(Is 2, 1-5; 1 Tm 2, 4 – 6; Mc 16, 15-20)
Truyền giáo không phải là điều gì mới mẻ, cũng không phải là việc thích thì làm, mà là lệnh truyền của Chúa Giê-su cho các tông đồ và những đấng kế vị. Lệnh truyền này không chi dành riêng cho các Tồng đồ, cho hàng Giáo sĩ và Tu sĩ mà là cho hết mọi người Ki-tô hữu chúng ta, vì mục đích đầu tiên của Giáo hội khi được Chúa Giê-su thiết lập là truyền giáo.
Giáo hội tự bản chất là truyền giáo.
Nếu như I-sai-a con trai A-mốt được thị kiến: “Các dân nước sẽ đổ xô về núi Chúa… trong ngày sau hết” (x. Is 2, 1-5). Thánh Phao-lô cho người con tình thần của mình biết: “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi” (x.1 Tm 2, 4 – 6). Cả bốn sách Tin Mừng đều nêu bật ý nghĩa của việc truyền giáo, nội dung sứ vụ mà Chúa Giê-su trao cho Giáo hội chứng tỏ bản chất của Giáo hội là truyền giáo. Chính Chúa Giê-su Phục sinh đã nói với các tông đồ nơi Phòng Tiệc Ly như sau: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21). Đến lượt Chúa Con cũng sai Giáo hội ra đi cho đến tận cùng trái đất. Ðây là sứ điệp duy nhất phát xuất từ Thiên Chúa gửi đến hết mọi người ngõ hầu họ được cứu chuộc và trở nên con cái Thiên Chúa.
Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô nói: “Không ai được ngưng nghỉ việc này, vì là bổn phẩn khẩn thiết của ngày hôm nay”. Đức cố Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI đã nhấn mạnh: Sứ vụ truyền giáo là “bổn phận của toàn thể Giáo hội”, vốn “tự bản chất là thừa sai” (Ad gentes, 2). Trích dẫn lời Đức Phao-lô VI, ngài tiếp: “Giáo hội hiện hữu để truyền giáo, để giảng thuyết và giáo huấn, để làm máng chuyển quà tặng của các ân sủng, để hòa giải các tội nhân với Thiên Chúa, để trường tồn hy lễ của Chúa Ki-tô trong Thánh lễ, đó là việc tưởng niệm cuộc tử nạn và phục sinh vinh hiển của Người”.
Truyền giáo là bổn phận chính yếu của người Ki-tô hữu
Tất cả những người đã chịu phép rửa tội phải thi hành nhiệm vụ truyền giáo. Điều này không có ý nói họ phải đi thật xa. Những nơi nào có họ, họ phải truyền giáo, vì chính Chúa Giê-su yêu cầu: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật” (Mc 16, 15). Thánh Phao-lô kêu lên: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9, 16).
Truyền giáo không phải là một thứ thêm vào cho đời sống Giáo hội nhưng là tâm điểm của đức tin Ki-tô giáo. Truyền giáo là bổn phận chính yếu của mọi người Ki-tô hữu.
Chúng ta được mời gọi phải truyền giáo, bởi vì, đây là ý muốn của Thiên Chúa, Người muốn cho mọi người nhận biết chân lý và được cứu độ nhờ việc tin vào Đức Giê-su Ki-tô (x. 1 Tm 2,4). Hoạt động truyền giáo nhằm phục vụ chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đồng thời cũng nhằm phục vụ con người.
Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Ad Gentes cho rằng: “Bản chất Giáo hội là truyền giáo.” (AG, 2.) Giáo hội được thành lập để truyền giáo.
Hãy ra đi mời gọi mọi người vào
Trong sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền giáo 20/10/2024, với chủ đề “Hãy đi ra và mời gọi tất cả mọi người vào tiệc cưới”, Đức Phan-xi-cô mời gọi mỗi Ki-tô hữu cùng nhau làm nên một Giáo hội hiệp hành – truyền giáo, đi ra và dấn thân, trong hoàn cảnh sống của mình, cho việc loan báo Tin Mừng: “Tất cả chúng ta, những người đã được rửa tội, hãy sẵn sàng bắt đầu lại, mỗi người tùy theo hoàn cảnh sống của mình, để phát động một phong trào truyền giáo mới, như vào buổi bình minh của Ki-tô giáo!”. Ngài cũng không quên nhắc nhớ đây là một sứ mạng cho “tất cả mọi người“, “khẩn trương nhưng cũng hết sức tôn trọng và tử tế. Sứ mạng mang Tin Mừng đến với mọi thụ tạo nhất thiết phải mang phong cách của Đấng được loan báo … luôn luôn với sự gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng“. Luôn trong ý thức rằng “trong khi thế giới đề nghị những “bàn tiệc” khác nhau về hưởng thụ, phúc lợi ích kỷ, tích lũy, chủ nghĩa cá nhân, thì Tin Mừng kêu gọi mọi người đến với bàn tiệc của Thiên Chúa, nơi ngự trị niềm vui, sự chia sẻ, công lý, tình huynh đệ, trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với người khác“.
Hồi Đồng Giám Mục Việt Nam sau Hội nghị thường niên kỳ II năm 2024 tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao Giáo phận Phan Thiết, từ ngày 16 đến ngày 20 tháng 9 năm 2024, đã đưa ra định hướng mục vụ cho Hội Thánh tại Việt Nam trong năm 2025, là năm “Cùng nhau loan báo Tin Mừng”. Khi lặp lại lệnh Chúa Giê-su truyền và ý của Thánh Công đồng Va-ti-ca-nô II, các ngài xác định: Loan báo Tin Mừng là lệnh truyền của Đấng Cứu thế: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19); “Tự bản tính, Hội Thánh lữ hành là truyền giáo” (Ad gentes 2). Đồng thời đưa ra những hướng dẫn thực hành sau:
1. Hành hương cầu nguyện lãnh bí tích Hòa giải.
2. Loan báo Tin Mừng từ gia đình.
Mỗi cá nhân, mỗi gia đình hãy nhiệt thành sống và làm chứng cho Tin Mừng. Đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đức tin cho người trẻ. Sống bác ái với anh chị em thuộc các tín ngưỡng, tôn giáo khác. Nỗ lực giao hòa, tha thứ, tha “nợ” cho nhau.
3. Khuyến khích sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số cách sáng tạo và hữu hiệu để loan báo Tin Mừng.
4. Khơi dậy ý thức truyền giáo nơi các cộng đoàn anh chị em di dân.
5. Chia sẻ ơn gọi thừa sai.
Lạy Mẹ Ma-ri-a, Ngôi Sao truyền giáo, xin cầu thay nguyện giúp cho Hội Thánh được thêm đông số và ngày càng thêm nhiều con cái. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: