Bối cảnh lịch sử thành lập ĐCV Hà Nội

Trước năm 1954, hệ thống Chủng viện của Địa phận Hà Nội được xây dựng một cách hoàn chỉnh. Cả hai chương trình Triết và Thần học đều được giao cho các cha giáo sư người Pháp thuộc tu hội Xuân Bích (Saint-Sulpice) đảm nhận nên được đặt tên là Đại Chủng viện Xuân Bích. Về chương trình Tiểu Chủng viện thì vào năm 1952, Đức cha Giu-se Ma-ri-a Trịnh Như Khuê đã mua lại khu nhà Lacordaire[1] ở gần sân Quần Ngựa để thành lập Chủng viện Pi-ô XII, thay thế cho Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên đã không thể tiếp tục hoạt động vì chiến tranh. Đức cha giao cho cha chính Phê-rô Nguyễn Huy Mai, người mới đi du học Pháp về, làm Giám đốc Tiểu Chủng viện.

Biến cố di cư năm 1954 đã làm gián đoạn chương trình đào tạo. Đại Chủng viện Xuân Bích và Tiểu Chủng viện Pi-ô XII đều phải di cư vào Nam với hy vọng là sau hai năm sẽ có tổng tuyển cử, theo Hiệp định Genève, và có thể trở về lại. Nhưng với những biến động của lịch sử, đất nước bị chia cắt nên không thể trở về được, Đại Chủng viện Xuân Bích đã chuyển hẳn ra Huế vào năm 1962, còn Tiểu Chủng viện Pi-ô XII vẫn tiếp tục đào tạo các thầy của Hà Nội cho đến năm 1966 thì cũng ngừng hoạt động, các cha và các thầy tùy chọn gia nhập vào các Giáo phận phía Nam.

Tại Hà Nội, sau biến cố di cư, năm 1955, Đức cha G.M Trịnh Như Khuê đã thành lập Tiểu Chủng viện Thánh Gio-an tại cơ sở Tràng Tập cũ với gần 200 học sinh. Cha Giám đốc tiên khởi của Tiểu Chủng viện Gio-an là Giu-se Kiều Năng Lợi rồi sau là cha Phao-lô Phạm Đình Tụng. Cùng với việc thành lập Tiểu Chủng viện, vào năm 1956, Đức cha cũng tập trung một số thầy đã học xong chương trình Tiểu Chủng viện hay Tú tài về trường Dũng Lạc học Triết học và Thần học. Lớp này chỉ có năm thầy của Địa phận Hà Nội và ba thầy của Địa phận Thanh Hóa, được giao cho cha Chính Gio-an B. Nguyễn Văn Vinh phụ trách.

Thật đáng tiếc là cả Tiểu Chủng viện Gio-an cũng như lớp Thần học này đều bị ngưng hoạt động vào năm 1960, các thầy phải trở về gia đình. Kể từ thời điểm đó, công việc đào tạo linh mục tương lai của Địa phận dường như rơi vào bế tắc, trong khi các cha lớn tuổi còn lại trong Địa phận ngày càng già yếu và qua đi mà không có người thay thế. Tưởng cũng nên biết, lúc bấy giờ cả Địa phận có những lúc chỉ còn hơn 20 cha trong khi cánh đồng truyền giáo thì rất mênh mông. Trong bối cảnh khó khăn đó, Đức cha Khuê đã bí mật giao các thầy cho một số cha đào tạo từng nhóm tại các giáo xứ. Thời kỳ đó, Địa phận Hà Nội có một số thầy đang du học ở nước ngoài, một số đang tiếp tục học ở Chủng viện Pi-ô XII trong Sài Gòn, một số khác được đào tạo trong Địa phận mà không có một cơ sở cố định.

Trong hoàn cảnh dường như bế tắc, không biết tương lai ngày mai ra sao, Bề trên Địa phận chợt nhớ tới câu chuyện về thánh Tê-rê-xa A-vi-la khi ngài cải tổ các Đan viện Carmel. Trong khi thực thi sứ vụ quan trọng này, hễ khi nào gặp khó khăn, thánh nữ đều giao phó cho thánh Giu-se lo liệu. Bởi đó, có đến 13 trên 17 đan viện do ngài cải tổ, ngài chọn thánh Giu-se làm quan thầy. Thánh nữ có niềm tin mãnh liệt rằng thánh Giu-se sẽ giúp vượt qua những việc khó khăn nhất. Noi gương thánh nữ Tê-rê-xa A-vi-la, vào đúng thứ Bảy Tuần Thánh, ngày 16 tháng 4 năm 1960, Đức cha Giu-se Ma-ri-a Trịnh Như Khuê đã chọn Thánh Giu-se làm Quan thầy Đại Chủng viện Hà Nội như muốn phó thác hoàn cảnh khó khăn này cho Thánh Giu-se lo liệu.

Năm 1973, một tia hy vọng đã bừng lên khi Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27 tháng 01, chấm dứt chiến tranh ở miền Bắc. Vào ngày 14 tháng 02 cùng năm, một phái đoàn của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do ông Xuân Thủy dẫn đầu, đã tới Rô-ma và được Đức Thánh Cha Phao-lô VI tiếp kiến. Sau cuộc gặp gỡ này, người ta thấy một số tín hiệu cởi mở từ phía Nhà Nước. Theo đó, vào ngày 13 tháng 7 cùng năm, lần đầu tiên kể từ năm 1959, các linh mục Giáo phận Hà Nội được về Tòa Tổng Giám mục để tĩnh tâm. Vào tháng 9 năm đó, Chính quyền đồng ý cho 11 thầy trước đã học ở Tiểu Chủng viện Thánh Gio-an được về tiếp tục chương trình đào tạo để làm linh mục. Vì các lý do riêng, chỉ có 9 thầy có thể về tập trung. Đức Tổng Giám mục giao cho Đức cha Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn làm Giám đốc còn cha Giu-se Trần Văn Mai phụ trách trực tiếp các thầy.

Mặc dù được mở lại Đại Chủng viện, nhưng với tình thế khó khăn lúc bấy giờ, các Đấng Bề trên vẫn không biết Chủng viện có thể tồn tại bao lâu! Các thầy được về học đấy nhưng không biết liệu sau đó có được chịu chức không? Ngay cả khi được chịu chức thì không biết sau đó các cha mới có được đi về các xứ không? Mặc dù đối diện với nhiều ưu tư như vậy, nhưng các đấng vẫn luôn tin tưởng vào quyền năng của thánh Giu-se. Ngài sẽ dẫn đưa công cuộc đào tạo hàng giáo sĩ của Địa phận Hà Nội tới một tương lai tươi sáng. Và quả đúng như vậy, nhìn lại chặng đường 50 năm đã qua của Đại Chủng viện Thánh Giu-se Hà Nội, chúng ta mới nhận ra sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa qua sự bảo trợ tuyệt vời của Thánh Giu-se, quan thầy Đại Chủng viện.


Lm. Tô-ma A-qui-nô Nguyễn Xuân Thủy

Trích Nội san Nhà Chung, Số 12 (Tháng 01/2024)

[1] Nay là Bệnh viện Lao trung ương ở đường Hoàng Hoa Thám.

Post Views: 96