Chúa Giê-su Phục Sinh Cho Mọi Người – Lễ Vọng Chúa Phục Sinh – Năm A

CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH CHO MỌI NGƯỜI
LỄ VỌNG CHÚA PHỤC SINH – A

I. Bản Văn Tin Mừng

1 Chiều ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ.

 2 Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên;

3 diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết.

4 Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi.

5 Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh.

6 Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm,

7 rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người

đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay.”

8 Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.

9 Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người.

10 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”

II. Bối Cảnh Bản Văn[1]

Mt 28,1-10 nằm sau trình thuật về cuộc thương khó của Đức Giê-su là khung cảnh buồn với bóng tối bao phủ mặt đất hay bóng tối bao phủ tâm hồn người môn đệ của Đức Giê-su. Bởi vậy, bóng tối của cuộc thương khó báo hiệu ánh sáng của sự phục sinh của Đức Giê-su vì chính Đức Giê-su đã ba lần loan báo Người sẽ chịu chết và ba ngày sau sống lại. Trong chiều hướng đó, Tin Mừng Thứ Nhất thuật lại kinh nghiệm chứng kiến và được sai đi từ Chúa Phục Sinh.

III. Cấu Trúc Bản Văn

1. Thời gian: kết thúc ngày Sa-bát (x. Mt 28, 1a)

2. Ngày vừa ló rạng hai người phụ nữ đi viếng mộ [Theôrêsai] (x. Mt 28, 1b)

3. Thiên Thần loan báo Chúa Phục Sinh (x. Mt 28, 2-7) và biến cố các bà gặp Đức Giê-su Phục Sinh (x. Mt 28, 8-9)

4. Lệnh truyền của Đức Giê-su (x. Mt 28, 10

 IV. Phân Tích Bản Văn

Thời gian: kết thúc ngày Sa-bát (x. Mt 28, 1a). Mở đầu trình thuật về Tin Mừng Chúa Phục Sinh, Thánh sử Mát-thêu ghi nhận mốc thời gian: “sau ngày Sa-bát” (x. Mt 28, 1a). Ngày Sa-bát ám chỉ đến ngày Thiên Chúa hoàn thành công trình sáng tạo và nghỉ ngơi (x. St 2, 1-3), thì sau ngày Sa-bát là ngày thứ nhất trong tuần vén mở Thiên Chúa thực thi cuộc cuộc tạo dựng mới. Do đó, Thánh sử Mát-thêu ghi nhận chi tiết “sau ngày Sa-bát” mở ngỏ về một dự án trong tương lai.

Thủa xưa, Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ vạn vật từ hư vô (x. St 1, 2) thì sau ngày Sa-bát (x. Mt 28, 1a), công trình sáng tạo mới liên quan đến một nguời phụ nữ là Ma- ri-a Mác-đa-la.

Ngày vừa ló rạng hai người phụ nữ đi viếng mộ (x. Mt 28, 1b). Nếu như ngày Sa-bát là thời gian toàn dân tộc Do Thái nghỉ ngơi và thờ phượng Thiên Chúa theo lề luật, thì đó lại là thời gian buồn thảm của Ma-ri-a Mác-đa-la, bởi Thầy Giê-su của Bà đã chết tất tưởi trên thập giá (x. Mt 27). Nhắc đến Ma-ri-a Mác-đa-la là gợi lên bầu trời thương mến của một người phụ nữ trải nghiệm tình yêu của Đức Giê-su đã giải thoát bà khỏi bảy quỷ (x. Lc 8, 2). Bảy quỷ là hình ảnh ám chỉ tận cùng của sự dữ, thì chính Đức Giê-su đã đi đến tận cùng đó để giúp bà trở lại cuộc sống đời thường (x. Mc 16, 9; Lc 8, 2). Do đó, Đức Giê-su chính là động lực và hy vọng sống ý nghĩa của Ma-ri-a Mác- đa-la. Tuy nhiên, niềm hy vọng của bà bị dập tắt khi chứng kiến cái chết của Thầy trên thập giá (x. Mt 26, 56), để giờ đây nút thắt cuộc sống của Ma-ri-a Mác-đa-la càng siết chặt trong lòng. Nỗi buồn trong lòng đã thúc bách bước chân của bà viếng mộ Đức Giê- su khi trời vừa ló rạng. Tác giả Tin Mừng không diễn tả tâm trạng của Ma-ri-a Mác-đa- la trong đêm dài, nhưng với chi tiết “thời gian vừa ló rạng” tỏ lộ tấm lòng thương nhớ và cho phép người ta nghĩ đến một đêm cô đơn và tủi hờn. Lạ thường, sáng sớm là thời gian ánh bình minh mọc lên báo hiệu ngày mới tươi sáng, thế nhưng, sáng sớm hôm nay đối với Ma-ri-a Mác-đa-la hướng về mộ của Đức Giê-su. Nói đến mộ là khơi lên hình ảnh của người đã chết, thì Ma-ri-a Mác-đa-la hướng về người chết cũng chính là hướng về sự thất vọng và ngõ cụt của phận người. Bởi thế, nút thắt của Ma-ri-a Mác-đa-la không chỉ là sự đau đớn khi mất đi một người thân, nhưng bà đang mất đi nguồn nghị lực sống trong cuộc đời còn lại. Nếu như khi xưa Ma-ri-a Mác-đa-la mất định hướng bởi sự chế ngự của ma quỷ, thì nay bà lại rơi vào sự cô đơn thất vọng vì Đức Giê-su đã chết. Chính vì vậy, cuộc tạo dựng mới của Thiên Chúa liên quan đến một con người đã được chữa khỏi quyền lực mạnh nhất của ma quỷ lại là lý do Thần Học của Tin Mừng Mát-thêu, vì Thiên Chúa sẽ cứu độ con người khỏi quyền lực sự chết bởi sự phục sinh của Đức Giê-su.

Dưới lăng kính của kinh nghiệm đức tin cá vị của những người đã gặp Đức Giê-su Phục Sinh, Giáo Hội loan truyền và sống lại kinh nghiệm đó trong cuộc lữ hành đức tin của mình. Cụ thể, kinh nghiệm đức tin của Ma-ri-a Mác-đa-la hé mở sự kiện Đức Giê-su Phục Sinh đã hiện ra với bà.

Thiên Thần loan báo Chúa Phục Sinh (x. Mt 28, 2-7). Khi thiên thần xuất hiện, đất rung chuyển (x. Mt 18, 2a). Theo Kinh Thánh, “đất rung chuyển dữ dội là dấu hiệu về ngày của Thiên Chúa đến” (x. 24, 7; 27, 54; Lc 21, 11), thì ngày đó, “Mẹ Đất rùng mình quằn quại sinh con”[2] là dấu hiệu biến cố “Chúa Giê-su Phục Sinh mang tầm vóc vũ trụ, làm cho toàn thế giới rung chuyển”.[3] Mặt khác, Thánh sử Mát-thêu ghi nhận: “thiên thần đã lăn tảng đá ra khỏi mộ và ngồi lên trên”. Tấm đá có mục đích che lấp cửa mồ người đã chết thì nó mang ý nghĩa sự chết đang xiềng xích con người. Bởi vậy, Thiên Thần lăn tấm đá và ngồi lên trên nó hàm ý sự chết đã bị đánh bại và xác chết trong mồ đã được phục sinh. Trong chiều hướng đó, lính canh mồ sợ chết ngất (x. Mt 28, 4). Thế nhưng, đối với những người phụ nữ ra viếng mộ, thiên thần đã trấn an và loan báo Chúa Giê-su đã Phục Sinh. Quả thật, nỗi buồn và thất vọng của Ma-ri-a Mác-đa-la pha trộn với sự sợ hãi khi gặp thiên thần, nhưng trạng thái đó đã chuyển thành niềm vui khi các bà nghe tin Chúa đã sống lại. Tuy nhiên, niềm vui trào tràn phát xuất từ chính lời trấn an của Chúa Giê-su Phục Sinh hiện ra với các bà: “đừng sợ” (x. Mt 28, 10). Đừng sợ vì Thầy đang hiện diện trước chị em, Người đã thắng sự chết, là suối mát cho những u sầu. Thánh sử Mát-thêu diễn tả dụng ý Thần Học sâu sắc giữa cuộc gặp gỡ của những người phụ nữ với Chúa Phục Sinh. Tin Mừng Gio-an trình thuật lời của Đức Giê-su: “Đừng giữ Thầy” (x. Ga 20, 17), Mát-thêu ghi nhận các bà “ôm chặt chân Chúa [ἐκράτησαν – ekpatêsan] và bái lậy Người” (x. Mt 28, 9). “Ôm chân diễn tả các bà có kinh nghiệm cá vị đối với Đức Giê-su Phục Sinh”[4] hay “chứng thực Người không phải là ma”.[5] Nhưng trên hết, ôm chặt chân Chúa là dùng toàn bộ sức lực của con người đang u sầu siết chặt vào Đấng là nguồn cội của niềm vui giải phóng. Trước đây, Ma-ri-a Mác- đa-la đã đi theo sát cùng một hành trình với Đức Giê-su thì giờ đây bà ôm chân Chúa là ôm lấy định hướng của hành trình cuộc đời bà. Hay, nếu như đêm dài trong sự cô đơn vắng bóng hy vọng, thì giờ đây bà ôm niềm vui trào tràn là Chúa đã sống lại. Đồng thời, nếu đôi chân của Chúa Giê-su Phục Sinh là đôi chân đã không mỏi mệt đến các làng mạc (x. Lc 8, 1), thì ôm chặt đôi chân đó cũng chính là ôm chặt những con đường của Người. Như vậy, biến cố Chúa Giê-su Phục Sinh mang tầm mức của vũ trụ nhưng cũng chính là biến cố mang tính cách cá vị đối với những người phụ nữ thật lòng theo Chúa. Và đặc biệt, Ma-ri-a Mác-đa-la đã tìm được ý nghĩa của cuộc đời bà khi kinh nghiệm cụ thể về Thầy của mình bằng việc ôm chặt chân Đấng Phục Sinh để từ đó nối theo bước chân của Người, bà chuẩn bị lên đường thi hành sứ mạng của Chúa Phục Sinh.

Cuộc đời tàn úa của Ma-ri-a Mác-đa-la được tới đẫm bởi niềm vui Chúa Phục Sinh. Niềm vui đó là cuộc đụng chạm trực tiếp đến Chúa Phục Sinh của Ma-ri-a Mác- đa-la. Hay như Thánh Tiến Sĩ Thiên Thần bình luận: “họ ôm chân Chúa là để đón nhận sứ mạng của Đức Giê-su Phục Sinh”.[6]

Lệnh truyền của Đức Giê-su: “về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (x. Mt 28, 10). Sau khi kinh nghiệm cụ thể về Đức Giê-su Phục Sinh, các bà đã đón nhận sứ mạng loan báo cho “anh em” của Đức Giê-su đến Ga- li-lê để gặp Người. Lạ thường, “Đức Giê-su Phục Sinh gọi các môn đệ là ‘anh em’ hàm ý Người đã tha thứ cho sự phản bội ba lần của Phê-rô hay sự bỏ rơi Người trên thập giá của các môn đệ”.[7] Đồng thời, với lời nhắn đến Ga-li-lê của Đức Giê-su Phục Sinh gợi lại mảnh đất của dân ngoại, là nơi Đức Giê-su đã gọi những môn đệ đầu tiên trong hành trình loan báo Tin Mừng. Đặc biệt, địa danh Ga-li-lê liên quan đến chính Ma-ri-a Mác- đa-la, vì “Ga-li-lê gợi lại địa điểm bà theo bước Đức Giê-su trên hành trình rao giảng Tin Mừng (x. Lc 8, 2)”.[8] Quả thực, Ga-li-lê mang tính dụng ý Thần Học của Mát-thêu là loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho muôn dân tộc, thì Tin Mừng này cũng triệt để nơi mảnh đời của những con người tội lỗi thẳm sâu như Ma-ri-a Mác-đa-la. Hay, lệnh truyền trở về Ga-li-lê để gặp Chúa cũng chính là trở về với quá khứ để khám phá Chúa Giê-su Phục Sinh làm chủ lịch sử cuộc đời con người. Thế nên, trở về với quá khứ để khám phá ra Thiên Chúa đã hoạt động trong cuộc đời lại là chìa khoá khám phá ra sự hiện diện của Chúa Giê-su Phục Sinh.

“Nhìn ngắm Đức Ki-tô Phục Sinh với con mắt đức tin, con người được đổ tràn niềm hy vọng, dẫu có những đau khổ ê chề, những phi lí hay sự bất công. Niềm hy vọng giúp con người hiện hữu, vì hy vọng làm cho con người lao mình về phía của sự sáng, là Thiên Chúa”.[9] Nhìn ngắm những con người đang mất niềm hy vọng trong cuộc sống, ta nhận ra tương lai là màn đêm dày đặc bao phủ. Ma-ri-a Mác-đa-la là con người mất đi định hướng về cuộc sống, nhưng bà có được ánh sáng Chúa Phục Sinh làm cùng đích của bà. Lạ thường, lệnh truyền của Chúa Phục Sinh là hãy đến Ga-li-lê để gặp Người cũng chính là trở lại quá khứ để khám phá những ơn lành Chúa đã ban. Bởi vậy, người biết nhìn về quá khứ để nhận ra Thiên Chúa hoạt động trong cuộc đời sẽ cảm nhận được Chúa vẫn đang hiện diện bên cạnh, ngay cả trong đêm tối của đức tin cũng như trong đời sống thường ngày.

Tóm lại, sau ngày Sa-bát mở ngỏ một dự án của Thiên Chúa mạc khải cho những người phụ nữ. Ma-ri-a Mác-đa-la là người đàn bà tận cùng của sự bi đát đã được Chúa Giê-su Phục Sinh hiện tỏ lộ sứ điệp Người sẽ cứu độ tất cả những ai đang bần cùng và bi đát. Càng được yêu thương, Ma-ri-a Mác-đa-la càng siết chặt vào đôi chân của Đức Giê-su Phục Sinh để trải nghiệm đức tin cá vị của mình đối với Người. Thế nên, kinh nghiệm sống động của Ma-ri-a Mác-đa-la là chất liệu để truyền thống của Giáo Hội tin tưởng và xác quyết vào Đức Giê-su đã phục sinh đem lại nguồn hy vọng cho tất cả những ai đang sầu khổ và mất định hướng trên đường đời.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

Nguyễn Công Đoan – Sj, Tự Đáy Lòng – Tĩnh Tâm Với Tin Mừng Mát-Thêu, Tủ Sách An-tôn Và Đuốc Sáng, 2016.

Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Vinh, Những Gương Mặt Phụ Nữ Trong Kinh Thánh, nxb. Tôn Giáo, 2019.

P.X. Nguyễn Hai Tính – Sj., Giáo Trình Dẫn Nhập Ki-tô Học, nxb. Tôn Giáo, 2021.

Raymond Brown, A Risen Christ in Eastertime: Essays on the Gospel Narratives of the Resurrection (Collegeville, Minn: liturgical Press, 1991).

John Nolland, The Gospel of Matthew: A Commentary on the Greek Text (Bletchley, Milton Keynes: Paternoster Press, 2005).

Graig A. Evans, Matthew (New York: Cambridge University Press, 2012). Thomas Aquinas and Paul M. Kimball, Commentary on the Gospel of St.

Matthew (S.l.: Dolorosa Press, 2012).

Curtis Mitch and Edward Sri, The Gospel of Matthew (Grand Rapids, Mich: Baker Acad, 2010).


[1] Dẫn nhập: nghi thức phụng vụ Đêm Vọng Phục Sinh được cử hành trong khoảng thời gian muộn cùng với không gian đen tối của màn đêm. Bóng tối bao phủ bầu trời như màn đêm bế tắc của dòng đời con người không có niềm hy vọng. Trong đêm vọng, ngọn nến Phục Sinh loé lên như trung tâm điểm của toàn vũ trụ thì đó chính là định hướng đích thực của nhân loại.

Kết luận: những mảnh đời con người nhày nhụa không định hướng đối diện với bế tắc tận cùng, nhưng họ được phép hy vọng vào Đức Giê-su Phục Sinh, vì Người bao giờ bỏ rơi con người. Hay Người đến cứu độ và Phục Sinh vì con người.

[2] X. Nguyễn Công Đoan – Sj, Tự Đáy Lòng – Tĩnh Tâm Với Tin Mừng Mát-Thêu, Tủ Sách An-tôn Và Đuốc Sáng, 2016, tr. 227.

[3] Raymond Brown, A Risen Christ in Eastertime: Essays on the Gospel Narratives of the Resurrection (Collegeville,  Minn: liturgical Press, 1991), 28.

[4] John Nolland, The Gospel of Matthew: A Commentary on the Greek Text (Bletchley, Milton Keynes: Paternoster Press, 2005), 1340.

[5] Graig A. Evans, Matthew (New York: Cambridge University Press, 2012), 479.

[6] Thomas Aquinas and Paul M. Kimball, Commentary on the Gospel of St. Matthew (S.l.: Dolorosa Press, 2012), 1204.

[7]  Curtis Mitch and Edward Sri, The Gospel of Matthew (Grand Rapids, Mich: Baker Acad, 2010), 368.

[8] X. Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Vinh, Những Gương Mặt Phụ Nữ Trong Kinh Thánh, nxb. Tôn Giáo, 2019, tr. 299.

[9] X. P.X. Nguyễn Hai Tính – Sj., Giáo Trình Dẫn Nhập Ki-tô Học, nxb. Tôn Giáo, 2021, Tr. 296.

Facebook

Twitter

Email

Print

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org