Chương 5 – Tin Mừng Theo Thánh Matthêu

2. BÀI GIẢNG TRÊN NÚI

Chương 5

Tám mối Phúc

Lc 6,20-23

* Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. 2 Người mở miệng dạy họ rằng:

3 “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,

vì Nước Trời là của họ.

4 Phúc thay ai hiền lành,

vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

5 Phúc thay ai sầu khổ,

vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

6 Phúc thay ai khát khao

nên người công chính,

vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

7 Phúc thay ai xót thương người,

vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,

vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình,

vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,

vì Nước Trời là của họ.

11 Phúc thay anh em khi vì Thầy

mà bị người ta sỉ vả, bách hại

và vu khống đủ điều xấu xa.

12 Anh em hãy vui mừng hớn hở,

vì phần thưởng dành cho anh em

ở trên trời thật lớn lao.

Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.

Muối cho đời và ánh sáng cho trần gian

Mc 9,50 ; Lc 14,34-35

13 * “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.

14 “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. 15 Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. 16 Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.

Đức Giê-su kiện toàn Luật Mô-sê

17 * “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. 18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. 19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.

Đức công chính của người môn đệ

20 “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

Đừng giận ghét

Lc 12,57-59

21 * “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. 22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. 23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, 24 thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. 25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. 26 Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.

Chớ ngoại tình

27 * “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. 28 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. 29 Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. 30 Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục.

Đừng ly dị

Mt 19,9 ; Mc 10,11-12 ; Lc 16,18

31 * “Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. 32 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.

Đừng thề thốt

33 * “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. 34 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. 35 Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giê-ru-sa-lem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. 36 Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. 37 Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.

Chớ trả thù

Lc 6,29-30

38 * “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Mắt đền mắt, răng đền răng. 39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. 40 Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. 41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. 42 Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.

Phải yêu kẻ thù

Lc 6,27-28.32-36

43 * “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.


*5,1 Đức Giê-su lên núi. Khung cảnh nơi Mt đặt trình thuật Bài Giảng trên núi là một trong những ngọn đồi nằm dọc biển hồ Ti-bê-ri-a. Nhưng vẫn viết là “núi” để nhắc ta nhớ núi Xi-nai, nơi ông Mô-sê đã nhận Luật Chúa (Xh 19). Lý do là vì trong diễn từ đầu tiên này của Chúa Giê-su (x. Dẫn Nhập), Mt giới thiệu Chúa như vị Thầy sắp ban cho Ít-ra-en và toàn thể nhân loại điều Luật mới, có hiệu lực vĩnh viễn.

Công thức Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết sẽ trở lại đến sáu lần, để nhấn mạnh sự đối chọi giữa Luật Mô-sê và Luật mới.

Nhưng không nên hiểu sai nghĩa chữ Luật này. Luật trước hết không phải là các điều răn, mà là giáo huấn của Thiên Chúa. Trước hết chính những lời tuyên bố của Thiên Chúa đã xác lập Ít-ra-en thành dân riêng của Người, được trao cho một sứ mạng trong thế giới.Phúc thay ! Đoạn đầu tiên này cho chúng ta thấy dân mới của Thiên Chúa được Người ban Luật. Trước kia, Luật đã được ban cho “con cháu Áp-ra-ham và Ít-ra-en” mà ông Mô-sê đã đưa ra khỏi Ai-cập. Nhiều đoạn Kinh Thánh viết : “Ít-ra-en, ngươi thật có phúc”, nghĩa là ngươi thật may mắn được chọn, và thật là một ân huệ lớn lao được làm dân Thiên Chúa ; ngươi thật có phúc vì được Thiên Chúa trao gửi lời Người (Đnl 33,29 ; Tv 144,15 ; Br 4,4).

Rồi đột nhiên Tin Mừng nói về một dân khác của Thiên Chúa. Không còn là đoàn dân gồm 12 chi tộc, với miền đất, ngôn ngữ riêng của nó, với những ranh giới và những tham vọng quốc gia nữa, nhưng là một dân gồm những người mà Thiên Chúa đi tìm từ giữa mọi dân mọi nước. Và họ là ai, những người mà Thiên Chúa tuyển chọn và phải tự hào được diễm phúc hưởng ơn gọi ấy ? Thưa đó là những kẻ nghèo khó, những ai buồn khổ khóc than, những người đã bao lần toan nguyền rủa số phận, những tội lỗi và những mâu thuẫn của chính mình.Ở đây, Mt trình bày tám mối Phúc, trong khi Lc 6,20-26 chỉ cho ba mối (người nghèo, người đói và kẻ khóc than). Nhưng điều này không quan trọng, bởi vì thật ra, tất cả đều cùng triển khai một chủ đề duy nhất. Điểm khác biệt chính yếu giữa Mt và Lc nằm ở chỗ các mối phúc được trình bày cho hai nhóm người khác nhau.Chúa Giê-su tuyên bố các mối phúc làm sao, Lc ghi lại y như vậy. Chúa đang nói với đám người bình dân, và Người nói năng như một người cùng giai cấp với họ. Chúa tuyên bố thẳng thừng, không nói bóng bẩy, y như các ngôn sứ : Anh em là kẻ nghèo, anh em là những người đầu tiên được hưởng các lời hứa của Thiên Chúa.Mt thì ngược lại, nhắm tới thành phần Ki-tô hữu. Giáo Hội đã lan ra rộng rãi, và các cộng đoàn thuộc những tầng lớp xã hội rất khác nhau : người nô lệ, dân chất phác và người giàu có. Vậy khi tác giả Mt đặt lên miệng Chúa Giê-su những lời khen chúc này thì đó là một cách ông chiêm ngắm những việc Chúa đã thực hiện nơi họ : Phúc thay những ai đã lãnh nhận thần khí của Thầy, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Rồi ông thêm vào danh sách ấy những người xây dựng hoà bình và những ai có tâm hồn trong sạch.Vậy là Lc cho biết phải rao giảng Tin Mừng cho ai trước tiên : cho những hạng người bị xã hội rẻ rúng và có nhiều khó khăn hơn. Tác giả Mt thì khác : ông nhắc nhở chúng ta về ơn gọi của mình, đồng thời chỉ cho thấy phải làm thế nào để được xứng với Thiên Chúa, Đấng đã chọn chúng ta.Những người được xem là có phúc không phải do đau khổ mà có phúc : hiểu như vậy thì rất khó nghe. Họ có phúc là vì Nước Trời được mở ra tiếp đón họ.Nước Trời là của họ (c. 3), và ngay sau đó họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. Đất và Trời ở đây có mâu thuẫn nhau không ?

Trước hết, phải hiểu chữ Trời theo nghĩa nó được dùng vào thời Chúa Giêsu. Người Do-thái hết sức tôn sùng danh xưng Thiên Chúa, nên rất sợ phạm huý. Vì vậy họ dùng những từ khác thay cho danh xưng ấy, như là Trời, Vinh Quang, Quyền Lực. Nước Trời hiểu sát nghĩa là Nước Thiên Chúa, giống như Cha trên trời có nghĩa là Thiên Chúa Cha vậy. Trên môi miệng Chúa Giê-su, Nước Trời thường không chỉ về phần thưởng dành cho chúng ta sau khi chết (khi đó sẽ là Nước của Cha), nhưng chỉ về Triều Đại Thiên Chúa đến với chúng ta trên trần gian này cùng một lúc với Chúa Giê-su.

Cũng vậy, phải hiểu chữ Đất theo đúng nghĩa của nó. Trong Kinh Thánh, chữ này chỉ đất Pa-lét-tin, vì chính đó là nơi mà Thiên Chúa đến cứu dân Người. Tin Mừng cũng không cho đối lập cái vật chất và cái thiêng liêng – thật ra trong toàn bộ Tin Mừng, không thấy có từ “thiêng liêng” ở đâu cả. Khi Thiên Chúa dùng miệng các ngôn sứ mà phán dạy, thì Người hứa ban cho dân Người một thế giới trong đó mọi nhu cầu sẽ được thoả mãn : nào là những bữa tiệc ngon (Is 25,6), cuộc đời trường thọ, nào là nước dư thừa để tưới đất đai, ơn giải thoát khỏi mọi áp bức, một vương quốc công bằng. Nhưng hơn tất cả những thứ ấy là Thiên Chúa sẽ đến ở với loài người và thông ban cho họ Thần Khí của Người : Chúng sẽ là dân của Ta, và Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng (Ed 37,23).

Trong các mối phúc cũng vậy, Nước Thiên Chúa vừa là đất Pa-lét-tin đã được hứa ban cho con cháu Áp-ra-ham, vừa là miền đất của bình an vì có Thiên Chúa hiện diện. Những ai khát khao nên người công chính sẽ nhận được của ăn thể xác lẫn sự thánh thiện của Thiên Chúa, bởi trong Kinh Thánh, công chính cũng có nghĩa là sống đẹp lòng Thiên Chúa.

Và Chúa Giê-su nói chúng ta sẽ được thoả lòng theo nghĩa như thế đó. Niềm an ủi của chúng ta trên đời là được biết và nghiệm thấy rằng Thiên Chúa yêu thương chăm sóc chúng ta, và dù thế nào đi chăng nữa, Người cũng đảo ngược tình thế cho người bị áp bức. Cũng có nghĩa là chúng ta biết rằng, ngay cả khi Người có vẻ chẳng nghe thấu lời cầu nguyện của chúng ta, gánh nặng khổ đau của chúng ta vẫn có một ý nghĩa và một mục đích. Cuối cùng, chẳng đáng mừng lắm sao khi được biết rằng, trong đời sau, Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta nhiều hơn là những gì chúng ta có thể mong ước hoặc xứng đáng lãnh nhận !

Cho đến thời Chúa Giê-su giáng thế, loài người sống trong nỗi niềm chờ mong. Chúa Giê-su nói cho chúng ta biết một kỷ nguyên mới đã bắt đầu : Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta, và đối với những ai có tâm hồn trong sạch, Triều Đại Người đã đến, nghĩa là những dục vọng của họ đã được thanh luyện, và họ sẽ được nhìn thấy Người.Phúc thay … bị bách hại. Như Lc, Mt triển khai mối phúc cuối cùng này, vì dù là ở đâu, chúng ta cũng không thể sống Tin Mừng mà không phải chịu bách hại.

*5,13 Sau khi nêu danh những ai được vào Vương Quốc, Chúa Giê-su sắp nhắc nhở họ về sứ mạng của mình. Giáo Hội là muối, là ánh sáng. Đối với người Do-thái, muối trước hết không phải là đồ gia vị mà là chất bảo tồn thực phẩm. Giao ước của Thiên Chúa với các tư tế là giao ước muối bởi vì nó phải tồn tại vĩnh viễn (Ds 18,19). Vậy môn đệ Chúa Giê-su là muối cho đời nếu nhờ họ mà thế gian trung thành giữ giao ước với Thiên Chúa. Họ phải bảo tồn niềm khát vọng đạt tới đức công chính đích thực, và không bao giờ để cho xã hội loài người hài lòng với cuộc sống nửa đời nửa đạo.Ánh sáng cho trần gian : x. “con cái ánh sáng” : Ep 5,8 ; 1 Tx 5,5 ; 1 Pr 2,12.

*5,17 Ở đây bắt đầu đoạn văn trình bày Luật mới. Rất khác với những gì người ta quen tìm thấy trong một tôn giáo : những nghi lễ và tập tục, luật giữ chay, những kinh kệ và việc lành phúc đức mà nhờ đó người ta xứng đáng được cứu rỗi. Chúa Giê-su sẽ không đề cập tới những điều đó vì Kinh Thánh đã nói dài lắm rồi. Vả lại, việc nghiên cứu Kinh Thánh cũng cho thấy rằng các luật lệ, nghi lễ và tập tục luôn có liên hệ với một nền văn hoá nhất định, và phải được thích nghi theo thời gian.Lề Luật (c. 18) : từ ngữ này có khi chỉ về toàn bộ tôn giáo của Ít-ra-en. Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ : đây là lối nói chỉ về toàn bộ sách Kinh Thánh.

Toàn bộ Lề Luật phải được hoàn thành (c. 18). Ở đây, Chúa Giê-su không nói về các điều răn. Người khẳng định rằng đạo của Cựu Ước là một giai đoạn tạm thời nhưng cần thiết trong lịch sử cứu độ. Cũng như các lời ngôn sứ phải được hoàn thành, thì cũng vậy, những lễ nghi và lễ tế của thời Cựu Ước diễn đạt cách nào đó mầu nhiệm tội lỗi và lòng thương xót, cũng phải được hiểu dưới ánh sáng mà Chúa Giê-su đem lại.

Vì lẽ đó mà đối với chúng ta, việc giữ các luật lệ trong Kinh Thánh tự nó không phải là một cùng đích. Đó là cách biểu hiện tình yêu đích thực, và là những tay vịn cho khỏi sẩy chân. Nhờ tuân theo luật, chúng ta sẽ ở trong thái độ sẵn sàng tùng phục Chúa Thánh Thần để đi xa hơn luật. Như vậy chúng ta sẽ khám phá một “sự công chính” còn hoàn hảo hơn sự công chính mà các nhà thông luật thời Chúa Giê-su, là các kinh sư và người Pha-ri-sêu, đòi hỏi (5,20).Khi chuẩn bị dạy cho chúng ta hiểu Luật Chúa cách mới mẻ hơn, Chúa Giê-su dặn chúng ta đề phòng cơn cám dỗ đi tìm sự dễ dãi. Có thể nhiều người hiểu sai lời Chúa Giê-su và nói : Hay quá, với Ngài thì đâu có gì bắt buộc, giữ đạo dễ thôi ! Vì vậy, Chúa Giê-su nói rõ : Ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Những ai lấy cớ rằng các điều luật ấy đâu có gì quan trọng để chữa tội làm biếng của mình thì cũng bị cảnh cáo như vậy. Chúa Giê-su dạy tinh thần giữ Luật cho những ai đã trung thành sống theo một luật nội tâm rồi.

*5,21 Ở đây các mâu thuẫn bắt đầu xuất hiện : Anh em đã nghe …, còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết. Công thức này sẽ lặp lại sáu lần. Chúa Giê-su ám chỉ phần đọc Sách Thánh trong ngày sa-bát ở các hội đường, cũng như ngày nay trong các nhà thờ, mỗi tuần có đoạn Sách Thánh phải đọc trong phần phụng vụ Lời Chúa. Người ta nghe đọc đoạn sách bằng tiếng Híp-ri hoặc bản dịch tiếng A-ram, sau đó các trưởng hội đường hoặc khách mời nói lời bình giải. Trước đó Chúa Giê-su đã ra mặt khi lên tiếng trong các buổi nhóm họp như thế, và có thể Người đã nhiều lần tuyên bố : “Quý vị vừa nghe nói, còn tôi, tôi bảo rằng”, vì Người “giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền” (Mt 7,29).

Chúa Giê-su không đặt lại vấn đề các đòi hỏi của Kinh Thánh, cũng không chỉ lo việc bình giải suông ; luật Chúa Ki-tô chính là một lời kêu gọi thanh luyện cái tâm, tức là các ý định và ước muốn của chúng ta. Đó là một sự minh mẫn mới do cái nhìn được hướng về Thiên Chúa. Khi hướng nhìn lên Chúa Cha (đây là cái mới mẻ đáng kể : bắt chước Thiên Chúa Cha : 5,48) thì chúng ta thấy rõ các tiêu chuẩn đạo lý của loài người thật bất toàn biết bao.Chúng ta gọi là tội không những cái thấy được và lên án được mà thôi. Tội của tôi còn là những tư tưởng xấu và những ước muốn mà tôi dung dưỡng trong lòng, sẽ phát sinh những hành vi xấu khi có dịp ra tay. Chúa Giê-su sẽ nhiều lần trở lại các điểm này : 12,34.Trước khi trả hết đồng xu cuối cùng. Việc đền bù cũng thế, không chỉ có nghĩa là hoàn trả những gì tôi đã lấy. Còn phải tự hỏi tại sao tôi lại buông theo đủ thứ ước muốn, và làm thế nào để ý chí của tôi được kiên cường hơn. Chúng ta đôi khi nhìn nhận rằng tình yêu của chúng ta đối với Chúa thật là ít ỏi và chúng ta không bền đỗ lắm trong việc thiện ; đó là hậu quả của nhiều năm sống trong tội lỗi và sai lầm. Chúng ta đã có cách quên bãng đi hết, nhưng lại không bù đắp những tổn hại nó đã gây ra nơi chúng ta.

Nếu khi còn sống chúng ta không được thanh luyện thì sẽ được thanh luyện sau khi chết : Giáo Hội quen gọi đó là “luyện ngục”. Sự biến đổi lúc bấy giờ không thể hiện được nếu Thần Khí không thiêu huỷ sạch hết mọi cội rễ của sự dữ (Mt 3,11).

*5,27 Chớ ngoại tình. Đối với số đông, luật chung thuỷ là một gánh nặng và là chuyện lỗi thời mà người ta chỉ còn biết thán phục nơi kẻ khác. Nhưng Chúa Giê-su thì đặt nó lại trong các định luật của thế giới nội tâm, nơi Thiên Chúa là Đấng Trung Thành đến ngự trị.Nếu mắt phải của anh (c. 29). Nên lưu ý sự tương phản giữa “tay của anh” hoặc “mắt của anh” với “anh”. Chúa Giê-su sẽ nói : Hãy biết khước từ tất cả, và ở đây Người nói rõ : từ khước đến cả sự toàn vẹn của thân thể nữa. Triển nở bản thân, sống thoải mái : những tiêu chuẩn này có giá trị gì ? Ai nấy nghĩ : “Tôi muốn sống cuộc đời của tôi” ; và để bào chữa cho việc phá thai, người ta nói : “Mỗi người phụ nữ làm chủ thân xác mình.” Chúa Giê-su trả lời rằng sự sống thật thuộc một thế giới khác, và mỗi người xây dựng bản ngã đích thực của mình qua việc chấp nhận những mất mát trên đời này.

Có phải chỉ cần hy sinh những gì có thể đưa tới tội trọng mà thôi không ? Lời Chúa Giê-su đi xa hơn. Tuy miệng không ngớt than van về cuộc đời, về thế giới, nhưng người ta vẫn tìm mọi cách để sống cho mình và hưởng thụ. Mà nếu chính đó đích thị là tội, là sa ngã ? Chẳng phải là vậy sao, cái tâm trạng sợ phải liều mình, phải hy sinh mạng sống mình để đáp lời kêu gọi của Thiên Chúa ?Và Chúa Giê-su nói về một hoả ngục bởi không có gì tồi tệ hơn điều này : một cuộc đời không mang lại thành quả nào, và cái tôi đáng lý phải là vĩnh cửu lại bị chết non.

*5,31 Ai rẫy vợ. X. bình giải Mc 10,1 ; Mt 19,2.

Ở đây Chúa Giê-su đề cập đến một ví dụ chọn lựa đầy dũng cảm mà người Ki-tô hữu có thể được gọi phải có. Thiên Chúa đôi khi đòi hỏi những hy sinh anh dũng, và những ai không chọn con đường hẹp mà đi thì đánh mất một phần Tin Mừng.Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp. Ở đây, Mt cho phép có ngoại lệ đối với nhiều người tín hữu trước đây là ngoại giáo. Khi gia nhập Hội Thánh, họ đã huỷ cuộc hôn nhân bất hợp pháp và chia tay với người đang ăn ở với mình (x. 1 Cr 7,12-16). Vì bản gốc Hy-lạp không rõ nghĩa, nên còn có thể dịch là ngoại trừ trường hợp tình phụ. Các bản cổ xưa nhất dạy rằng nếu như vậy thì có thể ly dị nhưng không được tái hôn.

*5,33 Nhiều người kêu tên Chúa bất cứ lúc nào. Nếu chúng ta nhắc đến Người cách cẩu thả hời hợt như thế, ấy là vì chúng ta chưa thấm đậm sự hiện diện của Người. Thật là thiếu tôn kính khi kêu cầu Thiên Chúa làm bảo chứng cho sự chân thành của ta, trong khi ngay cả những dối gian và ô uế nơi bản thân mình, chúng ta hãy còn chưa nhận thức !Thêm thắt điều gì là do ác quỷ và do ý muốn bào chữa cho chính mình, khẳng định mình có lý trước mặt tha nhân. Con cái Thiên Chúa thì nên phó thác vào tay Thiên Chúa tiếng tăm cũng như thân phận của mình. Sự thật thế nào cũng sẽ được sáng tỏ, và chúng ta chỉ cần làm những chứng nhân trung thực là danh Chúa được vinh quang (cũng x. Mt 23,16 ; Gc 5,12).

*5,38 Mắt đền mắt, răng đền răng. Kinh Thánh có câu này vì trong bối cảnh thời bấy giờ, đó là một châm ngôn hợp lẽ phải (Đnl 19,18-21). Nó giữ cho việc trả thù có chừng có mực, và nhắc nhở các thẩm phán, và ngay cả cộng đồng xã hội, bổn phận bảo vệ các thành viên của mình khỏi tay những kẻ mạnh hay uy hiếp kẻ yếu.Đừng chống cự người ác. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta cũng nhìn địch thủ với cái nhìn mà Chúa có thể nhìn chúng ta : ai là người ác ?Hãy giơ cả má bên trái ra nữa : hãy ra khỏi cái vòng bạo lực. Như trong môn nhu đạo, hãy gây ngỡ ngàng cho đối thủ bằng chính cái chiêu mà nó không ngờ trước : biết đâu nó sẽ nhận ra là nó sai ? Khước từ bạo lực và tư lợi sẽ buộc Thiên Chúa ra tay bênh vực chúng ta : Chúa Giê-su không nghi ngờ điều đó. Và đừng quên rằng Người muốn đưa chúng ta đến chỗ “nhìn thấy Thiên Chúa” đang hoạt động trong đời mình.Nếu có người bắt anh làm một việc gì. Chúa Giê-su đang nói với lớp người nông dân bị quân xâm lược hà hiếp. Bên ngoài họ thường tỏ ra khuất phục và chịu đựng, tuy nhiên, bên trong là uất hận căm thù. Nhưng vào lúc này, họ có khả năng nghe một lời khuyên như thế không ? Chúa Giê-su đã thấy dân Do-thái đang trên đường dẫn đến một bi kịch như thế nào rồi.

*5,43 Hãy yêu đồng loại. Đây là điểm tương khắc cuối cùng giữa luật cũ và luật mới. Cựu Ước nói về lòng nhân ái, và đó là tình liên đới giữa những thành phần trong dân Chúa. Còn Tin Mừng thì đi xa hơn, và không chỉ khuyên nên có một lòng nhân ái quảng đại hơn mà thôi đâu : Tin Mừng đưa vào một thế giới hoàn toàn khác. Trong nội bộ một nhóm người, tình liên đới phát triển theo một bản năng tự nhiên. Nhưng rồi nhóm này chỉ tồn tại và tự khẳng định căn tính của mình bằng cách chống đối với những nhóm kia mà thôi.Hãy ghét kẻ thù. Trong Kinh Thánh không đâu dạy như thế, nhưng có những chỗ có tư tưởng tương đương (Đnl 7,2). Nói về kẻ thù dân tộc chứ không phải kẻ thù cá nhân, thì khuyên nên dè dặt với chúng, không nên giúp đỡ chúng, thậm chí thà giết sạch chúng đi còn hơn là thông đồng với chúng trong lầm lỗi.

Ngày nay, nếu ở nhiều quốc gia, người ta hiểu lòng nhân đạo là không biên giới, thì phải nhìn nhận đó là hoa quả của Tin Mừng : Chúa Giê-su đã mở lòng mở trí cho chúng ta đón nhận tình yêu đại đồng của Chúa Cha, lấy đó làm chuẩn mực để mà yêu thương đồng loại. Nhưng chỉ cần mở một tờ báo ra đọc cũng có thể thấy rằng lòng nhân ái đó đối với tha nhân –dù tha nhân này là loại người nào đi nữa, thuộc một cộng đồng xã hội, quốc gia hay tôn giáo thù nghịch với cộng đồng của riêng chúng ta–, vẫn còn là điều xa lạ đối với số đông, ngay cả trong giới người tín hữu ở các nước Ki-tô giáo. Một khi đã hiểu rằng mỗi một con người đều có chỗ đứng trong thế giới này, rằng Thiên Chúa điều khiển cho mọi sự đều sinh ích cho mọi người, thì chúng ta nhìn thấy được như Chúa thấy và trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. “Hoàn thiện” theo một nghĩa rất ư xác thực, tuy hãy còn nhiều điểm bất toàn.Hãy yêu kẻ thù: Mc 12,31 ; Lc 10,27 ; Rm 13,9 ; Gl 5,14 ; Rm 12,20 ; Lc 23,34 ; Cv 7,60 ; Rm 12,14 ; Ep 5,21.

(Nguồn: tonggiaophanhanoi.org)