Chương 28 – Tin Mừng Theo Thánh Matthêu

Ngôi mộ trống

Mc 16,1-8; Lc 24,1-10; Ga 20,1-10

* Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ. 2 Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; 3 diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. 4 Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi. 5 Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh. 6 Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, 7 rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay.” 8 Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.

Đức Giê-su hiện ra với các phụ nữ

9 Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em !” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. 10 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”

Các thượng tế lừa đảo

11 Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. 12 Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, 13 và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. 14 Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.” 15 Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.

Đức Giê-su hiện ra tại Ga-li-lê, và sai môn đệ đi đến với muôn dân

Mc 16,14-18; Lc 24,36-49; Ga 20,19-23; Cv 1,6-8

16 * Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”


 *28,1 Về các cuộc hiện ra của Chúa Giê-su nói chung, x. phần bình giải Lc 24,1.

Đoạn thứ nhất ở đây cũng được viết theo thể văn khải huyền, với vị thiên thần sáng láng và một trận động đất mới. Nhưng Tin Mừng không muốn phác hoạ cuộc đi ra khỏi mồ của Chúa như một cảnh tượng đắc thắng, như độc giả có thể chờ mong. Chỉ những ai tin mới được thấy Chúa Giê-su Phục Sinh: các phụ nữ đi tìm Người sẽ thấy Người, những lính tráng và lãnh tụ không tìm Người sẽ chẳng hiểu gì cả.

Mt ghi tên bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, bà mẹ các ông Gia-cô-bê và Giô-xếp (Mt 27,55) là hai người “anh em của Chúa” (Mt 13,55), họ hàng gần nhất của Người. Bà là một người chị họ của Đức Ma-ri-a, thân mẫu Chúa Giê-su (Ga 19,25).

Chúa Giê-su đón gặp các bà (c. 9). Rõ ràng là Mt nhập hai biến cố khác nhau thành một; một bên là chuyện phát hiện ngôi mộ trống, và bên kia là cuộc hiện ra của Chúa, xảy ra sau này, với một mình bà Ma-ri-a Mác-đa-la, như Ga thuật lại ở Ga 20,11-18.Để họ đến Ga-li-lê (c. 10). Tại sao có cuộc hẹn này, nếu Chúa sắp hiện ra tại Giê-ru-sa-lem nội trong ngày ấy? (Lc 24,13-43). Sự việc không rõ chút nào, và có lẽ Mt đã cho nhiều lần Chúa hiện ra nhập lại thành một, để bài trình thuật được ngắn gọn hơn chăng. Vậy chúng ta khỏi phải tìm cách dựng lại một lộ trình nào đó của Chúa Phục Sinh.

Dù sao, các Tông Đồ cũng cần có thời gian để tin vào biến cố Phục Sinh và để hiểu một chút gì trong đó. Sau hai lần đầu Chúa hiện ra tại Giê-ru-sa-lem, trong đó Chúa tìm cách thuyết phục họ rằng Người không phải là ma hoặc là người chết hiện hồn, các ông còn phải trở về quê nhà, sống giữa dân làng của mình, xa cái thành phố đã gây bao nhiêu chấn động tâm linh cho các ông, để nghiền ngẫm đào sâu những kinh nghiệm các ông vừa sống. Tại Ga-li-lê, Chúa sẽ tỏ mình ra cách khác, làm cho họ hiểu rằng từ nay Người đã được tôn vinh rồi và sống không như trước nữa.

Người chuyển đạt thông điệp đó cho một người là một phụ nữ, bà Ma-ri-a Mác-đa-la, như để cho thấy rằng, trong Giáo Hội, không phải nhất nhất đều là từ cấp trên truyền xuống. Thiên Chúa muốn ban thông tin cho ai Người muốn, và trao những thông điệp có tính cách ngôn sứ cho những người đơn sơ chất phác và cho phụ nữ.

Sự phục sinh của Chúa Ki-tô là trung tâm điểm của Tin Mừng, nhưng trình thuật của Mt lại rất ngắn gọn. Tại sao? Thưa bởi vì, vào thời tác giả biên soạn, sự phục sinh được xem là một biến cố quá sức quan trọng để mà truyền tin qua chữ viết: phải nhường lời cho các nhân chứng kể lại thì hơn, và cũng không quên chứng từ của Thần Khí đang hoạt động trong các cộng đoàn Ki-tô hữu.

Hoàn cảnh chúng ta có khác hơn thế không? Cộng đoàn Giáo Hội làm chứng hùng hồn về Chúa Phục Sinh không phải là một cộng đoàn có bề thế, được tuyên truyền quảng cáo thật tốt, mà là một cộng đoàn đã được phục sinh. Nếu Giáo Hội –nếu các cộng đoàn chúng ta– thấy mình luôn sống trong những điều kiện không có vẻ gì là khả quan, nhưng nhờ ơn Chúa vẫn cứ hồi sinh, thì khi ấy chúng ta có thể làm chứng cho sự phục sinh của Chúa, Đấng đã cho chúng ta cũng được phục sinh như Người.

 *28,16 Chúa Giê-su sai các Tông Đồ đi loan báo Tin Mừng cho thế giới.

Lần hiện ra cuối cùng này được kể lại một cách hết sức đơn sơ. Chúa không hiện ra đột ngột, không có ai hoảng sợ; không có chứng minh về tính xác thực của thân thể Chúa. Điều quan trọng là những lời Chúa nói trong tư cách là Thầy.

Anh em hãy dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Những huấn lệnh như thế của Chúa Giê-su chiếm vị thế hàng đầu trong Mt, được phân bố trong năm bài diễn từ, và chúng ta phải thể hiện ý muốn Chúa Cha theo như Chúa Giê-su đã mặc khải cho chúng ta biết.

Có mấy ông lại hoài nghi. Mt “vơ đũa cả nắm” như thế khi viết về những lần cuối cùng Chúa hiện ra. Đâu phải tất cả các môn đệ (Nhóm Mười Một và các người khác) đều mau chóng tin vào sự phục sinh của Chúa Giê-su.

Làm cho muôn dân trở thành môn đệ. Theo gương các thầy Do-thái đương thời, Chúa Giê-su đã quy tụ một nhóm môn đệ, họ sống chung với nhau và với Người. Thầy trò hai bên hiểu biết nhau nhờ chia sẻ đời sống hằng ngày. Ngày nay cũng giống như vậy: cần có việc chia sẻ giữa những con người với nhau trước, sau đó mới tính đến việc loan báo Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng cho ai là giúp người ấy đào sâu những kinh nghiệm bản thân đã trải qua trong quá khứ, cho đến ngày người ấy nhận ra nơi Chúa Ki-tô, trong cái chết và sự sống lại của Người, cái chân lý làm rực sáng lên cả cuộc đời mình.

Những ai tin thì được nhận phép rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, là Ba Ngôi mà Chúa Giê-su đã mặc khải cho chúng ta. Dĩ nhiên, Chúa nói về từng Ngôi một cách riêng biệt, vì Chúa Cha không phải là Chúa Con, và Chúa Con không phải là Chúa Thánh Thần. Tuy vậy, cả Ba Ngôi cũng là cùng một Thiên Chúa: các Ngài cùng mang một tên Thiên Chúa như nhau. Khi bước vào Hội Thánh, những người lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy được bước vào tình hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Hội Thánh trước hết là hiệp thông.

Về phép rửa nhân danh Chúa Giê-su, xem Cv 19,5.

Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. Chúng ta lại một lần nữa nghe xác quyết điều mà danh xưng Em-ma-nu-en diễn đạt (1,23): Chúa Giê-su là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Cho đến tận thế. Các tín hữu thế hệ đầu tiên những tưởng không bao lâu nữa Chúa Ki-tô sẽ trở lại, nhưng vào thời Tin Mừng này được biên soạn, họ đã hiểu ra rằng lịch sử hãy còn dài; dân tộc Ít-ra-en đã chối từ ơn cứu độ họ được tặng ban và chỉ có một số nhỏ đã tin mà thôi. Chính với số nhỏ này mà giờ đây Chúa Giê-su nói lên lời cam kết này, cũng như với các Tông Đồ và Hội Thánh của Người.

Hội Thánh Công Giáo tự thấy mình buộc phải giữ tình hợp nhất với các giám mục là những người kế vị các Tông Đồ. Có những lúc khó mà bảo tồn tình hợp nhất và sự kế vị liên tục này, và người ta thường cảm thấy nếu như thành lập, bên cạnh Hội Thánh, một cộng đoàn mới, được canh tân hẳn hoi, thì đó là điều có lẽ dễ làm hơn chăng. Nhưng lòng vâng phục thánh ý Chúa Cha là phương tiện Người dùng để thanh luyện và củng cố đức tin của chúng ta. Chúa Giê-su là –và muôn đời vẫn là– vị “Chúa” nắm giữ trong tay vận mệnh Hội Thánh “của Người”.