nó chỉ nhằm diễn tả một thiếu nữ chưa chồng, chứ chẳng phải là một nữ tu đã tận hiến, như ta có thể hiểu. Dụ ngôn cảm hứng từ các hôn lễ tại Palestine thời Chúa Giêsu. Các dữ kiện lịch sử ta có về đề tài này rất muộn màng và khác biệt nhau. Mt không cho ta biết nhiều về phong tục đó và chỉ nêu lên những gì ông cần để xây dựng dụ ngôn của ông: một đám rước hôn lễ Đám rước đi đón chàng rể đang đến tìm cô dâu tại nhà cha mẹ cô ta, hay đang dẫn nàng về nhà riêng mình: ở đây không xác định công việc xảy ra lúc nào trong nghi lễ. Thật lạ lùng khi người ta chẳng hề nhắc đến cô dâu (ít là trong các thủ bản đáng tin cậy nhất); có thể cắt nghĩa là vì, trong đám rước, chỉ chàng rể mới đóng vai trò quan trọng xét theo ý nghĩa giáo thuyết của trình thuật. Một vài nhà chú giải đã nêu lên tính cách giả tạo và không có vẻ thực của nhiều nét trong dụ ngôn: đám rước khởi hành quá khuya, việc tiếp đón chàng rể với đèn đuốc, việc chàng rể nửa đêm mới đến và việc chờ đợi lâu giờ làm các thiếu nữ thiếp đi. Thực ra, như nhiều tác giả khác nhận xét (vd Jeremias), hình như các chi tiết đó phù hợp với các tập tục được xác nhận trong văn chương giáo sĩ và dân ca Palestine. Đặc biệt, việc chàng rể đến chậm có thể hiểu được như là do cuộc mặc cả vào phút chót về các điều kiện trong khế ước hôn nhân và về các sính lễ phải dâng cho nhà gái.

Dù các nét đó có vay mượn từ một đám cưới thực sự hay không, thì hình như chắc là, theo sự soạn thảo của Mt, chàng rể tượng trưng cho Chúa Kitô, y như  ông chủ trong dụ ngôn nén vàng và vị vua trong cuộc phán xét cùng tận. Quả thế, trong văn bản dụ ngôn tiệc cưới của ông, Mt so sánh Nước Trời với vị vua làm tiệc cưới cho hoàng tử (22, 2), một ám chỉ rõ ràng đến Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, trong lúc nơi Lc (14, 16- 24),  chỉ là vấn đề người kia dọn một tiệc cưới lớn đãi khách. Mười thiếu nữ tượng trưng cho cộng đoàn Kitô hữu chờ ngày Chủ quang lâm (hình ảnh biểu trưng này phải hiểu như vậy, chiếu theo văn mạch chung của tất cả phần, ch. 24-25). Trái lại, không thể gán một nghĩa biểu trưng đặc biệt nào cho dầu, đèn (vì trong trình thuật, các chi tiết đó hoàn toàn có vẻ thực và tự nhiên; hơn nữa, chúng chẳng gợi lên một âm hưởng Cựu ước nào đặc biệt). Đèn được nói ở đây là những đèn bằng đất nung hay những cây đuốc bằng gỗ rỗng có tim nhúng trong dầu. Thành thử đó chỉ là những dụng cụ cần thiết để chiếu sáng đám rước chàng rể cho đàng hoàng long trọng.

2. Dịch đúng hai hình dung từ diễn tả thái độ của hai nhóm thiếu nữ: môros và phronimos không phải là chuyện dễ. Tuy nhiên người ta vẫn biết đức tính hay khuyết điểm của họ hệ tại chỗ nào: các cô này thì nghĩ đến việc đem dầu dự trữ, các cô nọ thì không. Lối dịch khá phổ biến: trinh nữ khôn ngoan và trinh nữ điên dại xem ra quá mập mờ. Chữ “điên” lại không đúng hơn vì có một âm hưởng bệnh lý; tốt hơn nên nói là năm cô trong bọn thì khờ khạo, chẳng biết phòng xa. Nơi Mt, cùng một tĩnh từ moros ấy chỉ con người xây nhà mình trên cát, nghĩa là chỉ kẻ nghe lời Chúa Giêsu mà không đem ra thực hành. Sự chểnh mảng và bất tiên liệu của y đã làm nhà y phải sụp đổ (7, 26-27). Rồi, trong lời châm biếm Biệt phái, Chúa Giêsu cũng đã gọi họ là khờ dại (môroi) và mù quáng (23, 17) vì do thói phân tích tỉ mỉ, họ đã đi đến chỗ đảo lộn bậc thang giá trị đích thực. Thành thử hình dung từ xấu nghĩa được dùng khi nói về năm thiếu nữ đầu tiên bao hàm một sự suy biến hay thiếu phán đoán nặng nề, một thứ vô ý thức đương nhiên ảnh hưởng đến thái độ sống và gây nên nhiều hậu quả tai hại.

Nhưng năm cô kia thì khôn ngoan. Mt cũng dùng lại các tĩnh từ đã sử dụng để nói về người xây nhà trên đá, kẻ biết nghe và đem lời Đức Giêsu ra thực hành (7, 24). Chữ này cũng gặp thấy trong lời Chúa Giêsu khuyên nhủ môn đồ: “Hãy ở khôn (phronimoi) như con rắn và chân thực như chim câu” (10, 16) và ở chỗ nói về người tôi tớ trung trực cùng khôn ngoan (phronimos) chủ đã đặt trên gia nhân ông để phân phát lương thực cho phải thời (24, 45). Thành thử ta không được coi đây như là một sự khôn khéo tránh thoát chuyện khó khăn hay lợi dụng thời cơ tốt, nhưng là một sự khôn ngoan đích thực trong cuộc sống, một óc phê phán đúng đắn và tế nhị về thực tại kèm theo một ý chí cương quyết hành động. Trong dụ ngôn người gieo giống, Chúa Giêsu cũng minh định cùng một sự kiện và cùng một yêu sách khi Người nói: “Thuộc hạng gieo vào đất tốt là kẻ nghe Lời và hiểu, kẻ ấy sinh hoa kết quả và làm ra có hạt thì một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi” (13, 23).  Việc thấu hiểu mà Chúa Giêsu nói còn đi xa hơn sự tán đồng của lý trí, nó giả thiết một sự thấm nhập hoàn toàn Lời Chúa và tạo nên trong ta một kết quả hữu hiệu.

Hãy lưu ý: Lúc khởi hành, hai hạng thiếu nữ đều thuộc về đám rước đi đón hôn phu, cái đám rước tượng trưng cho toàn thể cộng đoàn Kitô hữu; thế mà năm cô trong họ, nghĩa là phân nửa, là những kẻ dại khờ, điều này làm nên cho các Kitô hữu một lời cảnh giác nghiêm trọng: không phải hễ được gọi gia nhập cộng đoàn là đương nhiên có các đức tính cần thiết.

3. Cho dù việc chàng rể đến chậm có thể giải thích dựa vào dân ca Palestine, vẫn rõ ràng là ở đây sự kiện đó muốn nói tới việc Chúa Kitô hoãn lại ngày quang lâm mà các Kitô hữu đầu tiên tưởng là sắp đến. Chờ đợi lâu dài, phải chăng sẽ kéo theo một sự buông lơi lòng nhiệt thành và tỉnh thức? Đúng! Và mối nguy là có người sẽ lợi dụng sự trì hoãn như vậy: đó là thái độ bị tố cáo nơi tên đầy tớ gian ác nghĩ thầm trong lòng: “Chủ ta về trễ”, và tra tay đánh đập bạn bè cùng ăn uống với lũ say sưa.

Theo Mt, thời gian này sẽ kéo dài lâu lắm. Thật là ý nghĩa khi trong dụ ngôn nén vàng của ông, người chủ đã ủy thác của cải cho các đầy tớ mình cũng chỉ trở về sau một thời gian đằng đẵng (25, 19 ; điểm này không có trong dụ ngôn song song về các yến bạc của Lc 19, 15). Các môn đồ chân chính phải biết lợi dụng sự trì hoãn của ngày Quang lâm để sinh lời các nén vàng đã nhận được và nhờ đấy minh chứng lòng trung thành của mình đối với Chúa Kitô. Nhưng vì hình như chủ sẽ trở về trễ nên phải luôn ở trong tư thế sẵn sàng đón tiếp ông bằng cách ra sức hoạt động cho Nước Trời hơn là cứ ngồi canh gác chẳng hạn như ông chủ nhà trong Mt 24, 43-44 ; Lc 12, 39-40. Sự tỉnh thức không còn giới hạn ở việc đợi chờ cách thụ động hoặc chỉ có tính cách “phòng vệ” nữa, mà đòi buộc một sự vâng lời cụ thể thánh ý Chúa Kitô.

Theo nhãn giới đó, thì giấc ngủ của mười thiếu nữ chẳng có gì đáng trách. Cả năm cô khôn ngoan cũng ngủ, và ngủ một cách ngon lành vì đã tiên liệu và dự trữ đầy đủ dầu đèn. Cũng vậy, người khôn xây nhà trên đá có thể bình thản đứng nhìn mưa đổ, gió ùa vào nhà mình, vì đã làm mọi thứ cần thiết để ngôi nhà được vững chắc (7, 24- 25).

4. Việc chàng rể đến giữa khuya rõ ràng phản ảnh niềm tin vào việc Chúa Kitô sẽ trở lại vào lúc không ai ngờ (Mt 24, 44; Lc 12, 40). Niềm tin này, ta gặp nhiều lần trong Tân ước (Mt 24, 50; Lc 12, 46 ; Mc 13, 33- 37 ; Lc 12, 20 ; 1Tx 5, 2). Dù đã được chờ đợi, Chúa Kitô vẫn luôn đến cách bất chợt, thình lình trong dụ ngôn ta đang nghiên cứu, giờ chàng rể đến tuyệt đối không thể biết trước được; sự chậm trễ quá độ của ông đã khiến mọi phỏng đoán ra vô ích, và giấc ngủ xâm chiếm cả đoàn kiệu đã làm cho đoạn kết càng thêm tàn nhẫn và không thể nào tránh. Tiếng kêu thình lình xé toang màn đêm khiến cảnh trở nên bi thảm. Vì thường thường, lúc chàng rể đến là có tiếng đàn hát xướng ca của đám rước báo hiệu. Người ta nghe ông đến từ xa và ông dần dần tiến lại, chẳng có một chút bất ngờ nào. Ở đây, tiếng kêu đánh thức đột ngột các cô đang ngủ mê mệt, nên không phải là lời báo tin mà là một dấu hiệu cho thấy đã trễ rồi, chẳng còn làm gì được nữa (24,45). Không còn có phép nghi ngờ, không còn một giây phút nào được mất: chàng rể đã đứng đó, các cô phải lập tức sửa soạn đèn đuốc sẵn sàng (c.7). Chỉ một phút là đủ cho các cô khôn ngoan. Sự bất ngờ không làm họ khó chịu: dù ngủ, họ cũng đã sẵn sàng đón chủ đến; được trữ đầy dầu, đèn họ vẫn sáng luôn luôn (xem thêm Lc 12, 35-38). Óc tiên liệu của họ giờ đây mang lại kết quả.

5. Các cô khờ trái lại thật vô cùng lúng túng: đèn họ tắt rụi (c.8). Họ phải trả giá thói chểnh mảng của mình, thế nhưng họ vẫn còn tìm lối thoát bằng cách lợi dụng tính tiên liệu của những kẻ khác: “Xin cho chúng em chút dầu của các chị”. Các cô khôn trả lời: “E không đủ cho cả chúng em và các chị đâu; chi bằng các chị hãy ra hàng buôn mà mua lấy” (c. 9).

Không được xem các cô này thiếu lòng tốt đối với bè bạn. Câu trả lời của họ có nghĩa là, vào phút chót, chẳng còn phương thế nào để bù trừ cho những thiếu sót của mình bằng cách chạy đến những kẻ khác và cố gắng lợi dụng cái họ có. Rõ ràng là quá trễ. Vào giờ Phán xét, con người sẽ không còn có thể giúp nhau dù những việc lặt vặt. Các toan tính hay các biện pháp tạm thời nghĩ ra bấy giờ để che đậy sự thất bại của mình hóa nên vô ích, các lời bào chữa bịa ra không thay đổi gì hoàn cảnh, những quyết định tốt đẹp nhất cũng hoàn toàn và mãi mãi vô giá trị. Và đây các cô ngu ngốc phải chạy đi mua dầu. Dĩ nhiên, chàng rể đến vào thính lúc đó. “Những kẻ sẵn sàng thì theo vị lang quân vào tiệc, và cửa đóng lại” (c.10).

6. Nơi đoạn kết, trình thuật hoàn toàn rời xa một cảnh đám cưới ở Palestine. Trong bầu khí lễ lạc vui vẻ ấy, có lẽ người ta sẽ không để ý đèn của một vài cô tùy tùng bị tắt rụi và cũng chẳng khiển trách họ gì. Cửa cũng không đóng đẻ những kẻ đến trễ bất cứ lúc nào cũng có thể vào được. Và vì bận tiệc tùng vui vẻ, chàng rể cũng sẽ chẳng phật ý về những chuyện tầm phào như vậy đâu. Nhưng trong, ở dụ ngôn chúng ta mà câu kết luận rõ ràng gợi lên cuộc phán xét sau cùng, sự việc không phải thế.

Lời nài nỉ của các cô: “Lạy Ngài, lạy Ngài, xin mở cho chúng tôi với”, phải được liên kết với một đoạn của Diễn từ trên núi trong đó Chúa Giêsu bảo: không phải mọi kẻ nói với Ta: Lạy Chúa, Lạy Chúa, là sẽ vào được Nước Trời. Trong ngày ấy, nhiều kẻ sẽ nói với Ta: Lạy Chúa, lạy Chúa, há chúng tôi đã không nhân danh Ngài mà nói tiên tri, nhân danh Ngài mà làm nhiều phép lạ đó sao? Và bấy giờ Ta sẽ tuyên bố với chúng rằng: Ta không hề biết các ngươi; hãy xéo đi xa Ta, hết thảy phường tác quái” (Mt 7, 21-23). Thành thử lời nài nỉ của năm cô đến trễ hoàn toàn vô vọng. Trong dụ ngôn tiệc cưới lời mời vào tham dự không bảo đảm khỏi bị đuổi ra ngoài vì chẳng mặc áo cưới (22, 12-13); ở đây cũng vậy, việc được chọn đi vào đoàn rước chàng rể không bảo đảm cho các cô khờ quên dự trữ dầu quyền được vào phòng tiệc.

Biến thành người giữ cửa sắt đá, chàng rể quả quyết mình không biết các cô và chẳng muốn liên hệ gì với họ. Sự chểnh mảng của họ đã khiến họ bị loại trừ, không còn là người của ông gia đình ông (12, 49- 50), không còn gì chờ đợi ở ông nữa. Trong cả phần cuối cùng này (Mt 25, 10c- 13), nhân vật hôn phu trong dụ ngôn đã gần như hoàn toàn biến mất để nhường chỗ cho Chúa Kitô. Dụ ngôn trở thành ẩn dụ. Thật thế, Đấng mà người ta kêu cầu với tước hiệu của Chúa Kitô Phục sinh: lạy Chúa, lạy Chúa (Kurie eleison), Đấng tuyên ra lời phán quyết : “Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không biết các ngươi”, chẳng còn tương ứng với nhân vật trong dụ ngôn nữa, có chàng rể nào mà lại nói thế trong ngày hôn lễ của mình ! – Đó chính là Chúa Giêsu Kitô uy nghi công bố lời phán xét tối hậu! án quyết có thể xem ra nghiêm khắc, nhưng chẳng qua chỉ là phê chuẩn sự lựa chọn hữu trách của con người và rút ra các hậu quả của việc lựa chọn đó mà thôi. Dụ ngôn là dấu chỉ của cuộc phán xét không do Thiên Chúa thi hành trước tiên, nhưng do con người thực hiện trong bản thân bằng chính thái độ sống của mình: các kẻ khờ khạo tự loại bỏ chính mình vậy.

7. Câu châm ngôn cuối cùng “Vậy các ngươi hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào, giờ nào” một lần nữa tái khẳng định ý nghĩa của đoạn văn. Câu đó đã nằm ở phần đầu dụ ngôn chủ nhà (24,42) nhưng dưới một dạng thức hơi khác chút xíu. Ở đây, thoạt nhìn qua không mấy ăn hợp với phần còn lại của đoạn văn, vì bản văn không trực tiếp yêu cầu hãy tỉnh thức – các cô khôn ngoan cũng đã ngủ mà – nhưng yêu cầu trữ đèn đầy dầu để sẵn sàng khi Chúa đến. Tuy nhiên đây không phải là một thứ kết luận được chắp vá, có phần giả tạo, vì đối với Mt, sự tỉnh thức chủ yếu hệ tại việc các môn đồ kiên trì quyết định thực hiện trong cụ thể điều mà họ được mời gọi thực hiện. Do đó, đối với họ, sự chờ đợi không phải là một thời gian trống rỗng trong đó lịch sử cứu rỗi chẳng tiến thêm bước nào, mà là một thời gian hăng say chuẩn bị. Tổng động viên không ngừng mọi năng lực của cộng đoàn để làm tăng giá trị đến mức cao nhất lịch sử hiện tại. Niềm xác tín Chúa sẽ đến, cho dù còn lâu, ban cho đời ta ý nghĩa đích thực; một cách nào đó, ta lợi được thời gian của ta, ngày qua ngày, giờ qua giờ, bao lâu ta còn sống trung tín. Ta không được phép tính toán nỗ lực của ta theo kỳ hạn đã ấn định hay thu giảm nó tùy thích vì những mục tiêu giới hạn hơn. Bởi không biết ngày giờ nên ta bị bắt buộc phải luôn sẵn sàng, phải vâng lời đến kỳ cùng và càng lúc càng hơn nữa. Và đời ta sẽ không thiếu dầu miễn là ta luôn tỉnh thức.

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

“Bấy giờ về Nước Trời thì cũng in như mười thiếu nữ “: Công thức nhập đề này, duy nhất trong Diễn từ cánh chung, nhắc lại công thức nhập đề của các dụ ngôn về Nước Trời ở chương 13; nó không muốn bảo: Nước Trời giống như mười thiếu nữ, nhưng là: bấy giờ, nghĩa là vào lúc Nước Trời tỏ hiện lần sau hết, có những người giống như các thiếu nữ trong dụ ngôn; tránh ra chữ bấy giờ có cùng một nghĩa với câu 31: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người ..”.

“Đi đón lang quân”: Lối so sánh Chúa Giêsu với lang quân chuẩn bị hôn lễ của mình và hình ảnh của chính lễ cưới rất quen thuộc dù ý niệm Messia-lang quân xa lạ với Do thái giáo thời suy đồi. Song tâm điểm của dụ ngôn nằm trong tầm quan trọng được gán cho lúc lang quân đến. Như dụ ngôn đi trước và dụ ngôn nén vâng tiếp liền sau, dụ ngôn mười trinh nữ phải được đọc và hiểu như là lời chú giải toàn bồ giáo huấn của các câu 36-42, chương 24.

“Các cô thiếp đi mà ngủ cả”. Các trinh nữ không bị khiển trách vì đã ngủ, bởi thời gian hoạt động đã qua đối với các cô, nhưng là vì đã chẳng chịu làm công việc phải làm (các cô khờ) ngay từ đầu lễ cưới (đem đủ dầu có nghĩa là trung thành). Bởi thế, lời khuyên hãy tỉnh thức của c.13 không mâu thuẫn với giấc ngủ đó của mười trinh nữ, vì nó được áp dụng vào thời gian trước khi cử hành lễ cưới. Phải tỉnh thức bây giờ để có thể bình thản mà ngủ, với số dầu đã dự trữ, trong thời gian cuộc lễ.

“E không đủ cho cả chúng em và các chị”: Toàn bộ ý nghĩa dụ ngôn kết tinh trong câu trả lời cứng rắn này đối với các trinh nữ khờ dại chẳng chịu phòng xa. Không còn vấn đề cho hay ngay cả cho mượn chính cái điều bảo đảm cho ta ơn cứu rỗi. Ta thình lình được đưa vào một bầu khí hết sức nghiêm khắc xa hẳn mọi thứ tình cảm, mọi thứ nhân đạo.

KẾT LUẬN

Phải tỉnh thức bây giờ, nghĩa là phải dự trữ đủ dầu, phải trung thành (24,45; 25,23) và phải làm các việc cần làm lập tức để khỏi phải “thức dậy” (sống lại) cách thình lình trong giờ Phán xét. Nếu biết giờ Phán xét hay biết các dấu hiệu tiên báo hiển nhiên, có lẽ con người sẽ trì hoàn việc sống trung thành; nhưng trong phần hai này của Diễn từ cánh chung, một nhấn mạnh sự vô tri của nhân loại về Giờ đó và vì thế, ông chẳng đề cập gì đến các dấu chỉ tiên báo ngày tận cùng nữa cả. 

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Chúa đến. Đối với mười trinh nữ, đó là một xác tín chắc chắn, hiển nhiên. Họ đã chuẩn bị đèn đuốc, đã đi nghênh đón và chờ đợi chàng rể tại nơi ấn định họ đã xác tín chàng sẽ tới đến độ không lo âu gì trước sự chậm trễ ấy. Họ đã thiếp đi và ngủ cả, đó là dấu hiệu họ đang bình thản tâm hồn.

Ta cũng tin Chúa đến. Tuy nhiên đôi lần việc chờ đợi làm ta bớt tin tưởng. Chắc chắn, Người đến, nhưng mọi sự xem ra quá bình lặng. Người đến, nhưng chẳng có dấu hiệu gì, người hình như bất động. Khi chẳng có gì xảy ra, khi không một dấu hiệu tiên báo nào xuất hiện, thì sự hao mòn của thời gian dễ tàn phá lòng kiên nhẫn của ta, các câu hỏi bắt đầu nổi dậy, nghi ngại chen vào lung lay những xác tín chắc chắn nhất; dần dần chính sự mù mờ của kiến thức làm tắt ngủm ngọn đèn nội tâm của ta và đặt trong ta một thái độ dửng dưng nào đó, vì các biến cố đoan hứa xem ra đáng ngờ. Bấy giờ nếu thình lình xảy ra một tai biến, sự chờ đợi có thể chìm sâu vào thất vọng và bị coi như hoàn toàn vô ích. Chúa đến, đó là điều chắc chắn, là một xác tín bình thản phải được củng cố trong ta. Đó không phải là một giả thuyết, một khả hữu đơn thuần, mà là thực tại hiển nhiên của tương lai ta. Ước gì niềm xác tín này làm lòng ta tràn ngập bình an, tinh thần ta hoàn toàn thanh thản.

2. Chúa đến, và đến bất ngờ. Đó là khía cạnh thứ hai trong câu chuyện mười trinh nữ. “Nửa đêm, có tiếng kêu… ” như thể việc đi sang ngày mai ấy cũng là việc chuyển từ tình trạng này đến tình trạng kia. Bất ngờ và cưỡng chế, đó là đặc tính của việc Chúa đến trong Lời mà ta đang nghe lúc này đây của Thánh lễ. Đấy như là một dấu báo hiệu; trước đó nó đã cho thấy thật là phi lý khi ta trong mình sẽ có đủ giờ để canh chừng. Không báo trước như một tiếng sét giữa bầu trời quang đãng, như một tiếng kèn loa vang (1Tx 4, 16), như một “con đường Đamas” xem ra bình thường nhưng lại có tính cách quyết định, cuộc giá lâm ấy sẽ áp đặt sẽ mang đi tất cả, và sẽ ban sức sống cho những gì phù hợp với nó cho những ai đón chờ nó, và sẽ tiêu diệt những gì còn lại.

3. Nhưng hăng hái đi đón Chúa và chờ đợi Người đến trong một đức tin an tĩnh thì cũng chẳng đủ tí nào. Phải tích cực chuẩn bị cuộc gặp gỡ đó bằng cách dự trữ thật nhiều việc lành phúc đức, nhiều hành vi xả thân phục vụ các kẻ “bé mọn” quanh ta, nhiều trung tín đối với các công việc khác nhau thuộc bổn phận bậc sống ta. Chỉ có đời sống hoàn toàn tận hiến cho Chúa và cho anh em mới sẽ có thể rạng ngời như ánh sáng trong đêm tối trần gian và cho phép ta nghỉ yên giấc ngàn thu vì biết rằng Chúa sẽ mở rộng cho ta cánh cửa phòng tiệc của Người.

Học viện Giáo hoàng Pi-ô X Đà Lạt

 

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org