Con rắn đồng và Con Người trên thập giá – Chúa nhật IV mùa Chay – Năm B

“Mừng vui lên, Giê-ru-sa-lem! Tề tựu cả về đây, hỡi những ai hằng mến yêu Thành! Các bạn đang sầu khổ, nào hớn hở vui mừng và hân hoan tận hưởng, nguồn an ủi chứa chan.” (Ca nhập lễ)  Hay lời của Thánh vịnh gia: “Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa. Vui lên nào…”

Những lời trên dẫn chúng ta bước vào Chúa nhật  IV mùa Chay (Lætare), Chúa nhật của niềm vui. Vui vì được Thiên Chúa yêu thương và tha thứ. Vì tội lỗi của dân mà đền thờ Chúa bị quân thù đốt cháy, tường thành Giê-ru-sa-lem bị phá huỷ, các lâu đài và mọi đồ vật quý giá bị hỏa thiêu. Nay họ “được kêu gọi tái thiết đền thờ Giê-ru-sa-lem, được mời gọi đón nhận lại Thiên Chúa đến ở giữa họ, đón nhận sức mạnh của tình yêu và tha thứ” (x. 2 Sb 36, 14-16. 19-23). Tột đỉnh của tình yêu là được Thiên Chúa cứu độ như thánh Gio-an viết: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài … để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ” (Ga 3,16-17).

Phụng vụ của Giáo hội đang từ màu tím chuyển sang màu hồng, màu của bình minh, đánh dấu nửa chặng đường sám hối, nay tạm dừng để chuẩn bị tốt hơn niềm vui Phục sinh, nghỉ để nhìn lại những gì đã làm trong ba tuần đầu của Mùa Chay, lấy thêm can đảm bước tiếp những chặng đường tới.

Khi sánh ví mình như con rắn được Mô-sê giương lên trong sa mạc, Chúa Giê-su gợi cho chúng ta nhớ tới con rắn trong vườn địa đàng (St 3, 1-5).

Rắn trong vườn địa đàng

Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra” (St 3,1). Như vậy, rắn là loài vật do Chúa tạo nên và con người đặt cho nó một tên gọi (x.St 2,20). Nhưng nó không chỉ gian trá và xảo quyệt mà còn là “xảo quyệt nhất”. Chính nó đã tấn công con người bằng cách nhắc đến những giới hạn của con người.

Trái với những con vật khác, con rắn không có chân, nó là con vật bí ẩn và xuất hiện bất ngờ. Nơi nhiều nền văn hoá, rắn được gán ghép với mầu nhiệm sự sống và sự chết. Chính vì thế mà sách Sáng Thế chương 2 nói có hai cây trồng trong vườn địa đàng, một cây ban sự sống và cây kia đem lại sự chết. Con rắn hứa mang lại sự hiểu biết (x.St 3,5) và sự sống (x.St 3,4), nhưng rủi thay chỉ đem lại một sự nhận biết quá thô thiển là biết mình trần truồng (x.St 3,7) và sự chết (x.St 3,22).

Rắn trong sa mạc

Nếu con rắn trong vườn địa đàng xuất hiện đang lúc con người đang ở đỉnh cao hạnh phúc, thì con rắn đồng trong sa mạc xuất hiện giữa cảnh cơ cực của những người tha hương vừa thoát khỏi kiếp nô lệ cho người Ai Cập (x.Ds 21,4-9).

Nếu con rắn trong địa đàng là hiện thân của tội lỗi và sự dữ, thì con rắn đồng trong sa mạc là “tin mừng” cho những kẻ ngước nhìn lên nó.

Nếu con rắn trong địa đàng hủy diệt mọi tương quan tốt đẹp giữa con người với Thiên Chúa, thì con rắn đồng trong sa mạc mang lại niềm hy vọng vì nhận ra lòng thương xót của Chúa.

Và nếu con rắn trong vườn địa đàng gieo sự chết vào thế giới loài người, thì con rắn đồng trong sa mạc lại có khả năng trao ban sự sống.

Như vậy, hình tượng của hai con rắn Cựu Ước hoàn toàn trái nghịch nhau. Hậu quả do con rắn trong địa đàng gây nên, sẽ được con rắn đồng trong sa mạc báo trước ngày chữa trị. Bởi hậu quả của con rắn thứ nhất gây nên chỉ toàn đổ vỡ, mất mát, ô nhục, sẽ được con rắn thứ hai bổ túc bằng cách cho thấy sự sống bắt đầu phát sinh, hạnh phúc bắt đầu ló dạng và niềm vui cứu chuộc bắt đầu tỏa sáng. Bởi do con rắn trong địa đàng, nhân loại đã phạm tội. Vì tội, nhân loại đáng được “Đấng Cứu độ đời đời” (bài ca Exultex – đêm Phục sinh), thì con rắn đồng trong sa mạc làm trọn vai trò của mình là báo trước ơn cứu độ đời đời ấy.

Con rắn đồng và Con Người trên thập giá

Khi nhắc lại: “Như Mô-sê giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy, để ai tin vào Người mà được sống muôn đời” (Ga 3, 14). Chúa Giê-su ám chỉ lúc mình được giương cao trên thập giá, ai đang ở trong hiểm nguy của tội lỗi, nhìn lên Người với lòng tin thì sẽ được cứu độ như Gioan viết: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,17).

Niềm tin và sự sống đời đời liên hệ chặt chẽ với nhau. Sự sống đời đời không do công con người “nhìn lên”, hay do công trạng của vật họ nhìn, nhưng chính là do ân sủng ban nhưng không của Thiên Chúa. Sách Khôn Ngoan viết: “Bất cứ ai ngước trông lên đều được cứu, không phải do bởi vật họ nhìn, nhưng là do chính Ngài, Đấng cứu độ muôn người hết thảy” (Kn 16,6-7).

Chúa Giê-su đã dùng hình ảnh con rắn để làm nổi bật nhiều ý nghĩa của các hành động. Hành động “treo lên”, hay “giương lên cao” để ám chỉ cách chết của chính Chúa cũng bị treo lên cây gỗ (x. Lc 23,33; Mt 27,33-35). Con Thiên Chúa đã mang vào trong mình tội lỗi của nhân loại mà đóng đinh tất cả vào thập giá, nhờ đó ơn cứu độ được ban cho muôn người.

Ngày xưa trong sa mạc, ai nhìn con rắn với niềm tin vào Đức Chúa cứu thì họ sẽ được cứu độ, nhưng hôm nay, họ không cần nhìn vật trung gian như nhìn vào con rắn đồng nữa, mà là nhìn thẳng vào Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ, họ sẽ được cứu (x. Ga 3,16).

Khi so sánh mình với con rắn đồng. Chúa Giê-su muốn cho nhân loại biết rằng, xưa dân Do thái vì tội mà bị rắn cắn, biết vâng lời nhìn lên con rắn đồng, hối hận và nhờ Mô-sê xin thì được Chúa tha cho. Ngày nay, con người với lòng thành tâm đích thực, khi nhìn thánh giá Đức Giêsu, “tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 14). Ngoài ra, con rắn đồng bị treo vì tội của dân, nên họ bị rắn cắn. Đức Giê-su chịu treo trên Thập giá là vì tội lỗi nhân loại.

Nếu ngày xưa ai nhìn lên con rắn đồng sẽ được cứu sống, thì ngày nay thập giá Chúa Ki-tô chính là ơn cứu độ trọn vẹn cho những ai tin (x.Ga 3, 15). Chúa Ki-tô mãi mãi là Đấng Cứu độ duy nhất của trần gian (x.Dt 13, 8).

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Facebook

Twitter

Email

Print

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org