Chương 18 – Tin Mừng Theo Thánh Matthêu

2. BÀI GIẢNG VỀ GIÁO HỘI

Ai là người lớn nhất trong Nước Trời ?

Mc 9,33-37; Lc 9,46-48

* Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời ?” 2 Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông 3 và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

4 “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.

Đừng làm cớ cho người ta sa ngã

Mc 9,42-48; Lc 17,1-2

5 “Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy. 6 Nhưng ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn. 7 Khốn cho thế gian, vì làm cớ cho người ta sa ngã. Tất nhiên phải có những cớ gây sa ngã, nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã.

8 “Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay cụt chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời. 9 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hoả ngục.

10 “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. [ 11 Vì Con Người đến để cứu cái gì đã hư mất].

Con chiên lạc

Lc 15,4-7

12 * “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? 13 Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. 14 Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.

Sửa lỗi anh em

15 * “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. 16 Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. 17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.

18 “Thầy bảo thật anh em: Dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.

Hợp lời cầu nguyện

19 “Thầy còn bảo thật anh em: Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. 20 Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”

Anh em tha thứ cho nhau

Lc 17,3b-4

21 * Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không ?” 22 Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”

Dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót

23 * “Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. 24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. 25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. 26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: ‘Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.’ 27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. 28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: ‘Trả nợ cho tao !’ 29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: ‘Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.’ 30 Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. 31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. 32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: ‘Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, 33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao ?’ 34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. 35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”


*18,1 Ở đây mở đầu bài diễn từ thứ tư trong Tin Mừng Mt, không có tính đồng bộ cho lắm, nhưng xoay quanh đời sống cộng đoàn. Bởi những ai kêu lên “Lạy Cha chúng con” rõ ràng không phải là những người lẻ loi. Chúa Giê-su tiếp nhận họ trong “Ít-ra-en của Thiên Chúa” (Gl 6,16) là Hội Thánh của Người, tức là tình hiệp thông nối kết các cộng đoàn lại với nhau.

Cc. 6-11 lo lắng cho kẻ bé mọn ;Cc. 12-14 quan tâm đến người sai lạc ;Cc. 15-20 hiệp thông huynh đệ với sự hiện diện của Chúa Ki-tô ;Cc. 21-35 tha thứ ;Cc. 1-5 x. phần bình giải Mc 9,33.NHỮNG KẺ BÉ MỌN

Với c. 6, từ các em nhỏ chúng ta bước sang kẻ bé mọn, nghĩa là những người đơn sơ chất phác. Họ bé mọn vì họ không có giá trị gì trong xã hội.Khốn cho … vì làm cớ cho người ta sa ngã. Từ gốc Hy-lạp có nghĩa là một viên sỏi trồi lên khiến cho người ta vấp ngã: nó không phải là cái gì gây ồn ào hoặc xôn xao trong xã hội, mà là cái làm cho lương tri mất phương hướng, và người có vẻ lương thiện phải sa ngã (c. 7).

Thường thì kẻ bé mọn hay tìm cách thoát khỏi hoàn cảnh của mình để trở nên độc lập hơn, muốn có kiến thức và có tiền nhiều hơn. Tuy nhiên, xã hội lại quen thói gây trở ngại cho những ai không đồng loã trong những trò gian xảo và từ chối hành động cách ích kỷ. Vì thế kẻ bé mọn thường phải chịu thua, chấp nhận thất bại, thà chột mắt còn hơn là chối bỏ điều trọng yếu nhất: sống dưới con mắt Thiên Chúa.Thà cụt tay cụt chân mà được vào cõi sống. Chúa Giê-su nhấn mạnh giá trị vô song của sự sống đời đời. Có lúc nào đó chúng ta phải hy sinh công ăn việc làm của mình, sự an toàn hoặc cả tính mạng nếu muốn được vào Nước Thiên Chúa.Khốn cho thế gian vì làm cớ cho người ta sa ngã. Có khi đây là nói về chính cái xã hội này, với những tham ô, bạo lực, những cơ cấu bất công của nó. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta ý thức về tội lỗi, dù là của cá nhân hay của xã hội: những cơ cấu tác hại sẽ bị huỷ diệt trong nước mắt và xương máu (Lc 23,28).Tất nhiên phải có những cớ gây sa ngã. Chúa Giê-su đã sống trong một thời đại bạo tàn, nhưng Người có vẻ như không than trách hoàn cảnh ấy. Người không mời gọi chúng ta mơ tưởng một địa đàng trần thế.

Cái thế giới xác thực mà Thiên Chúa đã tạo dựng và giải cứu không buộc phải là một ốc đảo hạnh phúc, nhưng phải là một nơi trong đó những con người tự do luôn đấu tranh để mà phát triển. Những cớ vấp ngã là thành phần thuộc thế giới này, nhưng quyền lực sự dữ không mảy may giảm thiểu lời tôn vinh mà tạo thành sẽ dâng lên Thiên Chúa vào thời sau hết. Đau khổ và lòng khao khát sống công chính sẽ là nguồn gốc sự thánh thiện; đó sẽ là những phương cách Thiên Chúa vận dụng để làm tăng trưởng tình yêu.

*18,12 Dụ ngôn một trăm con chiên cũng có trong Tin Mừng Lc (Lc 15), nhưng trong một văn cảnh khác, văn cảnh Thiên Chúa tha thứ: Chúa Giê-su đã đến để tìm và cứu những gì đã mất (Lc 19,10). Còn Mt thì kể lại dụ ngôn này trong khung cảnh một “diễn từ”, một bài giảng về Giáo Hội. Tác giả lấy lại ví dụ này để chỉ cho thấy rằng cộng đoàn và những vị phụ trách phải đặc biệt quan tâm đến những người bé mọn và gặp thử thách nhất. Cũng như đối với Cha trên trời, thì đối với cộng đoàn cũng vậy, mỗi thành viên mang tính độc nhất vô nhị và với tư cách đó, phải được yêu thương và nâng đỡ: vậy làm sao Cha trên trời, làm sao cộng đoàn, có thể chấp nhận để cho một trong những người bé mọn ấy, dù chỉ một thôi, phải hư mất ?

*18,15 Nếu người anh em của anh trót phạm tội … Trước đó, Chúa Giê-su đã nói với ông Phê-rô: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Giờ đây Chúa nói và áp dụng câu này cho toàn thể Giáo Hội. Mọi xung đột được giải quyết với xác tín rằng Chúa Ki-tô đang ở giữa chúng ta: đó chính là danh hiệu của Người, Em-ma-nu-en, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (1,23).

Hợp lại nhân danh Chúa Giê-su (c. 20): đó là cách cầu nguyện của cộng đoàn, của nhóm tông đồ, của đôi vợ chồng có đạo.

Chúng ta có lưu ý chăng: chương nói về Giáo Hội này thật là ngắn! Ấy là Mát-thêu quan tâm đến Giáo Hội của Chúa Giê-su nhiều nhất, trong các dụ ngôn về Nước Trời cũng như trong đoạn nói về lời tuyên xưng của ông Phê-rô.

Dường như Chúa Giê-su đâu nói chi với các Tông Đồ về những cơ cấu sẽ được dựng lên (hoặc có thể sẽ tan rã): Chúa chỉ nói về một tinh thần cộng đoàn. Tiếp đón kẻ bé mọn, tha thứ luôn luôn và chấp nhận tha nhân, một cộng đoàn cầu nguyện có những tham vọng tông đồ và kêu cầu nài nỉ Thiên Chúa ban cho điều mình xin: đó là tất cả sự khôn ngoan và những phương tiện mà Giáo Hội có để đương đầu với các thách đố của việc loan báo Tin Mừng.

Chúng ta tìm hiểu Chúa Cha bằng cách tham gia vào các sinh hoạt cộng đoàn, vượt lên trên những xung đột không thể tránh khỏi và kiên trì trong công việc tông đồ. Vậy đối với chúng ta, Giáo Hội là “bí tích Thiên Chúa”, dấu chỉ hữu hình của sự hiện diện của Người và nguồn mạch thông ban sự sống của Người cho chúng ta.

Các nghi thức tôn giáo có giá trị thánh thiêng chỉ vì đó là những cử chỉ của Hội Thánh. Thiên Chúa không bị giam giữ trong các đồ vật, nhưng thông qua gia đình Hội Thánh Chúa Ki-tô, Người tỏ mình ra cho loài người: dưới đất anh em cầm buộc điều gì. Sống hoà hợp với cộng đoàn Ki-tô hữu, cho dù chúng ta có điều không đồng ý, là dấu chỉ chúng ta lưu lại trong ơn thánh của Thiên Chúa.

Đoạn văn 18,15 có phần khả nghi. Có thể nguyên thuỷ là: Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi nói chuyện với nó và đây là trường hợp cộng đoàn cố gắng “chỉnh” một người anh em đã mắc sai lầm.

*18,21 Bảy mươi lần bảy. So sánh với St 4,24: sự tha thứ tương phản với lòng ước muốn trả thù. X. Lc 17,3: chúng ta phải tha thứ, nhưng tha nhân cũng phải tỏ lòng hối hận.SỰ THA THỨ

*18,23 Các đồng bạn mà có lỗi với chúng ta thì đâu là gì so với những tội chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa. Vậy mà trong khi Thiên Chúa tha luôn món nợ cho chúng ta, thì chúng ta lại không cho tha nhân được hoãn nợ một chút nào. Thiên Chúa không đòi quyền lợi, thậm chí tưởng chừng như Người đã quên hết tất cả quyền lợi của Người; còn chúng ta, bằng cách đòi cho được, chúng ta hành xử như những tên đầy tớ độc ác (x. Mt 5,43).

Dụ ngôn này vượt quá phạm vi những vấn đề cá nhân riêng của chúng ta. Hằng ngày chúng ta nghe nói về những mối thù giữa các dân tộc cứ chồng chất mãi lên thật nặng nề, thường là do tôn giáo bất đồng. Bạo lực không giải quyết được những xung khắc về chủng tộc màu da: điều mà thế giới cần nhất là tập cho biết tha thứ. Chúng ta tha thứ không phải cách bởi không biết rõ Thiên Chúa đã tha thứ cho ta những gì rồi và Người có lòng thương xót biết bao.

Bài giảng thứ tư trong Tin Mừng Mt kết thúc với dụ ngôn về bổn phận phải tha thứ này. Giáo Hội vẫn còn đang tiến tới sự thánh thiện đúng như bản chất của mình, nhưng không ai có thể bác rằng Giáo Hội thời nào cũng là nơi mà người ta giảng dạy về lòng thương xót của Thiên Chúa, là nơi mà con người học cho biết cách tha thứ.

(Nguồn: tonggiaophanhanoi.org)