Chương 6 – Tin Mừng Theo Thánh Matthêu

Bố thí cách kín đáo

* “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. 2 Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, 4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Cầu nguyện nơi kín đáo

* “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. 6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Kinh “Lạy Cha”

Lc 11, 2-4

7 “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhậm lời. 8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.

* “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này :

“Lạy Cha chúng con

là Đấng ngự trên trời,

xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,

10 triều đại Cha mau đến,

ý Cha thể hiện dưới đất

cũng như trên trời.

11 Xin Cha cho chúng con

hôm nay lương thực hằng ngày ;

12 xin tha tội cho chúng con

như chúng con cũng tha

cho những người có lỗi với chúng con ;

13 xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,

nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

14 “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. 15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.

Ăn chay cách kín đáo

16 * “Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 17 Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, 18 để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Của cải trên trời

Lc 12, 33-34

19 * “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. 20 Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. 21 Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.

Đèn của thân thể

Lc 11, 34-36

22 * “Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. 23 Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào !

Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của

Lc 16,13

24 * “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.

Tin tưởng vào Chúa quan phòng

Lc 12, 22-31

25 “Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? 26 Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? 27 Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? 28 Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; 29 thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. 30 Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin ! 31 Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? 32 Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. 33 Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. 34 Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.


*6,1 Sau sáu điểm tương khắc (“Còn Thầy, Thầy bảo anh em”), Mt đưa ra ba thí dụ về một bí quyết khác giúp chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa: hành động vì Chúa mà thôi, không cần ai hay biết, và làm sao cho ngay cả chính mình cũng không nhớ tới nữa.Bọn đạo đức giả. Cụm từ này sẽ trở lại ba lần, áp dụng cho những hành vi tốt lành, cho việc cầu nguyện và ăn chay. Thường cũng được dịch là “bọn giả hình”, nhưng từ gốc Hy-lạp ở đây có một nghĩa bao quát hơn, chỉ nói về những kẻ hay phô trương hoặc có tâm trí nông cạn, không thích đi sâu vào vấn đề nào cả.

Cưỡng lại lối sống đạo đức giả có thể là điều khó, tuy nhiên, làm điều lành mà không tự ngắm nghía mình lại còn khó hơn nhiều, nhưng ấy chính là bí quyết đưa chúng ta đi vào các bí mật của Thiên Chúa.

*6,5 Giá trị của cầu nguyện không ở chỗ nói nhiều hoặc đọc kinh cho nhiều. Nó chủ yếu nằm ở thái độ nội tâm tin Chúa và yêu Chúa của chúng ta. Nên hướng lòng trí chúng ta lên cùng Thiên Chúa là Cha, là bạn, một Thiên Chúa yêu thương chúng ta và luôn mong chờ chúng ta đến chia sẻ những giây phút thinh lặng với Người. Cầu nguyện không phải là nói nhiều, cũng không phải áp đặt cho Chúa ý muốn của mình, nhưng là trao phó vận mệnh của mình vào bàn tay yêu thương của Cha.

*6,9 Chúa Giê-su trao ban cho môn đệ kinh Lạy Cha như lời kinh thập toàn xuất phát tự con tim những con cái Thiên Chúa, bởi vì nó nói lên được những điều mà họ phải xin, theo thứ tự những gì mà lòng họ phải mong ước. Thật thì chúng ta có hai bản kinh Lạy Cha, vì Lc để lại một bản ngắn gọn hơn (11,1). Nhiều người nghĩ rằng Mt đưa ra một công thức thoáng rộng hơn, với bố cục hoàn chỉnh hơn, mà ngay từ thế hệ đầu tiên, người Ki-tô hữu buộc phải đọc; nhưng điều này không chắc là đúng. Trong Mt, có mười hai vế làm thành bảy ý nguyện: hai con số hoàn hảo. Ba ý nguyện (con số của Ba Ngôi) quy về Thiên Chúa, bốn ý nguyện (con số của bốn phương mặt đất) liên quan đến chúng ta.

Người đồng thời với Chúa Giê-su dùng chữ Trời để chỉ Thiên Chúa vì sợ phạm huý. Cũng trong nghĩa đó, Chúa Giê-su nói: Cha chúng con (là) Đấng ngự trên trời để chỉ Thiên Chúa Cha.

Chúng ta cũng thế, chúng ta nói “Ông Trời” để chỉ một thế giới khác, một thực tại khác không thuộc vật chất, không phải ở bên trên cũng không ở bên dưới, nhưng là một cõi nơi đó Thiên Chúa là tất cả, nơi đó Người đem thân mình chia sẻ cho tất cả những ai yêu mến Người. Khi hướng lòng về Đức Chúa Trời, chúng ta không nghĩ là Người ở nơi xa vời, quá cao xa đối với chúng ta. Chúng ta chỉ cố gắng nâng tâm hồn lên tới Người. Chúng ta nhìn nhận rằng mình không xứng đáng thưa chuyện với Người, rằng những lo toan của chúng ta thật ích kỷ và hẹp hòi so với các tâm tưởng uyên thâm và tình yêu vô biên của Người. Quy hướng về Người và gọi Người là Cha đã trở thành tự nhiên đối với chúng ta rồi, nhưng thật ra đó là một đặc ân dành riêng cho những ai được Người thương dạy dỗ.Kinh Thánh nói về Thiên Chúa và cũng nói về danh Thiên Chúa. Toàn thể tạo thành là một biểu hiện của Thiên Chúa. Thiên Chúa ở khắp mọi nơi trong vũ trụ, nhưng vũ trụ không chứa đựng Thiên Chúa, và Người không ở trong một nơi chốn nào nhất định. Vậy chúng ta nói danh Thiên Chúa để chỉ sự hiện diện hoạt động của Người, ánh hào quang rực rỡ bao trùm vạn vật của Người. Như thể để cho thấy có một khoảng cách giữa những gì ta biết về Người với bản thể của Người.Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển ! Xin cho khắp nơi danh Người được truyền tụng là thánh ! Xin cho ánh huy hoàng và lòng nhân ái của Người được biểu lộ nơi tất cả những ai đã trở nên con cái Người (5,6). Nguyện cho những ai tuân giữ lời Người đón nhận sự hiện diện và những giàu sang phong phú của Người. Theo Ga, Chúa Cha muốn cho danh Người trụ lại nơi chúng ta (Ga 17,11), để chúng ta được từng giây từng phút kết hợp với Người, như Chúa Cha và Chúa Con là một trong Chúa Thánh Thần vậy.

Xin cho triều đại Cha mau đến. Chúa Giê-su đến trần gian là triều đại Thiên Chúa đã đến với chúng ta. Thiên Chúa hiển trị ở tất cả những nơi mà con người đã nhận biết Người nhờ lời Chúa Giê-su. Ở đó, Người có thể hành động mà không sợ bị hiểu lầm, vì Người được nhận biết đúng với bản tính của Người. Các tín hữu nhận biết Thiên Chúa trong người Con được Người ban cho, trong sự hạ mình của người Con và trong tình yêu giữa Cha và Con. Nhờ khám phá này mà tình yêu thương và lòng nhân hậu toả lan khắp nơi, và với thời gian, chúng ta sẽ thấy vương triều Thiên Chúa trổ sinh ít nhiều hoa trái. Con cái Thiên Chúa là những con người được hoà giải; họ trở thành men trong xã hội, và con người toàn diện, với tất cả những dự phóng, lao động và kế hoạch kinh tế chính trị của họ, tiến tới mục đích chung là vạn vật cũng như muôn người đều cùng trở về với Chúa Cha.

Nhờ có chúng ta góp sức, hay mặc dù chúng ta hờ hững, triều đại Thiên Chúa rồi cũng sẽ đến, có hay không có chúng ta, bởi vì vương quyền Thiên Chúa thật sự đã ở giữa chúng ta rồi.Xin cho ý Cha thể hiện. Trong vườn Ghết-sê-ma-ni, Chúa Giê-su sẽ thốt lên lời này; lời này lên án nhiều lời cầu xin mà chúng ta thốt lên như để buộc Thiên Chúa ra tay hành động. Có người tưởng đức tin họ lớn mạnh vì họ luôn luôn chạy đến Thiên Chúa để giải quyết những vấn đề của họ. Thật ra con cái Thiên Chúa nâng tâm hồn lên tới Người là để cho ý muốn của Người trở thành chính ý muốn của họ.Dưới đất cũng như trên trời. Câu xác định này áp dụng cho cả ba lời cầu đi trước. Nó nhắc cho chúng ta nhớ rằng tất cả những gì đã được tạo thành và thuộc về thời gian đều lệ thuộc một thế giới khác, một thế giới không phải được tạo thành, không có thời khắc, và đó là mầu nhiệm Thiên Chúa chứ không là gì khác. Nơi đây, Chúa Cha là nguồn mạch thần tính, vui hưởng sự tuyệt hảo vô hạn của Người trong mối tình Ba Ngôi tặng hiến cho nhau, và đối diện với Người là các thánh: các ngài được như thế nào sau khi phục sinh thì Thiên Chúa nhìn thấy các ngài y như vậy. Thiên Chúa nhìn thấy vũ trụ được thống nhất trong Chúa Ki-tô, cũng như thấy ý muốn đã thành sự của Người và được mọi người tôn vinh. Phần chúng ta là những kẻ đang sống trong thời gian, mục kích một cuộc sinh nở đớn đau, thấy sự ác như đang chiến thắng, chúng ta cầu nguyện sao cho mọi sự thuận theo kế hoạch của Thiên Chúa, mà kế hoạch này cuối cùng sẽ được thực hiện.

Chúng ta xin Cha thứ lương thực mà Người đã hứa ban cho những ai chú tâm đến Lời Người (Đnl 8,3). Con người hiện đại nghĩ rằng tất cả những tiện nghi vật chất của họ là do cố gắng của chính mình. Nhưng Kinh Thánh dạy rằng tất cả vừa tuỳ thuộc Thiên Chúa vừa tuỳ thuộc chính chúng ta. Một mình chúng ta đơn phương sẽ có thể làm một vài phép lạ kinh tế trong một thời gian, nhưng chúng ta cũng sẽ phung phí các của cải đã được tích trữ. Còn ai trông cậy vào Thiên Chúa để có, không phải của ăn cho mình mà của ăn cho chúng con, thì người ấy sẽ cố hết sức mình tìm cho có công ăn việc làm, thực hiện một công việc hữu ích và phát huy công bằng nơi mình làm việc.

Phải nói lương thực cần dùng, hay hằng ngày, hay đầy đủ? Bởi vì bản văn gốc sử dụng một từ khó hiểu mang nhiều nghĩa. Phần đông người ta hiểu rằng ngoài những gì thân thể họ đòi hỏi, con cái Chúa cảm thấy cần có biết bao nhiêu thứ khác nữa, rằng ở đây cũng như trong phép lạ hoá bánh ra nhiều, bản văn đã ngầm nói đến Thánh Thể.

Có những bản dịch dùng chữ nợ ở 6,12, nhưng 6,14 cho thấy có chữ lỗi. Đối với Chúa Giê-su, hẳn nợ và lỗi là như nhau. Khi tha thứ cho ai xin lỗi chúng ta, chúng ta nào có tặng họ món quà gì, đâu có công trạng gì: chính chúng ta được nhẹ gánh một sự hiềm thù đã từng đè nặng trên mình. Bám víu quyền lợi của mình là cắm neo ở đời này. Thiên Chúa thì muốn tha thứ cho chúng ta và đưa chúng ta đến gần Người; vậy Người làm thế nào được nếu chúng ta khư khư với những cái thuộc thế gian này ?

Chúa Giê-su đang nói với những người nghèo, thường mắc những món nợ nặng đến không thanh toán nổi, những người nghèo buộc phải sống với những người láng giềng mà họ đã không chọn, là điều gây thêm những dịp xích mích nhau. Ngày nay, nhiều người sống độc lập, và đối với họ, lý tưởng là đừng có mang ơn ai hết. Do tự mãn như thế mà họ khó có thể hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa đối với kẻ nghèo là tất cả chúng ta, trước mặt Người.Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ. Đó là lời của một người ý thức được sự yếu đuối của mình. Và chúng ta sẽ còn cẩn trọng hơn nữa nếu biết rằng tuy bản dịch dùng từ sự dữ, nhưng kẻ thù của chúng ta thật ra là Ác Thần, là Tên Độc Dữ. Tên này mạnh hơn chúng ta, luôn rình chờ mê hoặc chúng ta, làm tê liệt đức tin và đánh bại chúng ta, chỉ cần chúng ta thờ ơ với những phương tiện mà Chúa Giê-su ban cho để giúp chúng ta sống kiên trì trong đức tin, trong lòng Hội Thánh Người.

*6,16 Ở đây, Chúa Giê-su không bào chữa cũng không lên án việc ăn chay (9,15; 17,21). Chính Chúa đã ăn chay (4,2). Chúa chỉ khẳng định rằng việc ăn chay chẳng có giá trị nào nếu chúng ta lấy đó để được thiên hạ tán dương chứ không phải để được Thiên Chúa tán thưởng. Phải đọc đoạn này trong mạch ý của 6,1 và 6,5: Chúa dạy làm việc thiện mà không phô trương.

Tôn giáo nào cũng dạy thực hành trai tịnh: đây là một cách thức để xin Thiên Chúa đoái thương nhìn đến mình, nhất là khi có những tai hoạ ập xuống trên đầu (Ge 2,12); để cho những ai cảm thấy mình có tội có thể kêu đến lòng thương xót của Thiên Chúa (Gn 3,8). Đây cũng là một phương thức luyện tập chế ngự bản thân và huy động nội lực, chuẩn bị chúng ta sẵn sàng đón nhận ơn Chúa.Kinh Thánh giới hạn vị thế của việc ăn chay; các ngôn sứ tuyên bố nó không có ích gì nếu không đi đôi với một cách đối xử công bằng hơn với người thân cận (Is 58; Dcr 7,5).Một số người dùng việc ăn chay như một cách gây áp lực trong xã hội, như một khí cụ trên chính trường, hầu mọi người lưu ý đến những yêu sách của họ. Rất tốt, nhưng đó không thuộc loại ăn chay mà Chúa Giê-su nói đến, tức là giữ chay để kêu lên tới Chúa chứ không phải công luận (Mt 6,18). Giữ chay như thế đòi hỏi đương sự phải thật lòng hoán cải và sám hối tội lỗi mà chính mình đã phạm.

*6,19 Đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất. Trong nhiều thế kỷ, phần đông người ta không có dự trữ cá nhân: khi gặp khó khăn, họ được gia đình hoặc bộ lạc gánh vác. Ngày nay mỗi người phải lo tự lực tự cường; có thể như vậy là tốt hơn, nhưng làm sao thoát được nỗi ám ảnh về tương lai mà mình phải bảo đảm? Một lần nữa, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa Cha: nếu chúng ta gánh vác công việc của Chúa thì Chúa sẽ gánh vác công việc của chúng ta.Lòng anh cũng ở đó. Theo văn hoá Do-thái cũng như Á Đông, cái tâm, cái lòng là khu vực của những phán đoán và quyết định. Không phải tôi là chủ sở hữu các kho tàng, mà các kho tàng lại là chủ sở hữu tôi và dần dần áp đặt cho tôi nếp sống này hay nếp sống kia.Lòng anh ở đó. Chính niềm xác tín này thôi thúc một số người tìm cách “sống nghèo khó theo Tin Mừng”. Họ chủ tâm siêu thoát tối đa đối với mọi sự để nhắm tới hành động và yêu thương. Chúa Giê-su kêu mời chúng ta hành động vô vị lợi; đồng thời Người muốn chúng ta cảnh giác không để tình cảm trói buộc mình, không để lòng ham muốn vật chất hoặc ý thức hệ nào làm cho mình vướng víu: ra tay làm việc, nhưng không bao giờ bám víu thành quả lao động của mình.

*6,22 Con mắt đây là lương tâm. Nhưng đàng khác, người có con mắt sáng là người hào hiệp, và kẻ có con mắt tối là kẻ hẹp hòi. Chúa Giê-su nhấn mạnh điều Người vừa nói: lương tâm lệch lạc sẽ làm cho chúng ta lạc lối và thu mình lại chỉ còn biết có mình.

*6,24 Không ai có thể làm tôi hai chủ. Mở đầu câu như thế giúp chúng ta hiểu ý Chúa Giê-su muốn nói gì: Người muốn chúng ta tháo cởi những mối lo toan để phụng sự Thiên Chúa.

Kinh Thánh đã từng dạy phải biết chọn lựa giữa Thiên Chúa và các tà thần. Nay Chúa Giê-su tuyên bố rằng tiền tài là một tà thần, bởi vì nó hứa hẹn một tương lai hạnh phúc và an toàn nhưng lại làm cho ta đánh mất phần tài sản thực thụ của mình là giây phút hiện tại.Xin nói cho rõ ý: tiền bạc và các trương mục ngân hàng là những phương tiện cần thiết trong xã hội hiện đại; không ai lên án điều đó cả, và cũng như mọi thứ phương tiện khác, nó tốt xấu là tuỳ cách nó được sử dụng. Tuy nhiên tiền là phương tiện để có tất cả những cái khác, và hơn nữa, đó là cái người ta để dành một bên để bảo đảm tương lai. Làm tôi tiền của là cậy vào nó để bảo tồn mạng sống trong hiện tại (Lc 12,15) và bảo đảm cho tương lai, trong khi tất cả, từng giây từng phút, là trực tiếp tuỳ thuộc Thiên Chúa.

Khi chúng ta chỉ nghĩ đến bảo đảm cho tương lai, như những tay keo kiệt khư khư giữ lấy các trương mục ngân hàng, thì chúng ta đâu có thể sống thật sự và sống tự do nữa. Chúng ta hờ hững trước sự tăng trưởng của chính mình, hờ hững đối với gia đình, và cúi rạp trước mặt kẻ quyền thế.Lo lắng làm gì? Tất cả công trình của Thiên Chúa là giải thoát, nhưng chúng ta có đủ đức tin để thoát khỏi ngần ấy lo lắng không ?

Tại sao so sánh với hoa cỏ và chim trời? Nếu Người đã ban cho chúng ta hai bàn tay và khối óc, ấy là để chúng ta sử dụng. Nhưng Chúa Giê-su cho chúng ta thấy nếu những thụ tạo nhỏ bé như thế mà Thiên Chúa còn săn sóc và làm cho đẹp, thì phương chi mỗi người chúng ta còn được Người quan tâm biết bao, và Người ao ước cho chúng ta được một cuộc sống tươi đẹp, cao quý và hoàn hảo là ngần nào.Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người. Đây là những điều rất cụ thể: tìm Nước Thiên Chúa, là sống một cuộc đời trong sáng cho thấy có Chúa hiện diện; tìm đức công chính của Thiên Chúa, là chỉnh lý toàn bộ con người và hành động của mình dưới con mắt của Thiên Chúa. Đối với một người trẻ, một đôi vợ chồng, đây là một cuộc đánh liều: suy tính về tương lai, gia đình và hoạt động tông đồ theo các tiêu chuẩn của Tin Mừng chứ không phải dưới sức ép của những đua đòi trần thế. Lấy thời giờ của mình phục vụ Tin Mừng; yêu thương con cái, hay học sinh của mình, như Chúa yêu thương chúng, chứ không phải yêu thương những đứa giỏi giang nhất, làm việc có năng suất nhất.

(Nguồn: tonggiaophanhanoi.org)