Chiến thắng sự chết – Chúa nhật XIII Thường niên – Năm B

Trong những thập niên gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển với tốc độ khủng khiếp của khoa học và công nghệ. Chỉ cần nhìn vào sự phát triển của công nghệ thông tin thôi, chúng ta đã không khỏi ngạc nhiên về sự đổi mới từng ngày của nó. Chúng ta vui mừng trước sự phát triển của các ngành khoa học và công nghệ khi chúng phục vụ con người. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển đó là nó có thể khiến cho con người lầm tưởng rằng họ đã chinh phục được tất cả. Sẽ thật sai lầm khi nhiều người cho rằng rồi sẽ đến lúc con người chinh phục được mọi thứ và dần dần gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống của họ.

Phải thừa nhận rằng con người đã chinh phục được nhiều thứ thuộc nhiều lãnh vực nhưng có một mối ưu tư lớn nhất cho phận người qua mọi thời đại là sự chết thì con người vẫn chưa chinh phục được. Y học có phát triển nhanh ra sao và đạt tới mức độ nào đi nữa thì vẫn bất lực trước cái chết. Biết bao nỗ lực cả về vật chất và tinh thần để tìm ra phương thuốc cứu con người ta khỏi sự chết nhưng kết quả vẫn là con số không tròn trĩnh. Và cho đến giờ phút này, cái chết vẫn là một rào cản không thể vượt qua đối với con người. Sự bất lực trước cái chết vẫn là một nỗi băn khoăn chưa có lối thoát của con người, nó khiến cuộc sống của họ trở nên kém vui.

Ông trưởng hội đường và người đàn bà bị băng huyết trong bài Tin Mừng hôm nay cũng ở trong tình trạng bất lực trước bệnh tật và cái chết. Thánh Mác-cô kể về người cha của cô con gái ốm nặng đã đến với Đức Giê-su trong sự buồn sầu và van xin “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống” (Mc 5,23). Lời van xin này chứa đựng cả nỗi buồn và sự bất lực của người cha trước tình trạng nguy kịch của con mình. Thánh sử cũng kể cho chúng ta nghe tình trạng đau buồn của người đàn bà bị băng huyết là “bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang” (Mc 5,26). Những lời ngắn ngủi này cho ta thấy tình trạng khốn khổ của người đàn bà.

Chứng kiến tình cảnh khốn khổ của hai con người này, Chúa Giê-su đã chạnh lòng thương và ra tay cứu chữa họ. Ngài để cho năng lực từ nơi mình phát ra để chữa lành người đàn bà bị băng huyết. Ngài đến tận gia đình ông trưởng hội đường, đi vào tận chỗ bé gái đã chết, cầm tay và nâng em trỗi dậy. Một loạt hành động gần gũi và yêu thương của Đức Giê-su cho ta thấy Ngài thực sự hiểu nỗi đau và sự bất lực của con người khi đứng trước bệnh tật và cái chết. Thiên Chúa không bao giờ là tác giả của những điều này (Bài đọc 1). Trái lại, Ngài đã đến trần gian để cứu chữa những người đau ốm và nâng kẻ chết trỗi dậy. Qua sự chết và Phục sinh của mình, Chúa Giê-su đã chiến thắng hoàn toàn sự chết và ban cho con người sự sống vĩnh cửu.

Chúng ta cùng tạ ơn Chúa vì Ngài đã giúp nhân loại vượt qua được một chướng ngại khủng khiếp nhất của phận người là cái chết. Không những thế, Ngài còn ban cho chúng ta món quà là sự sống vĩnh cửu khi chúng ta trung thành bước đi theo Ngài. Nếu Thiên Chúa đã chiến thắng sự chết và ban sự sống vĩnh cửu cho chúng ta thì đến lượt mình, chúng ta cũng phải trao ban sự sống cho anh chị em chúng ta. Hãy suy nghĩ những điều tích cực để rồi tự bản thân mình, chúng ta sẽ phát ra những năng lượng tích cực, mang lại niềm vui và sức sống cho những người chúng ta gặp gỡ. Hãy nói những lời trao ban sự sống bằng cách khuyên nhủ, khuyến khích và nâng tầm hồn người khác lên. Hãy làm tất cả những gì tốt đẹp trong khả năng của mình để giúp đỡ người khác, đóng góp cho công ích và làm cho thế giới này ngày càng tốt đẹp hơn. Bằng cách suy nghĩ, nói năng và hành động hướng về sự sống, như thế thế giới chắc chắn sẽ đẹp hơn và Nước Thiên Chúa sẽ ngày càng tỏ lộ cách rõ ràng hơn nơi trần thế này.

Lm. Phê-rô Trần Quang Diệu
Trích Nội san Nhà Chung, Số 16 (Tháng 5/2024)

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org