Đặt mình vào hoàn cảnh của nhà Gia-cóp, cụ thể là dân Ít-ra-en và Ép-ra-im, hay của chính anh Ba-ti-mê con ông Ti-mê trong Tin Mừng Mác-cô hôm nay, chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui có Chúa. Có Chúa là Cha, chúng ta là con, Cha lo cho con cái. Có Chúa mọi sự sẽ trở nên tốt lành.
Chúa là niềm vui của Ít-ra-en
Khi dân Ít-ra-en bị bắt đi lưu đày ở Ba-by-lon trở về, người trung thành với Chúa chỉ còn là số ít, họ quá yếu đuối, nghèo nàn và dễ bị tổn thương, đến nỗi không có phương tiện trở về, từ phương Bắc không thể tự giải thoát. Họ là những kẻ trở về để xây dựng đất nước: “trong chúng có kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ”. Bàn tay xây dựng lại Ít-ra-en là những kẻ đui mù, chứ không phải các thanh niên cường tráng! Làm thế nào họ có được khả năng xây dựng lại quốc gia? Thanh niên, người khỏe mạnh đã bị đế quốc tiêu diệt trong các lao động khổ sai. Họ phải cáng đáng công việc xây dựng lại quê hương.
Trong lúc cùng đường bế tắc như thế Giê-rê-mi-a tuyên sấm: Đây Chúa phán: Hỡi Gia-cóp, hãy hân hoan vui mừng! ” (Gr 31, 7). Không thể vui mừng sao được khi mình đang đui mù, què quặt, mang thai nay có được Thiên Chúa toàn năng trợ giúp dẫn dắt trở về: “Đây, Ta sẽ dẫn dắt chúng từ đất bắc trở về, sẽ tụ họp chúng lại từ bờ cõi trái đất: trong bọn chúng sẽ có kẻ đui mù, què quặt, mang thai và sinh con đi chung với nhau, hợp thành một cộng đoàn thật đông quy tụ về đây” (Gr 31, 8). Theo Dianne Bergant: “Phụ nữ mang thai và các bà mẹ tuy yếu ớt, dễ bị tổn thương nhưng cũng là biểu tượng của phong phú và hy vọng. Họ nắm giữ tương lai trong bản thân mình. Khi họ rời bỏ chốn lưu đày về đất hứa, họ mang theo khả năng sinh sản và khởi sự một tương lai mới“.
Đúng là người công chính, đạo đức thực thi công bình, bác ái, sống thánh thiện siêu nhiên, mặc cho thế giới này sa đọa đến đâu, mặc cho gièm pha độc ác của kẻ giả hình, những vẫn khao khát tìm gặp và cậy dựa vào Chúa, người ấy sẽ có được niềm vui lớn lao. Anh mù thành Giê-ri-khô, tên là Ba-ti-mê trong Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng.
Chúa Giêsu là niềm vui của anh Bartimê
Anh Ba-ti-mê mù lòa, nghèo khổ, gặp được hạnh phúc thật nhờ Chúa Giê-su. Anh thiếu hai điều: cái nhìn thể lý và khả năng tìm kiếm công ăn việc làm để kiếm sống, nên buộc anh phải đi ăn xin. Anh cần sự giúp đỡ và anh ngồi bên vệ đường lối vào thành Giê-ri-cô, nơi có nhiều người qua lại.
May mắn cho anh, một hôm chính Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một số người khác đã đi ngang qua đó. Chắc chắn anh mù đã từng nghe nói về Chúa Giê-su, là Đấng đã làm nhiều phép lạ, Đấng ấy đang đến gần anh ta, chớp thời cơ, anh kêu lên: “Hỡi Con vua Đa-vít, xin thương xót tôi!” (Mc 10, 47). Đối với những người đang đi theo Chúa thì tiếng kêu của anh mù thật khó chịu. Nhưng lời kêu xin lớn tiếng của anh chứng tỏ anh khao khát gặp Chúa lắm. Lời ấy vang tới tai và động đến tâm hồn Chúa Giê-su. Người muốn đáp ứng lời van xin của anh mù ăn mày này, nên truyền gọi anh đến đến và chữa lành anh ta.
Lập tức anh mù được đối diện với Con vua Đa-vít. Giây phút quyết định là sự khát khao gặp gỡ cá nhân, trực tiếp, giữa Chúa với người đang đau khổ. Hai người đối diện nhau: Thiên Chúa với ý muốn chữa lành và con người với ước ao được chữa lành. Hai sự tự do và hai ý chí đều hướng về một điểm. Cuộc đối thoại bắt đầu kẻ hỏi người thưa, “Chúa Giê-su nói với anh: “Anh muốn Ta làm gì cho anh? “Người mù đáp: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy” Chúa ra lệnh: “Con hãy đi! Ðức Tin con đã cứu chữa con!” (Mc 10,51) Lập tức Chúa Giê-su cho anh thấy, anh hết sức vui mừng và đi theo Chúa.
Anh đã đổi đời khi quyết định chọn cho mình một lối đi mới là đi theo Chúa Giê-su trên chính con đường của Chúa chứ không còn theo con đường của anh từ nhà đến vệ đường mà anh đã gắn chặt nhiều năm để làm kế sinh nhai. Anh buông bỏ vệ đường, áo choàng, bỏ lại sự bám víu vào lòng hảo tâm của người qua kẻ lại… để bám chặt lấy Chúa Giê-su. Động lực đời anh không còn ngồi ăn nữa nhưng là vui bước bên Giê-su.
Gặp gỡ Đức Ki-tô biến đổi cuộc đời mình
Anh Ba-ti-mê đã gặp gỡ Giê-su, một cuộc gặp gỡ tuyệt đẹp và đáng giá vì làm thay đổi tận căn cuộc đời anh. Anh có nhiều khát vọng, nhưng một khát vọng trung tâm và chủ đạo chi phối đời anh là gặp Chúa Giê-su. Đời sống của chúng ta cũng vậy, khát vọng Thiên Chúa của ta phải là khát vọng hướng dẫn mọi khát vọng khác. Nếu không, thân xác, tâm trí, tâm hồn và linh hồn ta sẽ trở thành kẻ thù của nhau và đời sống nội tâm của ta trở nên hồn độn, đưa ta tới chỗ thất vọng.
Nếu ta chúng ta nuôi dưỡng khát vọng gặp Chúa Giê-su, thì khao khát đó sẽ được chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Chỉ có lòng khao khát gặp gỡ và sự chờ đợi lâu ngày mới cảm nhận niềm vui có Chúa và để Chúa biến đổi đời ta.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: