Dẫn Nhập – Tin Mừng Theo Thánh Mát-Thêu

Ông Mát-thêu, cũng gọi là Lê-vi, là ai vậy? Tin Mừng cho biết ông đã từng làm nghề thu thuế và Chúa Giê-su đã cho ông trở thành một trong các Tông Đồ của Người (Mt 9,9 và Mc 2,14). Tuy nhiên, dưới dạng chúng ta hiện có, chắc chắn là sách Tin Mừng mang tên ông đã được soạn vào những năm 80, tức là sau khi ông chết. Có thể tác giả là một trong những môn đệ của ông, có thể tác giả ấy đã lấy lại một bản nháp đầu tay của ông (xem Dẫn nhập vào Tân Ước).

Theo ước đoán, sách Tin Mừng này đã được soạn trong một cộng đoàn Ki-tô hữu gồm cả thành phần gốc Do-thái lẫn thành phần gốc Hy-lạp, có lẽ tại An-ti-ô-khi-a (x. Cv 11,19; 13). Mt mang dấu vết rất sâu của sự xung khắc giữa người Do-thái và Ki-tô hữu. Đó là thời kỳ vong quốc sau cuộc chiến với quân Rô-ma, thời kỳ mà cộng đoàn Do-thái giáo bị thử thách nặng nề như vậy tìm cách tổ chức lại nội bộ của mình, dưới sự lãnh đạo của những người thuộc phái Pha-ri-sêu. Những người này vừa mới quyết định loại trừ mọi người Do-thái tin vào Chúa Giê-su và thuộc thành phần cộng đoàn Ki-tô hữu.

Sách Tin Mừng này nhằm giúp người Ki-tô hữu thấy họ không có gì phải sợ nếu hôm nay bị đồng bào chối từ. Cộng đoàn Ít-ra-en chính thức không có lòng tin đang đứng bên ngoài Nước Trời, trong khi những ai nhìn nhận Đức Mê-si-a thì đã được vào. Số ít người này đã lãnh nhận “những ân huệ Giao Ước” mà các ngôn sứ đã từng hứa trước, và từ nay, họ phải đem chia sẻ với mọi tín hữu từ bốn phương trời đến gia nhập Giáo Hội.

Trong cái nhìn này, toàn bộ lịch sử Chúa Giê-su được trình bày như một cuộc xung đột kết thúc bằng một cuộc chia tay. Khúc chia đôi sẽ hiện rõ ở cuối ch. 13: kể từ đây, Chúa Giê-su không giảng dạy cho dân chúng nữa, mà chỉ cho những người môn đệ thôi.

Một điều đã đánh động tác giả Mt: trong hai hay ba năm thi hành sứ mạng, Chúa Giê-su chủ yếu nói và hành động như một nhà giảng đạo, một bậc Thầy giảng dạy Kinh Thánh. Vậy tác giả sẽ làm nổi bật lời nói của Người, do đó số lượng ngôn từ Chúa Giê-su trong tác phẩm của ông lớn hơn trong các tác phẩm kia, còn hành vi và phép lạ của Người thì ngược lại, ông sẽ tóm lược tối đa.

Bởi đó không lạ gì khi tác giả Mt dàn dựng Tin Mừng của ông quanh năm “diễn từ”, trong đó ông gom lại các lời Chúa đã nói trong nhiều bối cảnh khác nhau. Các diễn từ ấy là :

– Bài giảng trên núi (ch. 5, 6 và 7).

– Bài giảng về sứ mạng truyền giáo (ch. 10).

– Bài giảng bằng dụ ngôn (ch. 13).

– Bài giảng về Giáo Hội (ch. 18).

– Sống như thế nào trong khi chờ đợi thời cánh chung (ch. 23, 24, 25).

Thay cho Dẫn Nhập, Mt viết 2 chương về cuộc giáng sinh và thời thơ ấu của Chúa Giê-su. Đó là những bài tường thuật đặc biệt, trong đó tác giả không quan tâm đến tính lịch sử của các sự việc, nhưng phác hoạ bằng hình ảnh tính chất thần học của đạo lý mà ông muốn truyền đạt.

(Nguồn: tonggiaophanhanoi.org)