Chương 16 – Tin Mừng Theo Thánh Matthêu

Người Do-thái đòi dấu lạ từ trời

Mc 8,11-13; Lc 12,54-56

* Bấy giờ, có những người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc lại gần Đức Giê-su, và để thử Người, thì xin Người cho thấy một dấu lạ từ trời. 2 Người đáp: “Chiều đến, các ông nói: ‘Ráng vàng thì nắng’, 3 rồi sớm mai, các ông nói: ‘Ráng trắng thì mưa’. Cảnh sắc bầu trời thì các ông biết cắt nghĩa, còn thời điềm thì các ông lại không cắt nghĩa nổi. 4 Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na.” Rồi Người bỏ họ mà đi.

Men Pha-ri-sêu và Xa-đốc

Mc 8,14-21

* Khi sang bờ bên kia, các môn đệ quên đem bánh. 6 Đức Giê-su bảo các ông: “Anh em phải cẩn thận, phải coi chừng men Pha-ri-sêu và Xa-đốc.” 7 Các môn đệ nghĩ thầm rằng: “Tại chúng ta không đem bánh.” 8 Nhưng, biết thế, Đức Giê-su nói: “Sao anh em lại nghĩ đến chuyện không có bánh, người đâu mà kém tin vậy? 9 Anh em chưa hiểu ư? Anh em không nhớ chuyện năm chiếc bánh nuôi năm ngàn người sao? Và anh em còn thu lại được bao nhiêu giỏ? 10 Rồi chuyện bảy chiếc bánh nuôi bốn ngàn người nữa? Và anh em còn thu lại được bao nhiêu thúng? 11 Tại sao anh em không hiểu rằng Thầy chẳng có ý nói về bánh, khi Thầy nói: Anh em phải coi chừng men Pha-ri-sêu và Xa-đốc ?” 12 Bấy giờ các ông mới hiểu là Người không bảo phải coi chừng men bánh, mà phải coi chừng giáo lý Pha-ri-sêu và Xa-đốc.

Ông Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa

Mc 8,27-30; Lc 9,18-21

13 * Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai ?” 14 Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” 15 Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” 16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” 17 Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” 20 Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.

Đức Giê-su tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ nhất

Mc 8,31-33; Lc 9,22

21 Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. 22 * Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !” 23 Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: “Xa-tan, lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

Điều kiện phải có để theo Đức Giê-su

Mc 8,34–9,1; Lc 9,23-27

24 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 25 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. 26 Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ?

27 “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm. 28 Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị.”


 *16,1 Họ xin Người cho thấy một dấu lạ từ trời, nghĩa là từ Thiên Chúa mà đến. Họ muốn thấy một phép lạ chứng minh trăm phần trăm rằng Thiên Chúa ở với Người.Chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào. Chúa Giê-su từ chối làm phép lạ để chứng minh quyền uy của mình. Phàm ai yêu chuộng sự thật và tìm sống ngay lành sẽ nhận ra bàn tay Thiên Chúa trong các hành động của Chúa Giê-su, của các môn đệ Người, cho dù nhiều kẻ đã nói xấu các ngài.

Dấu lạ ông Giô-na chỉ cuộc phục sinh của Chúa Giê-su (x. 12,40). Tuy cuộc phục sinh này hẳn là dấu lạ có tính quyết định cao nhất, nhưng chỉ những người có đức tin mới hiểu được điều nó chứng minh. Ai đòi hỏi phép lạ khi chưa tin thì sẽ không được đáp lời.

 *16,5 Trong số những gì Chúa Giê-su và các môn đệ đã chia sẻ trong cuộc sống chung ròng rã bấy nhiêu năm tháng, rất ít điều được Tin Mừng giữ lại. Thật là may mắn vì ít ra sách đã chép lại ở đây một trong những câu ngớ ngẩn mà các ông đã thốt ra trước mặt Chúa. Các ông đã hiểu sai lời cảnh cáo của Chúa là vì quá lo lắng những chuyện bức xúc thật, mà nếu trao phó cho Thiên Chúa lo liệu thì vẫn hơn.

Phải coi chừng men Pha-ri-sêu và Xa-đốc: x. Mc 8,11. Tin Mừng thường hay ghép hai tên riêng này lại với nhau. Chúng ta biết nhóm Xa-đốc là phái lãnh tụ các tư tế. Họ nắm chức vụ cha truyền con nối, điều khiển sinh hoạt đạo đời của dân Thiên Chúa. Nhóm Pha-ri-sêu thì ngược lại, gồm những ai tự nguyện gia nhập hàng ngũ những người chuyên lo bảo vệ Luật Chúa. Họ là thù địch của nhóm Xa-đốc. Chúng ta không nên nói họ là “những người đạo đức giả, những người loạn tín”! Thái độ chống đối Chúa Giê-su rất tự nhiên đến từ phía chính quyền xứ sở của Người, bên đạo cũng như bên đời. Làm sao Thiên Chúa có thể viếng thăm dân Người và được đại đa số các lãnh tụ nghênh đón, nếu những người này tự thấy mình là sở hữu chủ các địa vị, quyền bính, tài năng hay công trạng của họ ?

 *16,13 Một trong các dụ ngôn về Nước Thiên Chúa đã loan báo về Giáo Hội (Mt 13,31-33). Đoạn văn này cũng lại nói về Giáo Hội. Bản văn :

– cho biết Giáo Hội này được đặt trên nền tảng nào: niềm tin vào Đức Giê-su, là Đấng Ki-tô và là Con Thiên Chúa ;

– xoay quanh vị trí ông Phê-rô đứng đầu các Tông Đồ ;

– gợi ý rằng Giáo Hội luôn cần có một vị lãnh đạo hữu hình.

Thật ra, niềm tin vào Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, mà ông Phê-rô là người đầu tiên trong các Tông Đồ lên tiếng công bố, là một ơn Thiên Chúa ban cho. Niềm tin này không phải do sức phàm nhân mà có được – tiếng Híp-ri dùng cụm từ xác thịt và khí huyết. Không phải do một xác tín thuần tuý “người” mà tin được vào Chúa Ki-tô, cũng không do một sự gắn bó tình cảm suông với con người Giê-su. Lời Chúa nói với ông Phê-rô, Anh thật là người có phúc, cũng có giá trị đối với mọi người tín hữu chúng ta, bởi vì chính Cha của Người đã chọn chúng ta và đưa chúng ta đến với Người (x. Ga 6,37.44; Mt 13,16).

Bản văn xác định vị trí đứng đầu của ông Phê-rô. Ông vốn có tên là Si-môn, nhưng Chúa Giê-su đã tặng ông biệt danh Phê-rô nghĩa là Tảng Đá (Ga 1,40) vì ông sẽ là nền tảng Hội Thánh của Người. Sự đổi tên đánh dấu một sứ mạng được giao cho, như đã thấy trong trường hợp các ông Áp-ra-ham và Gia-cóp (St 17,5 và 32,29). Có những bản văn khác xác nhận lòng tin của ông Phê-rô và cho thấy ông hành xử hầu như là người chỉ huy Nhóm Mười Hai: Mt 10,2; 14,28; 17,25; Lc 5,8-10; 22,32; Ga 6,68; 21,15-19.Những lời Chúa Giê-su nói với ông Phê-rô có giá trị đối với những người kế vị ông hay không? Từ thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã muốn cho dân Người có một trung tâm điểm hữu hình; Giê-ru-sa-lem và dân Ít-ra-en vẫn hướng về trung tâm điểm của mình là Đền Thờ và các vua thuộc dòng dõi Đa-vít. Khi tuyển chọn Đa-vít, Thiên Chúa đã hứa cho miêu duệ vua sẽ đời đời ngự trị Vương Quốc Thiên Chúa: lời hứa này đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su. Giờ đây Chúa lại chọn ông Phê-rô để làm nền tảng hữu hình cho ngôi nhà Thiên Chúa là Hội Thánh. Hội Thánh thuở ban sơ đã có ông Phê-rô giữ vai nào, thì Hội Thánh trong tương lai cũng sẽ có những người kế vị ông giữ vai ấy.

Người Do-thái hiểu cầm buộc và tháo cởi với nghĩa “xác định rõ điều gì là cấm và điều gì là cho phép”. Ông Phê-rô, và các người kế vị là các giáo hoàng, sẽ nói lời tối hậu để xác quyết ai thuộc và ai không thuộc thành phần Giáo Hội, điều gì Giáo Hội buộc và điều gì Giáo Hội không buộc phải tin.

Lịch sử Giáo Hội sơ khai cho thấy từ các thế kỷ đầu tiên, các Giáo Hội địa phương đã có ý thức về quyền bính tối cao của giám mục Rô-ma, người kế vị thánh Phê-rô. Vai trò của ngài cứ phát triển theo dòng lịch sử, và càng mang tính cách tất yếu hơn do những khác biệt về địa lý và văn hoá làm cho các mối căng thẳng giữa các Ki-tô hữu ngày thêm trầm trọng, cứ chia rẽ nhau mãi không cùng trong cách biểu hiện lòng đạo của mình.Mặc dù nơi các ông, lầm lỗi là thế nhân thường tình, nhưng Chúa Giê-su không thờ ơ đối với những gì các ông phán quyết: dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.

Tuy nhiên, nhìn nhận sứ mạng ấy của người kế vị thánh Phê-rô không có nghĩa là lời nói của ngài sẽ át hẳn tất cả các tiếng nói khác trong một Giáo Hội nín thinh, cũng không thanh minh cho một cơ cấu bóp nghẹt sự sống. Đoạn văn này không phế bỏ những lời khác trong Tin Mừng, cũng quan trọng không kém, nói rằng nền tảng Hội Thánh là cả một tông đồ đoàn (Nhóm Mười Hai). Ông Phê-rô là người giữ cửa (Mc 13,34), nhưng đâu phải là người thầy cũng không phải là người cha (Mt 23,9). Sứ mạng của ông Phê-rô và các người kế vị không cho hiểu rằng tất cả các người có đạo khác đều là những thứ vị thành niên trong lãnh vực đức tin (1 Ga 2,27). Quyền bính các ngài mang được tất cả ý nghĩa của nó trong một Giáo Hội mà mỗi người tập cho quen tự mình biết suy nghĩ và nói lên điều mình nghĩ.Quyền lực tử thần. Bản gốc Hy-lạp dùng từ “cửa âm phủ”. “Cửa”: bản Việt ngữ dịch “quyền lực” là sát ý (có thể ví chăng với “cửa quyền” trong tiếng Việt). Cho dù quyền lực tử thần đe doạ sẽ triệt hạ Hội Thánh, hoặc cố phát triển bên trong Hội Thánh những mầm huỷ hoại đi nữa, nó cũng không thể cản trở Hội Thánh chu toàn sứ mạng cứu độ của mình. Một phần sách Khải huyền (ch. 12–17) phác hoạ cuộc đối đầu này.

Một số đoạn văn khác cho thấy Nhóm Mười Hai là nền móng của Hội Thánh (Ep 2,20 và Kh 21,14). Các ngài cũng nhận lãnh quyền cầm buộc và tháo cởi (Ga 20,23), nhưng trong trường hợp này, rõ ràng là nói về quyền tha tội.Những lời khác mà Chúa Giê-su đã nói với ông Phê-rô: Lc 22,31; Ga 21,15.Các bài trình thuật Mc 8,27 và Lc 9,18 nêu lên vài vấn nạn về lời tuyên xưng của ông Phê-rô: x. phần bình giải Lc 9,18.Chúa Giê-su, đá tảng góc tường: Mc 12,10; 1 Cr 3,11; Ep 2,20; 1 Pr 2,6.

 *16,22 X. phần bình giải Mc 8,31.Xa-tan, lui lại đằng sau Thầy. Ông Phê-rô muốn cản đường thập giá của Chúa Giê-su, và Chúa nhận diện đây cũng chính là thần khí đã cám dỗ Người trong hoang địa. Vậy ông Phê-rô phải lui lại đằng sau Chúa và đi theo Người thôi, đúng như một người môn đệ phải làm.Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất. Chúa Giê-su nhắc đến sự chọn lựa trọng đại của mỗi đời người: chỉ khi dâng hiến đời mình để phục vụ Thiên Chúa và người đồng loại, bằng cách yêu thương thật sự như Chúa Giê-su, thì mới tìm được Thiên Chúa, và mới đạt được sự sống (Ga 15,13).