Chương 15 – Tin Mừng Theo Thánh Matthêu

Tranh luận về truyền thống

Mc 7,1-13

* Bấy giờ có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng: 2 “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa ?” 3 Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? 4 Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. 5 Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, 6 thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa.’ Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. 7 Những kẻ đạo đức giả kia, ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông rằng: 8 Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. 9 Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.”

Cái gì làm cho con người ra ô uế ?

Mc 7,14-23

10 * Sau đó, Đức Giê-su gọi đám đông lại mà bảo: “Hãy nghe và hiểu cho rõ: 11 Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.”

12 Bấy giờ các môn đệ đến gần Đức Giê-su mà thưa rằng: “Thầy có biết không? Những người Pha-ri-sêu đã vấp phạm khi nghe Thầy nói lời ấy.” 13 Đức Giê-su đáp: “Cây nào mà Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời, đã không trồng, thì sẽ bị nhổ đi. 14 Cứ để mặc họ. Họ là những người mù dắt người mù. Mù mà lại dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố.”

15 Ông Phê-rô thưa với Người: “Xin Thầy giải thích dụ ngôn cho chúng con.” 16 Đức Giê-su đáp: “Cả anh em nữa, bây giờ mà anh em vẫn còn ngu tối sao? 17 Anh em không hiểu rằng bất cứ cái gì vào miệng thì xuống bụng, rồi bị thải ra ngoài sao? 18 Còn những cái gì từ miệng xuất ra, là phát xuất tự lòng, chính những cái ấy mới làm cho con người ra ô uế. 19 Vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống. 20 Đó mới là những cái làm cho con người ra ô uế; còn ăn mà không rửa tay thì không làm cho con người ra ô uế.”

Đức Giê-su chữa con gái người đàn bà Ca-na-an

Mc 7,24-30

21 Ra khỏi đó, Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn, 22 thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm !” 23 Nhưng Người không đáp lại một lời.

Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi !” 24 Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi.” 25 Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi !” 26 Người đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” 27 Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” 28 Bấy giờ Đức Giê-su đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.

Đức Giê-su chữa nhiều bệnh nhân tại ven biển hồ Ga-li-lê

29 * Đức Giê-su xuống khỏi miền ấy, đến ven biển hồ Ga-li-lê. Người lên núi và ngồi ở đó. 30 Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, 31 khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ít-ra-en.

Đức Giê-su hoá bánh ra nhiều lần thứ hai

Mc 8,1-10

32 Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường.” 33 Các môn đệ thưa: “Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no ?” 34 Đức Giê-su hỏi: “Anh em có mấy chiếc bánh ?” Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ.” 35 Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất. 36 Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. 37 Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được bảy thúng đầy. 38 Số người ăn có tới bốn ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con. 39 Sau khi giải tán đám đông, Đức Giê-su lên thuyền, sang miền Ma-ga-đan.


*15,1 X. phần bình giải Mc 7,1.Sao môn đệ ông không chịu rửa tay? Các người Pha-ri-sêu bênh vực một điều rất tốt mà chính chúng ta cũng làm. Nhưng Chúa Giê-su thấy xa hơn: tất cả những tập quán và lề thói giữ đạo tốt lành ấy (gồm cả việc ăn chay, suy gẫm) dễ trở thành một bức màn che khuất điều chính yếu là thái độ luôn sẵn sàng hưởng ứng những mời gọi của Thiên Chúa, và lòng tin tưởng hết sức đơn sơ vào lượng từ bi của Người, cái duy nhất cứu được chúng ta.

*15,10 X. phần bình giải Mc 7,14.

Xã hội loài người ở đâu cũng thấy cần phải biết phân biệt thiện ác, phân biệt theo những tiêu chuẩn loài người. Chúa Giê-su thẩm định các tiêu chuẩn ấy.Thanh sạch và ô uế. Đối với người Do-thái, điều chính yếu là phụng sự Thiên Chúa, và họ lo lắng xem coi ai và cái gì xứng đáng tham dự vào việc phụng tự. Do đó mà họ phân biệt cái gì là thanh sạch, cái gì là ô uế. Chúa Giê-su cho họ biết chỉ có một điều thanh sạch đáng giá là tâm hồn thanh sạch.

Chắc gì những quy định hạnh kiểm của xã hội chúng ta, của nhiều xã hội gọi là tốt, không phải là một kiểu phân biệt mới giữa sạch và uế. Ngay trong Giáo Hội, nhiều thế kỷ trước đây, đã có một xu hướng tặng cho hàng tư tế một sự thanh sạch cho phép họ tiếp xúc những đồ vật linh thiêng, đã làm phép. Thời Trung Cổ, đó là một trong những lý do ngưng cho rước lễ trên tay, điều mà người ta đã quen làm trong suốt mười thế kỷ trước đó.

*15,29 Chúa Giê-su đã hai lần cho bánh hoá ra nhiều. Đây là một trong những phép lạ gây ấn tượng nhiều nhất cho chúng ta. Thường khi từ “phép lạ” bị mất giá. Kinh Thánh dùng nhiều từ để chỉ những gì thật sự được coi là việc Thiên Chúa đã ra tay thực hiện: dấu lạ, điềm thiêng, kỳ công. Từ “phép lạ” theo nghĩa mạnh hàm chứa tất cả những thực tại đó: một dấu chỉ qua đó Thiên Chúa cho ta khám phá ý muốn của Người hoặc trật tự vô hình của thế giới, một điềm lạ đảo lộn mọi tiên lượng thông thường của chúng ta, một kỳ công mà chỉ mình Thiên Chúa có thể thực hiện.

Làm cho bánh hoá nhiều là loại phép lạ gây sốc nhiều nhất cho người thời đại chúng ta, cho lòng tin tưởng triệt để của họ vào các “định luật tự nhiên” mà –họ nghĩ– ngay cả Thiên Chúa lẽ ra cũng không được vi phạm hoặc không thể qua mặt mà không mâu thuẫn với chính mình. Và khi không phủ nhận công khai lời chứng của các Tông Đồ thì người ta né tránh tỏ ra lập trường của mình, với những câu như: “Phép lạ còn đẹp hơn nữa nếu ta tưởng tượng rằng Chúa Giê-su chỉ cần mời gọi dân chúng đem chia sẻ thức ăn mình đã mang theo, thì cuối cùng mọi người đều có đủ mà ăn: đây là phép lạ của tình liên đới !”Nhưng Tin Mừng đâu có ý tôn sùng cái tình liên đới, mà muốn ngợi ca sự tự do tuyệt đối của Thiên Chúa, của Chúa Ki-tô: ngay cả thiên nhiên cũng phải im lặng, vì ở đây kẻ chết còn được cho sống lại. Đối với người Ki-tô hữu, tạo thành không phải là một guồng máy khổng lồ mà Thiên Chúa giao lại cho loài người sau khi thoái vị. Nó là một phản ảnh của Thiên Chúa, nơi đó các định luật –là hình bóng của sự khôn ngoan, trật tự và công bằng vốn thuộc bản tính Thiên Chúa–, không bao giờ giảm bớt nhưng vẫn giữ nguyên vẹn sự tự do của Người.Trong suốt lịch sử Ki-tô giáo, Chúa đã từng và vẫn tiếp tục nhân lên thật nhiều những cơm bánh, những thực phẩm đủ loại và cả những của dự trữ, để dành nữa, đặc biệt cho những ai đã cho đi tất cả hoặc đã liều mình vì Chúa. Chỉ cần lắng nghe chứng từ của họ.

(Nguồn: tonggiaophanhanoi.org)