Chương 13 – Tin Mừng Theo Thánh Matthêu

2. BÀI GIẢNG BẰNG DỤ NGÔN

Nhập đề

Mc 4,1-2; Lc 8,4

* Hôm ấy, Đức Giê-su từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. 2 Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. 3 Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.

Dụ ngôn người gieo giống

Mc 4,3-9; Lc 8,5-8

Người nói: “Người gieo giống đi ra gieo giống. 4 Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. 5 Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; 6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. 7 Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. 8 Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. 9 Ai có tai thì nghe.”

Tại sao Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói?

Mc 4,10-12; Lc 8,9-10

10 Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ ?” 11 * Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. 12 Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. 13 Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. 14 Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; 15 vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.

16 “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. 17 Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.

Giải nghĩa dụ ngôn người gieo giống

Mc 4,13-20; Lc 8,11-15

18 * “Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. 19 Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. 20 Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. 21 Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. 22 Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. 23 Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.”

Dụ ngôn cỏ lùng

24 * Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. 26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. 27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy ?” 28 Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó !” Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không ?” 29 Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.”

Dụ ngôn hạt cải

Mc 4,30-32; Lc 13,18-19

31 * Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. 32 Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.”

Dụ ngôn men trong bột

Lc 13,20-21

33 Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

Tại sao Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói ?

Mc 4,33-34

34 * Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, 35 hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.

Giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng

36 * Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” 37 Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. 38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. 39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. 40 Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. 41 Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, 42 rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. 43 Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.

Dụ ngôn kho báu và ngọc quý

44 * “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.

45 “Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. 46 Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.

Dụ ngôn chiếc lưới

47 * “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. 48 Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. 49 Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, 50 rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

Kết thúc

51 * “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa hiểu.” 52 Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.”

V. GIÁO HỘI, BƯỚC ĐẦU CỦA NƯỚC TRỜI

1. PHẦN KÝ THUẬT

Đức Giê-su về thăm Na-da-rét

Mc 6,1-6; Lc 4,16-30

53 * Khi Đức Giê-su kể các dụ ngôn ấy xong, Người đi khỏi nơi đó. 54 Người về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? 55 Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao? 56 Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế ?” 57 Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” 58 Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.


*13,1 Ở đây mở đầu “diễn từ thứ ba” của Chúa Giê-su trong Mt (x. phần Dẫn Nhập). Chúa Giê-su đã sai các Tông Đồ đi công bố Nước Thiên Chúa đã đến. Người ta đã mục kích những điềm lạ tiên khởi: chữa lành bệnh tật và chiến thắng ma quỷ, nhưng cũng có không ít những chống đối, và dường như lòng dân nói chung chưa mở ra đón nhận. Phải nghĩ gì về một Nước Thiên Chúa không có khả năng thay đổi cuộc sống con người bao nhiêu? Để trả lời, Mt đưa ra bảy dụ ngôn sau đây.

Chúa Giê-su dùng những lối so sánh theo kiểu của nhà nông và người lao động. Châm ngôn và dụ ngôn bao giờ cũng là phương tiện truyền đạt những lẽ khôn ngoan. Nhưng không phải cứ so sánh ví von là thành dụ ngôn đâu. Dụ ngôn làm cho người nghe ý thức họ đang ở trong hoàn cảnh như thế nào và buộc họ phải chọn lập trường nào.

Đối với người nghe Chúa Giê-su, Triều Đại Thiên Chúa đến có nghĩa là dân Chúa đang bị áp bức được giải phóng, và ở điểm này thì người ta muốn Chúa tỏ thái độ. Về phần Chúa thì chỉ có thể trả lời cho những ai đang đồng hành với Người thôi. Bởi Nước Thiên Chúa như là những mầm đang trồi lên khắp đó đây trên trái đất, những điều chắc chắn đang dậy men, mà không thể thấy được nếu chưa tin. Chúa chỉ nói đến những điều đó qua hình ảnh, và chúng ta chỉ đoán hiểu được nếu đã có một ít kinh nghiệm.Về dụ ngôn người gieo giống có thể được xem như tiêu chí của chương này, x. phần bình giải Mc 4,1 và Lc 8,4.Gieo giống là dấu hiệu hy vọng. Chúa Giê-su đã lao vào một công trình vô vọng: cứu dân mình trong khi hầu như chẳng ai có khả năng ngăn chặn luồng bạo lực đang dậy lên, vì xã hội đầy những phe phái ngày càng chống đối nhau gay gắt. Để xoay chiều hướng của lịch sử, Người chỉ dựa vào sức mạnh của lời Thiên Chúa được công bố và thực thi. Sẽ có nhiều thất bại, nhưng mùa gặt chắc chắn sẽ tới nếu hạt giống chịu chết đi trong lòng đất.

*13,11 Bởi vì anh em thì được hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, vì đã nghiêm túc hưởng ứng lời kêu gọi của Đấng Ki-tô. Lời trích dẫn sấm ngôn trong Is đôi lúc khiến chúng ta dội vì chúng ta không quen với lối diễn tả của tiếng Híp-ri. Vậy Chúa Giê-su phải nói dụ ngôn bởi vì các thính giả không chịu hiểu, hay là cốt để cho họ không hiểu? Có thể là vì cả hai lý do (so sánh c. 13 với c. 15). X. phần bình giải Mc 4,11.Ai có thì được cho thêm (c. 12). Ở đây, “có” có nghĩa là cho ra hiệu quả tốt, sinh ích, ăn nên làm ra, như cây “có trái” vậy. Ai sinh hoa trái thì được cho thêm.Nước Trời. Ở trên, chúng ta đã thấy người Do-thái dùng chữ “Trời” để chỉ Thiên Chúa (cũng như người Việt). Nước Trời là Nước Thiên Chúa (Mc và Lc cũng dùng như vậy), và Cha trên trời là Thiên Chúa Cha. Vì không hiểu cách dùng từ như thế, nên nhiều người lầm tưởng “Nước Trời” trong Tin Mừng chỉ có nghĩa là cái thực tại chúng ta được hưởng sau khi chết, được về trời với Chúa mà thôi. Thật ra, Chúa Giê-su cho biết Nước Thiên Chúa đã manh nha giữa chúng ta rồi.

*13,18 Ai sẽ đón nhận lời Chúa? Đây không phải là một câu trắc nghiệm về trí tuệ hay khả năng suy tư, cũng không phải về mặt sùng đạo. Ai là người còn biết hy vọng thì sẽ đón nhận lời Chúa.Kẻ được gieo bên vệ đường là những người không tha thiết với lời đã được đón nhận. Có lẽ là vì họ không thấy gì khác ngoài lợi ích riêng (họ ích kỷ), nhưng thường hơn là vì họ đã định hướng cuộc đời họ theo một lối khác rồi.

Tiếp đến là những người không dám đối mặt với những mâu thuẫn, dễ bỏ cuộc: họ vấp ngã ngay. Có hy vọng thì mới kiên trì được mặc dù gặp bao nhiêu cản trở. Nếu Thiên Chúa đã đặt ta trên một nẻo đường, thì nẻo đường này phải đưa ta tới một nơi nào đó. Để hy vọng, phải có ý chí trung kiên và lòng anh dũng.

Sau nữa là những kẻ được gieo vào bụi gai. Họ tin đó, nhưng hoa quả gặt hái trên lộ trình gian khổ không đủ cho họ. Họ muốn “giữ lấy mạng mình”, vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của. Chạy theo những lợi lộc đời này là việc họ không bỏ được, thế nên niềm hy vọng Nước Chúa nơi họ chỉ là một ước muốn hời hợt.

*13,24 Chúa Giê-su dùng dụ ngôn cỏ lùng để trả lời cho những người thấy bức xúc trước cái xấu có mặt ở khắp mọi nơi. Cái xấu cái tốt sẽ pha lẫn với nhau mãi đến ngày tận thế. Sẽ luôn thấy cái thiện lẫn với cái ác nơi cá nhân cũng như trong các cơ cấu loài người.

Thiên Chúa tôn trọng con người, biết rõ các cơn cám dỗ nơi họ thường mãnh liệt hơn ý chí ngay lành của họ, và họ cần có thời gian để tìm thấy và chọn lựa cái tốt.Thiên Chúa rất kiên nhẫn. Việc hoà giải ngần ấy nhóm người đối lập nhau, những lực lượng và luồng văn hoá rất khác nhau trên thế giới, sẽ chỉ đạt được vào cuối thời. Trong khi chờ đợi, không nên tuyên bố bên này là tốt bên nọ là xấu.Chúa Giê-su đã đích thân giải thích dụ ngôn này (x. c. 36tt).

*13,31 Trong dụ ngôn hạt cải, Chúa Giê-su cho biết Nước Trời phải là một dấu chỉ: nó lớn lên thế nào đó mà người ta không thể không biết đến nó trong thế giới.

Mọi trào lưu đạo đức, mọi cách tân văn hoá, mọi phong trào cách mạng, đều phải trụ vào trong một cơ cấu cho nó có một bộ mặt để trở nên hữu hình và hữu hiệu. Đó là một cách Chúa Giê-su tiên báo về Hội Thánh, nơi thể hiện Nước Trời (không phải chủ nhân độc quyền). Nghĩa gốc Hy-lạp của từ “Hội Thánh” là “cộng đoàn những người được gọi”. Hội Thánh này phải có hai đặc điểm sau đây :– hữu hình và hữu ích cho trần thế, như cây cành cho chim đậu làm tổ ;– đâm rễ vào những thực tại nhân sinh. Người có đức tin là men cho đời, vì vậy họ không được sống tách rời những người không có đức tin.Chúa Giê-su không chỉ hài lòng với một “Hội Thánh vô hình”, một nhóm huynh đệ tình cảm, một tình hiệp thông thiêng liêng giữa tất cả những ai tin vào Người. Người muốn một thứ cây cao bóng cả (nơi khác Chúa nói đến một thành phố xây trên đỉnh núi cao), để mọi người thấy được rằng hạt giống này là loại tốt và đầy sức sống. Chúng ta cần có những cộng đoàn có tổ chức, có qua lại với nhau, một phẩm trật. Nhưng các nhóm người Ki-tô hữu không nên khép kín, mỗi nhóm chỉ biết có nhóm của mình, cũng không dành hết thời giờ mà làm việc chỉ cho giáo xứ, Giáo Hội của mình mà thôi. Họ phải là những người hữu ích trong xã hội, hiệp thông với tất cả những người có thiện chí khác.Họ phải là men trong toàn khối bột chớ không phải để dành làm một thứ bột riêng biệt mịn màng hơn đâu. Men đó biến đổi lịch sử loài người, không phải bằng cách đưa mọi người đi đến nhà thờ, nhưng bằng cách đổ tràn Thần Khí xuống, ban sức sống cho mọi hoạt động của con người.

*13,34 Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói. Đọc Mt 13,12, tưởng chừng như Chúa Giê-su nói bằng dụ ngôn để nguỵ trang giáo lý của Người, nhưng ở đây chúng ta có một cách giải thích khác, điều chỉnh và bổ sung cho cách thứ nhất. Sở dĩ Chúa dùng dụ ngôn là vì đó là lối giảng huấn thích hợp cho mọi lứa tuổi.Tôi sẽ kể dụ ngôn. Đó là những lời dẫn đầu Tv 78, mà tác giả Mt đã cải biên đôi chút. Ý ông muốn nói: những bí mật về Nước Thiên Chúa, mà Chúa Giê-su đã mặc khải, giải đáp những chất vấn then chốt của nhân loại.

Từ thuở văn minh mới khởi đầu, con người đã phải đối phó với những vấn đề và thách đố mà một mình nó vô phương giải quyết. Nay Chúa Giê-su trao cho chìa khoá giải toả các mâu thuẫn ấy. Khoa học giúp khám phá ra nhiều yếu tố làm nên vận mệnh con người, nhưng chúng ta còn phải biết mình là ai.Giải đáp của Chúa Giê-su không như một học thuyết và gây ngỡ ngàng cho những người quen học theo sách vở. Chúa cho chúng ta những bài học phong phú hơn nhiều nhờ những kiểu nói và ẩn dụ đòi hỏi chúng ta có phần sáng tạo, và chúng ta sẽ còn trở lại điểm này. Mỗi người phải đào sâu những bài học đó trong cuộc sống của mình, theo dòng lịch sử. Chỉ với thời gian chúng ta mới khám phá được tất cả ý nghĩa của nó.

*13,36 Ruộng là thế gian. Dụ ngôn này không chỉ ứng dụng cho những kinh nghiệm đời người của mỗi chúng ta, hoặc của Giáo Hội như trường hợp dụ ngôn chiếc lưới (c. 37). Nó mời gọi chúng ta nhìn thấy một Nước Thiên Chúa “phủ sóng” toàn bộ cuộc sống của thế giới: nó triển nở trong mọi chiều kích của thế giới trần tục. Lịch sử thánh không chỉ là lịch sử thời xưa của quê hương Chúa Giê-su, mà là toàn bộ lịch sử nhân loại được đặt dưới quyền làm Chúa của Đức Ki-tô Phục Sinh.Đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy (c. 40). Chúa Giê-su nói về một cuộc phán xét. Niềm mong đợi thấy ngày Thiên Chúa xét xử trần gian là một yếu tố chủ yếu trong giáo huấn các ngôn sứ. Không nên chỉ thấy trong đó ước muốn báo thù của những kẻ đã sống ngay lành nhưng gặp phải hoạn nạn đau thương. Một trong những chân lý căn bản của nhân sinh quan Ki-tô giáo là xác tín rằng cuộc đời mình sẽ được phán xét bởi một Đấng xét soi thấu tận lòng dạ con người. Như vậy chúng ta hiểu được tính cách bi hùng của các quyết định mà chúng ta chọn lựa ngày này qua ngày nọ, vạch ra một con đường đưa đến chân lý, hoặc khựng lại trong thái độ chối từ ánh sáng.

Niềm xác tín này gây sốc cho không ít người thời đại chúng ta, cũng như trước đây nó đã làm cho bao nhiêu người sợ hãi. Các thuyết về luân hồi xem ra dễ chấp nhận hơn, có lợi hơn: lỗi lầm ở kiếp này có thể được đền bù trong kiếp sau. Người ta nghi vấn về tầm quan trọng các lựa chọn của chính mình, và ý nghĩa của tội ác mờ nhạt đi cũng như tâm thức về sự hiện diện của Thiên Chúa. Cuối cùng người ta đâm nghi không biết cuộc đời mỗi người có một giá trị độc nhất vô nhị hay không, có phải trên đời này mỗi người có một giá trị độc nhất không gì thay thế được hay không.Tuy có khẳng định lại về cuộc phán xét, nhưng dụ ngôn vắn gọn này hàm chứa một yếu tố hết sức cách mạng: phán xét là một bí mật thuộc quyền Thiên Chúa, và cho đến ngày tận thế, cái tốt cái xấu có mặt lẫn lộn nơi mỗi người chúng ta cũng như trong mọi cơ cấu xã hội loài người. Đọc Kinh Thánh, có lẽ chúng ta dội khi thấy không chỉ trong Cựu Ước mà ngay cả trong Tân Ước, thế giới luôn chia đôi giữa thiện và ác. Thật ra, nội giới con người là cả một mầu nhiệm lớn. Không phải có một nhóm người tốt (là ta, ta nghĩ vậy (!), là những người có đức tin, những người cùng một lối sống đạo làm người như ta), và những người khác còn lại. Vậy tại sao Chúa Giê-su lại phân chia loài người ra thành nhóm như thế ?Xin trả lời ngắn gọn rằng Chúa đã nói theo kiểu các ngôn sứ. Nói về người lành kẻ dữ là một lối nói bình dị, phù hợp với não trạng những đám dân chưa được mở mang nhiều, để chỉ cho họ biết rằng mỗi người trong chúng ta, trong mỗi một hành động của mình, đều có một chân vướng vào một trong hai hướng đi ngược nhau như vậy đó. Đã bao nhiêu lâu người ta cảm thấy mình được đánh giá kiểu đó: nhiều lúc, kiểu đó còn có ý nghĩa và có tính sư phạm đối với chúng ta. Nhưng điều quan trọng phải hiểu là ở đây, Chúa Giê-su không gán cho các hình ảnh một giá trị tuyệt đối: đối với đa số chúng ta, ranh giới phân chia thiện ác đâu phải rành mạch, cho dù chúng ta đã bước những bước quyết liệt trong những lần hoán cải.Đầy tớ (c. 27) là các tín hữu, đặc biệt là các người có trách nhiệm trong Giáo Hội. Có thể lòng nhiệt thành nơi họ –muốn loại trừ mọi cái họ cho là xấu để bảo vệ cái họ cho là tốt– bị sai lệch từ bên trong. Họ muốn đình chỉ mọi sai lầm ư? Thật ra, họ chỉ tin tưởng vào quyền bính hoặc sức mạnh. Nếu các “thầy dạy” đức tin không để cho các tín hữu khả năng suy tư và sai lầm thì Giáo Hội đâu còn sống động nữa.

Thiên Chúa thích để cho sự việc tự nó sáng tỏ hơn: để cho loài người thử sống kinh nghiệm của mình. Cái ác là một phần của mầu nhiệm Thập Giá, nhưng nhờ làm điều thiện và sống trong ánh sáng, chúng ta sẽ thắng điều ác (Rm 12,21).

*13,44 Dụ ngôn kho báu và ngọc quý mời gọi chúng ta đừng để mất cơ hội khi Nước Thiên Chúa đến.

Nhiều người đã bao nhiêu năm chờ đợi một lời nói, một người nào đó hay một dấu hiệu hy vọng, làm cho đời họ có một ý nghĩa mới, và bỗng một hôm, họ tìm thấy được. Có khi đó là một cái gì rất đơn giản: một lời tha thứ, một cử chỉ thân tình, một lời cam kết lần đầu được trao và được nhận. Bấy giờ họ hiểu ra rằng đằng sau chuyện nhỏ ấy là chính cái mà họ trông mong, và họ vui mừng bước vào Nước Chúa.Nhưng dụ ngôn lại thêm: liền chôn giấu lại. Thường là Thiên Chúa giấu lại kho tàng sau khi đã chỉ cho ta thấy. Nó chỉ thuộc về ta sau khi ta đã bền bỉ kiên trì và chịu đựng khổ đau để có khả năng lãnh nhận kho báu ấy.Bán tất cả những gì mình có. Chúng ta cũng phải vứt đi tất cả những thói quen, những thú vui thường xâm chiếm mà không thoả mãn tâm hồn chúng ta. Trong sóng gió và bão táp cuộc đời, chúng ta phải nhớ đến kho báu đã tìm thấy, cho đến khi được gặp lại nó. Triết gia Pla-tôn nói: “Đời đen tối mà tin trời sẽ sáng mới là kỳ diệu.”CÁI XẤU TRONG LÒNG GIÁO HỘI

*13,47 Những ai gia nhập Giáo Hội thì được hưởng phần phúc Nước Trời, nhưng họ đâu nắm chắc rằng họ sẽ không có nguy cơ đánh mất.

Khi nói về chiếc lưới, Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta rằng lẽ sống của Giáo Hội là được sai đi (“lưới người như lưới cá”), mặc dù sẽ có nhiều người đến rồi sẽ bỏ đi. Một Giáo Hội đóng kín chưa chắc sẽ gồm toàn người tốt.HOẢ NGỤCCác thiên thần sẽ quăng chúng vào lò lửa. Lời khẳng định này, tương tự lời ở c. 30, củng cố điều mà toàn bộ Sách Thánh loan báo: chúng ta tiến về một cuộc phán xét, và sự sống sung mãn sẽ được tặng ban cho những ai ở “trong” Chúa; ngược lại ai chối từ sự sống chỉ còn biết một số phận vô vọng.

Giáo Hội vẫn dùng ngôn ngữ Kinh Thánh mà nói về một hoả ngục đời đời. Vào tk. XII, thì từ “luyện ngục” được sử dụng để chỉ cuộc thanh luyện đau đớn mà sau khi chết, tất cả những ai nhận được ơn cứu độ sẽ phải trải qua, trừ phi lúc còn bình sinh họ đã được ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa thiêu đốt.Lời khẳng định về luyện ngục gây khó chịu cho những người chưa từng cảm nghiệm sự thánh thiện của Thiên Chúa. Sự thánh thiện này không bao giờ xuất hiện mà không thiêu huỷ tất cả những gì thuộc về chúng ta. Những người đó đã thật sự lường được “trở nên Thiên Chúa trong Thiên Chúa” đòi hỏi những gì chưa ?Hoả ngục cũng khó nuốt không kém. Hẳn chúng ta biết rằng lửa chỉ là một biểu tượng, và không nên coi đó là một cách Thiên Chúa trả thù. Những kẻ “sa hoả ngục” chính là những kẻ tự giam mình trong cảnh cô đơn bi đát mà không còn có thể từ bỏ nó nữa; nơi đó họ vừa tự thoả mãn vừa tự tra tấn với cái xấu của bản thân. Vả lại ngày nay chúng ta khó chấp nhận ý niệm một hình phạt không bao giờ chấm dứt, và tìm ra đủ chứng cứ để biện bác.Chắc chắn là Chúa Giê-su đã nói theo ngôn ngữ thời đại của Người chứ không phải của chúng ta: kẻ lành người dữ là một cách chia phạm trù trong văn hoá của dân tộc Người. Nhưng cũng chắc chắn rằng Chúa Giê-su thấu suốt mọi sự về Thiên Chúa và con người: nếu thấy trong “hình phạt” này một điều gì trái ngược với lòng nhân lành vô biên của Thiên Chúa thì Người đã nói ra rồi mà không sợ gây chống đối. Vậy mà Người đã nói như ta đọc thấy, bởi vì tình yêu vô bờ của Thiên Chúa không làm chúng ta mất đi cái tự do thoát ly và kình địch với Thiên Chúa.Chúa Giê-su không chỉ nối kết việc tuyên án với một vài tội phạm gớm ghê mà thôi đâu: mọi người đều sẽ đi đến chỗ một mất một còn. Nhưng cũng phải nhớ Chúa không nói theo phạm trù hoả ngục đời đời hay luyện ngục: bản dịch đây ghi “hoả ngục” cho dễ hiểu, nhưng từ Híp-ri “ghê-hen-na” (Mt 5,22; 10,28) hay “lửa” (Mc 9,43) được dùng là những từ mơ hồ có thể hiểu theo cả hai nghĩa – hoả ngục hay luyện ngục. “Lửa hoả ngục” có tính “đời đời” ở nhiều chỗ (Mt 18,8; 25,41), nhưng nghĩa của nó không phải hoàn toàn như chúng ta hiểu, mà có thể nó chỉ một thực tại vượt khỏi phạm trù thời gian của chúng ta.Vậy chúng ta có thể đặt vấn nạn, tuy nhiên cần phải tự hỏi hai điều. Trước hết, nói về những gì Thiên Chúa phải làm hoặc không được làm là như thể buộc Người phải xử cho công bằng. Mà “công bằng” đâu phải là một thực tại tự thân mà có: nó là một phần mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mà chúng ta thì biết gì về mầu nhiệm Thiên Chúa? Kế đến là phải trả lời câu hỏi này: nếu Chúa Giê-su muốn nói rằng một số người sẽ đi đến chỗ bất hạnh không bao giờ chấm dứt, thì Người phải nói như thế nào để chúng ta khỏi nghi ngờ ?Vậy mầu nhiệm Thiên Chúa vẫn còn y nguyên. Tuy nhiên, nếu chúng ta đã rõ Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến hưởng một điều gì đó –và hưởng một cách vĩnh viễn–, mà chúng ta phải trả lời nhận hay không nhận ngay khi còn sống, và sống kiếp này chỉ một lần thôi để hoàn thành cái vĩnh hằng của chúng ta, thì hỏi có từ ngữ nào là quá đáng để diễn tả cái mất mát của những kẻ khước từ Thiên Chúa ?

*13,51 Ở đây môn đệ trở thành “kinh sư”! Luôn tâm niệm lời nói của Chúa Giê-su sẽ giúp người môn đệ rút ra không ngừng những bài học mới mẻ cho những trường hợp mới xảy đến, đồng thời sẽ thấy rõ hơn kinh nghiệm riêng của mình có chỗ đứng thế nào trong kinh nghiệm chung của Giáo Hội.

*13,53 So sánh với Lc 4,14. X. phần bình giải Mc 3,31.

(Nguồn: tonggiaophanhanoi.org)