Chương 25 – Tin Mừng Theo Thánh Matthêu

Dụ ngôn mười trinh nữ

* “Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. 2 Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn. 3 Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. 4 Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. 5 Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. 6 Nửa đêm, có tiếng la lên: ‘Chú rể kia rồi, ra đón đi !’ 7 Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. 8 Các cô dại nói với các cô khôn rằng: ‘Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi !’ 9 Các cô khôn đáp: ‘Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn.’ 10 Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. 11 Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: ‘Thưa Ngài, thưa Ngài! Mở cửa cho chúng tôi với !’ 12 Nhưng Người đáp: ‘Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả !’ 13 Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.

Dụ ngôn những yến bạc

Lc 19,12-27

14 * “Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. 15 Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, 16 người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. 17 Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. 18 Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. 19 Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. 20 Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.’ 21 Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !’ 22 Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.’ 23 Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !’ 24 Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. 25 Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy !’ 26 Ông chủ đáp: ‘Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, 27 thì đáng lý anh phải gửi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! 28 Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. 29 Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. 30 Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.’

Cuộc Phán Xét chung

31 * “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. 32 Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. 33 Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. 34 Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: ‘Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. 35 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; 36 Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.’ 37 Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; 38 có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? 39 Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu ?’ 40 Đức Vua sẽ đáp lại rằng: ‘Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.’ 41 Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: ‘Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. 42 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; 43 Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.’ 44 Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu ?’ 45 Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: ‘Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.’ 46 Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.”


*25,1 Ba dụ ngôn sau đó nói lên cung cách phải có trong khi chờ đợi Chúa Ki-tô trở lại: tỉnh thức và đắc lực. Dụ ngôn thứ nhất, về “mười trinh nữ”, là dụ ngôn hay nhất nói về lòng chung thuỷ. Theo tục lệ, đêm đến, các cô đợi chàng rể để đưa vào nhà cô dâu. Chàng rể đến trễ, điều mà lẽ ra không ai phải ngạc nhiên. Cô dâu thì không thấy nói tới: có lẽ các cô sẽ khám phá ra rằng ngoài họ ra không có cô dâu nào khác.

Họ ngủ thiếp đi. Mặt trời lặn rồi thì trời sẫm tối và không ai có thể làm việc được (Ga 9,4). Vậy người ta đâu còn chờ đợi họ phải làm một công việc gì, mà là có một trái tim chung thuỷ (Dc 5,2): phải có dầu để giữ ngọn đèn luôn cháy sáng.

Ở đây cũng như nhiều chỗ khác, Tin Mừng cho thấy đâu phải hễ hoán cải và hăng lên lúc ấy là đã xong: còn phải kiên trì nữa (7,24). Dự bị sẵn một lượng dầu cho bảo đảm, có nghĩa là vận dụng các phương tiện cho phép mình bền đỗ trong ơn gọi.

Có người sẽ nói Mt đặt dụ ngôn này ở đây có ý dành cho các Ki-tô hữu tiên khởi, bởi vì họ đợi Chúa trở lại đã lâu mà vẫn không thấy có gì xảy ra. Sai! Chúa Giê-su nói lời ấy cho các tín hữu mọi thời, một ngày nào đó thế nào cũng sẽ cảm thấy kiên trì là cái ách rất nặng: “Tôi đâu có biết cam kết như vậy sẽ đưa tôi đến đâu.” Chính ở điểm này mới thấy lòng trung kiên là cao cả: không thể biết trước được; đưa tay cho Chúa nắm dẫn đi là một bước đánh liều trong cõi vô định. Trừ phi kiên tâm bền chí, không có lối đi nào khác để được cứu (Mt 24,13), nghĩa là để tìm được chính mình.

Đâu phải vì là Ki-tô hữu mà chúng ta là những người tốt nhất, nhưng Chúa đã chọn chúng ta để giao cho một sứ mạng đặc biệt. Điều Người kỳ vọng trên hết ở chúng ta là trung thành và bền chí, hai món hàng quý hiếm trên trần gian, nhờ đó mà chúng ta chiếu sáng.

LÀM VIỆC – TIN TƯỞNG CHÍNH MÌNH

*25,14 Chúa dùng vàng bạc để chỉ những tài năng thiên phú của chúng ta.

Đầy tớ tài giỏi và trung thành. Nghĩa là “đáng tin cậy”. Trong dụ ngôn này, không có từ ngữ tôn giáo nào cả: Chúa dựa vào cái cách đầu tư các tài năng mà đánh giá, và xem là tội khi người ta giữ lại cho mình những gì đã lãnh nhận. Đó cũng là lời tuyên án cho một xã hội trong đó ai nấy tiêu thụ cái đã nhận lãnh: được học làm người, những kiến thức đã kế thừa từ quê hương xứ sở mà không truyền lại cho con cháu, những phúc ấm ông bà để lại qua biết bao hy sinh, và có thể là lời Chúa nữa, phải tuân hành để thể hiện ý định lớn lao của Thiên Chúa trên thế giới.

Tôi sẽ giao nhiều (hơn) cho anh. Những gì chúng ta xây dựng dưới trần gian không phải là cái chung cuộc, đó mới chỉ là giàn giáo: những của cải mà Thiên Chúa sẽ tặng ban cho những ai sống trong Người sẽ còn quý hơn gấp bội.

Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo (c. 26). Như ở Lc 18,1, Chúa Giê-su ghi nhận sự ngờ vực để bụng của chúng ta đối với Thiên Chúa, và Người vịn vào thái độ của chúng ta mà xét xử. Nếu chúng ta không mơ ước được chỗ mà chàng rể dành cho cô dâu (25,1), ít ra phải cố tránh sao cho đừng trở nên những đầy tớ vô dụng.

Có nhiều cơ hội trước mắt để đánh liều và đưa vai gánh vác công việc, mà thường thì chúng ta hay sợ không dám xung phong: “Tôi không phải là người có tư cách nhất.” – Nhưng nếu những người có tư cách lại không nhúc nhích? Vậy hãy lấy lại cái tài năng họ đang có mà cho người khác.

CUỘC PHÁN XÉT CHUNG

*25,31 Chúng ta biết người Ki-tô hữu là thiểu số trên thế giới. Như chúng ta hiện nay, người Do-thái thời ấy thường nghĩ tới đa số các dân tộc trên thế giới không thuộc về dân được Chúa chọn và không biết gì về các lời hứa của Người. Người Do-thái coi các dân ấy như là một đám đông dân tộc sẵn sàng “nuốt sống ăn tươi họ”, như một thế giới đáng sợ mà một ngày kia Thiên Chúa sẽ bắt phải phục tùng. Họ kêu các dân tộc ấy là muôn dân, là các dân thiên hạ.

Chúa Giê-su thì vượt lên trên cái nhìn hạn hẹp ấy, và cho chúng ta thấy Người sẽ xét xử tất cả mọi người không phân biệt gốc gác, ngày Người trở lại với tư cách là Vua muôn dân. Tất cả những ai đã chia sẻ thân phận chung của loài người mà không biết Chúa Ki-tô cũng sẽ được Người xét xử. Thật thì Người chẳng bao giờ bỏ rơi họ, nhưng đã đặt bên cạnh họ “những anh em bé nhỏ nhất của Người” như là hiện thân của Người.

Đức Vua bày ra cho thấy vô số các nghĩa cử qua đó loài người đã xây nên phần ưu tú nhất của nền văn minh nhân loại, và trước mặt Người, loài người sẽ ngạc nhiên ngắm nhìn vị Thiên Chúa mà họ đã từng yêu mến hoặc coi thường, nơi tha nhân. Mặc dù đa số họ không hề nghĩ tới thế giới bên kia, nhưng họ cũng sẽ được cho thấy Vương Quốc của Thiên Chúa với định luật duy nhất của nó là yêu thương.

Giữa hai thái cực, không có số phận trung lập. Lửa là hình ảnh của cực hình dành cho những ai đã từng đày đoạ chính mình khi đóng cửa lòng mình đến độ không còn có khả năng yêu thương nữa. Thuở bình sinh, họ đã dửng dưng trước nỗi khổ của những anh chị em đồng loại bị gạt ra ngoài lề xã hội và chịu đói khát: giờ đây, ánh sáng Thiên Chúa Tình Yêu thiêu đốt họ và làm khổ họ.

Mỗi lần các người không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây. Chúa Giê-su nói về người thân cận, bạn hay thù như nhau. Người không nói chuyện phục vụ cộng đoàn hay một giới, hay một dân nước nói chung. Chúng ta thường sử dụng những từ này để loại trừ đi một nhóm người không cùng một nước hay không cùng đảng phái với chúng ta. Trái lại, những ai có lòng thương người thật sự thì nhận ra anh chị em của họ mà không cần chú ý đến những nhãn hiệu: đối với họ, cái phải chú ý là những con người đang hiện hữu và đang sống cho Thiên Chúa.

Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp (c. 46). Ngày nay chúng ta thấy có cái gì khó chấp nhận trong cách phân loại người ta thành tốt và xấu như vậy: cái nhìn này có vẻ đã lỗi thời đối với chúng ta (x. phần bình giải Mt 13,36). Và đúng là vậy theo một nghĩa nào đó.

Cho đến thời kỳ hiện đại, ta chỉ thấy những người “suy nghĩ một chiều” thôi. Người ta lướt nhìn đại khái các lựa chọn trong đời, rồi ngay khi hãy còn trẻ tuổi, người ta đã chọn đi con đường “lành” hoặc “dữ”. Sau đó cũng có những cuộc hoán cải thành tốt hoặc xấu (Ed 18), nhưng ranh giới vẫn nằm giữa người lành và kẻ dữ. Ngày nay thì đã khác nhiều, vì các lựa chọn của chúng ta trở thành hết sức phức tạp.

Vậy phải biết rằng ở đây, Chúa Giê-su dùng ngôn ngữ các ngôn sứ mà nói, lược đồ hoá các lựa chọn. Cái mà Chúa Giê-su tố giác không phải là những tội tày trời, mà là lòng ích kỷ hằng ngày ứ đầy trong cuộc đời chúng ta. Chúa nói năng như người cha răn dạy con cái: Con mà không chừa thì phải biết điều gì sẽ xảy đến! Hy vọng phần đông nhân loại sẽ không tự ý lún chìm trong sa đoạ; nhưng một số người lại chọn cho mình số phận hư vong một cách có ý thức; và họ dám đi đến cùng con đường này. Nói rằng Thiên Chúa tốt lành đến nỗi Người sẽ cứu họ vào giờ chót là khẳng định điều mà Chúa Giê-su đã không hề có ý nói. Nói như vậy có nghĩa là cuối cùng rồi tất cả những gì chúng ta đã làm khi còn sống đâu có quan trọng, và sự tự do của chúng ta chỉ là một trò chơi.

Những gì Chúa nói liên quan đến cuộc phán xét có giá trị cho tất cả mọi người, là Ki-tô hữu hay không. Nhưng cứ đem dụ ngôn này ra mà trưng dẫn, như thể nó hàm chứa hết tất cả mọi trách nhiệm của một Ki-tô hữu, là sai. Nhu cầu chính yếu của thế giới không phải là cơm ăn áo mặc, mà là sự thật và niềm hy vọng mà Thiên Chúa đã giao cho những kẻ Người đã chọn để chia sẻ lại cho thế giới. Người Ki-tô hữu sẽ không trung thành với sứ mạng của mình nếu chỉ biết lo việc cứu trợ, định cư, v.v, mà quên đi rằng sự sống cho loài người trước hết là lời Chúa, sự hiểu biết và lòng yêu mến Thiên Chúa mình thờ. Chúa thì luôn đi bước trước, và chúng ta cần được Chúa xử như thế. Chúa nhận lấy cho mình những gì chúng ta làm cho anh chị em chúng ta, nhưng không muốn có sự lẫn lộn giữa Người với họ.

(Nguồn: tonggiaophanhanoi.org)