Đức Thánh Cha Phanxicô tái khẳng định tính thời sự của Thông điệp “Tin Mừng sự sống” cũng như lập trường bảo vệ sự sống của Giáo hội: sự sống không phải là ý niệm nhưng là những con người cụ thể, dù họ bé nhỏ, mỏng manh yếu đuối, nghèo hèn; mọi sự sống đều có giá trị vô giá, được Chúa ban và phải được tôn trọng, bảo vệ, thăng tiến và phục vụ. Nền văn hóa sự sống là di sản của tất cả mọi người, chứ không phải là độc quyền của Kitô hữu.
Ngày 25/03/2020 là kỷ niệm 25 năm thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành Thông điệp Tin Mừng sự sống. Do đó, trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 25/03, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành bài giáo lý để nhắc lại giáo huấn của thánh Gioan Phaolô II về sự sống, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch đang đe dọa sự sống con người trên toàn thế giới.
Giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Cách đây 25 năm, cũng trong ngày 25/03 này, trong ngày Giáo hội cử hành trọng thể biến cố Truyền tin của Chúa, thánh Gioan Phaolô II đã công bố Thông điệp Evangelium vitae – Tin Mừng sự sống, về giá trị và sự bất khả xâm phạm của sự sống con người.
Giáo hội đón nhận Tin Mừng sự sống và loan báo cách trung thành và can đảm
Mối dây liên kết giữa biến cố Truyền tin và “Tin Mừng sự sống” rất chặt chẽ và sâu sắc, như thánh Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh trong Thông điệp. Hôm nay, chúng ta tái cổ võ lại giáo huấn này trong bối cảnh đại dịch đang đe dọa cuộc sống con người và nền kinh tế thế giới. Một tình huống làm cho chúng ta càng cảm thấy những từ đầu của Thông điệp thêm cấp thiết, thúc bách hơn. Những lời đó là: “Tin mừng sự sống ở trung tâm sứ điệp của Chúa Giêsu. Nó được Giáo hội đón nhận mỗi ngày với tình yêu, và được loan báo với lòng trung thành can đảm như là tin mừng cho mọi người ở mọi thời đại và mọi nền văn hóa” (số 1).
Chứng tá thầm lặng cho Tin Mừng sự sống
Giống như mọi lời loan báo của Tin Mừng, lời loan báo này trước hết cũng phải được làm chứng. Và tôi suy nghĩ với lòng biết ơn về lời chứng thầm lặng của rất nhiều người, theo những cách khác nhau, đang làm hết sức mình để phục vụ người bệnh, người già, những người cô đơn và nghèo khổ nhất. Họ đưa Tin Mừng sự sống vào thực tế, giống như Mẹ Maria, sau khi đón nhận lời loan báo của thiên thần, Mẹ đã đi đến giúp đỡ người chị họ Elizabeth đang cần được giúp đỡ.
Sự sống cụ thể nơi từng con người
Trên thực tế, sự sống mà chúng ta được kêu gọi để thăng tiến và bảo vệ không phải là một khái niệm trừu tượng, nhưng nó luôn hiện hiện nơi một người bằng xương bằng thịt: một em bé vừa được thụ thai, một người nghèo khổ, một bệnh nhân cô đơn và chán nản hay đang ở giai đoạn cuối, một người bị thất nghiệp hoặc không thể tìm được việc làm, một người di cư bị từ chối hoặc bị giam trong những trại tập trung… Sự sống con người được tỏ hiện cách cụ thể nơi con người.
Bảo vệ sự sống không phải là một ý thức hệ nhưng là một thực tại
Mỗi con người được Thiên Chúa gọi để tận hưởng cuộc sống viên mãn; và khi sự sống được ủy thác cho sự chăm sóc hiền mẫu của Giáo hội, mọi mối đe dọa đối với phẩm giá và sự sống con người không thể không gây nên những xung động trong trái tim Giáo hội, trong dạ của người mẹ. Đối với Giáo hội, bảo vệ sự sống không phải là một ý thức hệ, nhưng là một thực tại, một thực tại con người, liên quan đến tất cả các Kitô hữu, bởi vì họ là Kitô hữu và cũng là con người. Nó không phải là một ý thức hệ.
Những tấn công vào nhân phẩm và sự sống của con người, thật không may, vẫn tiếp tục ngay cả trong thời đại của chúng ta, là thời đại của nhân quyền phổ quát; ngược lại, chúng ta phải đối mặt với những mối đe dọa mới và chế độ nô lệ mới, và luật pháp không phải lúc nào cũng bảo vệ sự sống của con người yếu nhất và dễ bị tổn thương nhất.
Văn hóa sự sống không phải là độc quyền của Kitô hữu nhưng của mọi người
Do đó, sứ điệp của Thông điệp Tin Mừng sự sống có tính chất thời sự hơn bao giờ hết. Ngoài những trường hợp khẩn cấp như tình trạng mà chúng ta đang trải qua, vấn đề ở đây là hoạt động ở cấp độ văn hóa và giáo dục để truyền tải cho các thế hệ tương lai thái độ liên đới, quan tâm, chào đón, khi biết rõ rằng nền văn hóa sự sống không phải là một di sản độc quyền của Kitô giáo, nhưng thuộc về tất cả mọi người, những người dấn thân để xây dựng các mối tương quan huynh đệ, nhìn nhận giá trị của mỗi người, ngay cả khi họ mong manh yếu đuối và đau khổ.
Tôn trọng, bảo vệ, yêu thương và phục vụ sự sống, mọi sự sống
Anh chị em thân mến, mỗi sự sống con người, duy nhất và không thể lặp lại, có giá trị bởi chính nó, là một giá trị vô giá. Điều này phải luôn luôn được tái loan báo, với những lời nói và hành động can đảm. Điều này đòi hỏi sự liên đới và tình yêu huynh đệ đối với gia đình nhân loại vĩ đại và cho mỗi thành viên của nó.
Bởi thế, cùng với thánh Gioan Phaolô II, người đã viết Thông điệp này, tôi tái khẳng định với xác tín lời kêu gọi của ngài dành cho tất cả hai mươi lăm năm trước đây: “Tôn trọng, bảo vệ, yêu thương và phục vụ sự sống, mọi sự sống, mọi sự sống con người! Chỉ trên con đường này, bạn sẽ tìm thấy công lý, phát triển, tự do, hòa bình và hạnh phúc!” (Tin Mừng sự sống, 5).
Hồng Thủy – Vatican
nguồn: vaticannews.va
TIN LIÊN QUAN: