Bài đọc I trích sách Đệ Nhị Luật (Đnl 18, 15-20), cho thấy Thiên Chúa đã đáp ứng nguyện vọng của Dân Chúa mà cắt đặt Môi-sen làm sứ ngôn của Đức Chúa, vị ấy sẽ là trung gian giữa Thiên Chúa với con người. Chúa phán: “Ta sẽ gầy dựng giữa anh em của họ một tiên tri như ngươi ” (Đnl 18, 15); Chúa sẽ đặt vào miệng vị đó những lời của Chúa, vị ấy sẽ nói cho dân lệnh Chúa truyền. Và nếu kẻ nào không nghe lời của Chúa qua miệng người ấy nói nhân danh Chúa, kẻ ấy sẽ chuốc lấy hậu quả thích đáng, như Chúa quả quyết: “Chính Ta, Ta sẽ tính số với nó” (Đnl 18, 19). Từ chối Môi-sen hay một tiên tri là từ chối chính Chúa. Phần các ngôn sứ cũng hết sức cẩn thận, vì Chúa cũng tính sổ với vị tiên tri nào tự phụ, nhân danh Chúa mà nói lời Chúa không truyền phải nói, hoặc nhân danh các thần khác mà nói. Chúa tuyên bố: “Nó sẽ chết” (Đnl 18, 20).
Qua đoạn sách Đệ Nhị Luật, phụng vụ giúp chúng ta đọc lời nói đầu thể hiện sứ vụ công khai của Chúa Giê-su, Người hơn cả hơn Môi-sen: “Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền” (Mc 1,22), Người là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1, 24).
Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa không những chỉ xuống thế làm người trên mặt đất này, mà còn để cho con người nhìn thấy; Người không chỉ có sinh ra, nhưng còn để con người biết đến, kính tin và thờ lạy. Nay thi hành sứ mạng công khai, Người lại cấm một số trường hợp không được tiết lộ cho người khác biết Người là ai. Câu hỏi được đặt ra: Nếu Người muốn mọi người tin, tại sao Người lại cấm? Phải chăng Chúa Giê-su chưa tự tin? Thật ra, đây là vấn đề được gọi là “bí mật Mê-si-a” trong Tin Mừng Mác-cô.
Chúa Giê-su cấm ma quỷ tiết lộ về Người vì chúng biết Người là ai. Vậy, mục đích của việc giữ bí mật này là gì?
Quả thật, ma quỷ biết Chúa Giê-su là ai. Thậm chí chúng biết Chúa Giê-su hơn cả các môn đệ, bởi vì chỉ có ma quỷ mới dùng danh hiệu “là Đấng Thánh của Thiên Chúa” để nói về Chúa Giê-su (Mc 1,24.). Thánh Mác-cô không nói cho chúng ta biết động cơ nào khiến ma quỷ kêu lên lớn tiếng khi gặp Chúa Giê-su. Chúa Giê-su luôn ra lệnh cho ma quỷ phải im, dù với bất cứ động cơ nào. Mặc dù Chúa Giê-su không giải thích lý do tại sao Người làm thế, nhưng chúng ta có thể hiểu.
Thứ nhất, các luật sĩ đã từng gán cho Chúa Giê-su là có liên hệ với “quỷ vương Bê-en-dê-bun” (Mc 3,22). Vì thế, nếu Chúa chấp nhận lời chứng của ma quỷ, thì dù dưới bất cứ hình thức nào, đều trở thành bằng chứng để các đối thủ lên án Người.
Thứ hai, chấp nhận lời chứng của ma quỷ về căn tính của Người có thể khiến các môn đệ Chúa sau này cũng chấp nhận lời chứng của ma quỷ về những việc khác. Điều này sẽ nguy hại đến tính chính danh của Chúa Giê-su.
Thứ ba, toàn bộ sứ mạng của Chúa Giê-su là lời mời gọi tin, dựa trên các dấu chứng, chứ không phải dựa trên việc thể hiện quyền năng. Vì thế, việc ma quỷ tìm cách tiết lộ danh tính của Chúa Giê-su trước thời hạn có thể được xem như là cách chúng chen ngang và phá hỏng chương trình Chúa Cha đã định sẵn của Chúa Giê-su. Người trục xuất chúng và ra lệnh cho chúng phải “im đi và ra khỏi người này!” (Mc 1,25) Qua việc trục xuất ma quỷ mà không cho chúng nói, Chúa Giê-su mời gọi đám đông “hãy nhìn xem và hãy tin rằng Nước Thiên Chúa đã đến rồi”.
Việc trục xuất thần ô uế ra khỏi người bị nó ám được coi như cuộc chiến giữa Chúa Giê-su và thần dữ. Cuộc chiến vẫn tiếp tục trong cơn co giật của bệnh nhân đang bị dằn vặt dữ dội và kêu lớn tiếng. Sức mạnh của Chúa Giê-su làm chủ sự dữ là những cái con người đang bị nắm giữ với lo âu sợ hãi.
Giờ đây, bức màn che dậy được vén lên, mầu nhiệm của Chúa Giê-su và “bí mật” của Người hé mở: Đây là một giáo lý mới! Có thể đây là thời thiên sai mới chăng? Chúa Giê-su có thật là Đấng Mê-si-a không? Người truyền cho các thần ô uế và chúng vâng theo; chứng tỏ Người mạnh hơn Sự dữ. Nhưng chính ma quỉ nhập nhằng khi tỏ lộ về thân thế Chúa Giê-su, thì chính Chúa bắt nó: “Im đi ! ” (Mc 1, 25).
Chúng ta cũng thế, khi ta hoang mang về sự sinh tồn của mỗi chúng ta, và thấy các cuộc chiến giữa Sự Thiện và Sự Ác xảy quanh ta và trong chúng ta, chúng ta tự đặt câu hỏi: Chúa Giê-su là ai đối với cá nhân tôi và toàn thể nhân loại?
Đời sống người Ki-tô hữu là một cuộc chiến không ngừng chống lại cám dỗ và loại trừ sự dữ. Chúng ta cố gắng sống theo Chúa Giê-su, thì sẽ không bao giờ nô lệ cho bản năng và ma quỉ. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: